MỘT CON NGƯỜI ĐẦY LỬA

“Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian,

và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên”.

Anh Chị em thân mến,

Thật bất ngờ, Tin Mừng hôm nay cho thấy một Chúa Giêsu khác thường, không phải một Giêsu hiền lành, dịu dàng nhưng là một Giêsu đầy lửa, “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên”; cũng thế, Thánh Phaolô, ‘một con người đầy lửa’, cũng muốn trở nên như Chúa Giêsu; và cùng Ngài, Phaolô khát khao ‘lửa rực cháy’ khắp trần gian.

Trong Cựu Ước, lửa tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa; trong Tân Ước, lửa là hình ảnh của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu muốn làm cho thế giới này đầy lửa, tức là đầy sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa và đầy ân sủng của Thánh Thần. Bằng ngọn lửa này, Chúa Giêsu ‘muốn đốt cháy trần gian’; Ngài muốn thiêu rụi những gì bất xứng, tầm thường, lạnh giá và tối tăm trong tâm hồn con người hầu biến đổi nó trở nên rực rỡ, ấm áp, mới mẻ và nồng nàn bởi lửa tình yêu của Thiên Chúa. Và thật thú vị, không chỉ muốn đốt cháy, Ngài còn muốn trần gian rực cháy. Đây là một lời mời gọi chúng ta thoát ra khỏi cuộc sống tầm thường và hâm hẩm để sống một đời Kitô hữu mạnh mẽ, sống động và triệt để; ngọn lửa trong tâm hồn chúng ta phải là một ngọn lửa rực cháy đủ mạnh, để chấp nhận và kiên cường vượt qua những thử thách gian truân; để đủ sức không thoả hiệp với những thứ hoà bình rẻ mạt khi đối mặt với thế giới. Chúng ta được kêu gọi không chỉ để được biến đổi một phần, hay ngay cả, ‘hầu hết’ được biến đổi. Không, chúng ta được kêu gọi, được biến đổi bởi Thiên Chúa, để với Thánh Thần, tạo nên một sự khác biệt thực sự trong thế giới.

Chính ngọn lửa yêu mến đó đã nung đốt con người Phaolô, ngài đã trở nên ‘một con người đầy lửa’. Qua thư Êphêsô hôm nay, Phaolô muốn cộng đoàn non trẻ của mình cũng được cháy lên lửa yêu mến đó. Như một ‘người say’, ngài nói, “Tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Xin Người chiếu theo sự giàu có vinh quang và nhờ Thánh Thần, thêm sức mạnh cho anh em”; “Để anh em nên người thiêng liêng; …để anh em được sung mãn trong mọi sự viên mãn của Thiên Chúa”. Hiểu biết sự viên mãn đó, chính là hiểu biết “Tình thương Chúa chan hoà mặt đất” như Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng.

Sau cùng, để có thể trở nên ‘một con người đầy lửa’, ngọn lửa Chúa Giêsu mang đến tâm hồn chúng ta phải là một ngọn lửa hoán cải, một cuộc hoán cải nội tâm toàn diện do Chúa Thánh Thần. Chấp nhận cộng tác với Thánh Thần, để Ngài tự do hoạt động trong linh hồn mình là một cuộc chiến chống lại sự ngủ yên, ở yên trong vỏ bọc, không muốn thay đổi. Vì trong Thánh Thần không có Kitô hữu an tâm, bình tâm, cảm thấy yên hàn và không cần chiến đấu; cũng không có Kitô hữu lưng chừng, nửa nóng, nửa lạnh. Người ta có thể an thần để ngủ ngon với một viên thuốc, nhưng không viên thuốc nào có thể đem lại bình an nội tâm. Chỉ có Thánh Thần mới có thể ban bình an nội tâm và bình an vốn mang lại sức mạnh cho Kitô hữu để họ cũng có thể trở nên ‘một con người đầy lửa’.

Một người cao tuổi ghi lại lời tự thú như một nhắn gửi đến các thế hệ trẻ. “Khi còn là thanh niên, tôi muốn thay đổi thế giới; sau đó, tôi hiểu, đó là điều không tưởng; thế là tôi cố thay đổi đất nước, và hiểu rằng, cũng không thể; tôi nghĩ đến việc thay đổi thành phố, cũng không làm được. Sau đó, tôi nghĩ đến thay đổi gia đình… và nay khi đã về già, tôi nhận ra rằng, điều duy nhất tôi có thể làm là thay đổi chính mình. Sau cùng, tôi chợt nghiệm ra, giá như từ đầu, tôi thay đổi bản thân, tôi đã có thể tác động để thay đổi gia đình, và điều đó có thể gây ảnh hưởng đến phố phường; những thay đổi nầy sẽ giúp biến đổi đất nước, và qua đó, tôi có thể góp phần thay đổi thế giới”.

Hôm nay, Giáo Hội kính nhớ Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, ‘một con người đầy lửa’; ngài đã có 247 chuyến viếng thăm mục vụ trong và ngoài nước Ý; đã đi 1.167.295 km, trên 28 lần chu vi của trái đất, ngài những ước mong cho thế giới được đầy lửa yêu mến Thiên Chúa.

Anh Chị em,

Trên thập giá, Chúa Giêsu vẫn mãi là ngọn đuốc thắp sáng trần gian; Ngài soi rọi để nhân loại thấy sự hiện diện của Thiên Chúa, một sự hiện diện cứu sống, chữa lành, thứ tha và yêu thương. Phần chúng ta, còn chần chờ gì nữa, để khỏi lãng phí thời gian vào những tham vọng thay đổi những gì quá lớn lao, xa vời; ngay hôm nay, hãy cầu xin lửa Thánh Thần thiêu đốt để thay đổi bản thân mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con cũng trở nên ‘một con người đầy lửa’, để con cháy lửa kính mến Chúa và hiểu được tình yêu Chúa dành cho chúng con, một tình yêu vượt quá trí hiểu loài người, ngay cả khi những nghịch cảnh đang xảy ra cho Giáo Hội, cho đất nước, cho gia đình và cho từng người”, Amen.

(Tgp. Huế)