Thập Giá Là Vinh Dự
Tuần Thánh, bài thánh ca “Niềm vinh dự” của Lm Văn Chi được hát ngân nga trong các nghi thức phụng vụ: “Niềm vinh dự của tôi là Thập Giá Chúa Giêsu Kitô. Chịu đóng đinh vì Người với thế gian và tôi quên mình mang thương tích vì Chúa Kitô”. Tại sao Thập Giá Chúa Giêsu Kitô là vinh dự, là niềm tự hào của tôi? Những ngày Tuần Thánh, suy niệm về Thập giá để thêm xác tín về niềm vinh dự vào Thập giá Chúa Giêsu Kitô.
1. Thập giá là nhục hình
Vào thời của Đức Giêsu, Thập giá tiên vàn là một nhục hình. Trong đế quốc Rôma, Thập giá là một hình phạt dành cho các tội trọng. Tội nhân thường bị đánh đòn, và sau đó phải vác thanh ngang tới pháp trường. Có hai hình thức Thập giá. Một thứ giống như chữ T (thanh ngang được chồng lên chóp của cây gỗ đứng); một thứ giống hình chữ thập, với bản án ghi vào ở trên thanh ngang.
Thêm vào đó, cũng có nhiều kiểu để treo tử tội: thường là bị lột hết áo xống, và bị cột hoặc đóng đinh vào khổ giá, có khi đầu bị dốc ngược xuống đất. Nói chung, đây là một hình phạt chỉ dành cho lớp bần đinh hoặc nô lệ, các tên đại tặc hay là phiến loạn; các công dân Rôma không phải chịu hình phạt này trừ khi nào họ đã bị tước đoạt quyền công dân. Ngoài sự đau đớn do cuộc hành hình gây ra, hình phạt Thập giá còn mang thêm tính cách ô nhục: tử tội không được an táng, nhưng phải phơi thây giữa trời làm mồi cho chim muông dã thú. Vì tính cách nhục nhã như vậy nên không ai muốn làm anh hùng bằng cái chết trên Thập giá.
Cũng vì lý do đó mà việc tôn kính Đức Kitô trên thập tự là cả một chuyện điên rồ hèn hạ, không những thánh Phaolô đã viết như vậy trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô vào khoảng 20 năm sau biến cố xảy ra, mà rồi một thế kỷ sau đó (khoảng 150-153) trong quyển sách “Hộ giáo” (Apologia I, 13,4), thánh Giustinô còn ghi nhận rằng: dân ngoại coi chúng tôi là bọn khùng bởi vì đã tôn tên tử tội trên Thập giá là Đấng Tạo dựng đất trời. (x.Thần học về Thập giá, Thời sự thần học số 7 tháng 3/97).
Nhìn từ góc độ luật pháp, Thập giá được xem là một hình phạt tàn bạo của ngành tư pháp Rôma dành cho các tử tội, phạm nhân phải vác lấy gánh nặng họ đã gây và đi đến chỗ chết như một kiểu đền bù công khai.
2. Thập giá Đức Kitô
Thập giá (cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu) là khúc xương khó nuốt nhất đối với các môn đệ. Ba lần Chúa báo trước cuộc tử nạn. Cả ba lần họ đều không hiểu và không chấp nhận. Các môn đệ nghe nói đến thập giá thì nổi da gà. Thập giá gợi lên một cây khổ giá trần trụi. Thập giá gợi lên hình ảnh một con người quằn quại, tuyệt vọng trong đau đớn, nhục nhã nỗi ê chề, lơ lửng giữa trời và đất, hấp hối giữa sống và chết, bị nhiếc mắng trước những cái nhìn thù ghét và khinh khi, bị chê bai trước những con mắt tò mò và dửng dưng. Phêrô đã từng run rẩy can ngăn Chúa Giêsu đừng đi vào con đường thập giá. Các tông đồ rùng mình sợ hãi khi Chúa Giêsu nói đến thập giá.
