Theo các nguồn tin Công Giáo, chắc chắn thoả thuận tạm thời ký năm 2018 giữa Tòa Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm các Giám Mục sẽ được tiếp tục trong những ngày gần đây.
Thực vậy, theo Religion News Service, phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Trung Quốc (Quốc Doanh), Giám Mục Zhan Silu, cho biết thoả thuận trên sẽ được ký lại vào tháng Chín này. Vị này nói với tờ Global Times của chính phủ Trung Quốc rằng thoả thuận này là “đường dây liên kết chủ chốt để bảo đảm các liên hệ giữa Trung Quốc và Vatican và có thể thúc đẩy các liên hệ này tới bước kế tiếp”.
Về phía Tòa Thánh, vị đứng đầu Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Khoa Học, tuy chuyên cổ vũ cuộc đối thoại giữa Giáo Hội Công Giáo và cộng đồng khoa học, nhưng cũng là người hết lòng hoan nghinh thỏa thuận từ những ngày nó còn trong trứng nước. Vị này chính là Tổng Giám Mục Marcelo Sánchez Sorondo, người từng cho rằng Trung Quốc là nước “thi hành tốt nhất học thuyết xã hội của Giáo Hội”.
Theo LifeSiteNews, vị Tổng Giám Mục trên cũng nói với tờ Global Times của chính phủ Trung Quốc rằng “họ sẽ ký lại nó, điều này có nghĩa kinh nghiệm khởi đầu diễn tiến rất tốt”.
Tuy nội dung thỏa thuận cho đến nay vẫn chưa được công bố. Nhưng nhiều nguồn tin thân cận với Tòa Thánh cho hay cốt lõi của nó là về việc bổ nhiệm Giám Mục cho các giáo phận Trung Quốc. Chính tờ Global Times, vào lúc ký thỏa thuận, cũng gọi nó là “thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các Giám Mục”.
Sau khi ký thoả thuận trên, để tỏ thiện chí, Đức Phanxicô đã thừa nhận 8 Giám Mục do nhà nước Trung Hoa bổ nhiệm và từng bị Tòa Thánh phạt tuyệt thông. Ngược lại, cho đến nay, nhà nước Trung Hoa Cộng Sản mới chỉ thừa nhận 3 Giám Mục “hầm trú”. Dường như mới chỉ có một vụ bổ nhiệm Giám Mục mới vào hồi tháng 8 năm 2019 được cả đôi bên thoả thuận. Tệ hơn nữa, một số Giám Mục “hầm trú” còn bị yêu cầu nhường chức vụ cho hai Giám Mục “quốc doanh”.
Trong khi ấy, đảng và nhà nước cộng sản Trung hoa gia tăng nhiều hình thức bách hại tôn giáo nói chung và Giáo Hội Công Giáo nói riêng: tháo dỡ thập giá và mọi biểu tượng tôn giáo khỏi nhà thờ và nay đang mở chiến dịch tháo dỡ các biểu tượng Kitô giáo khỏi các tư gia.
Một phúc trình của chính phủ Hoa Kỳ công bố hồi tháng Giêng năm 2020 cho thấy cường độ việc bách hại tôn giáo chưa từng thấy “kể từ Cách Mạng Văn Hóa” có liên hệ đến việc Vatican ký thoả thuận bí mật với chính phủ cộng sản Trung Hoa dành cho chính phủ nhiều quyền lực hơn đối với Giáo Hội ở nước này.
Hồi tháng Tư năm nay, một linh mục Công Giáo Trung Hoa bị bắt vì không chịu gia nhập “Giáo Hội Công Giáo độc lập” do nhà nước khống chế.
Cha Benedict Kiely, một linh mục Công Giáo thuộc giáo phận tòng nhân Đức Bà Walsingham, nói với nhà báo Công Giáo Damian Thompson rằng chính phủ Trung Quốc đang thay thế việc thờ phượng Thiên Chúa bằng việc thờ phượng nhà nước. Ảnh tượng Đức Mẹ Maria được thay thế bằng hình ảnh Chủ Tịch Tập Cẩn Bình. Các bài thánh ca được hát dâng kính Mẹ Trung Hoa, thay vì Thiên Chúa, Chúa Kitô hay Đức Mẹ
Cha Kiely cho rằng Vatican “xem ra hoặc cực kỳ ngây thơ, hoặc cực kỳ ngớ ngẩn hoặc tệ hơn, khi tưởng tượng rằng Đảng Cộng Sản Trung Hoa sẵn sàng thỏa thuận bất cứ điều gì trợ giúp hay giúp đỡ đức tin thực sự ở Trung Hoa”.
Ngài nói thêm chính phủ Trung Quốc “Không quan tâm gì tới việc giúp đỡ các Kitô hữu Công Giáo Trung Hoa sống đức tin của họ mà chỉ lo kiểm soát các Kitô hữu Công Giáo Trung Hoa”.
Đại sứ Toàn quyền của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo, Sam Brownback, một người Công Giáo ngoan đạo, có cùng một suy nghĩ khi ông khuyên các giới chức Vatican phải suy nghĩ hai lần trước khi thương lượng với chính phủ Trung Hoa.
Theo Charles Collins của tạp chí Crux, Sam Brownback đưa ra nhận định trên sau khi gián điệp Trung quốc xâm nhập hệ thống điện toán của Tòa Thánh trước khi cuộc thương thảo bắt đầu nhằm tiếp tục thỏa thuận tạm thời.
