Chúa Nhật 14 Thường Niên A
Chúa Giêsu giảng dạy về đời sống đức tin và siêu nhiên và cả cách sống nhân bản. Những ai học theo giáo huấn của Chúa sẽ trở thành con người sống dễ thương, dễ mến và nhờ đó sẽ thành công trong cuộc đời.
Sứ điệp nhân bản Chúa dạy hôm nay: “Anh em hãy học với Tôi, vì Tôi hiền lành và khiêm nhường”.
- Hiền lành là dịu dàng, ngọt ngào, không thô bạo, không cứng cỏi. Hiền lành là nhân đức bao gồm tâm thế bên trong và phản ứng bên ngoài. Tâm thế bên trong luôn êm ái, hoà nhã, nghĩ tốt về người khác, yêu thương, khoan dung, thông cảm; phản ứng bên ngoài luôn nhẹ nhàng, tôn trọng. Người ở hiền sẽ có hậu: “Ở hiền gặp lành”, “Cha mẹ hiền lành để đức cho con”.
- Khiêm tốn là chấp nhận đứng thấp, ở dưới như Gioan Tẩy Giả “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé lại”. Khiêm tốn thể hiện qua lời nói cử chỉ hành động cách chân thành. Người khiêm tốn luôn biết lắng nghe, tìm thấy cái tốt nơi người khác.
Chúa Giêsu hiền lành, dễ thương trong lời nói và việc làm. Người luôn yêu thương mọi người. Lời nói và hành động của Chúa luôn toả ra sự dịu dàng, nâng đỡ, khích lệ, ủi an. Chúa không nặng lời, không kết án, nhưng luôn yêu thương. Người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, Chúa Giêsu chẳng những dễ thương với người phụ nữ mà còn dễ thương đối với những người đã tố cáo chị nữa. Họ tự cho mình là công chính. Chúa Giêsu chỉ thinh lặng cúi xuống dùng ngón tay viết lên cát. Bị hỏi mãi Chúa mới trả lời: “Ai trong các ông sạch tội, hãy ném đá trước đi”. Họ rút lui bắt đầu từ những người lớn tuổi. “Tôi cũng không kết án chị đâu, chị hãy ra về và từ nay đừng phạm tội nữa” (x.Ga 8, 1-11).
Chúa Giêsu dạy hãy sống hiền lành, dễ thương. Người khuyên chúng ta bắt chước người mục tử trong dụ ngôn “Con chiên lạc” (Lc 15, 4-7); người mục tử không hề đánh đập, giận dữ, quát tháo, hay kéo lê con chiên lạc về mà lại tử tế đặt nó lên vai mình, vác về đàn. Chúa Giêsu cũng khuyên chúng ta bắt chước người cha trong dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” (Lc 15, 11-32); người cha không mắng chửi đứa con nhiều lầm lỗi trở về, cũng không nóng nảy, không xua đuổi mà lại ôm hôn con và dọn tiệc ăn mừng. Còn rất nhiều câu chuyện trong Phúc âm kể về sự hiền lành, dễ thương của Chúa Giêsu.
Hiền lành và khiêm nhường nơi Chúa Giêsu là luôn tự ý bước xuống và trút bỏ vinh quang. Thánh Phaolô viết: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa.Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá” (Pl 2, 6-8).
Vì Thiên Chúa khiêm nhường luôn tìm đường đi xuống nên những ai kiêu căng, tìm cách nâng mình lên sẽ chẳng bao giờ gặp được Người. Thiên Chúa khiêm nhường nên chỉ ai khiêm nhường, nhỏ bé mới gặp được Người. Vì thế, Chúa Giêsu đã “ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp lòng Cha” (Mt 11, 25-26).
Hãy ghi danh vào học trường Giêsu. Hãy học bài học hiền lành, dễ thương, không những chúng ta sẽ gặp được Thiên Chúa mà Người sẽ rũ sạch mọi vất vả, âu lo và chúng ta sẽ tìm được nguồn bình an cho tâm hồn.
Augustinô là một thanh niên có tư chất thông minh nhưng lỡ đi lạc đường. Về phương diện trí thức, Augustinô ỷ mình thông thái, dùng kiến thức của mình để truy tìm những học thuyết uyên bác. Kết quả là lạc vào bè rối Manikê. Về phương diện luân lý, Augustinô sống buông thả theo những đòi hỏi của xác thịt, kết quả là một cuộc sống tội lỗi. Thế rồi một hôm, trong lúc tâm hồn đang trống rỗng, vô vị, Augustinô bỗng nghe một tiếng nói từ đâu đó vang lên: “Tolle et lege” (hãy cầm lấy và đọc). Augustinô thấy trước mặt một cuốn Kinh Thánh, Ngài cầm lên, mở ra và gặp ngay đoạn thư Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Rôma: “Đừng sống theo xác thịt nữa, mà hãy sống theo Thánh Thần”. Cuộc hoán cải của Augustinô đã được dọn đường nhờ sự cầu nguyện và hãm mình của mẹ Ngài là thánh Monica, nhưng chính câu Thánh kinh này là yếu tố quyết định thay đổi cuộc đời Thánh nhân. Trở nên một giáo phụ, một triết gia, một thần học gia, một vị thánh lỗi lạc, rất mực thánh thiện của Giáo hội, Augustinô nhờ việc học hỏi về Chúa Giêsu qua Thánh kinh.
