Những người Công Giáo và các tổ chức ủng hộ sự sống đã đưa ra một loạt phản ứng đối với việc ông Joe Biden lựa chọn Thượng nghị sĩ Kamala Harris làm người tranh cử chung với mình trong cuộc bầu cử năm 2020.
Từ hôm 11 tháng 8, sau khi Biden công bố lựa chọn của mình, đã có một làn sóng phản ứng từ các các nhà bình luận chính trị và Công Giáo
Giáo sư Charles Camosy của Đại học Fordham, người đã rời Đảng Dân chủ vào đầu năm nay vì lập trường phò phá thai của đảng này, đã gọi việc lựa chọn Harris là quyết định “vô cùng tồi tệ” cho chức vụ phó tổng thống.
“Rất tốt khi một phụ nữ da đen được đề cử vào chức vụ phó tổng thống. Và tôi có thể hiểu mong muốn chọn điều ít tệ hại hơn trong hai điều, ” Giáo sư Camosy nói trên Twitter hôm thứ Tư.
“Nhưng đối với những người Công Giáo ủng hộ công lý cho các thai nhi chưa chào đời và ủng hộ một chính phủ bảo vệ những đứa trẻ này khỏi bạo lực khủng khiếp, chúng ta phải nói rằng Harris là một ứng cử viên vô cùng tồi tệ. Trên thực tế, những lời khen ngợi không tiếc lời về việc đề cử bà ta vào chức vụ phó tổng thống là một ví dụ khác về việc bác bỏ công lý cho các thai nhi, ” Giáo sư Camosy nói.
Các thành viên trong nhóm “Democrats cho Life of America”, nghĩa là “Những người Dân chủ vì Sự sống của người Mỹ” cũng chỉ trích sự lựa chọn Harris, và nói trong một tuyên bố rằng bà ta “không mang lại cho các đảng viên Dân chủ phò sinh bất kỳ sự bảo đảm nào và trên thực tế, sẽ khiến 21 triệu cử tri Dân chủ đã từng bị gạt ra ngoài lề cảm thấy bị xa lánh thêm.”
Nhóm này cho biết quan điểm của Harris về vấn đề phá thai là “rất cực đoan so với đa số đảng viên Dân chủ và người Mỹ về vấn đề nhạy cảm này”, đồng thời thúc giục Biden và Harris đối thoại với những người phò sinh trong đảng Dân chủ và điều chỉnh lập trường của đảng về vấn đề phá thai.
Michael Sean Winters, một cây bút của National Catholic Reporter và là tác giả của cuốn sách “Left At the Altar: How Democrats Lost The Catholics And How Catholics Can Save The Democrats”, nghĩa là “Phía Bên Trái Bàn Thờ: Đảng Dân Chủ Mất Đi Người Công Giáo Như Thế Nào Và Làm Sao Người Công Giáo Cứu Được Đảng Dân Chủ” cũng bày tỏ sự dè dặt của mình đối với Harris.
“Thượng nghị sĩ Massachusetts Elizabeth Warren là người tôi muốn Biden chọn, ” Winters nói hôm thứ Tư.
Winters nói: “Sau những căng thẳng về chủng tộc mà quốc gia đã trải qua trong mùa hè này, việc đưa một phụ nữ da đen vào chiếc vé này là có thể hiểu được, ” Winters nói, nhưng gọi việc lựa chọn Harris là một “bước lùi cho sự tiến bộ”.
Winters đã chỉ trích việc Harris tra vấn một ứng viên thẩm phán về tư cách thành viên Hiệp sĩ Kha Luân Bố của anh ta, và gọi cách đối xử của bà Harris với thẩm phán Brian C. Buescher là “đáng xấu hổ cả về sự thiếu hiểu biết và sự cố chấp ngang ngược của bà ta.”
“Dù tôi có thể gặp những khó khăn với hàng lãnh đạo Hiệp sĩ Đoàn Kha Luân Bố, những khó khăn ấy cũng không thể nào bào chữa được cho sự phủ nhận thẳng thừng của bà ta đối với một tôn giáo được đón nhận bởi hàng triệu công dân, bao gồm cả người bạn đồng hành mới của bà ta, ” Winters cho biết hôm thứ Tư, sau khi thông báo về việc lựa chọn Harris được đưa ra.
