1. ĐTGM Chaput chia sẻ về cuốn sách mới, những thách thức văn hóa, chính quyền Biden
Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput, Tổng Giám mục hiệu tòa của Philadelphia, vừa cho ra mắt một cuốn sách mới đề cập đến cách người Công Giáo có thể đặt cuộc sống của họ trong “những sự trung thành đúng mực” để hiểu những gì thực sự quan trọng.
Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, gần đây đã nói chuyện với Đức Tổng Giám Mục Chaput về cuốn sách “Những Điều Đáng Để Hy Sinh Tính Mạng: Suy nghĩ về một cuộc sống đáng sống”, được xuất bản ngày 16 tháng 3 bởi Henry Holt và Co.
Trong cuộc trò chuyện, Đức Tổng Giám Mục đã thảo luận về cách người Công Giáo có thể giữ vững đức tin của họ trong một thế giới thường thù địch với đức tin Công Giáo, và việc tưởng nhớ đến cái chết của một người có thể giúp chúng ta tập trung và định hướng cuộc sống của chúng ta.
Ngài cũng đề cập đến những thay đổi gần đây trong văn hóa Mỹ, những thách thức trong chính trị Hoa Kỳ, và cuộc đời của ngài kể từ khi nghỉ hưu với tư cách là Tổng Giám mục Philadelphia vào năm ngoái.
Dưới đây là toàn văn cuộc phỏng vấn của CNA với Đức Tổng Giám Mục Chaput:
CNA: Thưa Đức Tổng Giám Mục cuốn sách mới này kết nối với cuốn sách trước của ngài, cuốn Render unto Caesar, nghĩa là Trả lại cho Xêda, như thế nào?
Đức Tổng Giám Mục Chaput: Sống đức tin Kitô một cách trung thực bao gồm việc áp dụng Phúc âm vào mọi điều chúng ta nghĩ và làm, hoặc ít nhất là cố gắng thực thi như vậy. Trả lại cho Xêda tập trung khá nhiều vào sự giao thoa thích hợp giữa niềm tin Công Giáo của chúng ta với chính trị và văn hóa. Nhưng rất nhiều điều đã thay đổi ở đất nước chúng ta trong 13 năm giữa hai cuốn sách. Cả chính trị và nền văn hóa của chúng ta đã trở nên rất xung khắc. Những Điều Đáng Để Hy Sinh Tính Mạng có nhiều suy nghĩ về văn hóa và chính trị, nhưng đó không phải trọng tâm. Những Điều Đáng Để Hy Sinh Tính Mạng đề cập nhiều hơn nữa đến việc ghi nhớ chúng ta là ai trong tư cách là các tín hữu Kitô và cách đặt để cuộc sống chúng ta nơi những lòng trung thành đúng mực; những thứ mang lại cho chúng ta ý nghĩa và sự bình yên nội tâm.
CNA: Tại sao Đức Tổng Giám Mục lại đặt tiêu đề Những Điều Đáng Để Hy Sinh Tính Mạng?
Đức Tổng Giám Mục Chaput: Những Điều Đáng Để Hy Sinh Tính Mạng cho thấy những gì chúng ta sẵn sàng sống, những điều chúng ta thực sự coi là thiêng liêng - không chỉ bằng lời nói, mà bằng cả trái tim của chúng ta. Tất cả chúng ta cuối cùng cũng chết, và tất cả chúng ta hy vọng về một cái chết lành thánh. Nhưng một cái chết lành chỉ có thể là kết quả của một cuộc sống tốt đẹp, một cuộc đời chính trực và đúng mục đích. Làm thế nào để có được sự chính trực đó và sống với mục đích đúng đắn đó là tâm điểm của cuốn sách.
CNA: Đức Tổng Giám Mục nghĩ tại sao người Công Giáo Hoa Kỳ cần được nhắc nhở về những điều đáng để hy sinh tính mạng?
