CHÚA NHẬT XXIX MÙA THƯỜNG NIÊN
Is 45,1.4-6; 1 Tx 1,1-5b; Mt 22,15-21
Của Xêda trả cho Xêda
Tin Mừng hôm nay kết thúc với một trong những câu nói nổi tiếng nhất của Chúa Giêsu, đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử:
“Của Xêda trả về Xêda; của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21).
Trong tuyên bố này, Chúa Giêsu muốn nói điều gì?
1. Vượt qua cạm bẫy
Tin Mừng cho biết: Một ngày nọ, hai nhóm chính trị bất đồng nhau nhưng liên kết nhau để chống đối Chúa Giêsu, đó là những người Pharisêu và người theo phe Hêrôđê đến hỏi Chúa Giêsu:
“Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không” (Mt 22,17)? Họ muốn gài bẫy Chúa Giêsu. Người biết rõ điều đó, nên trả lời rằng: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình” (Mt 22,18)!
Đâu là cái bẫy ẩn giấu ở đây? Nó nằm ngay trong lập luận của nhóm người này. Những người Biệt Phái vốn là những người theo chủ nghĩa quốc gia. Một cách bí mật, họ thù địch với đế quốc La Mã. Ngược lại, những người theo phe Hêrôđê là những người cộng tác và dựa dẫm vào đế quốc La Mã. Như thế, nếu Chúa Giêsu trả lời “vâng, phải nộp thuế cho Xêda,” Người tự tách mình khỏi đám dân chúng chống lại sự đô hộ của ngoại bang và Người sẽ tự cô lập mình; còn nếu Người trả lời “không, không phải nộp thuế cho Xêda,” thì phe Hêrôđê sẽ tố cáo Người ở tòa án La Mã về tội gây rối chống chính quyền.
Chúa Giêsu đã khôn ngoan biết bao khi không để mình rơi vào cạm bẫy của họ. Câu trả lời của Người đã giải quyết nút thắt vấn đề, nâng nó lên một tầm mức vô cùng sâu sắc và mang tính hoàn vũ. Không còn là sự đối lập: “Hoặc là Xêda hoặc là Thiên Chúa,” mà là: “Vừa Xêda, vừa Thiên Chúa,” mỗi vị đều có chỗ theo phạm vi của mình.
Khi yêu cầu họ lấy ra trong túi một quan tiền có hình ảnh của Xêda, Chúa Giêsu buộc họ phải mặc nhiên thừa nhận rằng ngay cả họ cũng cần đến tiền La Mã như là phương tiện trao đổi và vì thế, họ phải làm gì đó cho hoàng đế.
2. Của Xêda và của Thiên Chúa
Chúa Giêsu là người tiên phong phân biệt giữa tôn giáo và chính trị. Cho đến thời điểm đó, người ta không thể phân biệt tôn giáo và chính trị. Người Do Thái đã quen với quan niệm rằng triều đại Thiên Chúa sẽ được thiết lập bởi Đấng Mêsia như là một thứ “thần quyền chính trị” (theocracy), nghĩa là như một chính phủ được hướng dẫn trực tiếp bởi Thiên Chúa cho toàn thể thế giới qua dân tộc của họ. Trong khi đó, Chúa Giêsu đến mạc khải triều đại Thiên Chúa hiện diện trong thế giới này, nhưng không thuộc về thế giới này. Triều đại đó vô hình, siêu việt, khác biệt với mọi thể chế chính trị, và vì thế có thể cùng tồn tại trong bất cứ thể chế nào trên thế giới.
Ở đây, chúng ta thấy có hai chủ quyền khác nhau của Thiên Chúa: chủ quyền thiêng liêng thiết lập nên Triều Đại Thiên Chúa, được Chúa Giêsu trực tiếp thi hành và chủ quyền thuộc thời gian hoặc thuộc chính trị mà Thiên Chúa thực thi cách gián tiếp khi trao phó cho tự do chọn lựa của con người và đóng vai trò như là nguyên nhân đệ nhị.
Theo đó, Xêda và Thiên Chúa không còn được đặt trên cùng một trật tự, bởi vì cả Xêda cũng phải lệ thuộc vào Thiên Chúa và phải trả lẽ với Người. Trong Kinh Thánh, chúng ta gặp thấy lời khiển trách này đối với những quân vương hay các vua chúa, mà nó vẫn còn giá trị đối với nhà chính trị hôm nay:
“Vậy hãy lắng nghe, hãy cố hiểu, hỡi các bậc quân vương; hãy học cho biết, hỡi những vị đang nắm quyền trên khắp cõi trần gian… Vì chính Đức Chúa đã ban cho chư vị quyền bính và chính Đấng Tối Cao đã ban quyền thống trị… Cũng chính Người sẽ kiểm tra các việc chư vị làm và dò xét những điều chư vị toan tính” (Kn 6,1-3).
