1. Hàng chục người Công Giáo quỳ gối tại quảng trường Thánh Phêrô xin Đức Thánh Cha minh xác các nhận xét của ngài



Chiều thứ Bẩy 24 tháng 10, hàng chục người Công Giáo đã quỳ gối cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Phêrô để thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô minh xác những nhận xét liên quan đến các kết hiệp dân sự trong khi các phương tiện truyền thông và các chính trị gia trên thế giới tiếp tục giải thích những nhận xét ấy là một thay đổi đáng kể trong giáo huấn của Giáo Hội.

Nhóm anh chị em này phần lớn là những người trẻ do giáo dân người Áo Alexander Tschugguel dẫn đầu. Anh là người đã trở nên nổi tiếng vào năm ngoái sau khi ném các bức tượng gỗ Pachamama xuống sông Tiber trong thời gian xảy ra Thượng Hội Đồng Amazon. Họ đã tụ tập dưới bóng của Đền Thờ Thánh Phêrô vào khoảng 5 giờ chiều, nơi họ đứng và quỳ xuống cầu nguyện trong im lặng.



Trước mặt họ, bên cạnh hàng rào bao quanh quảng trường, những người tham gia giơ một biểu ngữ lớn có nội dung: “Thưa Đức Thánh Cha, chúng con yêu cầu ngài minh xác về các kết hiệp dân sự đồng tính”. Hiến binh Vatican đã cho phép trưng bày trong 10 phút trước khi yêu cầu gỡ xuống.

Hiếm có một biểu ngữ lớn như thế này lại được phép trưng bày gần quảng trường và nổi bật như vậy.

Sáng kiến này là để đáp lại những nhận xét của Đức Phanxicô, được đưa ra trong một bộ phim tài liệu mới có tên Francesco, trong đó ngài lên tiếng ủng hộ một luật liên quan đến các kết hiệp dân sự. Bất kể các chỉ trích gay gắt từ nhiều thành phần trong Giáo Hội, đến nay Vatican vẫn chưa đưa ra bất kỳ lời giải thích hoặc phản hồi nào về các bình luận.

Các nhà phê bình cho rằng những lời bình luận của Đức Phanxicô, mặc dù được thể hiện dưới dạng quan điểm cá nhân, cho thấy sự phá vỡ giáo huấn của Giáo hội liên quan đến các kết hiệp dân sự đồng tính, đặc biệt là một tài liệu năm 2003 của Bộ Giáo Lý Đức Tin phản đối rõ ràng các thứ kết hiệp này. Họ đã yêu cầu ngài lên tiếng minh xác quan điểm của mình.

Các chính trị gia và giới truyền thông cũng bóp méo bình luận của ngài để gợi ý rằng Đức Giáo Hoàng không chỉ ngầm tán thành lối sống đồng tính mà còn cả việc nhận con nuôi đồng tính, là cả hai điều mà ngài đã kiên quyết phản đối trong quá khứ.



Anh Tschugguel, người dẫn đầu buổi cầu nguyện cho biết:

“Vấn đề với câu nói này của Đức Giáo Hoàng là nó đã được sử dụng để đưa ra một chương trình nghị sự bài Công Giáo một cách tàn bạo.” Anh đặc biệt đề cập đến Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela, là người mà hôm thứ Năm đã yêu cầu quốc hội nước này thảo luận về “hôn nhân đồng giới”, khi trích dẫn nhận xét của Đức Giáo Hoàng. “Maduro bây giờ cảm thấy được trao quyền để thực hiện bước tiến táo bạo này,” Tschugguel nói.

Những người ủng hộ dự luật kết hiệp dân sự ở Phi Luật Tân, bao gồm cả Tổng thống Rodrigo Duterte, cũng đã sử dụng nhận xét của Đức Giáo Hoàng để giúp thúc đẩy thông qua dự luật này, trong khi ít nhất một tờ báo được lưu hành rộng rãi ở Anh đã giải thích những nhận xét của Đức Giáo Hoàng về các kết hiệp dân sự đồng tính, như một lời chúc phúc cho các “đám cưới đồng tính”.

