“Ai làm theo ý Cha Tôi trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Tôi”.
Kính thưa Anh Chị em,
Mỗi lần đến Đại Chủng Viện Huế, khách thăm không khỏi tò mò khi đọc dòng chữ dưới chân tượng Đức Mẹ giữa hoa viên có tên “Diễm Tụ Đài”. Trước nhà nguyện, Đức Mẹ nâng Chúa Giêsu trên vai như đã nâng bao thế hệ trai trẻ từ trường lớn đến trường nhỏ gần nửa thế kỷ qua; quả thế, mỗi cuối tuần, các chú các thầy xưa nay đều đến dâng mình cho Đức Mẹ trước tượng này. Từ trước, tượng này được đặt giữa sân Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện, nhưng vào những ngày ly tao cuối 1979, cách đây 41 năm, cũng là năm Giáo Phận Huế mất đi cơ sở đào tạo quý báu này, tượng được đưa lên trường lớn bây giờ. Chân tượng có dòng chữ, “O Virgo Mater, filia tui beata Filii”, có nghĩa là, “Ôi Mẹ Nữ Trinh, ái nữ diễm phúc của Con mình”; đã là mẹ mà vẫn là nữ trinh, đã là mẹ mà vẫn là ái nữ của con mình; Mẹ trong Chúa, Lời Chúa trong Mẹ; sự kết hiệp tuyệt vời giữa Mẹ với Chúa và Lời của Ngài khi Mẹ thuộc trọn về Chúa.
Anh Chị em,
Cả hai bài đọc hôm nay nói đến những con người thuộc về Thiên Chúa. Ngôn sứ Mikha nói đến một dân được Chúa chăn dắt như đoàn chiên Người sở hữu; thánh sử Matthêu nói đến những con người làm theo ý muốn của Cha trên trời và họ thuộc về Người.
Bài đọc thứ nhất là phần cuối cùng của sách Mikha, phần mà các nhà chú giải gọi là “Niềm hy vọng”. Vị ngôn sứ dâng lên Thiên Chúa một lời cầu nguyện chứa chan hy vọng, rằng, Chúa không bỏ dân Người; Người sẽ tái thiết những đổ nát hoang tàn vì tội bất trung của dân. Cậy vào lòng Chúa khoan dung, Mikha xin Người thứ tha và tiếp tục chăn dắt dân mình, “Lạy Chúa, với cây trượng của Chúa, xin chăn dắt Dân Chúa, chăn dắt những con chiên thuộc quyền sở hữu của Người”. Kết thúc cuốn sách của mình, Mikha nhắc đến hai tổ phụ, những con người của lời hứa cứu độ, “Chúa ban cho Giacóp biết sự trung thành của Chúa, cho Abraham biết lòng từ bi mà Chúa đã thề hứa với tổ phụ chúng tôi từ ngàn xưa”. Ơn cứu độ là việc hoàn tất giao ước và lời hứa cho tổ phụ của dân, dân thuộc quyền sở hữu của Người.
Tin Mừng nói đến những con người thuộc về Thiên Chúa thời Tân Ước, trình thuật này khiến chúng ta hụt hẫng. Chúa Giêsu xem ra khá lạnh lùng trước việc người ta báo tin cho Ngài có mẹ và anh em đến thăm, “Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi? ”; thế nhưng, đưa mắt nhìn các môn đệ, Ngài nói, “Đây là mẹ tôi và đây là anh em tôi”. Với khẳng định này, Ngài loan báo một gia đình mới, lớn lao hơn, phổ cập hơn gồm những con người rất khác nhau về màu da, tiếng nói, chủng tộc, địa lý… biết nghe và giữ Lời Thiên Chúa; Ngài nói đến một tương quan mới còn hơn cả tương quan máu mủ. Không phải Chúa Giêsu thiếu tôn trọng mẹ và anh em mình, thay vào đó, Ngài mặc nhiên công nhận Đức Maria là kiểu mẫu bởi mẹ không chỉ cưu mang Con Chúa, nhưng đã cưu mang Lời Chúa. Mẹ là môn đệ hoàn hảo hoàn toàn thuộc trọn về Chúa.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Gia đình của Chúa là cộng đoàn các môn đệ, cộng đoàn những anh chị em được liên kết trong Thánh Thần. Trở thành người thân của Chúa Giêsu, là bước vào và sống dưới mái nhà Ngài; ai sống trong nhà Chúa đều là người tự do và ai thân quen với Chúa thì tự do, họ trở thành những vị thánh vĩ đại. Mẹ Maria và các thánh là người ở bên Chúa, nhìn Chúa, lắng nghe và cố gắng thực hành Lời Chúa; họ thuộc trọn về Người”.
Anh Chị em, Đức Mẹ có trở nên ‘Diễm tụ mẫu’ cho chúng ta bắt chước? Mẹ Maria có vai trò nào trong đời sống của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn chúng ta?
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, dẫu bà con với Chúa nhưng xem ra Lời Chúa ở nơi con vẫn như giọt sương sớm đọng trên cuống lá; xin cho con biết yêu mến và sống Lời Chúa như Mẹ”, Amen.
(Tgp. Huế)