3. Nguyên tắc áp dụng
Như thế, “trả về cho Xêda, của Xêda” có nghĩa là: “Hãy trả cho Xêda điều mà chính Thiên Chúa muốn ban cho Xêda.” Thiên Chúa là Đấng Tối Cao trên mọi người, bao gồm cả Xêda. Chúng ta không được lẫn lộn hai phạm vi; chúng ta không buộc phải tôn thờ các “Xêda” như tôn thờ Thiên Chúa, hay làm tôi “hai chủ.” Kitô hữu là người tự do để cống hiến xây dựng tổ quốc, nhưng đồng thời cũng có quyền để chống lại nhà nước khi chính thể đó chống lại Thiên Chúa và luật của Người. Nếu luật dân sự chống lại luật Thiên Chúa và luật lương tâm, thì người Kitô hữu buộc phải trung thành với lề luật của Thiên Chúa và có quyền từ chối không tuân thủ luật dân sự. Chẳng hạn như luật hôn nhân gia đình, luật phá thai, luật án tử… Trong hoàn cảnh này, người Kitô hữu phải theo nguyên tắc của các Tông Đồ xưa đã làm: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5,29).
Nhưng nếu chính quyền và luật dân sự không chống lại luật tự nhiên và luật Thiên Chúa, thì người Kitô hữu được mời gọi tuân thủ một cách gương mẫu. Thánh Phaolô là người đầu tiên đã rút ra những kết luận áp dụng từ giáo huấn này của Chúa Kitô. Ngài viết:
“Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập… Thật vậy, họ là người thừa hành của Thiên Chúa để giáng cơn thịnh nộ của Người xuống kẻ làm điều ác” (Rm 13,1.4).
Chính quyền phải đảm bảo các quyền lợi cho công dân, ngược lại, công dân có nghĩa vụ phải đóng góp phần mình vào việc xây dựng tổ quốc và nhà nước. Trong đó, việc nộp thuế là bổn phận công bằng và là đòi buộc của lương tâm Kitô hữu. Về vấn đề này, sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo quả quyết rằng: Trốn thuế là một trọng tội, tương đương với những tội trọng khác. Đó là một tội không chỉ liên quan đến nhà nước mà còn liên quan đến mọi công dân (x. SGLGHCG số 2409).
Ngày hôm nay, ở trên thế giới, các Kitô hữu tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và là thành viên chính trị của nhiều chính thể. Như thế, theo một cách thức nào đó, họ “là men và muối cho đời.” Với tư cách là Kitô hữu, khi tham gia các hoạt động trần thế, họ đóng góp vào việc xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, liên đới, đoàn kết và hòa bình thế giới bằng việc sống và giới thiệu các giá trị Tin Mừng cho đất nước và dân tộc mình.
Các Kitô hữu không chỉ đóng góp nội dung mà còn cả phương thức và cung cách sống nữa. Nghĩa là theo tinh thần Tin Mừng, khi tham gia vào đời sống chính trị, họ cố gắng loại bỏ thái độ thù địch, chỉ trích và hạ bệ nhau, nhưng xây dựng một nếp sống biết tôn trọng người khác, sống hiền lành, khiêm nhường. Đó là lối sống của người môn đệ Chúa Kitô phải có khi đối xử với mọi người, cả trong lãnh vực chính trị. Thật là bất xứng khi một Kitô hữu luôn giữ thái độ bất mãn, thù địch và thủ đoạn đối với người khác, nhất là với những đối lập của mình.
Quả là đẹp đẽ nếu có nhiều giáo dân Công Giáo tham gia vào điều hành trong các chính thể trên thế giới. Con số đó hiện nay vẫn còn quá ít, có lẽ chúng ta chưa cầu nguyện đủ cho họ. Thánh Phaolô khuyên người môn đệ của mình rằng:
“Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh” (1 Tm 2,1-2).