Ngày 10 tháng 10, 2018, Tổng thống Trump đề cử ông Brian Buescher, một hiệp sĩ Kha Luân Bố làm thẩm phán tòa án quận hạt Nebraska. Vào ngày 13 tháng 11 cùng năm, việc bổ nhiệm này được đưa ra xem xét tại Thượng Viện Hoa Kỳ. Bà Harris đã tra vấn liệu Buescher có biết rằng Hiệp sĩ Đoàn Kha Luân Bố “phản đối quyền lựa chọn của phụ nữ” và chống lại “quyền bình đẳng trong hôn nhân” khi ông tham gia vào tổ chức Công Giáo này không.
Những nhận xét này của bà Harris đã bị chỉ trích là bài Công Giáo và Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput, đã mô tả những chỉ trích ấy là “quá quắt”.
Trường hợp của ông Brian Buescher chỉ là một thí dụ điển hình. Thực tế là tất cả các bổ nhiệm liên quan đến người Công Giáo của Tổng thống Trump khi đưa ra Thượng Viện Hoa Kỳ đều bị bà ta phản đối rất quyết liệt như thể người Công Giáo có vấn đề và không có khả năng đảm nhận các chức vụ dân cử tại Hoa Kỳ.
Vào thời điểm Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, trình bày câu chuyện về Buescher bị bà Harris tấn công, tờ American Magazine của Dòng Tên đã đăng một bài xã luận nói rằng các câu hỏi của Harris đối với vị thẩm phán tương lai Buescher đã cho thấy “sự thiếu hiểu biết đáng kinh ngạc về biết bao các hoạt động tôn giáo, bác ái và xã hội của các Hiệp sĩ.”
Tạp chí của Dòng Tên cũng nhận xét rằng cách hành xử của bà Harris làm người ta nhớ lại lịch sử bài Công Giáo thâm độc trong quá khứ của quốc gia này.
Cây bút Alexandra DeSanctis của National Review cũng đưa ra một nhận định tương tự, nói rằng thời gian của Harris trong ủy ban tư pháp Thượng viện đã cho thấy một “sự cố chấp chống Công Giáo đáng chê trách, và không có lý do gì để tin rằng quan điểm của bà ta sẽ thay đổi”.
Một số nhà bình luận từ khắp các lãnh vực chính trị cũng ghi nhận sự cuồng nhiệt ủng hộ của Kalama Harris đối với quyền tiếp cận không giới hạn đối với việc phá thai.
Brian Burch, chủ tịch của CatholicVote, mô tả Harris là người “kiên quyết ủng hộ việc phá thai và chống tự do tôn giáo” và nói rằng bà ta “ủng hộ các chính sách phá thai cực đoan bao gồm phá thai muộn từ tiền nộp thuế của người dân, cũng như buộc các dòng tu Công Giáo như dòng Tiểu Muội Của Người Nghèo phải cung cấp thuốc phá thai trong kế hoạch chăm sóc sức khỏe của các nữ tu.”
Trên Twitter, CatholicVote gọi Harris là một “người nhiệt thành chống Công Giáo.”
Đáng chú ý nhất là một nhận định của Đức Cha Thomas Tobin, Giám mục Giáo phận Providence. Ngài viết trên Twitter rằng, trên thực tế, việc Biden lựa chọn Harris cho thấy các ứng cử viên đảng Dân chủ thiếu vắng các giá trị Công Giáo.
“Biden-Harris. Lần đầu tiên trong một thời gian mà chiếc vé của đảng Dân chủ không có người Công Giáo nào trên đó. Buồn.” Đức Cha Tobin đã tweet vào tối thứ Ba.
Với dòng tweet này, Đức Cha Tobin khẳng định lập trường của mình cũng như của nhiều Giám Mục cho rằng ông Joe Biden không phải là người Công Giáo.
Biden, là một người được rửa tội trong Giáo Hội Công Giáo, nhưng đã bị nhiều nhà lãnh đạo Công Giáo chỉ trích liên tục vì sự ủng hộ ngày càng tăng của ông ta đối với việc phá thai và vì ông đã chủ sự một đám cưới đồng giới.
Tuy ông ta được rửa tội, nhưng qua việc ủng hộ phá thai và chống báng các giáo huấn của Hội Thánh, ông ta đã tự mình tách ra khỏi sự hiệp thông với Giáo Hội. Ông ta không còn là một tín hữu Công Giáo theo đúng ý nghĩa của danh xưng này.
