XỨC TRO VÀ MÙA CHAY

Ba ngày Tết Tân Sửu đã qua với mùa Xuân vắng tiếng chuông nhà thờ ngân nga mỗi sáng chiều. Không có dịp để đoàn chiên tụ tập tạ ơn Chúa, dâng lên những lời kinh nguyện cầu bình an cho năm mới và chúc tuổi nhau. Đồng thời cũng là cái Tết khó quên đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là các nhân viên y tế và những người phải ăn Tết trong khu cách ly!

Ngày mồng 6 Tết, Kitô hữu bắt đầu bước vào Mùa Chay với thứ Tư Lễ Tro. Bình thường trong ngày này, nếu không tới nhà thờ để được xức tro thì những người có tâm hồn đạo đức sẽ cảm thấy áy náy, có lỗi với Chúa. Ngay cả những người không thường xuyên tới nhà thờ cũng cố gắng bắt đầu thể hiện mùa Chay bằng việc chịu tro.

Theo nghi thức, các thừa tác viên sẽ dùng tro vạch dấu thánh giá trên trán của bản thân mình và từng người tham dự. Tro này từ những chiếc lá dừa của Lễ Lá năm trước đã được đốt đi. Tro nhắc nhở cho các Kitô hữu về thân phận của con người được dựng nên từ bụi đất. Tro được xức lên trán để khắc ghi vào tâm trí chúng ta thực tại cát bụi của con người. Vì vậy, khi dùng tro ghi dấu Thánh Giá trên trán, các thừa tác viên sẽ đọc: “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất." (St 3,19) hoặc “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng." (Mc 1,15).

Những chiếc lá dừa năm trước được đốt đi thành tro là một dấu chỉ cho ý nghĩa của Mùa Chay. Nó mời gọi mỗi một Kitô hữu chúng ta phải nhìn lại cuộc sống của mình trong năm qua. Phải xét lại những thói hư tật xấu, cách cư xử và thái độ sống của mình đối với tha nhân. Phải thiêu đốt thành tro bụi tất cả những gì xấu xa tội lỗi và quyết tâm tu sửa cuộc đời. Đồng thời, ta cũng cương quyết theo gương Chúa Giêsu bước vào sa mạc đầy cát bụi để đối diện với kẻ thù của mình là Satan - kẻ luôn xúi dục ta chiều theo tính đam mê xác thịt, ham hố quyền hành và tham lam tiền của.

Ngay từ thời Cựu Ước, tiên tri Giôen đã có lời kêu gọi: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương” (Ge 2,12-13). Vâng, Mùa Chay chính là mùa trở về với chính mình để có thể trở về với Thiên Chúa. Trở về với chính mình để hiểu rằng mình được dựng nên từ tro bụi đất cát, thì một mai cũng sẽ trở về với đất cát tro bụi mà thôi.
Nhìn nhận mình là bụi cát, ta noi gương Chúa Giêsu sống tín thác, khiêm hạ và kính sợ Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta trở nên một tạo vật mới. Ngài muốn tái tạo và ban ơn cứu độ cho chúng ta. Song Ngài chỉ có thể tái tạo và cứu độ chúng ta khi nào ta tự hạ để nhìn nhận thân phận cát bụi của mình. Mùa Chay trao tặng cho chúng ta cơ hội để thay đổi và hoán cải cuộc đời.

Ðồng thời, lễ nghi khởi đầu Mùa Chay cũng đề ra cho Kitô hữu một hành trình phải đi theo trong thời gian suốt Mùa Chay. Hành trình đó là thực hành các việc làm biểu lộ sự thống hối, cầu nguyện và sống bác ái. Đi sâu vào tâm tình thống hối, suy tư về thân phận con người, về lỗi lầm của mình và nhu cầu khẩn thiết phải trở về, phải canh tân cuộc sống để hướng về ơn cứu độ mà Chúa Kitô đã thực hiện cho chúng ta.

Năm nay vì tình hình dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát trở lại, Thánh Lễ và nghi thức xức tro sẽ không được cử hành trong cộng đoàn, nhưng thái độ và ý chí thống hối, canh tân trở về vẫn phải in khắc sâu đậm trong thâm tâm mỗi người. Mỗi người sẽ tự đưa ra cho mình một số những thực hành thống hối trong cuộc sống cụ thể để biểu lộ ý nghĩa của Mùa Chay. Đây là thời gian sám hối và canh tân đời sống Kitô hữu bằng cách gia tăng cầu nguyện, thực hành chay tịnh và bác ái. Trong bối cảnh đại dịch Covid, các việc đạo đức Mùa Chay này lại càng khẩn thiết và mang ý nghĩa sâu xa hơn. (Thư Mục vụ ngày 08/02/2021 của Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn)

Mong ước của mọi người trong mùa Xuân Tân Sửu này không gì ngoài sức khỏe cho bản thân, bình yên cho gia đình và cả cộng đồng nhân loại khi phải cùng đồng hành với con Coronavirus quái ác! Bầu không khí vui tươi, nhộn nhịp của mùa Xuân dường như bị chùn xuống bởi việc đón nhận bụi tro đen trên mọi mái đầu của người Kitô hữu, dù còn xanh hay đã bạc màu. Mùa Xuân của đất trời rồi cũng qua đi với những ngày vui chóng vánh, chúng ta hãy chuẩn bị cho mùa Xuân của tâm hồn là mùa Xuân vĩnh cửu của mỗi người như lời các vị cha chung của Tổng giáo phận Sài Gòn đã nhắn nhủ:

Mùa Chay và Phục sinh chính là mùa Xuân của tâm hồn. Kính chúc anh chị em vui hưởng mùa Xuân thiên nhiên và mùa Xuân tâm hồn với sức sống và niềm vui của Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống.

Nguyện xin Đức Maria là “Mẹ của niềm hy vọng” thương xót nhân loại đang chịu nhiều nỗi thương đau. Đặc biệt trong năm kính thánh Giuse là Bổn mạng của Hội Thánh, chúng ta phó thác gia đình Tổng giáo phận cho Ngài, xin Ngài bảo vệ và dẫn dắt chúng ta trên mọi bước đường đời.