Chương II: Sự Thật của Hôn Nhân Bí Tích: Nơi Lòng Thương Xót và Lòng Trung Thành Gặp Nhau

Kiểu nói “thương xót và trung thành” (1) dùng làm ánh sáng soi đường cho cuốn sách của chúng tôi xuất hiện trong văn chương Khôn Ngoan như là định nghĩa chân thực và thích đáng của Thiên Chúa: “Lòng Thương Xót và Lòng Trung Thành sẽ gặp nhau” (Tv 85;10). Cả hai hạn từ này đều ám chỉ giao ước cách rõ rệt, được chúng coi là nền tảng trên đó chúng kết hợp một cách kỳ diệu (2). Bởi thế, giao ước này không phải là một điều rút ra từ ý niệm Thiên Chúa Hóa Công, mà đúng hơn từ việc Người tự tỏ mình ra trong cuộc mặc khải có tính lịch sử của Người, trong cách Người tự làm Người hiện diện trong đời ta và trong cung cách ta có thể nhận ra Người. Trong khung cảnh giao ước đó, hai hạn từ này có liên hệ với thánh ý Thiên Chúa đối với con người và có liên hệ với đáp ứng của con người mà nếu không có sự đáp ứng này, thì không thể có giao ước.



2.1 Một Nơi Thiên Chúa Tự Tỏ Mình Ra

Về phương diện từ nguyên học, hai hạn từ “thương xót” và “trung thành” rất khác nhau. Điều này có nghĩa: sự gặp nhau của chúng không phải là một tương đồng trong ngôn ngữ Xêmít mà là một mạc khải về mầu nhiệm Thiên Chúa. Lòng thương xót (hesed) thuộc cảm tính nhiều hơn; nó liên hệ với ý niệm ở trong giao ước như một dây liên kết sản sinh ra trong ta khả năng vượt qua các trở ngại nhằm chống lại nó (3); hạn từ thứ hai, “lòng trung thành” (`emet), thuộc tri thức nhiều hơn, trong ngữ cảnh hiểu biết hiện sinh, và có ý ám chỉ sự vững chắc vốn là đặc điểm của Lời Thiên Chúa, Lời luôn ban cho con người sự chắc chắn độc đáo. Bởi thế, cả hai hạn từ đều có chung liên tục tính thời gian, một liên tục tính có nguồn gốc nơi Thiên Chúa. Lời khẩn cầu “lòng thương xót của Người bền vững muôn đời” (kî lᵉ'ôlām hasdô), một lời khẩn cầu trong một thánh vịnh đã trở thành một kinh cầu (litany, xem Tv 136), do đó, là lời van nài của một người biết chắc rằng nhờ lời cầu nguyện này họ sẽ nhận được phúc lành từ trời.

Để hiểu được cách trọn vẹn hơn nội dung cảm nghiệm của ta, ta cần xem xét điều này: các đặc tính trên xuất hiện như là một đáp ứng của Thiên Chúa trước sự yếu đuối của con người, nhờ đó, con người tham dự vào một đặc điểm của hành động của Thiên Chúa. Trong ngôn từ Kinh Thánh, chúng hầu như chỉ dành để gán cho một mình Thiên Chúa, nhưng hiệu quả của chúng thì luôn dành cho con người khốn khổ.
Cách riêng, lòng trung thành (ʼemet) có liên hệ với đức tin; sự thuận tình của tín hữu đối với lòng trung thành của Thiên Chúa này được rút ra từ đức tin: đó là lời xin vâng trong amén (do gốc ʼāman) (4).

Sự vững chắc hàm chứa trong lời xin vâng này cao hơn sự vững chắc chuyên biệt của con người; nhờ phương thế đức tin, con người quả đã trở thành nhân chứng của lòng trung thành (ʼemet) của Thiên Chúa. Dây liên kết của nó với lòng thương xót, do đó, là cách chứng tỏ rằng đối tượng chuyên biệt của đức tin Kitô Giáo là tình yêu, và việc này đem lại cho nó một loạt các đặc tính chuyên biệt rất khác với lòng cảm thương đơn thuần.