Khi còn là một chủng sinh, thánh Gioan Vianney học hành rất kém. Một lần kia, thấy thầy Vianney quá kém cỏi, một cha giáo tức bực hét lên : “Thầy dốt như một con lừa !”. Thầy Vianney rất mực khiêm tốn trả lời : “Thưa cha giáo, ngày xưa, chỉ với một cái hàm của con lừa, Samson đã đánh đuổi cả đội quân Philitinh. Giờ đây, với cả một con lừa như con, chẳng lẽ không giúp ích gì được cho Hội Thánh sao? ”. Thánh Vianney đã giúp ích rất nhiều cho Hội Thánh. Như một kẻ bé mọn hiền lành và khiêm tốn, ngài đã dẫn đưa rất nhiều tâm hồn về với Chúa.
Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. Khi làm khâm sứ ở Bungari và Thổ, ngài nhận được bức thư của một linh mục chỉ trích ngài đủ mọi thứ. Ngài đọc thư và không nói gì. Sau đó ngài làm Hồng Y, rồi làm Giáo Hoàng (1958). Sau này, có dịp vị linh mục đó cùng với giáo dân sang Rôma để yết kiến Đức Giáo Hoàng. Vị linh mục đã kể lại buổi yết kiến đáng nhớ: trong khi đứng chờ, đầu óc của tôi cứ nghĩ tới bức thư ngày trước và vừa hối hận vừa lo sợ. Thời gian lâu rồi chắc Đức Thánh Cha đã quên? Không ngờ vừa mới gặp, Đức Thánh Cha kéo lá thư trong cuốn sách kinh ra. Tôi hoảng sợ, chuyện gì sẽ xảy ra cho mình đây? Nhưng Ngài ôn tồn nói: “Con đừng sợ, cha cám ơn con. Cha để lá thư trong sách để mỗi ngày đọc và xét mình. Hầu dứt khoát với những khuyết điểm còn tồn tại và tránh những lầm lỡ có thể xảy ra trong tương lai. Mỗi lần như thế cha lại nhớ đến con và cầu nguyện cho con”.
Trong Tin Mừng, tất cả những câu mệnh lệnh của Chúa Giêsu đều nói đến việc “làm”, như: “Hãy tin”, “hãy từ bỏ”, “hãy cầu nguyện”, “hãy tha thứ”, “hãy yêu thương nhau”... Và chỉ có một câu duy nhất này, Chúa bảo “hãy học”. Như vậy, hẳn là môn học mà Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy học, ấy là môn học quan trọng lắm. Đã vậy Chúa lại bảo “hãy học cùng Ta”, không học ở nơi thầy nào khác, cho thấy rằng chỉ có Chúa Giêsu mới xứng đáng là thầy dạy môn học này. Môn học đó là “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”. Chúng ta cũng hãy học với Thầy Giêsu qua Lời Chúa mỗi ngày. Yêu mến Lời Chúa, sống Lời Chúa để Lời Chúa biến đổi đời chúng ta sống theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Hãy học hỏi Tin mừng và hãy để Tin Mừng soi sáng lòng trí của mình. Hãy múc lấy sức mạnh từ ân sủng của Bí tích Hoà Giải và Bí tích Thánh Thể. Hãy siêng năng Chầu Thánh Thể.
Học với Thầy Giêsu suốt đời, lột bỏ những tự hào về khôn ngoan thông thái, sống hồn nhiên khiêm tốn như trẻ thơ, đó là điều cần thiết để mỗi người được Thầy Giêsu mạc khải và đưa vào thế giới của Thiên Chúa. Nhờ vậy, người hiền lành khiêm nhường luôn sống hiệp thông với mọi người, dễ thu hút người xung quanh; luôn biết quên mình, và chỉ muốn phục vụ người khác; sống tế nhị chân thành với mọi người, biết đền đáp những người làm ơn, trân trọng với hết mọi người, không làm mất lòng ai; luôn cảm thấy tâm hồn bình an, hạnh phúc trong Chúa và với mọi người. Chúa ưa thích ai sống hiền lành và khiêm nhường và sẽ ban thưởng phần phúc Nước Trời cho họ. “Phúc thay ai có tâm hồn (khiêm nhường) nghèo khó. Vì Nước Trời là của họ.Phúc thay ai hiền lành. Vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5, 3-4).