Hiền lành và Khiêm nhường
Dcr 9, 9-10; Rm 8, 9.11-13; Mt 11, 25-30
Lời Chúa hôm nay thật phong phú, mỗi câu nói của Chúa Giêsu là một đề tài đáng suy niệm và áp dụng. Trong thánh lễ này, chúng ta chỉ tập trung suy niệm một câu thôi: “Hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29).
Hiền lành và khiêm nhường là hai đức tính căn bản và nền tảng mà ai ai cũng phải có để làm người, đồng thời cũng là hai nhân đức Tin Mừng mà mỗi người Kitô hữu cần luyện tập và thực hành để sống đúng với tư cách của mình.
1- Người hiền lành
Vậy người hiền lành là ai? Trước hết người hiền lành là người có đức độ, lương thiện; có lòng thương người; người tỏ ra kiên nhẫn, tử tế và hòa nhã với người khác. Người ở hiền thì sẽ có hậu như cha ông ta vẫn thường nói: “Ở hiền gặp lành” hay “cha mẹ hiền lành để đức cho con.”
Trái nghịch với hiền lành là người độc ác, ích kỷ, nóng tính, gây hấn; người thích mệnh lệnh, ưa ăn trên ngồi trốc; người hay gây lộn; người hay “bới lông tìm vết; ” người hay nói xiên nói xỏ, gây chia rẽ trong gia đình, cộng đoàn, xã hội v.v…!
2- Người khiêm nhường
Còn người khiêm nhường là ai? Người khiêm nhường là người biết mình, biết người, biết sự thật đúng như nó là; người không khoe khoang, không phô trương, dù có thành công; người biết tôn trọng người khác và nhìn nhận người khác hơn mình. Luân lý Kitô giáo định nghĩa: “Khiêm nhường là nhìn nhận sự thật như nó là.” Điều này có nghĩa là không nói quá sự thật cũng không thêm không bớt sự thật. Sự việc như thế nào thì được đón nhận và diễn tả đúng như vậy.
Ngược với khiêm tốn là người kiêu ngạo, coi thường người khác, coi mình là cái rốn vũ trụ, người tự coi mình hơn người, khoe khoang, nói quá sự thật, hay “vơ đũa cả nắm, ” hay kiểu “cả vú lấp miệng em, ” lúc nào cũng cho mình đúng còn người khác thì sai.
3- Gương khiêm nhường
Đức Giêsu hôm nay giới thiệu với chúng ta Người là mẫu gương đích thực về sự hiền lành và khiêm nhường, đồng thời Người mời gọi chúng ta: “Hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29). Thật vậy, Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhưng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận tôi đòi (x. Pl 2, 6), trở nên một người phàm để đến với mọi người và để cứu độ chúng ta. Người là thầy nhưng đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ; Người là vua nhưng đã trở thành người tôi tớ hiền lành như chiên con bị xén lông mà chẳng mở miệng (x. Is 53, 5-7), và Người hạ mình đến tột cùng khi chấp nhận cái chết nhục nhã trên thập giá. Sự hiền lành và khiêm tốn của Chúa Giêsu trở thành sức mạnh của tình yêu và ơn cứu độ cho chúng ta. Người được Thiên Chúa tôn vinh với danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu (x. Pl 2, 9). Đúng là “ai hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên” (Lc 18, 14).
Như thế, Đức Giêsu không cứu độ con người bằng sức mạnh của quyền lực thống trị và áp đặt, nhưng bằng sự khiêm hạ và sức mạnh của tình yêu tự hiến. Người mở ra con đường thập giá để chúng ta bước theo và đạt tới vinh quang.
Khi nói về những vị thánh đã học theo gương của Chúa Giêsu, chúng ta nhớ tới câu chuyện về thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII. Tên thật ngài là Roncalli, trước khi được bầu làm Giáo Hoàng, ngài làm khâm sứ ở Bungari và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi thi hành công vụ, ngài nhận được một bức thư ngỏ của một linh mục chỉ trích ngài về nhiều điều. Nhận được lá thư đó, ngài đọc và không nói gì. Sau này, ngài làm Giáo Hoàng (1958), vị linh mục đó cùng với giáo dân hành hương sang Rôma để yết kiến ngài. Trong khi đứng chờ, đầu óc của vị linh mục cứ nghĩ tới bức thư, vừa hối hận vừa lo sợ: Chắc thời gian lâu rồi hy vọng Đức Thánh Cha đã quên chuyện cũ rồi. Không ngờ khi vừa mới tới, Đức Thánh Cha kéo lá thư trong cuốn sách kinh ra. Cha hoảng sợ vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra ở đây? Nhưng Đức Giáo Hoàng ôn tồn nói: “Con đừng sợ, Cha cám ơn con. Cha để lá thư trong sách để mỗi ngày đọc và xét mình. Hầu dứt khoát với những khuyết điểm nếu có và tránh những sai lầm có thể xảy ra trong tương lai. Mỗi lần như thế Cha lại nhớ đến con và biết ơn con.”
Các thánh là những người thật hiền lành và khiêm tốn như Chúa Giêsu! Chúng ta chưa giống Chúa vì chúng ta chưa học và sống sự hiền lành và khiêm nhường của Người. Nên hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy đến với Người và học nơi Người. Khi chúng ta có được sự hiền lành và khiêm nhường lòng, thì mỗi người, gia đình và xã hội sẽ có bình an. Amen!
ĐCV Vinh Thanh- Nghệ An - Việt Nam
http://nguoinguphu.blogspot.com/