Đỉnh cao của sự kết hợp này tìm thấy nơi một Ngôi Vị, là Chúa Kitô, Đấng “đầy ơn thánh và sự thật” (Ga 1:14). Sự viên mãn hiển hiện của Người tương phản với giờ phút trước đó trong tâm điểm kế hoạch cứu rỗi: “vì lề luật được ban qua Môsê; ơn thánh và sự thật đến qua Chúa Giêsu Kitô” (Ga 1:17). Trong cả hai trường hợp, ta đều thấy trước ta một lời giải thích đáng lưu ý: trong trường hợp này, hesed được dịch là cháris (ơn thánh), trong khi ʼemet được dịch là alétheia (sự thật) (5). Trong thần học của Thánh Gioan, đây là cách làm nổi bật ý nghĩa bản vị mà chúng thủ đắc được nơi Chúa Kitô, vốn là mạc khải của Chúa Cha (6). Nơi Người, sự kết hợp giữa lòng thương xót của Thiên Chúa (hành động ngợi khen có tính cứu vớt của Người) và lòng trung thành của Người trong tư cách người là một sự kết hợp trong thân xác có thể tóm lược hết mọi lịch sử trong tính cụ thể nhất của nó.

Như Đức Hồng Y Kasper đã nhắc nhở một cách chính xác, trong truyền thống Kinh Thánh, lòng thương xót và sự thật không thể tách rời nhau (7), và sự kết hợp sâu xa này phải soi sáng cho hành động của Giáo Hội. Bởi hế, Thánh Phaolô kêu gọi ta phải thực hiện “sự thật trong đức ái” (Eph 4:15) (8). Điều này có nghĩa phải ý thức rằng sự thật của đức ái có luận lý học riêng của nó và nó phải điều hướng đời sống Giáo Hội cũng như đời sống xã hội, như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã dạy ta cách sâu sắc trong thông điệp Caritas in veritate của ngài, trong đó, ngài gán cho tình yêu một giá trị xã hội hết sức độc đáo (9). Để có thể có được sự kết hợp hữu hiệu, cần phải đem nó vào đời sống của những người biết sống thực và làm chứng cho lòng thương xót (10); bởi thế, chiều kích của vấn đề không có tính tư riêng mà có tính phổ quát và phúc âm hóa. Đây là điều phải trở thành linh hồn cho thừa tác mục vụ của Giáo Hội.

2.2 Ánh Sáng Của Chúng Trong Lịch Sử Tình Yêu Phu Phụ

“Nơi gặp gỡ” giữa lòng thương xót và lòng trung thành đòi phải có một hành động có tính lịch sử của Thiên Chúa giữa dân của Người nếu nó muốn có ý nghĩa giữa những hữu thể nhân bản. Đây là lý do tại sao nó đã được tích nhập vào biến cố trung tâm và nền tảng của truyền thống Kinh Thánh: giao ước.

Giao ước được thiết lập như nền tảng cho loại suy phu thê của Thiên Chúa với dân Người, một loại suy chủ chốt trong đó, các chiều sâu thăm thẳm của tình yêu Thiên Chúa được tỏ lộ ra. Thiên Chúa tự kết hợp Người với Israel như chàng rể với nàng dâu. Giữa nhiều điều khác, môi trường đa thê trong đó Israel sinh sống giúp ta hiểu nội dung đích thực của việc Thiên Chúa tự mạc khải Người này (11). Thời khắc nền tảng của cuộc mạc khải này chính là Diễm Ca, một khúc ca hợp tuyển và thống nhất hóa văn chương Khôn Ngoan vốn soi sáng cho kinh nghiệm yêu thương của con người theo ánh sáng viễn kiến Thiên Chúa, cũng như văn chương tiên tri, một nền văn chương làm chứng cho sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa giữa dân Người trong thực tại lịch sử cụ thể. Tình yêu được tín hữu cảm nghiệm là tình yêu mới mẻ, phát sinh từ một cam kết vô điều kiện vượt xa bất cứ đong đo nào chỉ có tính phàm nhân (12).