Thập giá gồm một cây dài và một cây ngang. Cây dài thẳng đứng, luôn được chôn trên chỗ hành hình, tức là đồi Gôngôta, đồi Sọ, vì có hình cái sọ. Từ trong thành, người dân luôn luôn thấy những cây dọc đứng này. Đây là dụng cụ hăm dọa để dân Do Thái đừng phản loạn, đừng nỗi dậy. Vì thế, tử tội chỉ vác cây ngang đi qua thành phố: lại một hình thức hăm dọa. Khi đến nơi hành hình, lý hình sẽ đóng lại thành cây thập giá, đóng đinh tử tội vào và dựng lên, cả cây thập giá và người bị đóng đinh.
Chúa Giêsu đã chọn Thập giá làm phương thế thực hiện Ơn Cứu Rỗi. Thập giá được tạo nên do hai thanh gỗ, một nằm và một đứng. Thanh nằm tượng trưng cho sự chết và sự hận thù ghen ghét của thế gian; thanh đứng tượng trưng cho tình yêu và sự sống vươn cao. Hai thanh bắc ngang nhau tượng trưng cho sự tương phản giữa sự sống và sự chết, giữa vui và buồn, cười và khóc, hận thù và thứ tha, ghen ghét và yêu thương, giữa ý muốn của con người và ý muốn của Thiên Chúa. Đặt thanh sự sống và tình yêu lên thanh sự chết và oán thù là cách duy nhất để làm nên một thập giá.
Tường thuật về cuộc thương khó, Thánh Matthêu và Maccô trình bày Chúa Giêsu như một người hoàn toàn công chính đã bị bắt bớ và bị hãm hại vì sứ mạng của mình.
Thánh Luca nói về ý nghĩa Thập giá. Nhờ cái chết của Ngài mà bao nhiêu người được ơn trở lại: Phêrô đã khóc lóc sau khi chối bỏ Thầy, Simon Cyrênê đã hoán cải khi vác đỡ Thập giá cho Chúa, một số phụ nữ đã đấm ngực than khóc thống hối, một tên tử tội cũng ăn năn. Những giây phút cuối của Chúa trên Thập giá đã trở thành cao điểm của ơn cứu chuộc: Ngài đã xin Chúa Cha tha tội cho những lý hình, lời cuối cùng của Ngài trước khi tắt thở biểu lộ lòng tín thác nơi Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác thần trí con trong tay Cha” (Lc 23,46). Như vậy, đối với Luca, việc Chúa chịu chết trên Thập giá là một biến cố cứu rỗi.
Thánh Gioan nhìn Thập giá như sự bộc lộ của vinh quang Thiên Chúa: Đức Kitô bị treo trên Thập giá là biểu trưng của việc Ngài được nhấc lên khỏi mặt đất để thu hút mọi sự về với mình (Ga 12,32). Cuộc tử nạn bắt đầu với việc rửa chân cho các môn đệ và di chúc về tình yêu: Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa cái chết của mình như một cử chỉ tình nguyện để bộc lộ tình yêu dành cho các bằng hữu. Chính Ngài đi ra đón những kẻ lùng bắt mình. Cuộc tra tấn dã man biến thành lễ nghi phụng vụ, khi Đức Giêsu khoác tấm áo đỏ với vòng gai, và bản án là Vua (Ga 19,14.19).
Thánh Gioan lặng lẽ theo dõi những giây phút chót của Chúa trên Thập giá, ghi chú những cử chỉ nhằm hoàn tất Kinh Thánh: từ việc ký thác bà mẹ cho môn đệ, việc nhắp những giọt giấm cho tới việc bị ngọn giáo đâm thủng sườn; nhất là Gioan nhận định về những hiệu quả của cái chết: máu, nước, Thánh Thần, biểu hiệu của mạch sống mới. Thập giá trở thành nơi bộc lộ của vinh quang Thiên Chúa: Thiên Chúa tỏ vinh quang của tình yêu khi ban Con Một cho nhân loại; nơi Đức Giêsu, Thập giá không phải là một nhục hình nhưng là ngai toà mà Ngài hành xử vương quyền, không phải vương quyền theo nghĩa trần tục nhưng là vương quyền của tình yêu. Như thế, cả bốn Phúc âm đã có một diễn trình từ chỗ tường thuật một biến cố kết liễu cuộc đời của Chúa Giêsu cho đến chỗ khám phá ra ý nghĩa của biến cố trong kế hoạch của Thiên Chúa.
