Theo tin Zenit, do con số lây nhiễm và tử vong vì Covid-19 lên cao mỗi ngày, khắp thế giới và riêng tại Ý, nơi hàng ngày số người lây nhiễm lên tới 30,000 và 300 người chết, hôm nay, 4 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trở lại hình thức yết kiến trực tuyến, để phát đi bài giáo lý hàng tuần của ngài từ thư viện.

Khởi đầu buổi yết kiến trực tuyến, Đức Giáo Hoàng nói rằng quả là bất hạnh khi không còn được trực tiếp gặp gỡ tín hữu, mà phải hành động có trách nhiệm theo khuyến cáo của các nhà cầm quyền dân sự.

Buổi sáng nay, Đức Giáo Hoàng tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về cầu nguyện và đề cao Chúa Giêsu làm Tôn sư dạy ta cầu nguyện. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài dựa theo bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Thật không may, chúng ta đã phải quay lại với việc tổ chức buổi yết kiến này trong thư viện, để tự bảo vệ trước sự lây nhiễm của Covid. Điều này cũng dạy chúng ta điều này: chúng ta phải hết sức chú ý đến các quy định của các nhà cầm quyền, cả thẩm quyền chính trị lẫn thẩm quyền y tế, để bảo vệ mình chống lại đại dịch này. Chúng ta hãy dâng lên Chúa khoảng cách này giữa chúng ta, vì lợi ích của tất cả mọi người, và chúng ta hãy nghĩ, chúng ta hãy nghĩ nhiều về những người bệnh, về những người đã bị gạt ra bên lề khi họ phải vào bệnh viện, chúng ta hãy nghĩ đến các bác sĩ, các y tá, các thiện nguyện viên, nhiều người đang làm việc với người bệnh vào thời điểm này: họ liều mạng sống nhưng họ làm vậy vì tình yêu đối với người lân cận, như một ơn gọi. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ.

Trong suốt cuộc đời công khai của Người, Chúa Giêsu không ngừng tận dụng sức mạnh của lời cầu nguyện. Các sách Tin Mừng cho chúng ta thấy điều này khi Người lui về những nơi vắng vẻ để cầu nguyện. Đây là những nhận xét đúng mực và thận trọng, giúp chúng ta chỉ hình dung những cuộc đối thoại cầu nguyện đó. Tuy nhiên, rõ ràng chúng chứng tỏ rằng ngay cả những lúc tận tụy hơn trong việc chăm lo cho người nghèo và người bệnh, Chúa Giêsu vẫn không bao giờ bỏ quên cuộc đối thoại thân mật của Người với Chúa Cha. Càng đắm mình phục vụ nhu cầu của người ta, Người càng thấy cần phải dựa vào sự Hiệp thông Ba Ngôi, trở về với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Do đó, có một bí quyết trong cuộc đời của Chúa Giêsu, được che giấu đối với đôi mắt phàm nhân, một bí quyết vốn làm điểm tựa cho mọi điều khác. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là một thực tại mầu nhiệm, mà chúng ta rất ít trực giác được, nhưng là điều giúp chúng ta giải thích toàn bộ sứ mệnh của Người theo quan điểm đúng đắn. Trong những giờ phút tĩnh mịch ấy - trước bình minh hoặc vào ban đêm - Chúa Giêsu đã đắm mình trong tình thân mật với Chúa Cha, nghĩa là trong Tình Yêu mà mọi linh hồn đều khao khát. Đây là điều xuất hiện ngay từ những ngày đầu trong sứ vụ công khai của Người.

Thí dụ, vào một ngày Sabát, thị trấn Caphácnaum đã biến thành một “bệnh viện dã chiến”: sau khi mặt trời lặn, họ mang tất cả những người bệnh đến với Chúa Giêsu, và Người chữa lành họ. Tuy nhiên, trước bình minh, Chúa Giêsu biến dạng: Ngài rút lui vào một nơi thanh vắng và cầu nguyện. Simon và những người khác đi tìm Người và khi thấy Người, họ nói: "Mọi người đang tìm kiếm Thầy!" Chúa Giêsu trả lời thế nào? “Chúng ta hãy đi đến các thị trấn kế bên để thầy cũng có thể giảng dạy ở đó; vì thầy ra đi cốt để làm việc đó” (xem Mc 1: 35-38). Chúa Giêsu luôn đi xa hơn một chút, xa hơn để cầu nguyện với Chúa Cha, và xa hơn nữa, đến những làng mạc khác, những chân trời khác, đi và rao giảng cho các dân tộc khác.

Cầu nguyện là bánh lái dẫn đường cho Chúa Giêsu. Không phải thành công, không phải sự đồng thuận, không phải cụm từ quyến rũ “mọi người đang tìm kiếm thầy”, đã chỉ định các giai đoạn trong sứ mệnh của Người. Con đường mà Chúa Giêsu vẽ ra là con đường ít thoải mái nhất, nhưng đó là con đường qua đó Người vâng theo sự linh hứng của Chúa Cha, sự linh hứng mà Chúa Giêsu đã vâng nghe và nghinh đón trong lời cầu nguyện thanh tĩnh của Người.