Đức Bênêđíctô XVI chứng minh điều trên khi ngài tuyên bố: “Tương đương với hình ảnh về một Vị Thiên Chúa độc thần là đời sống hôn nhân đơn hôn. Hôn nhân xây dựng trên một tình yêu độc chiếm và dứt khoát trở thành hình ảnh cho mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân của Người cũng như ngược lại. Đường lối yêu thương của Thiên Chúa trở thành mức đo lường tình yêu thương của con người. Thực tế cho thấy, văn chương ngoài Kinh Thánh không có những gì giống như mối liên hệ chặt chẽ này giữa eros – tình ái - và hôn nhân trong Kinh Thánh” (13).

Sự canh tân của Kinh Thánh này cho thấy rõ tính độc chiếm đáng ngạc nhiên. Trong sự độc chiếm này, ta có thể nhận ra khoảng không gian nơi giá trị bản vị của Thiên Chúa được tỏ lộ, Đấng ban cho ta một cách yêu thương mới mẻ: cách Người yêu thương ta. Điều này được dùng làm hình ảnh cho “tình yêu nguyên khởi” (14) trong Thông Điệp Lumen Fidei của Đức Giáo Hoàng Phanxicô; nó là điều chủ yếu để hiểu hồng phúc đầu tiên của Thiên Chúa đã kết hợp ra sao mọi con người về phương diện ý nghĩa đời họ trong Tình Yêu đã tạo dựng nên họ.

Lẽ dĩ nhiên, mối tương quan yêu thương có tính bản vị này với Thiên Chúa đã tạo cơ cấu cho lịch sử cứu rỗi; từ đó, ta tìm được các lý do chính cho đức tin của ta. Đối với chúng ta, điều này củng cố vị trí trung tâm của hôn nhân trong phẩm trật các chân lý của Kitô Giáo (15) và, do đó, của các đặc tính chủ chốt của nó mà nền tảng nguyên thủy vốn bắt nguồn từ lòng Chúa thương xót.

Như thế, xuất hiện hai thực tại đặt cơ cấu cho đời sống Israel và sẽ trở thành chủ yếu đối với Giáo Hội. Thực tại thứ nhất chính là sự thật của lời hứa vốn tạo lập ra hôn nhân và đồng thời, là nền tảng cho giao ước. Trong lời hứa này, chính lịch sử của Israel tìm được nguồn mạc khải về Thiên Chúa, đặc biệt là khi, trong kinh nghiệm lưu đầy, nội dung của nó không còn là lãnh thổ, đền thờ và vua chúa nữa, là những điều thực tế không còn hiện hữu, và một Giao Ước Mới đã được hứa ban trong lòng một dân tộc, nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, vẫn còn khả năng trở về với lòng tín trung của mình. Như thế, nhờ hồi tâm, nội dung của lời hứa đã trở thành một sự thật thân tình và phổ quát (16).

Thực tại thứ hai là sự kiện: nền tảng của giao ước được liên kết một cách bất khả phân chia với loại suy giữa ngoại tình và thờ ngẫu thần, như một cách cho thấy sức mạnh sự hiện diện của Thiên Chúa trong hôn nhân. Sự sóng đôi này không liên hệ gì với việc đơn thuần vi phạm lề luật, mà có liên hệ với trái tim con người. Căn cứ vào việc dân Do Thái vốn coi việc thờ ngẫu thần là một việc bất trung, nên cũng tự nhiên khi mục đích của loại suy trong mạc khải không nhằm chứng tỏ sự xấu xa hiển nhiên của việc thờ ngẫu thần cho bằng đặt nó vào một bối cảnh mới không còn đơn thuần chỉ là pháp lý nữa mà còn là xúc cảm, vì nhờ thế, nó giúp ta hiểu phản ứng đầy ngạc nhiên của Thiên Chúa. Đây không còn là vấn đề thờ phượng đơn thuần nữa trong đó việc thờ lạy phải được dành cho một Thiên Chúa đơn độc về con số (cũng gọi là đạo thờ một thần, henotheism); thay vào đó, nay ta bước vào một bối cảnh thông đạt yêu thương, đầy những nhắc nhớ xúc cảm, của một Thiên Chúa tự trao ban chính Người. Đó là lý do tại sao tính độc chiếm phải được hiểu trong sự hiện diện của một vị Thiên Chúa ghen tương đối với dân của Người (17). Đây là vấn đề thuộc trái tim và các xúc cảm hơn là vấn đề thuộc luật lệ bên ngoài. Ta thấy sự sống của Thiên Chúa liên hệ tới thân mật và âu yếm, Người muốn có một giao ước độc chiếm với dân Người. Hôn nhân, như sợi dây nối kết giữa một người đàn ông và một người đàn bà, bước vào mầu nhiệm hoạch định của Thiên Chúa, Đấng tự làm cho Người hiện diện trong giao ước phu thê của tình yêu nhân bản và tự biểu lộ Người trong nó.

