1. Tuyên bố long trọng của Tổng thống Donald Trump về quyền tự do tín ngưỡng tại Hoa Kỳ và toàn thế giới

Thánh Thomas Becket, còn được gọi là Thánh Thomas thành Canterbury, hay Thánh Thomas thành Luân Đôn sinh ngày 21 tháng 12 năm 1119 và qua đời ngày 29 tháng 12 năm 1170, lúc mới 51 tuổi. Ngài là Tổng giám mục Canterbury từ năm 1162 cho đến bị giết vào năm 1170. Lúc bấy giờ tại Anh chỉ có Giáo Hội Công Giáo. Mãi đến năm 1534, tức là 364 năm sau đó, mới xuất hiện Anh Giáo.

Ngài được cả Giáo Hội Công Giáo và Anh giáo tôn kính là vị thánh tử đạo. Ngài xung đột với Vua Anh Henry Đệ Nhị vì nhà vua xen vào công việc nội bộ và kỷ cương của Giáo Hội. Ngay sau khi qua đời, ngài được Đức Giáo Hoàng Alexander Đệ Tam tuyên thánh.

Ngày 29 tháng 12 năm 1170, bốn hiệp sĩ của triều đình đã đến nhà thờ chính tòa Canterbury buộc ngài phải chấp nhận các yêu sách của nhà vua. Khi ngài từ chối, cả 4 tên đều chém ngài nhiều nhát và chặt đầu ngài bên trong nhà thờ khi ngài đang mặc áo lễ cử hành giờ kinh chiều.

Nhân kỷ niệm 850 năm cuộc tử đạo của Thánh Thomas Becket, Tổng thống Donald Trump đã ra một tuyên bố ca ngợi Thánh Thomas Becket và kêu gọi cải thiện tình trạng tự do tôn giáo trên toàn thế giới.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Hôm nay là kỷ niệm 850 năm ngày Thánh Thomas Becket tử đạo vào ngày 29 tháng 12 năm 1170. Thánh Thomas Becket là một chính khách, một học giả, một chưởng lý, một linh mục, một tổng giám mục và là một con sư tử của tự do tôn giáo.

Trước khi Đại Hiến Chương Tự Do Magna Carta được soạn thảo, trước khi quyền tự do thực hành niềm tin tôn giáo được ghi nhận là quyền tự do đầu tiên của nước Mỹ trong Hiến pháp vinh quang của chúng ta, Thánh Thomas đã cống hiến cuộc đời mình để, như ngài đã nói, “Giáo hội sẽ đạt được tự do và yên hàn”.

Là con trai của một cảnh sát trưởng Luân Đôn và từng được nhà vua, là người đã giết ngài, mô tả là “một viên chức xuất thân thấp hèn”, Thánh Thomas Becket đã vươn lên trở thành nhà lãnh đạo Giáo Hội ở Anh. Khi triều đình cố gắng xâm phạm công việc của nhà Chúa thông qua Hiến pháp Clarendon, Thánh Thomas đã từ chối ký vào văn bản vi phạm. Khi Vua Henry Đệ Nhị giận dữ đe dọa sẽ giam giữ ngài vì dám khinh thường quyền lực hoàng gia và đặt câu hỏi tại sao vị giáo sĩ “nghèo và thấp hèn” này lại dám thách thức ông, Đức Tổng Giám Mục Becket đã trả lời “Chúa là Đấng tối cao, trên cả các vị vua” và “chúng ta phải vâng lời Chúa hơn là người ta”.

Vì Thánh Thomas không đồng ý để Giáo Hội phụ thuộc vào nhà nước, ngài bị buộc phải bỏ lại tất cả tài sản của mình và ra nước ngoài lưu vong. Nhiều năm sau đó, sau sự can thiệp của Đức Giáo Hoàng, Thánh Thomas được phép quay trở lại - và tiếp tục chống lại sự can thiệp áp bức của nhà vua vào đời sống của Giáo Hội. Cuối cùng, nhà vua đã phẫn nộ trước sự bảo vệ đức tin vững chắc của Thánh Thomas Becket, và nhà vua đã điên tiết thốt lên rằng: “Không ai loại bỏ giùm tôi cái ông linh mục gây quá nhiều rắc rối này à?”