Sách Giáo lý nói rằng “Khi Chúa Giêsu cầu nguyện, Người đã dạy chúng ta cách cầu nguyện rồi” (số 2607). Do đó, từ gương sáng của Chúa Giêsu, chúng ta có thể rút ra một số đặc điểm của lời cầu nguyện Kitô giáo.

Đầu tiên và quan trọng nhất, nó có địa vị hàng đầu: đó là ước nguyện đầu tiên trong ngày, một điều được thực hiện vào lúc bình minh, trước khi thế giới thức giấc. Nó phục hồi linh hồn trở lại điều mà nếu không có nó sẽ không có hơi sống. Một ngày sống mà không có lời cầu nguyện có nguy cơ bị biến thành một trải nghiệm khó chịu hoặc tẻ nhạt: tất cả những gì xảy ra với chúng ta có thể trở thành một số phận tồi tệ và mù quáng. Thay vào đó, Chúa Giêsu dạy phải tuân theo thực tại và do đó, phải lắng nghe. Cầu nguyện trước hết là lắng nghe và gặp gỡ Chúa. Nhờ thế, những vấn đề của cuộc sống hàng ngày không trở thành các trở ngại, nhưng là các lời kêu gọi của chính Thiên Chúa biết lắng nghe và gặp gỡ những người đang ở trước mặt chúng ta. Vì vậy, những thử thách trong cuộc sống biến thành cơ hội để trưởng thành trong đức tin và đức ái. Cuộc hành trình hàng ngày, bao gồm các gian khổ, nhận được viễn ảnh “ơn gọi”. Cầu nguyện có sức mạnh biến đổi thành tốt đẹp điều, trong cuộc sống, có thể bị lên án; lời cầu nguyện có sức mở rộng tâm trí đón chào một chân trời rộng lớn.

Thứ hai, cầu nguyện là một nghệ thuật cần được thực hành một cách kiên trì. Chính Chúa Giêsu nói với chúng ta: hãy gõ, hãy gõ, hãy gõ mãi. Chính Chúa Giêsu nói với chúng ta: hãy gõ, hãy gõ, hãy gõ mãi. Tất cả chúng ta đều có khả năng cầu nguyện đây đó, xuất phát từ cảm xúc nhất thời; nhưng Chúa Giêsu dạy chúng ta một kiểu cầu nguyện khác: kiểu cầu nguyện có kỷ luật, một thao tác, được thực hiện trong quy tắc sống. Lời cầu nguyện kiên định tạo ra sự biến đổi tiệm tiến, làm chúng ta trở nên mạnh mẽ trong lúc khổ sầu, mang lại cho chúng ta ơn thánh để được nâng đỡ bởi Đấng yêu thương chúng ta và luôn bảo vệ chúng ta.

Một đặc điểm khác trong lối cầu nguyện của Chúa Giêsu là sự tĩnh mịch. Những người cầu nguyện không trốn khỏi thế gian, nhưng thích những nơi vắng vẻ hơn. Ở đó, trong im lặng, nhiều tiếng nói có thể vang lên từng bị chúng ta che giấu trong sâu thẳm nội tâm của mình: những khao khát bị đè nén nhất, những sự thật mà chúng ta cố gắng bóp nghẹt, v.v. Và, trên hết, Thiên Chúa nói trong im lặng. Mọi người cần có một khoảng không gian riêng để có thể vun xới đời sống nội tâm, trong đó các hành động tìm được ý nghĩa. Không có đời sống nội tâm, chúng ta trở nên hời hợt, giao động và lo lắng - lo lắng làm hại chúng ta xiết bao! Đây là lý do tại sao chúng ta phải đi cầu nguyện; không có đời sống nội tâm, chúng ta chạy trốn thực tại, và chúng ta cũng trốn chạy chính mình, chúng ta là những người đàn ông và đàn bà luôn chạy hối hả.

Cuối cùng, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là nơi chúng ta tri nhận được rằng mọi điều đều phát xuất từ Thiên Chúa và trở về với Người. Đôi khi con người chúng ta tin rằng mình làm chủ mọi sự, hoặc ngược lại, chúng ta mất hết lòng tự trọng, chúng ta đi từ phía này sang phía khác. Cầu nguyện giúp chúng ta tìm được chiều kích đúng đắn trong mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, Cha của chúng ta và với mọi tạo vật. Và lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, cuối cùng, có nghĩa là phó mình trong tay Cha, giống như Chúa Giêsu trong vườn cây dầu, trong cuộc thống khổ đó: “Lạy Cha, nếu có thể… xin cho ý Cha được thực hiện”. Phó mình trong tay Chúa Cha. Điều tốt là khi chúng ta bị giao động, có chút lo lắng, và được Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta từ bên trong và dẫn chúng ta tới việc phó thác trong tay Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho ý Cha được thực hiện”.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy khám phá lại Chúa Giêsu Kitô như Thầy dạy cầu nguyện trong Tin mừng và gia nhập trường dạy của Người. Tôi bảo đảm bảo với anh chị em rằng chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui và bình an.