Chúng ta được mời gọi làm điều đó, bởi vì người Kitô hữu không chỉ đóng góp xây dựng xã hội trần thế, mà còn cầu nguyện cho những người cầm quyền nữa. Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
Is 45,1.4-6; 1 Tx 1,1-5b; Mt 22,15-21
Của Xêda trả cho Xêda
Tin Mừng hôm nay kết thúc với một trong những câu nói nổi tiếng nhất của Chúa Giêsu, đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử:
“Của Xêda trả về Xêda; của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21).
Trong tuyên bố này, Chúa Giêsu muốn nói điều gì?
1. Vượt qua cạm bẫy
Tin Mừng cho biết: Một ngày nọ, hai nhóm chính trị bất đồng nhau nhưng liên kết nhau để chống đối Chúa Giêsu, đó là những người Pharisêu và người theo phe Hêrôđê đến hỏi Chúa Giêsu:
“Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không” (Mt 22,17)? Họ muốn gài bẫy Chúa Giêsu. Người biết rõ điều đó, nên trả lời rằng: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình” (Mt 22,18)!
Đâu là cái bẫy ẩn giấu ở đây? Nó nằm ngay trong lập luận của nhóm người này. Những người Biệt Phái vốn là những người theo chủ nghĩa quốc gia. Một cách bí mật, họ thù địch với đế quốc La Mã. Ngược lại, những người theo phe Hêrôđê là những người cộng tác và dựa dẫm vào đế quốc La Mã. Như thế, nếu Chúa Giêsu trả lời “vâng, phải nộp thuế cho Xêda,” Người tự tách mình khỏi đám dân chúng chống lại sự đô hộ của ngoại bang và Người sẽ tự cô lập mình; còn nếu Người trả lời “không, không phải nộp thuế cho Xêda,” thì phe Hêrôđê sẽ tố cáo Người ở tòa án La Mã về tội gây rối chống chính quyền.
Chúa Giêsu đã khôn ngoan biết bao khi không để mình rơi vào cạm bẫy của họ. Câu trả lời của Người đã giải quyết nút thắt vấn đề, nâng nó lên một tầm mức vô cùng sâu sắc và mang tính hoàn vũ. Không còn là sự đối lập: “Hoặc là Xêda hoặc là Thiên Chúa,” mà là: “Vừa Xêda, vừa Thiên Chúa,” mỗi vị đều có chỗ theo phạm vi của mình.
Khi yêu cầu họ lấy ra trong túi một quan tiền có hình ảnh của Xêda, Chúa Giêsu buộc họ phải mặc nhiên thừa nhận rằng ngay cả họ cũng cần đến tiền La Mã như là phương tiện trao đổi và vì thế, họ phải làm gì đó cho hoàng đế.
2. Của Xêda và của Thiên Chúa
Chúa Giêsu là người tiên phong phân biệt giữa tôn giáo và chính trị. Cho đến thời điểm đó, người ta không thể phân biệt tôn giáo và chính trị. Người Do Thái đã quen với quan niệm rằng triều đại Thiên Chúa sẽ được thiết lập bởi Đấng Mêsia như là một thứ “thần quyền chính trị” (theocracy), nghĩa là như một chính phủ được hướng dẫn trực tiếp bởi Thiên Chúa cho toàn thể thế giới qua dân tộc của họ. Trong khi đó, Chúa Giêsu đến mạc khải triều đại Thiên Chúa hiện diện trong thế giới này, nhưng không thuộc về thế giới này. Triều đại đó vô hình, siêu việt, khác biệt với mọi thể chế chính trị, và vì thế có thể cùng tồn tại trong bất cứ thể chế nào trên thế giới.
Ở đây, chúng ta thấy có hai chủ quyền khác nhau của Thiên Chúa: chủ quyền thiêng liêng thiết lập nên Triều Đại Thiên Chúa, được Chúa Giêsu trực tiếp thi hành và chủ quyền thuộc thời gian hoặc thuộc chính trị mà Thiên Chúa thực thi cách gián tiếp khi trao phó cho tự do chọn lựa của con người và đóng vai trò như là nguyên nhân đệ nhị.
Theo đó, Xêda và Thiên Chúa không còn được đặt trên cùng một trật tự, bởi vì cả Xêda cũng phải lệ thuộc vào Thiên Chúa và phải trả lẽ với Người. Trong Kinh Thánh, chúng ta gặp thấy lời khiển trách này đối với những quân vương hay các vua chúa, mà nó vẫn còn giá trị đối với nhà chính trị hôm nay:
“Vậy hãy lắng nghe, hãy cố hiểu, hỡi các bậc quân vương; hãy học cho biết, hỡi những vị đang nắm quyền trên khắp cõi trần gian… Vì chính Đức Chúa đã ban cho chư vị quyền bính và chính Đấng Tối Cao đã ban quyền thống trị… Cũng chính Người sẽ kiểm tra các việc chư vị làm và dò xét những điều chư vị toan tính” (Kn 6,1-3).