Các hiệp sĩ của nhà vua nghe lệnh và cưỡi ngựa đến nhà thờ chính tòa Canterbury để đưa cho Thánh Thomas Becket một tối hậu thư: nhượng bộ các yêu cầu của nhà vua hoặc là chết. Câu trả lời của Thánh Thomas vang vọng khắp thế giới và qua nhiều thời đại. Những lời cuối cùng của ngài trên trái đất này là: “Vì danh Chúa Giêsu và để bảo vệ Giáo hội, tôi sẵn sàng đón nhận cái chết”. Trong khi đang mặc áo lễ, Thánh Thomas đã bị đốn ngã khi đứng bên trong các bức tường của nhà thờ mình.

Cuộc tử đạo của Thánh Thomas Becket đã thay đổi tiến trình lịch sử. Cuối cùng, nó dẫn đến nhiều hạn chế hiến pháp về quyền lực của nhà nước đối với Giáo hội trên khắp Tây phương. Ở Anh, vụ sát hại Thánh Thomas đã dẫn đến Đại Hiến Chương Tự Do Magna Carta 45 năm sau đó, với quy định rằng: “Giáo Hội tại Anh sẽ được tự do, và các quyền của Giáo Hội sẽ không bị hạn chế và quyền tự do của Giáo Hội không bị ngăn trở”.

Khi Đức Tổng Giám Mục từ chối không cho nhà vua can thiệp vào công việc của Giáo hội, Thánh Thomas Becket đã đứng ở giao lộ giữa Giáo Hội và nhà nước. Lập trường đó, sau nhiều thế kỷ xảy ra các áp bức tôn giáo do nhà nước bảo trợ và các cuộc chiến tranh tôn giáo khắp Âu châu, cuối cùng đã dẫn đến việc thiết lập tự do tôn giáo ở Tân Thế giới. Chính vì những người vĩ đại như Thánh Thomas Becket mà Tổng thống Mỹ đầu tiên George Washington có thể tuyên bố hơn 600 năm sau rằng, tại Hoa Kỳ, “Tất cả mọi người đều có quyền tự do lương tâm và quyền công dân như nhau” và “giờ đây không còn có thể đề cập đến một sự khoan dung, như thể nhờ ơn xá của một lớp người, mà một lớp người khác được hưởng việc thực hiện các quyền tự nhiên vốn có của họ”.

Cái chết của Thánh Thomas Becket như một lời nhắc nhở mạnh mẽ và bất hủ đối với mọi người Mỹ rằng sự tự do của chúng ta không bị bách hại tôn giáo không phải là điều xa xỉ hay là một tình cờ của lịch sử, nhưng là một yếu tố thiết yếu trong sự tự do của chúng ta. Đó là kho báu và di sản vô giá của chúng ta. Và nó đã được mua bằng máu của các vị tử đạo.

Là người Mỹ, trước hết, chúng ta hiệp nhất với nhau bởi niềm tin rằng “nổi loạn chống lại những tên hôn quân tàn bạo là vâng lời Thiên Chúa” và bảo vệ quyền tự do quan trọng hơn chính mạng sống mình. Nếu chúng ta tiếp tục là vùng đất của tự do, không có quan chức chính phủ nào, không có thống đốc nào, không có quan chức nào, không có thẩm phán nào và không có nhà lập pháp nào lại được phép ra lệnh rằng đâu mới là chính thống trong các vấn đề tôn giáo, hoặc đòi hỏi tín hữu các tôn giáo phải vi phạm lương tâm của họ. Để xây dựng một xã hội hòa bình, thịnh vượng và đạo đức không có quyền nào cơ bản hơn là quyền được tuân theo các niềm tin tôn giáo. Như tôi đã tuyên bố tại Quảng trường Krasiński ở Warsaw, Ba Lan vào ngày 6 tháng 7 năm 2017, người dân Mỹ và người dân thế giới vẫn tiếp tục kêu lên: “Chúng tôi muốn có Chúa”.