Nơi các tác phẩm của thánh Phaolô và của các thánh tông đồ, Thập giá được trình bày dưới khía cạnh của một việc tuyên xưng, hoặc trong lời giảng hoặc trong phụng vụ. Trong những bài giảng đầu tiên của Phêrô, việc Đức Giêsu bị người Do thái nộp cho Philatô xét xử đóng đinh trên Thập giá đã trở thành một biến cố cứu độ: Thiên Chúa đã suy tôn Đức Giêsu làm Đức Chúa và vị Cứu tinh (Cv 2,36; 4,10; 10,39; 13,29). Lời tuyên xưng trong lời giảng của các thánh tông đồ cũng trở thành lời tuyên xưng đức tin của các tín hữu, đặc biệt là khi cử hành phụng vụ: “Đức Kitô đã chết vì tội chúng ta, theo lời Kinh Thánh” (1Cr 15,3); “Đức Giêsu Kitô đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8); nhưng cái chết đó đã trở thành nguyên cớ cho sự siêu tôn: “Đức Giêsu Kitô là Chúa”. Trong thư gửi Côlôsê 1,19, chúng ta cũng gặp thấy lời tuyên xưng dưới hình thức của thánh ca: “Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên Thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời”.
Khi nghe các tông đồ và các tín hữu tuyên dương một tội phạm bị xử tử trên Thập giá, nhiều người đã chói tai và không khỏi đặt câu hỏi: phải chăng các Kitô hữu là bọn người cuồng tín? Thế nhưng, thay vì tránh né nói tới Thập giá để khỏi gây hiểu lầm, thánh Phaolô đã dám đi thẳng vào vấn đề: “Dân Do thái thì đòi phép lạ, dân Hy lạp thì tìm lý lẽ cao siêu; còn chúng tôi lại rao giảng một Đức Kitô trên Thập giá, một điều vấp phạm cho dân Do Thái và điều dại dột đối với dân Hy lạp. Thế nhưng, đối với ai được gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, thì đó là một vị cứu tinh với quyền năng và khôn ngoan của Thiên Chúa; bởi lẽ sự dại dột của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn con người gấp bội, và sự yếu ớt của Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn của con người trăm lần” (1Cr 1,18-25). Thánh Phaolô còn thêm: “Khi ở với anh em, tôi không biết chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, Đức Giêsu Kitô trên Thập giá” (1Cr 2,2).
Thiên Chúa đã biến đổi dụng cụ độc ác tàn nhẫn của con người thành dụng cụ diễn tả tình yêu thương bao dung, tha thứ; biến dụng cụ giết người thành dụng cụ giải thoát con người khỏi phải án chết đời đời; biến dụng cụ chế nhạo của con người thành dụng cụ diễn tả chiến thắng vinh quang của Đức Kitô. Như thánh Phaolô đã nói :”Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa” (1Cr 1,18).
Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ thì Đấng chịu đóng đinh đã chiến thắng đau khổ. Chúa Kitô đã tạo ra sự khác biệt hoàn toàn giữa thập giá và kẻ bị đóng đinh. Khi nhận lấy thập giá, Chúa Kitô đã dùng tình yêu biến đau khổ thành niềm vui. Tình yêu làm cho thập giá trở thành Thánh Giá. Thập giá biểu tượng cho cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu và cũng là biểu tượng cho tình yêu mạnh hơn sự chết và cho sự Thiện sẽ giành chiến thắng cuối cùng trên sự Ác.Thập giá là cánh cổng dẫn vào sự sống, thất bại chuyển thành chiến thắng, sự sống bị tước đoạt trở thành sự sống viên mãn, ai đánh mất mạng sống mình sẽ tìm gặp lại sự sống, ai can đảm chết cho Chúa Kitô sẽ được sống muôn đời.