Mạc khải về lòng thương xót của Thiên Chúa đã xuất hiện trong chính khung cảnh trên; mục đích của mạc khải này là duy trì sợi dây nối kết của giao ước với Thiên Chúa như một điều dứt khoát và do đó không thể hủy tiêu. Bởi thế, phải vượt qua sự thử thách chính: sự mỏng dòn của con người, kẻ xem ra không cân bằng đối với các đòi hỏi kết hợp thuộc loại này. Ta cần nắm chắc điều này: giao ước được hứa hẹn này có thể vượt thắng điều xem ra và tự nó vốn là một gẫy đổ dứt khoát: tội lỗi của dân.



2.3 Tội lỗi và sự cứng lòng

Như mọi người đã biết, các dấu hiệu bề ngoài của giao ước thay đổi khi Israel mất độc lập chính trị. Phép cắt bì được tái tục như là điểm qui chiếu liên kết người ta với việc tiếp nối các thế hệ vốn được coi là dây nối kết với giao ước của các tổ phụ. Điều này có nghĩa thiết lập ra một thứ vĩnh viễn cho lòng trung thành, được coi như lời đoan hứa con thảo được tiếp nhận song song với việc lưu truyền sự sống. Đây là dấu hiệu được Thiên Chúa tuyển chọn, một tuyển chọn đi trước chúng ta và chủ yếu lên cơ cấu cho tự do của chúng ta. Nay, với Giao Ước mới, ẩn dụ của Đệ Nhị Luật được lấy lại qua việc “cắt bì tâm hồn” (18), một việc cắt bì chỉ có thể là công trình của Thiên Chúa và đòi con người sự hồi tâm.

Cùng một mạc khải của Thiên Chúa này về tình yêu phu thê đã gây tác động trực tiếp lên tội bất trung, với ý định đánh bại nó dứt khoát. Do đó, sức mạnh của hình ảnh vượt quá ẩn dụ, để nhấn mạnh tới sự mới mẻ của Thiên Chúa đang được tỏ hiện, đó là việc tha thứ tội bất trung: ơn thánh của Thiên Chúa biến đổi trái tim khiến nó trở về trung thành với giao ước, một giao ước mà tội lỗi đã không bẻ gẫy được trong thực tại sâu xa nhất của nó, vì nó tồn tại mãi trong trái tim thương xót của Thiên Chúa (19). Điều này không hề hàm ý dễ dãi đối với sự bất trung, coi nó không quan trọng hoặc một sự ác ít xấu xa hơn, nghĩa là, xét cho cùng, có thể chấp nhận được. Ngược hẳn lại, tội vi phạm lòng trung thành được trình bầy theo cách so sánh với hành vi ngoại tình, vì trong cả hai trường hợp, một giao ước đã không được tôn trọng và đối với con người, đây là sự ác tồi tệ nhất. Thiên Chúa muốn người có tội hồi tâm, quay trở về với đời sống giao ước như là hoa trái của lòng thương xót. Mục đích là thắng vượt sự bất trung bằng hòa giải, bằng việc tạo ra một kết hợp mới đầy trung thành để trở về sự kết hợp nguyên thủy với một tình yêu lớn hơn (20).