Vào ngày này, chúng ta kỷ niệm và tôn kính lập trường can đảm của Thánh Thomas Becket đối với quyền tự do tôn giáo và chúng ta tái khẳng định lời kêu gọi chấm dứt sự đàn áp tôn giáo trên toàn thế giới. Trong bài phát biểu lịch sử của tôi tại Liên Hợp Quốc năm ngoái, tôi đã nói rõ rằng nước Mỹ đứng về phía những tín hữu ở mọi quốc gia, những người chỉ yêu cầu quyền tự do để sống theo đức tin trong trái tim của họ. Tôi cũng tuyên bố rằng các quan chức toàn cầu hoàn toàn không có quyền tấn công vào chủ quyền của các quốc gia mong muốn bảo vệ sự sống vô tội, và đang phản ánh niềm tin của Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác rằng mọi đứa trẻ - sinh ra hay chưa chào đời - đều là ân sủng thánh thiêng từ Thiên Chúa. Đầu năm nay, tôi đã ký Sắc Lệnh Ưu Tiên Tự Do Tôn Giáo như một khía cạnh cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Chúng tôi đã chỉ đạo mọi Đại sứ - và hơn 13,000 viên chức và chuyên viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ - tại hơn 195 quốc gia phải thúc đẩy, bảo vệ và ủng hộ tự do tôn giáo như một trụ cột chính của nền ngoại giao Hoa Kỳ.

Chúng tôi cầu nguyện cho tín hữu các tôn giáo ở khắp mọi nơi đang bị bách hại vì đức tin của họ. Chúng tôi đặc biệt cầu nguyện cho những mục tử dũng cảm và đầy cảm hứng của họ - như Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân ở Hương Cảng và Mục sư Vương Nghị ở Thành Đô - là những chứng nhân hy vọng không mệt mỏi.

Để tôn vinh ký ức về Thánh Thomas Becket, các tội ác chống lại những người có đức tin phải được chấm dứt, các tù nhân lương tâm phải được trả tự do, các luật hạn chế quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng phải bị bãi bỏ, và những người dễ bị tổn thương, những người vô phương tự vệ và những người bị áp bức phải được bảo vệ. Sự bạo ngược và giết người làm chấn động lương tâm trong thời Trung Cổ không bao giờ được phép xảy ra nữa. Chừng nào nước Mỹ còn đứng vững, chúng tôi sẽ luôn bảo vệ quyền tự do tôn giáo.

Một xã hội không có tôn giáo không thể thịnh vượng. Một quốc gia không có đức tin thì không thể trường tồn - bởi vì công lý, sự tốt lành và hòa bình không thể thắng nếu không có ân sủng của Thiên Chúa.

VÌ THẾ, GIỜ ĐÂY, TÔI, DONALD J. TRUMP, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, với thẩm quyền được Hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ trao cho tôi, xin tuyên bố ngày 29 tháng 12 năm 2020 là ngày kỷ niệm 850 năm về cuộc tử đạo của Thánh Thomas Becket. Tôi mời người dân Hoa Kỳ cử hành ngày này tại các trường học, nhà thờ và các địa điểm tụ họp thông thường với các nghi lễ thích hợp để tưởng nhớ cuộc đời và di sản của Thánh Thomas Becket.

TÔI LONG TRỌNG XÁC NHẬN, tôi đã ký tuyên bố này vào ngày 28 tháng 12 này, vào năm thứ hai nghìn hai mươi của Chúa chúng ta, và cũng là năm thứ hai trăm bốn mươi lăm ngày Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Tổng thống Donald J. Trump


Source:The White House


2. Hiện tượng lạ tại thành phố bị khóa Milan

Sáng thứ Hai 28 tháng 12, Milan đã thức dậy trong một lớp tuyết dày, những đứa trẻ háo hức nhưng bất cứ ai đang cố gắng trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Giáng sinh cảm thấy rất lúng túng trong thành phố đang bị cô lập rất nghiêm ngặt.

Các công nhân thành phố đeo khẩu trang y tế đã ra ngoài vào lúc bình minh, xúc tuyết dày khoảng 15 cm ở trung tâm Piazza Duomo, trong khi xe cộ giao thông phải vật lộn trên những con đường trơn trượt.

Một số cây cối và hàng rào bên ngoài các quán bar bị đổ sập dưới sức nặng. Đây là một cảnh tượng hiếm thấy ở một thành phố thường chỉ nhận được tối đa là một lớp tuyết phủ rất mỏng trong đợt lạnh nhất trong nhiều năm.