Đức Tổng Giám Mục Chaput: Người Mỹ tận hưởng một nền kinh tế tiêu dùng thành công đáng kể. Ngay cả những người nghèo nhất trong chúng ta cũng sống tốt hơn phần lớn thế giới. Nhưng cũng chính nền kinh tế đó lại đẩy chúng ta vào những thứ gây mất tập trung, những mê sảng và những tiếng ồn. Chúng ta có thể dễ dàng đánh mất những gì thực sự quan trọng cho đến khi quá muộn để làm bất cứ điều gì liên quan đến hướng đi và ý nghĩa của cuộc đời mình. Chúng ta cần nhớ lý do tại sao chúng ta ở đây và “tại sao” khao khát của chúng ta không thể được đáp trả một cách thỏa mãn bằng bất cứ thứ gì mà thế giới này cung cấp.
CNA: Theo Đức Tổng Giám Mục, lựa chọn khó khăn nhất mà người Công Giáo Hoa Kỳ phải thực hiện ngày nay là gì để có thể tôn vinh bản sắc Công Giáo?
Đức Tổng Giám Mục Chaput: Tất cả chúng ta - giáo sĩ, giáo dân và tu sĩ nam nữ - thích thoải mái hơn là khó chịu, và không ai trong chúng ta muốn trở thành mục tiêu của sự khinh miệt hoặc những chỉ trích của công chúng. Xưa nay, tín ngưỡng tôn giáo luôn có một vị trí được coi trọng trong đời sống của dân tộc ta. Bây giờ nó thường bị chế nhạo. Đối với những người tin Chúa, đó là điều mới mẻ, rất khó chịu và là một cám dỗ lớn cho sự hèn nhát. Nhưng nếu chúng ta tự nhận mình là môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta không thể tránh khỏi thập tự giá. Nếu chúng ta muốn giữ bản sắc Công Giáo của mình, điều đó đi kèm với một cái giá phải trả là chứng tá cá vị có thể gây đau đớn.
CNA: Những người chỉ trích ngài cho rằng cách tiếp cận của ngài đối với căn tính Công Giáo là cách tiếp cận của một “chiến binh văn hóa”, không đồng bộ với những gì được gọi là một cách tiếp cận có tính “mục vụ” hơn. Đức Tổng Giám Mục nghĩ gì về điều đó?
Đức Tổng Giám Mục Chaput: Có một thuật ngữ tuyệt vời trong tâm lý học gọi là “sự phóng chiếu” - projection. Đó là thói quen - một thói quen rất phổ biến – là phóng chiếu lên người khác những thái độ và tội lỗi mà chính chúng ta vấp phạm. Bất cứ khi nào một ai đó tung ra lời buộc tội xung quanh khái niệm “chiến binh văn hóa”, nó rất hữu ích để có một cái nhìn cận cảnh những động cơ riêng của họ. Các chiến binh văn hóa có đủ mọi hình dạng, quy mô và địa điểm trên một quang phổ văn hóa rộng lớn, bao gồm khá nhiều người trong số họ tự mô tả mình là người tiến bộ, và từ “mục vụ” thường được dịch là thoải mái hoặc có lòng thương xót.
Kinh thánh nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta cần phải nói sự thật bằng tình yêu thương. Con người luôn đòi hỏi sự tôn trọng của chúng ta với tư cách là con cái của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta vẫn cần phải nói sự thật. Lên án mọi người là sai. Nêu đích danh và chống lại hành vi phá hoại là đúng, và thường là cần thiết; và không làm như vậy là thiếu can đảm. Nếu xung đột chỉ xuất phát từ việc nói ra sự thật, thì không có lý do gì để xin lỗi hay lo sợ về điều đó. Xung đột là một phần đáng tiếc nhưng không thể tránh khỏi của cuộc sống trong một thế giới sa ngã. Không bao giờ là “mục vụ” khi đánh lừa bất cứ ai, bằng lời nói của chúng ta hoặc bằng sự im lặng của chúng ta.
CNA: Thưa Đức Tổng Giám Mục, những người Công Giáo Mỹ ngày nay phải đối mặt với những thách thức gì, khi tổng thống là một người Công Giáo đã được rửa tội, nhưng trên thực tế lại không đồng ý với các nguyên tắc Công Giáo cốt lõi?