Theo nghĩa trên, phản ứng của Thiên Chúa đối với tội lỗi con người là đề xướng sự tha thứ, phát sinh từ lòng thương xót, như một hoa trái chín mùi. Nhận thức đúng đắn được năng động tính nội tại của sự tha thứ này sẽ giúp ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của lòng thương xót:

“Phản ứng này phát sinh từ những tầng sâu thẳm của Thiên Chúa. Giáp mặt với tội lỗi của con người, Thiên Chúa đáp ứng bằng per-dono [tha thứ]. Hạn từ này, theo nguyên ngữ, gồm tiếp đầu ngữ per- chỉ sự toàn diện hay trọn vẹn: per-dono có nghĩa ơn phúc toàn diện, “trở về chỗ hiến thân”. Như thế, tha thứ là đi tới tận gốc rễ của tội lỗi, tức việc bác bỏ ơn phúc; hình phạt bỏ lỡ điểm này, vì nó chỉ ngăn cản một hành vi bên ngoài. Tội lỗi không chỉ phá vỡ một trật tự hay vi phạm một giới luật nào đó, mà còn là bác bỏ việc Thiên Chúa “tự ban chính Người” nữa, do đó, nó chỉ có thể được đánh bại nhờ một tình yêu có thể kết hợp kẻ tội lỗi với Thiên Chúa mà thôi” (21).

Sự thay đổi mà Thiên Chúa đòi hỏi là một sự thay đổi có thực chất đối với lời kêu gọi hồi tâm. Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, và trong bối cảnh này, hồi tâm chỉ việc “quay về với Giao Ước”; không có việc quay về này, nó sẽ vô nghĩa (22). Hơn nữa, nhờ kinh nghiệm lưu đầy, một kinh nghiệm khiến Israel hiểu rất rõ: hành động của Thiên Chúa vươn tới mọi nơi, lòng thương xót đạt được giá trị phổ quát của nó trong kế hoạch của Người vốn hiện diện trong sáng thế.

Trái tim không cắt bì, tức trái tim không hưởng được lợi ích của hành động hồi tâm này nhưng đã trở nên tự khép kín vào chính mình, xa rời Chúa, chính là điều người Hy Lạp gọi là “sự cứng lòng”, sklerokardia (23). Nó là một cõi lòng, ngay từ bên trong, bác bỏ việc sống theo giao ước, mặc dù chăm chỉ giữ các giới điều của Lề Luật. Giao Ước Mới đụng đến con người trong cõi sâu thẳm nhất của linh hồn họ, hay trong “cõi lòng” họ, một cõi lòng phải từ bất trung vượt qua trung thành. Tính vĩnh viễn của cuộc kết hợp mới này giữa Thiên Chúa và con người, một cuộc kết hợp bất khả tiêu trong Chúa Kitô, trở nên một hiến tặng vĩnh viễn “Dù ta có bất trung, Người vẫn trung thành, vì Người không thể bác bỏ chính Người” (2Tm 2:13).

Khi chiến thắng tội lỗi, nhị thức thương xót – trung thành, được phong phú hóa bởi nhị thức ơn sủng - sự thật, mặc lấy một ý nghĩa khác. Không như chữ Hípri hesed (thương xót), chữ Latinh misericordia nhấn mạnh tới khía cạnh thắng vượt sự khốn khổ của con người (24), theo nghĩa nó nhấn mạnh tới việc thắng vượt tội lỗi và sự chết. Trước nhất, rõ ràng là lòng trung thành của Thiên Chúa đối với giao ước của Người là gốc rễ chân chính của misericordia. Hành động thương xót của Thiên Chúa nhằm làm cho con người trung thành và, một khi lòng trung thành đã tìm lại được (nhờ ơn Thiên Chúa), nó làm cho họ có khả năng sống theo các đòi hỏi của sự thật.

Trong trường hợp này, chiều kích Kitô học của sự kết hợp giữa lòng thương xót và lòng trung thành trở nên quết định: Chúa Kitô trong tư cách con người là người đã thể hiện sự thật trọn vẹn về con người trong sự trung thành trọn vẹn của Người đối với thánh ý Chúa Cha và nhờ thế trở nên nguồn ân xá và tha thứ cho toàn thể nhân loại. Do đó, chúng ta nhận ra nơi Người biểu thức cao nhất của lòng Người thương xót qua sự kết hợp mà Người đã thiết lập giữa sáng thế và cứu thế, một sự thật lớn hơn mà chỉ có lòng thương xót mới mạc khải được.