Hãng tin Ansa đưa tin, một cây cột hỗ trợ đường tàu điện trên cao đã rơi trúng một phụ nữ, khiến cô bị thương ở đầu.

Giám đốc giao thông vận tải của thành phố Marco Granelli cho biết ưu tiên của chính quyền là loại bỏ cây đổ và dọn sạch các lối vào bệnh viện, cơ sở y tế và các điểm xét nghiệm coronavirus.

Việc khóa cửa khiến phần lớn người Ý phải ở trong nhà của họ từ ngày 24 đến 27 tháng 12 đã được nới lỏng vào hôm thứ Hai, cho phép mọi người đi lại tự do trong thành phố của họ ngay cả khi hầu hết các dịch vụ vẫn phải đóng cửa hoặc hạn chế nghiêm nhặt.

Tuyết rơi dày trên diện rộng trên phần lớn miền bắc nước Ý, khiến các chuyến tàu bị hủy và các con đường miền núi ở vùng Veneto bị đóng cửa.


Source:Reuters

3. Thủ đoạn của các phương tiện truyền thông về dự luật hợp pháp hóa phá thai ở quê hương Đức Giáo Hoàng

Ở lối vào Quốc hội Á Căn Đình là một tấm bảng nhắc nhở các nhà lập pháp rằng Đức Mẹ Lujan là vị thánh bảo trợ của các đảng chính trị của đất nước.

Khi Thượng viện Á Căn Đình chuẩn bị bỏ phiếu về dự luật hợp pháp hóa phá thai, Giáo Hội Công Giáo đã hợp tác với những anh chị em Tin lành để chống lại dự luật này.

Dự luật, nhằm hợp pháp hóa việc phá thai tự nguyện trong tối đa 14 tuần, đã được Hạ viện thông qua vào ngày 11 tháng 12 và đang được thảo luận và biểu quyết tại Thượng viện từ hôm thứ Ba 29 tháng 12.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là từ thông tấn xã AFP, một trong rất ít các hãng tin có các hình ảnh của các Kitô hữu biểu tình chống lại dự luật phá thai này. Nhiều phương tiện truyền thông khác đang áp dụng cùng một chính sách như họ đã làm trong cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ vừa qua. Trên các tờ như New York Times, Washington Post, CNN quý vị và anh chị em chỉ có thể nhìn thấy cảnh các phụ nữ dàn dụa nước mắt, mừng rỡ vì sắp được tự do phá thai. Thông điệp của họ là toàn dân Á Căn Đình đang ủng hộ phá thai. Đó là một điều sai sự thật.

Hai năm trước, một dự luật tương tự đã thông qua ở Hạ viện nhưng đã bị đánh bại tại Thượng viện sau một chiến dịch kiên quyết của cả người Công Giáo và người Tin lành. Cho đến nay, tại quê hương của Đức Giáo Hoàng, phá thai chỉ được phép trong trường hợp người phụ nữ bị hiếp dâm hay sinh mạng của thai phụ gặp nguy hiểm.

Hiến pháp của Á Căn Đình bảo đảm quyền tự do tôn giáo. Một cuộc cải cách năm 1994 đã loại bỏ yêu cầu tổng thống phải là người Công Giáo.

Tuy nhiên, hiến pháp Á Căn Đình vẫn đề cập đến Chúa trong phần mở đầu và điều thứ hai của hiến pháp bảo đảm sự ủng hộ của chính phủ đối với Giáo Hội Công Giáo.

“Giáo Hội Công Giáo ở Á Căn Đình có sự ảnh hưởng lớn. Có một nền văn hóa Công Giáo rất mạnh mẽ trong thế giới chính trị”, nhà xã hội học Fortunato Mallimaci, người đã viết một cuốn sách về điều mà ông cho là huyền thoại về chủ nghĩa thế tục ở Á Căn Đình, nói với AFP.

“Các nhóm tôn giáo tìm kiếm sự hỗ trợ của nhà nước và nhà nước, khi cảm thấy yếu kém, sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nhóm tôn giáo”.

Theo một cuộc thăm dò năm 2019 của một cơ quan chính phủ, 62% người Á Căn Đình xác định mình là người Công Giáo, 18.9% cho mình là vô thần và 15.3% theo đạo Tin lành.


Source:AFP