Điều 1398 trong bộ giáo luật 1983 quy định rằng: “người nào thi hành việc phá thai có hiệu quả thì bị vạ tuyệt thông tiền kết”. Vạ tuyệt thông tiền kết là gì? Đây là loại hình phạt mang tính tự động. Hình phạt này tội nhân phải gánh chịu “do tính cách nghiêm trọng của tội ác”; và không cần một tuyên án cụ thể nào của nhà chức trách có thẩm quyền. Vạ tuyệt thông tiền kết thường được áp dụng cho các tội lớn trong giáo hội như lạc giáo, bội giáo, ly giáo. Tại sao lại áp dụng án phạt này cho người có hành vi nạo phá thai? Bởi lẽ, các thai nhi không có khả năng tự vệ nên tội ác phá thai có tính chất nghiêm trọng. Giết một người trưởng thành chỉ mang tội trọng nhưng giết một thai nhi không những mang tội trọng mà còn bị vạ tuyệt thông tiền kết. Huấn quyền đã lặp đi lặp lại và dạy một cách xác tín rằng phá thai luôn là trọng tội và là một hành động vô luân nghiêm trọng. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã từng khẳng định: “Vì vậy, với quyền bính được Chúa Kitô trao cho Phêrô và những người kế vị, trong sự hiệp thông với tất cả giám mục của Giáo Hội Công Giáo, tôi xác nhận rằng việc trực tiếp và cố ý giết một người vô tội luôn luôn là điều vô luân nghiêm trọng. Giáo lý này căn cứ vào luật bất thành văn mà mọi người nhận thấy trong thâm tâm của mình dưới ánh sáng của lý trí (x. Rm 2, 14-15), được Thánh Kinh khẳng định và Truyền Thống Giáo Hội lưu truyền và được Huấn Quyền thông thường và phổ quát giảng dạy”.
Trong trường hợp của một người Công Giáo nạo phá thai, hành động và xác tín của họ đi ngược lại với giáo huấn của Giáo Hội. Họ có quan điểm trái ngược với Giáo Huấn của Giáo Hội khi cho rằng phá thai là không vô luân, là chấp nhận được hay thậm chí cho rằng đó là quyền của con người. Điều này khiến họ bị liệt vào hạng người lạc giáo. Theo điều 751: “Lạc giáo là ngoan cố chối bỏ hoặc ngoan cố hồ nghi về một chân lý phải tin với Đức tin Thần Khởi và Công Giáo sau khi đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội; bội giáo là chối bỏ đức tin Kitô giáo; ly giáo là từ chối vâng phục Đức Giáo Hoàng hoặc từ chối hiệp thông với các chi thể của Giáo Hội thuộc quyền ngài.”. Các tội này chịu hình phạt vạ tuyệt thông tiền kết theo điều 1364 triệt 1 “Người bội giáo, lạc giáo hay ly giáo đều bị vạ tuyệt thông tiền kết.” Như thế, bất kỳ người Công Giáo nào cho rằng phá thai là không vô luân đều mang tội lạc giáo và phải gánh chịu vạ tuyệt thông tiền kết.
Việc cổ vũ cho việc phá thai thuộc vào tội đồng loã. Những ai cổ vũ cho việc phá thai như tuyên truyền, phát thuốc, quảng cáo, tung ra phim ảnh, ủng hộ luật phá thai hợp pháp… thì cũng đều mang tội trọng và lãnh án vạ tuyệt thông tiền kết. Một chính trị gia Công Giáo tham gia vào việc soạn thảo luật cho phép phá thai hay lên tiếng giữa dân chúng rằng mình ủng hộ chính sách phá thai thì cũng chịu cùng một tội và vạ trên.
Khi một người bỏ phiếu tín nhiệm một quan chức ủng hộ phá thai thì người ấy được kể là kẻ đồng phạm và cũng mang vạ tuyệt thông tiền kết. Họ tự mình tách ra khỏi sự hiệp thông với Giáo Hội.
Chính vì thế, trước khi bạn quyết định bỏ phiếu cho những kẻ phò phá thai, hãy suy nghĩ 77 lũy thừa 77 lần xem bạn sẽ giải thích như thế nào quyết định của mình khi đứng trước mặt Chúa.
Source:Catholic News Agency