3. Thập giá là vinh dự
Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đáp trả lại tất cả mọi bất công và hận thù bằng lòng bao dung tha thứ. Thập giá Đức Kitô không chất chứa hận thù, oán ghét mà luôn mang dáng đứng của tình yêu và sự khoan dung tha thứ. Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Hơn thế nữa, Ngài công bố ơn cứu độ của Thiên Chúa ngay trên thập giá, lúc mà thế trần nhìn thấy Ngài trần trụi và yếu đuối nhất, khi Ngài ôm trọn con người tội lỗi trần gian qua hình ảnh tên gian phi biết cúi mình nhận ra Chân Lý: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng" (Lc 23,43). Chúa Giêsu đã xóa màu đen ghê tởm của sự dữ trong lòng con người qua việc phục hồi giá trị của mỗi nhân vị và đưa nhân loại đến với Thiên Chúa qua Tình Yêu toàn tha của Ngài. Chúa Giêsu đã dùng cạn hết mọi dấu chỉ của thế trần để biểu lộ Tình Yêu thâm sâu của Ngài cho chúng ta. Đó là màu trắng thanh khiết nhất và là ánh sáng đẹp nhất mà nhân trần này có thể chiêm ngưỡng.
“Lạy Cha, con phó linh hồn trong tay Cha”. Chúa Giêsu nói lời phó dâng và Người trút hơi thở cuối cùng. Màn trong Đền Thờ xé ra làm đôi. Giao Ước cũ đã hết hạn, Giao Ước mới đã khởi đầu.Viên sĩ quan chứng kiến cuộc Tử Nạn của Chúa đã tin nhận Người là Đấng Công Chính, dân chúng tham gia cũng ra về đấm ngực ăn năn. Như vậy, ngay khi Chúa Giêsu vừa tắt thở, Thập giá đã tràn căng sức mạnh cứu rỗi và từ đó nên nguồn mạch đức tin. “Khi nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi sự lên với Ta”. Sinh thời Chúa Giêsu đã có lần báo trước hiệu quả cứu độ của Thập giá, nhưng khi “giờ” Thập giá của Người đến, người ta mới thấy nghịch lý muôn đời của Tin mừng cứu rỗi: khôn ngoan biểu lộ qua điên dại; sức mạnh vươn lên từ yếu đuối; và sự sống hạnh phúc nẩy sinh từ những điều tưởng như mất mát chết chóc bi thương. Giáo Hội của những kẻ tin vào tình thương Thiên Chúa khởi nguồn từ đây (ĐGM Giuse Vũ Duy Thống).
Thập giá với Đức Kitô chịu đóng đinh là “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 1,24).Vì thế, niềm vinh dự của người môn đệ Đức Kitô là: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài Thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!” (Gal 6,14). Niềm tự hào của người môn đệ về Thập giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa :“Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1,24 -25).
Thập giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện, vẫn không bị xóa nhòa. Thập giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.
Chúng ta yêu mến, tôn thờ Chúa Giêsu trên Thập giá.Trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú đang che mờ bóng Thập giá. Con người đang lao mình vào bóng tối bằng mọi giá. Xã hội hôm nay cần phải được ánh sáng của Thập giá soi dẫn. Từ Thập giá Ðức Kitô, tình thương chúc phúc thế gian, sự sống chan chứa cho lòng người. Thập giá là vinh dự, là niềm vui, là hy vọng, là sự nghiệp và là hạnh phúc của người môn đệ Chúa Giêsu Kitô.
Tuần Thánh, bài thánh ca “Niềm vinh dự” của Lm Văn Chi được hát ngân nga trong các nghi thức phụng vụ: “Niềm vinh dự của tôi là Thập Giá Chúa Giêsu Kitô. Chịu đóng đinh vì Người với thế gian và tôi quên mình mang thương tích vì Chúa Kitô”. Tại sao Thập Giá Chúa Giêsu Kitô là vinh dự, là niềm tự hào của tôi? Những ngày Tuần Thánh, suy niệm về Thập giá để thêm xác tín về niềm vinh dự vào Thập giá Chúa Giêsu Kitô.