Tschugguel nói rằng anh tin rằng Đức Giáo Hoàng không nghĩ như các phương tiện truyền thông đang tường thuật và đã đề cao hôn nhân truyền thống giữa một người nam và một người nữ. Tuy nhiên, “Điều đó không quan trọng. Chúng tôi biết rằng ngài không nghĩ như người ta tường thuật, nhưng truyền thông trên toàn thế giới, từ một tờ báo nhỏ cho đến các tờ báo lớn, đã không nói điều này. Họ không nói rằng đó không phải là một sự thay đổi tín lý, nhưng họ đều nói rằng nó có thể có nghĩa là một sự thay đổi giáo huấn của Giáo Hội”.

Khoảng 50 người tham gia, bao gồm một nhóm 15 người Áo từ 20 đến 30 tuổi đã lái xe từ Vienna đến Rôma cũng như những người thuộc nhiều quốc tịch khác. Họ quỳ gối trong nửa giờ trong lời cầu nguyện im lặng ở quảng trường và kết thúc bằng kinh Salve Regina, tức là kinh Lạy Nữ Vương.

Tschugguel nói: “Chúng tôi cầu nguyện vì nếu bạn cầu xin bất cứ điều gì mà không có lời cầu nguyện đi kèm thì điều đó sẽ ra vô ích”.

“Chúng tôi không muốn bất cứ điều gì tồi tệ xảy ra vì hành động của chúng tôi ngày hôm nay,” anh nói thêm. “Chúng tôi chỉ muốn kính xin Đức Thánh Cha cho chúng tôi biết rõ về điều này.”


Source:National Catholic Register


2. Thượng Viện Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu xác nhận Amy Coney Barrett vào ngày thứ Hai 26 tháng 10

Hôm thứ Năm 22 tháng 10, Ủy ban Tư pháp Thượng viện đã bỏ phiếu đề cử Amy Coney Barrett lên Tòa án Tối cao, và do đó, thiết lập một cuộc bỏ phiếu xác nhận cuối cùng của toàn thể Thượng Viện Hoa Kỳ. Các thành viên đảng Dân chủ đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện và không tham dự.

Như thế, cho đến nay các mốc thời gian chính yếu đã diễn ra như sau:

Lúc 5g chiều ngày thứ Bẩy 26 tháng 9 theo giờ miền Đông Hoa Kỳ, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện, qua đó tái định hình một cách mạnh mẽ cơ quan tư pháp liên bang, tạo ra những ảnh hưởng phò sinh kéo dài hàng thế hệ và ông hy vọng sẽ tạo ra một động lực cần thiết cho nỗ lực tái tranh cử của mình.

Việc đề cử này đã khởi động một tiến trình xác nhận rất được người Công Giáo và những người chủ trương phò sinh mong đợi trong một thời gian căng thẳng chưa đầy sáu tuần trước cuộc bầu cử tổng thống.

Đề cử của Barrett đã được chuyển đến Thượng viện, nơi các thành viên của Ủy ban Tư pháp nghe lời khai của cô, đặt câu hỏi và gọi các nhân chứng, như một phần của quá trình “Advice and Consent”, nghĩa là “Tư vấn và Chuẩn thuận” được quy định trong Hiến pháp Hoa Kỳ.

Sau các phiên điều trần này, lúc 1 giờ thứ Năm 22 tháng 10, ủy ban đã bỏ phiếu để gửi đề cử này đến toàn bộ Thượng viện một cách thuận lợi. Có 22 thành viên trong Ủy ban Tư pháp Thượng viện bao gồm 12 Thượng nghị sĩ của Đảng Cộng Hòa và 10 Thượng nghị sĩ của đảng Dân Chủ. Tất cả 10 Thượng nghị sĩ của đảng Dân Chủ đều không có mặt và tất cả 12 Thượng nghị sĩ của Đảng Cộng Hòa đã đồng thanh đề cử Amy ra toàn thể Thượng viện để bỏ phiếu xác nhận vào ngày thứ Hai 26 tháng 10.