Đức Tổng Giám Mục Chaput: Chính quyền của Tổng thống Biden đang và sẽ là một vấn đề rất tai hại cho Giáo hội và cho tất cả những người Công Giáo Hoa Kỳ, những người coi trọng các giáo huấn đức tin của họ. Bất cứ ai đề nghị khác - bất kể cấp bậc hay vai trò của anh ta là gì trong Giáo hội - chỉ đơn giản là đang tự huyễn hoặc người khác. Bạn không thể là người Công Giáo nếu bạn vui vẻ chọn lựa điều nào để tin, và điều nào để không tin. Bạn chắc chắn có thể thử, và tận hưởng những tràng pháo tay khi làm như thế; nhưng hành động kiểu đó thì căn “lều lớn” Công Giáo, sớm hay muộn, sẽ kết thúc như một căn lều trống. Không ai thực sự cần đến nó nữa.
CNA: Thưa Đức Tổng Giám Mục, việc nghỉ hưu đã mang lại cho những điểm mới nào? Đức Cha nhìn lại ơn gọi và chức vụ của mình như thế nào?
Đức Tổng Giám Mục Chaput: Nghỉ hưu là một món quà; đó là khoảng thời gian yên tĩnh để suy nghĩ, hiểu mọi thứ và nuôi dưỡng lòng biết ơn. Tôi có rất nhiều, rất nhiều việc phải biết ơn. Chức vụ linh mục và chức vụ giám mục của tôi, cũng như những tình bạn và kinh nghiệm đi kèm với những chức vụ này, đã làm cho cuộc sống của tôi trở nên phong phú. Chúa là rất thật, và Chúa thật khoan nhân.
Source:Catholic News Agency
2. Chương trình Tuần Thánh tại Giêrusalem
Tính đến chiều Chúa Nhật 21 tháng Ba, tử vong toàn thế giới đã lên đến 2,723,156 người, trong số 123,493,716 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ trước đó đã có 10,315 người chết và thêm 550,094 người nhiễm coronavirus. Như vậy, tình hình đại dịch coronavirus vẫn rất căng thẳng. Nhiều nước tại Âu Châu như Pháp phải rơi vào tình trạng đóng cửa cho đến sau lễ Phục sinh.
Tại Thánh Địa Giêrusalem, tử vong tại Israel cho đến nay là 6,085 người, trong số 827,428 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong vòng 24 giờ trước đó, số trường hợp nhiễm bệnh mới là 611 người, và con số tử vong là 9 người. Số trường hợp nhiễm bệnh như thế chỉ còn 25% so với mức cao điểm vào ngày 19 tháng Giêng.
Trong bối cảnh đó Cha Francesco Patton, Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh địa, bày tỏ hy vọng với hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Italia, hôm 19/3/2021 rằng “Tuần thánh và Phục sinh tới đây tại Thánh địa sẽ không bị tình trạng ‘cửa đóng then cài’ như năm ngoái vì đại dịch.”
Theo cha, thành công do chiến dịch chích ngừa vắc xin chống Covid-19 của chính phủ Israel tiến hành, cũng có những ảnh hưởng tích cực trên các nơi thờ phượng, như Đền thờ Thánh Mộ, trung tâm của các buổi lễ Tuần thánh và Phục sinh tại Thánh địa. Tuy vẫn còn thiếu các tín hữu hành hương, nhưng sẽ có những dấu hiệu tích cực trước cuối năm nay.
Trong số chín triệu dân cư ở Israel, đã có hơn năm triệu người được chích liều vắc xin thứ nhất chống Covid-19 và khoảng bốn triệu ba trăm ngàn người đã được chích liều thứ hai. Chiến dịch đang tiến hành mạnh mẽ, khiến người ta hy vọng Israel sẽ đứng đầu về tỷ lệ những người dân được chích ngừa. Với số ca lây nhiễm giảm bớt, dân tại Israel chuẩn bị mở lại phần lớn các hoạt đoạt kinh tế. Các tiệm ăn, khách sạn, quán cà-phê, các hoạt động văn hóa, du lịch đang dần dần được mở lại, nhờ “hộ chiếu xanh”, giấy chứng nhận đã chích ngừa.