3. Nguyên tắc áp dụng
Như thế, “trả về cho Xêda, của Xêda” có nghĩa là: “Hãy trả cho Xêda điều mà chính Thiên Chúa muốn ban cho Xêda.” Thiên Chúa là Đấng Tối Cao trên mọi người, bao gồm cả Xêda. Chúng ta không được lẫn lộn hai phạm vi; chúng ta không buộc phải tôn thờ các “Xêda” như tôn thờ Thiên Chúa, hay làm tôi “hai chủ.” Kitô hữu là người tự do để cống hiến xây dựng tổ quốc, nhưng đồng thời cũng có quyền để chống lại nhà nước khi chính thể đó chống lại Thiên Chúa và luật của Người. Nếu luật dân sự chống lại luật Thiên Chúa và luật lương tâm, thì người Kitô hữu buộc phải trung thành với lề luật của Thiên Chúa và có quyền từ chối không tuân thủ luật dân sự. Chẳng hạn như luật hôn nhân gia đình, luật phá thai, luật án tử… Trong hoàn cảnh này, người Kitô hữu phải theo nguyên tắc của các Tông Đồ xưa đã làm: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5,29).
Nhưng nếu chính quyền và luật dân sự không chống lại luật tự nhiên và luật Thiên Chúa, thì người Kitô hữu được mời gọi tuân thủ một cách gương mẫu. Thánh Phaolô là người đầu tiên đã rút ra những kết luận áp dụng từ giáo huấn này của Chúa Kitô. Ngài viết:
“Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập… Thật vậy, họ là người thừa hành của Thiên Chúa để giáng cơn thịnh nộ của Người xuống kẻ làm điều ác” (Rm 13,1.4).
Chính quyền phải đảm bảo các quyền lợi cho công dân, ngược lại, công dân có nghĩa vụ phải đóng góp phần mình vào việc xây dựng tổ quốc và nhà nước. Trong đó, việc nộp thuế là bổn phận công bằng và là đòi buộc của lương tâm Kitô hữu. Về vấn đề này, sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo quả quyết rằng: Trốn thuế là một trọng tội, tương đương với những tội trọng khác. Đó là một tội không chỉ liên quan đến nhà nước mà còn liên quan đến mọi công dân (x. SGLGHCG số 2409).
Ngày hôm nay, ở trên thế giới, các Kitô hữu tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và là thành viên chính trị của nhiều chính thể. Như thế, theo một cách thức nào đó, họ “là men và muối cho đời.” Với tư cách là Kitô hữu, khi tham gia các hoạt động trần thế, họ đóng góp vào việc xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, liên đới, đoàn kết và hòa bình thế giới bằng việc sống và giới thiệu các giá trị Tin Mừng cho đất nước và dân tộc mình.
Các Kitô hữu không chỉ đóng góp nội dung mà còn cả phương thức và cung cách sống nữa. Nghĩa là theo tinh thần Tin Mừng, khi tham gia vào đời sống chính trị, họ cố gắng loại bỏ thái độ thù địch, chỉ trích và hạ bệ nhau, nhưng xây dựng một nếp sống biết tôn trọng người khác, sống hiền lành, khiêm nhường. Đó là lối sống của người môn đệ Chúa Kitô phải có khi đối xử với mọi người, cả trong lãnh vực chính trị. Thật là bất xứng khi một Kitô hữu luôn giữ thái độ bất mãn, thù địch và thủ đoạn đối với người khác, nhất là với những đối lập của mình.
Quả là đẹp đẽ nếu có nhiều giáo dân Công Giáo tham gia vào điều hành trong các chính thể trên thế giới. Con số đó hiện nay vẫn còn quá ít, có lẽ chúng ta chưa cầu nguyện đủ cho họ. Thánh Phaolô khuyên người môn đệ của mình rằng:
“Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh” (1 Tm 2,1-2).
Chúng ta được mời gọi làm điều đó, bởi vì người Kitô hữu không chỉ đóng góp xây dựng xã hội trần thế, mà còn cầu nguyện cho những người cầm quyền nữa. Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/