Các xác nhận gần đây về việc đề cử vào Tòa án Tối cao cho thấy toàn bộ quy trình thường kéo dài từ hai đến ba tháng. Lãnh đạo đa số tại Thượng Viện Mitch McConnell của Đảng Cộng Hòa đơn vị Kentucky và chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện là Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đã làm hết sức của họ để việc xác nhận cô Amy Barrett diễn ra trước cuộc bầu cử 3 tháng 11.

Barrett là thẩm phán Công Giáo tại Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ thứ bảy. Một bà mẹ bảy con, trước đây cô là giáo sư luật tại Đại học Notre Dame. Nếu được xác nhận với Tòa án Tối cao, cô ấy sẽ là người Công Giáo thứ sáu trên băng ghế của Tòa Án Tối Cao.

Jeannie Mancini, chủ tịch của March for Life, đã ca ngợi các lá phiếu tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện và kêu gọi cầu nguyện cho cô Amy Barrett trong cuộc bỏ phiếu ngày 26 tháng 10.


Source:Catholic News Agency

3. Tòa Thánh và Trung Quốc gia hạn hiệp định tạm thời thêm hai năm.

Ngày 22 tháng 10 năm 2020, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã thông báo rằng Hiệp định Tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục được gia hạn thêm hai năm.

Thông cáo Báo chí viết: “Xét thấy việc thực hiện Hiệp định nói trên - cơ bản về mặt giáo hội và mục vụ - là tích cực, nhờ sự thông tin và hợp tác tốt giữa các bên về các vấn đề đã thỏa thuận, Tòa Thánh muốn tiếp tục cuộc đối thoại cởi mở và mang tính xây dựng vì lợi ích của đời sống Giáo Hội Công Giáo và những điều tốt đẹp của người dân Trung Quốc.”

Thông cáo báo chí được đăng cùng với một bài viết trên báo Quan sát viên Rôma, trong đó giải thích các lý do về quyết định này của Tòa Thánh. Bài báo viết: “Hai bên đã đánh giá các khía cạnh khác nhau của việc thi hành Hiệp định và đã đồng ý, thông qua việc trao đổi chính thức biên bản, rằng sẽ gia hạn hiệp định thêm hai năm, cho đến ngày 22 tháng 10 năm 2022”.

Thông cáo cho rằng mục đích chính của Hiệp định “là hỗ trợ và thúc đẩy việc loan báo Tin Mừng” ở Trung Quốc “bằng cách khôi phục sự hiệp nhất đầy đủ và hữu hình của Giáo hội”. Vấn đề bổ nhiệm các giám mục và sự hiệp nhất của các giám mục với Người kế vị thánh Phêrô “có tầm quan trọng sống còn đối với đời sống của Giáo hội, cả ở mức độ địa phương và hoàn vũ”. Chính yếu tố này đã “truyền cảm hứng cho các cuộc đàm phán và là điểm tham chiếu trong việc soạn thảo văn bản của Hiệp định”, để đảm bảo “dần dần sự hiệp nhất về đức tin và sự hiệp thông giữa các giám mục cũng như sự phục vụ đầy đủ cho cộng đồng Công Giáo ở Trung Quốc. Hôm nay, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, tất cả các giám mục ở Trung Quốc đều hiệp thông với Giám mục Rôma và nhờ việc thực hiện Hiệp định, sẽ không còn việc truyền chức trái phép nữa”.


Source:Catholic News Agency

4. Tuyên bố của Đức Hồng Y Raymond Burke về nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô liên quan đến các kết hiệp dân sự

Bộ phim tài liệu “Francesco” đã và đang tiếp tục gây ra những hoang mang rất lớn. Đức Hồng Y Raymond Burke, nguyên chánh án Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh cho rằng những nhận xét được nêu ra trong cuốn phim áp đặt lên các mục tử cho các linh hồn bổn phận lương tâm là phải đưa ra các minh định phù hợp và cần thiết.