Cựu thống đốc Kansas và là người trở lại đạo Công Giáo năm 2002, Brownback cho hay sự kiện có “quá nhiều bách hại tôn giáo đủ loại đến thế tiếp diễn ở Trung Hoa” nên là mối quan tâm đặc biệt đối với Tòa Thánh.
Sự kiện 1 triệu người Hồi giáo Duy ngô nhĩ bị bách hại nặng nề ở Trung hoa cũng là mối bận tâm lớn của Sam Brownback và của rất nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Nhưng mặc dù rất nhiều nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo thế giới đã lên tiếng bênh vực họ, thì Vatican vẫn giữ im lặng. Nhiều người cho chẳng qua vì Vatican bị dính cứng vào một thỏa thuận tự thân nó không đem lại bao nhiêu lợi ích cho chính Vatican.
Ít nhất thì đó cũng là nhận định của John Allen Jnr. Theo ký giả này, Đức Phanxicô không muốn đối đầu với Trung Quốc trong nhiều điển hình: không đọc đoạn văn soạn sẵn nói về tình hình Hồng Kông trong bài nói chuyện lúc đọc kinh Truyền tin; không công khai phản đối hành động gián điệp của Trung Quốc xâm nhập hệ thống điện toán Tòa Thánh...
Allen cho hay “đức khôn ngoan qui ước cho rằng sự e dè của Đức Phanxicô có liên hệ tới các cuộc thương lượng đang ló dạng với Trung Quốc về việc ký lại thoả thuận tạm thời... ký năm 2018 và có ý định như là bước đầu hướng tới việc bình thường hóa mối liên hệ với Bắc Kinh... Các nhà phê bình cho rằng từ ngày thỏa thuận được ký, tình hình tại chỗ ở Trung Hoa đối với các khối thiểu số tôn giáo tệ đi, chứ không tốt hơn, và chính quyền Trung Quốc hiểu sự e dè của Đức Giáo Hoàng như dấu chỉ sự yếu kém và do đó là đèn xanh để họ bước tới”.
Có người hỏi, tại sao Vatican không lắng nghe các khuyến cáo của những người hiểu chuyện như Sam Brownback? John Allen cho rằng rất có thể Tòa Thánh dựa vào bài học lịch sử khi các Giám Mục Hòa Lan phản đối việc trục xuất người Do Thái năm 1942 khiến cho Đức Quốc Xã lùng bắt 92 tân tòng Công Giáo gốc Do Thái giáo trong đó có nữ thánh Edith Stein. Gánh nặng trách nhiệm, vì thế, có thể là một trong các lý do.
Nhưng ngoài việc muốn cứu vớt thỏa thuận mà Đức Phanxicô nghĩ có thể là bước đầu dẫn tới việc bình thường hóa liên hệ ngoại giao giữa đôi bên, Allen cho rằng rất có thể còn một lý do khác, lý do mà ông gọi là thuật ngữ “chuốc độc tốt” (well-poisoning) của Thánh Hồng Y John Newman.
Theo Allen thuật ngữ trên là điển hình cho cái sai của lối lập luận ad hominem, nghĩa là lối lập luận không nhắm vào lý lẽ mà nhắm vào người đưa ra lý lẽ. Trong phương diện này, người ta hồ nghi Đức Phanxicô và nhóm cố vấn của ngài cưỡng lại khuyến cáo của các nhà phê bình là vì, thành thực mà nói, các vị có những lý do khác để hoài nghi những người đưa ra các khuyến cáo đó.
Brownback chẳng hạn. Ông vốn là một người Công Giáo sùng đạo, rất được Vatican biết đến và kính trọng, lại xuất thân từ Kansas.
Nhưng ông lại là người hết lòng ủng hộ Trump, một lập trường không mấy được các giới thân cận của Đức Phanxicô ưa thích. Ông cũng là một người Công Giáo Mỹ bảo thủ hết lòng phò sinh, theo kiểu không được cố vấn chủ chốt của Đức Phanxicô, linh mục Antonio Spadaro, Dòng Tên, ủng hộ (xem bình luận trong số báo năm 2017 của tờ Civiltà Cattolica).
Nói chung, nhiều tiếng nói hiện đang thúc giục Đức Phanxicô chống lại Trung Quốc có xu hướng diều hâu trong chính sách ngoại giao, đồng thời hay phê phán “chủ nghĩa khủng bố Hồi Giáo”, một ý niệm bị Đức Phanxicô bác bỏ trên nguyên tắc, vì cho rằng chủ nghĩa khủng bố luôn là việc hủ hoá tôn giáo chứ không là biểu thức của nó. Những người này cũng bảo thủ về văn hóa, thường lạnh nhạt với phần lớn nghị trình xã hội và chính trị của Đức Phanxicô, như cuộc chiến đấu chống thay đổi khí hậu, án tử hình, và buôn bán vũ khí.
Nói rộng hơn, cũng có thể nói như thế về lý do tại sao Đức Phanxicô không lớn tiếng hơn về các vấn đề chống bách hại Kitô giáo. Ngoài sự kiện ngài không mấy quan tâm đến bản chất xem ra có vẻ tín phái trong việc lên khuôn vấn đề như thế, điều cũng đúng là nhiều người thúc đẩy ngài đi xa hơn không nhất thiết là đồng minh của ngài trong nhiều vấn đề khác.