Cha Francesco Patton cho biết nếu không có những đột biến vào giờ chót, các cử hành trong Tuần Thánh tại Thánh Địa Giêrusalem sẽ diễn ra như sau:
Ngày 28 tháng Ba Chúa Nhật Lễ Lá. Lúc 8 giờ sáng Mộ Thánh có cuộc rước lá chung quanh Edicule, được tiếp nối với thánh lễ đại trào. 14 giờ 30: Các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân địa phương sẽ rước lá từ nhà thờ Bethphage trên Núi Ôliu về đền thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem. Lúc 5g chiều sẽ có thánh lễ tại đây.
Trong các ngày từ Thứ Hai Tuần Thánh, 29 tháng 3, đến Thứ Tư Tuần Thánh sẽ có các thánh lễ từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều tại đền thờ Mộ Thánh và tại các nhà nguyện nhỏ hơn dọc theo Đàng Thánh Giá.
Riêng ngày thứ Tư 31 tháng 3, lúc 8.00 sáng tại đền thờ Mộ Thánh sẽ có Thánh lễ trọng thể với bài “Thương khó” và cuộc rước hàng ngày. Lúc 10 giờ sáng tại nhà thờ Mộ Thánh có Lễ tôn kính Cột Chúa Giêsu bị đánh đòn tại Nhà nguyện Chúa hiện ra.
Ngày 1 tháng Tư,Thứ Năm Tuần Thánh, vào lúc 8.00 sáng tại đền thờ Mộ Thánh sẽ có Thánh lễ Tiệc Ly với nghi thức rửa chân và cuộc rước long trọng sau đó. Vào cuối buổi phụng vụ khoảng 12 giờ 00, các cửa của Vương cung thánh đường đóng lại cả ngày. Thực ra, vào lúc 2.45 trưa, cửa của đền thờ Mộ Thánh được mở ra và ngay lập tức được đóng lại sau 5 phút chỉ đủ thời gian cho các linh mục, tu sĩ dòng Phanxicô vào bái lạy trước Edicule. Sau giờ Kinh Chiều khoảng 18 giờ, cửa của đền thờ Mộ Thánh lại được mở ra và ngay lập tức được đóng lại như thế. Lần chót diễn ra cử chỉ này là vào lúc 8g tối.
Trong khi đó,lúc 3:30 chiều: tại nhà thờ Cenacle, tức là Tiệc Ly, các linh mục, tu sĩ quản thủ Thánh Mộ sẽ hành hương từ nhà thờ Thánh Salvatore đến các nhà thờ Thánh Giacôbê Tông đồ và Thánh Máccô. Sau khi về lại nhà thờ của Thánh Salvatore các vị sẽ cử hành thánh lễ tại vười Giệtsimani vào lúc 9g tối. Thánh lễ sẽ được tiếp tục với Giờ Thánh từ 10g tối đến 12g khuya.
Ngày 2 tháng 4, Thứ Sáu Tuần Thánh. Lúc 8 giờ sáng tại đền thờ Mộ Thánh có buổi cử hành cuộc Thương khó Chúa. Sau nghi lễ, lúc 11:30 sáng là Đàng Thánh Giá trọng thể trên chính các con đường Chúa đã đi lên đồi Canvê. Lúc 8 giờ tối tại đền thờ Mộ Thánh sẽ có nghi thức đám tang Chúa.
Ngày 3 tháng 4. Thứ Bảy Tuần Thánh, lúc 7.30 sáng là lễ Vọng Phục sinh. Từ 3g30 chiều tại đền thờ Mộ Thánh sẽ có các cuộc rước long trọng mừng Chúa chiến thắng tử thần.
Chúa Nhật Phục sinh ngày 4 tháng Tư. lúc 7.30 sáng tại đền thờ Mộ Thánh sẽ có cuộc rước mừng đại lễ Phục sinh được tiếp nối với thánh lễ đại trào lúc 8 giờ sáng.
Source:SIR