Nguyên bản tiếng Anh tuyên bố của ngài có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Ngày 22 tháng 10 năm 2020

Các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới đã đưa tin với một sự nhấn mạnh đặc biệt, như một sự thay đổi truyền thống, tin tức theo đó Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố rằng những người trong tình trạng đồng tính luyến ái, là con cái của Chúa, “có quyền có một gia đình” và “Không ai nên bị vứt bỏ, hoặc bị làm cho khốn khổ vì điều đó”. Hơn nữa, họ viết rằng ngài đã tuyên bố: “Chúng ta phải tạo ra một luật về kết hiệp dân sự. Bằng cách đó họ được bảo đảm về mặt pháp lý. Tôi đã ủng hộ điều đó”. Tuyên bố này được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với Evgeny Afineevsky, đạo diễn của một bộ phim tài liệu “Francesco” được công chiếu vào ngày 21 tháng 10 năm 2020, nhân dịp Liên hoan phim Rôma (Festa del Film di Roma).

Những tuyên bố như vậy gây ra sự hoang mang lớn và tạo ra sự nhầm lẫn và lầm lạc cho các tín hữu Công Giáo, vì chúng đi ngược lại với giáo huấn của Sách Thánh và Thánh Truyền, và Huấn quyền gần đây mà qua đó Giáo hội bảo vệ, trân trọng và giải thích toàn bộ kho tàng đức tin chứa đựng trong Sách Thánh và Thánh Truyền. Chúng gây ra sự ngạc nhiên và nhầm lẫn về giáo huấn của Giáo hội nơi những người thiện chí, những người chân thành muốn biết những gì Giáo Hội Công Giáo dạy. Những nhận xét như thế áp đặt lên các mục tử cho các linh hồn bổn phận lương tâm là phải đưa ra các minh định phù hợp và cần thiết.

Trước hết, bối cảnh và thời điểm của những tuyên bố như vậy khiến chúng không có bất kỳ trọng lượng nào của huấn quyền. Những tuyên bố ấy chỉ nên hiểu một cách chính xác là những ý kiến riêng tư đơn sơ của người đưa ra. Những tuyên bố này, hoàn toàn không ràng buộc lương tâm của các tín hữu, những người có nghĩa vụ phải tuân thủ nhiệm nhặt những gì Sách Thánh và Thánh Truyền, cũng như Huấn quyền thông thường của Giáo hội dạy về vấn đề được đề cập. Đặc biệt, cần lưu ý những điều sau.

1. “Căn cứ vào Sách Thánh, trong đó trình bày những hành vi đồng tính luyến ái như những hành vi thác loạn nghiêm trọng, Truyền thống Giáo Hội luôn tuyên bố rằng 'những hành vi đồng tính về bản chất là rối loạn' “ (Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, số 2357; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Persona humana, “Tuyên bố về một số vấn đề liên quan đến đạo đức tình dục, số VIII [1]), vì chúng trái với quy luật tự nhiên, đóng kín với ân sủng sự sống và không có sự bổ sung tình cảm và tình dục thực sự. Do đó, chúng không thể được chấp thuận.

2. Có những khuynh hướng đặc biệt và đôi khi sâu xa của con người, đàn ông và đàn bà, trong tình trạng đồng tính luyến ái, mà đối với họ là một thử thách. Mặc dù bản thân những khuynh hướng ấy có thể không cấu thành tội lỗi, nhưng vẫn thể hiện một khuynh hướng rối loạn khách quan (Giáo lý Giáo Hội Công Giáo, số 2358; Bộ Giáo lý Đức tin, Homosexualitatis problemma, “ Thư gửi các Giám mục của Giáo Hội Công Giáo về việc Mục vụ Chăm sóc Người Đồng tính luyến ái, số 3 [2]). Do đó, những người đồng tính nên đón nhận với sự tôn trọng, từ bi và nhạy cảm, tránh mọi sự phân biệt đối xử bất công. Đức tin Công Giáo dạy người tín hữu ghét tội lỗi nhưng phải yêu kẻ tội lỗi.