Trái tim thương xót của Chúa Kitô là một cuộc đánh bại dứt khoát sự sklerokardia (sự cứng lòng) do tội lỗi tạo ra. Các hành động thương xót của Người, những hành động trước hết cho thấy tình âu yếm sâu xa nhất của trái tim Người, có tính giải thoát đối với người có tội. Đây là việc nên trọn lời tiên tri Hôsê nói về sự kết hợp mới mẻ với Thiên Chúa: “Ta muốn lòng thương xót, không muốn lễ vật hy sinh” (Hs 6:6), một câu đã được Chúa Kitô dùng làm khẩu hiệu cho chính sứ mệnh của Người (25). Lòng thương xót là chìa khóa để sống sự thật dứt khoát về hữu thể con người, một hữu thể phối hợp giá trị của họ như một tạo vật biết xem xét thân phận tội lỗi của mình nhưng cố gắng thắng vượt thân phận này nhờ sức mạnh của ơn thánh cứu chuộc.

Đó là các từ ngữ mà Chúa Giêsu Kitô có thể đã dùng để thảo luận vấn đề ly dị (26). Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu sẽ là người đưa châm ngôn của Người vào cảnh này: “Cho nên, sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân rẽ” (Mt 19:6). Phúc âm gia đặt đoạn này ngay sau phần các dụ ngôn nói về lòng Chúa thương xót (xem Mt 18:10-14, 21-35), vốn được lồng vào điều gọi là ngôn từ giáo hội học. Ở đây, Người cho chúng ta một hình ảnh về cộng đồng tín hữu (ekklesia) như một xã hội được cơ cấu hóa bởi việc anh chị em sửa trị lẫn nhau (xem Mt 18:15-20) và thực hành lòng thương xót. Trong khung cảnh giáo hội học này, giá trị chân thực của hôn nhân Kitô Giao phải được hiểu như chứng từ của một tình yêu mới trong nhân loại, một tình yêu tái lập lại kế sách thực sự của Thiên Chúa từng bị tội lỗi làm cho lu mờ.

Việc minh nhiên nhắc đến ơn phúc thần linh trên (xem Mt 19:11), một ơn phúc giúp con người có khả năng chấp nhận đòi hỏi này cho ta thấy hai sự thật: trước nhất, ý nghĩa thực chất và cụ thể của đòi hỏi, một ý nghĩa không hề có tính ẩn dụ hay thiêng liêng, cũng không phải chỉ có tính nêu gương, nhưng bao hàm cuộc sống bản vị của mọi con người nhân bản. Thứ đến, nó đòi chúng ta hiểu việc tiếp nhận ơn phúc này không phải là tùy hứng mà nó được đề xuất như là một phần của ơn gọi hôn nhân. Trong trường hợp này, một song hành hẳn phải là phép rửa hiểu như một ơn phúc đức tin. Vì “không phải mọi người đều có đức tin” (2Tx 3:2), việc hiện thực hóa cụ thể sự tiếp nhận nó không bao giờ có tính loại trừ, nhưng nghiêng về phía có ý nghĩa phổ quát. Nên quả là phi lý khi đề xuất bất cứ ngoại lệ nào cho một trong hai đòi hỏi này, vì chúng vốn đặt căn bản trên ý định của Thiên Chúa. Cả hai làm vững cho sự thật có tính lịch sử của Giao Ước Mới được sống thực dưới biểu ngữ hôn phối, trong bối cảnh mạc khải của tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa, một tình yêu phổ quát đầy thương xót (27).

Thành thử, phương ngôn “Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân rẽ” (Mt 19:6), theo chính lời Chúa Giêsu, đã nhận được một ý nghĩa dứt khoát được Giáo Hội nhìn nhận như một bí tích của Giao Ước Mới, một dấu chỉ thực sự của sợi dây nối kết dứt khoát giữa Thiên Chúa và nhân loại. Nhờ hồng phúc Chúa đề xuất với các cặp vợ chồng Kitô hữu, sự kết hợp hôn nhân bất khả tiêu trở thành “nơi” để Thiên Chúa kết hợp tình yêu thương xót được bí tích ban phát với ơn trung thành được ơn thánh ban cho con người để họ có thể sống phù hợp với Luật Mới (28). Tính bất khả tiêu, trước hết, không phải là một đòi hỏi pháp chế, mà đúng hơn, là biểu thức trực tiếp nói lên tình yêu thương xót của Chúa Cha.

Kỳ tới: 2.4 Thương Xót và Công Lý