3. Các tín hữu, và đặc biệt là các chính trị gia Công Giáo phải phản đối việc công nhận hợp pháp các kết hiệp đồng tính (Bộ Giáo lý Đức tin, Các Cân nhắc về Đề xuất đưa ra Sự Công nhận Hợp pháp cho Các kết hiệp giữa Những Người Đồng tính, Các câu hỏi đa dạng, số 10 [3]). Quyền lập gia đình không phải là một quyền riêng tư để biện minh oan nhưng phải phù hợp với kế hoạch của Đấng Tạo Hóa, Đấng đã muốn con người có sự khác biệt về giới tính, “Người đã tạo ra họ có nam và nữ” (St 1: 27), do đó gọi là con người là người nam và người nữ, để di truyền sự sống. “Bởi vì các cặp vợ chồng kết hôn bảo đảm sự kế thừa của các thế hệ và do đó đặc biệt là vì lợi ích cộng đồng, luật dân sự ban cho họ sự công nhận về mặt thể chế. Trái lại, các kết hiệp đồng tính không cần có sự quan tâm cụ thể từ quan điểm pháp lý vì họ không thực hiện chức năng này vì thiện ích chung”. (Thượng dẫn, số 9 [4]). Nói về kết hiệp đồng tính, theo nghĩa giống như sự kết hiệp vợ chồng của những người đã kết hôn, trên thực tế, là một sai lầm sâu sắc, bởi vì không thể có sự kết hợp như vậy giữa những người cùng giới tính. Liên quan đến việc thực thi công lý, những người trong tình trạng đồng tính luyến ái, trong tư cách là các công dân, luôn có thể sử dụng các quy định của pháp luật để bảo vệ quyền riêng tư của họ.

Đó là nguồn gốc của nỗi buồn sâu sắc nhất và mối quan tâm mục vụ bức xúc khi các ý kiến riêng tư được báo chí nhấn mạnh và quy cho Đức Thánh Cha Phanxicô không phù hợp với giáo huấn liên tục của Giáo hội, như được bày tỏ trong Sách Thánh và Thánh Truyền và được bảo vệ, trân trọng và giải thích bởi Huấn quyền. Đáng buồn và đáng lo ngại không kém là tình trạng hỗn loạn, bối rối và sai lầm mà những nhận xét ấy gây ra cho các tín hữu Công Giáo, cũng như tai tiếng mà chúng gây ra, một cách tổng quát, khi tạo ra ấn tượng hoàn toàn sai lầm rằng Giáo Hội Công Giáo đã có một sự thay đổi truyền thống, nghĩa là đã thay đổi cách giảng dạy từ ngàn đời về những vấn đề cơ bản và quan trọng như vậy.

+ Đức Hồng Y Raymond Leo Burke

Rôma, ngày 22 tháng 10 năm 2020

1] “... suapte intrinseca natura esse inordinatos.” Sacra Congregatio pro Doctrina Fidei, Declaratio, Persona humana, “De quibusdam quaestionibus ad sexualem ethicam spectantibus,” 29 Decembris 1975, Acta Apostolicae Sedis 68 (1976) 85, n. 8. English Translation, p. 5, VIII.

[2] Cf. Congregatio pro Doctrina Fidei, Epistula, Homosexualitatis problema, “Ad universos catholicae Ecclesiae episcopos de pastorali personarum homosexualium cura,” 1 Octobris 1986, Acta Apostolicae Sedis 79 (1987) 544, n. 3. English Translation, pp. 1-2, no. 3.

[3] Congregatio pro Doctrina Fidei, Nota, Diverse quaestioni concernenti l’omosessualità, “De contubernalibus eiusdem sexus quoad iuridica a consectaria contubernii,” 3 Iunii 2003, Acta Apostolicae Sedis 96 (2004) 48, n. 10. English translation: English Translation, pp. 5-6, no. 10.

[4] “Poiché le coppie matrimoniali svolgono il ruolo di garantire l’ordine delle generazioni e sono quindi di eminente interesse pubblico, il diritto civile conferisce loro un riconoscimento istituzionale. Le unioni omosessuali invece non esigono una specifica attenzione da parte dell’ordinamento giuridico, perché non rivestono il suddetto ruolo per il bene comune.” Ibid., 47, n. 9. English translation: Ibid., p. 5, no. 9.


Source:Cardinal Burke