1. Thập giá là nhục hình
Vào thời của Đức Giêsu, Thập giá tiên vàn là một nhục hình. Trong đế quốc Rôma, Thập giá là một hình phạt dành cho các tội trọng. Tội nhân thường bị đánh đòn, và sau đó phải vác thanh ngang tới pháp trường. Có hai hình thức Thập giá. Một thứ giống như chữ T (thanh ngang được chồng lên chóp của cây gỗ đứng); một thứ giống hình chữ thập, với bản án ghi vào ở trên thanh ngang.
Thêm vào đó, cũng có nhiều kiểu để treo tử tội: thường là bị lột hết áo xống, và bị cột hoặc đóng đinh vào khổ giá, có khi đầu bị dốc ngược xuống đất. Nói chung, đây là một hình phạt chỉ dành cho lớp bần đinh hoặc nô lệ, các tên đại tặc hay là phiến loạn; các công dân Rôma không phải chịu hình phạt này trừ khi nào họ đã bị tước đoạt quyền công dân. Ngoài sự đau đớn do cuộc hành hình gây ra, hình phạt Thập giá còn mang thêm tính cách ô nhục: tử tội không được an táng, nhưng phải phơi thây giữa trời làm mồi cho chim muông dã thú. Vì tính cách nhục nhã như vậy nên không ai muốn làm anh hùng bằng cái chết trên Thập giá.
Cũng vì lý do đó mà việc tôn kính Đức Kitô trên thập tự là cả một chuyện điên rồ hèn hạ, không những thánh Phaolô đã viết như vậy trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô vào khoảng 20 năm sau biến cố xảy ra, mà rồi một thế kỷ sau đó (khoảng 150-153) trong quyển sách “Hộ giáo” (Apologia I, 13,4), thánh Giustinô còn ghi nhận rằng: dân ngoại coi chúng tôi là bọn khùng bởi vì đã tôn tên tử tội trên Thập giá là Đấng Tạo dựng đất trời. (x.Thần học về Thập giá, Thời sự thần học số 7 tháng 3/97).
Nhìn từ góc độ luật pháp, Thập giá được xem là một hình phạt tàn bạo của ngành tư pháp Rôma dành cho các tử tội, phạm nhân phải vác lấy gánh nặng họ đã gây và đi đến chỗ chết như một kiểu đền bù công khai.
2. Thập giá Đức Kitô
Thập giá (cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu) là khúc xương khó nuốt nhất đối với các môn đệ. Ba lần Chúa báo trước cuộc tử nạn. Cả ba lần họ đều không hiểu và không chấp nhận. Các môn đệ nghe nói đến thập giá thì nổi da gà. Thập giá gợi lên một cây khổ giá trần trụi. Thập giá gợi lên hình ảnh một con người quằn quại, tuyệt vọng trong đau đớn, nhục nhã nỗi ê chề, lơ lửng giữa trời và đất, hấp hối giữa sống và chết, bị nhiếc mắng trước những cái nhìn thù ghét và khinh khi, bị chê bai trước những con mắt tò mò và dửng dưng. Phêrô đã từng run rẩy can ngăn Chúa Giêsu đừng đi vào con đường thập giá. Các tông đồ rùng mình sợ hãi khi Chúa Giêsu nói đến thập giá.
Thập giá gồm một cây dài và một cây ngang. Cây dài thẳng đứng, luôn được chôn trên chỗ hành hình, tức là đồi Gôngôta, đồi Sọ, vì có hình cái sọ. Từ trong thành, người dân luôn luôn thấy những cây dọc đứng này. Đây là dụng cụ hăm dọa để dân Do Thái đừng phản loạn, đừng nỗi dậy. Vì thế, tử tội chỉ vác cây ngang đi qua thành phố: lại một hình thức hăm dọa. Khi đến nơi hành hình, lý hình sẽ đóng lại thành cây thập giá, đóng đinh tử tội vào và dựng lên, cả cây thập giá và người bị đóng đinh.
Chúa Giêsu đã chọn Thập giá làm phương thế thực hiện Ơn Cứu Rỗi. Thập giá được tạo nên do hai thanh gỗ, một nằm và một đứng. Thanh nằm tượng trưng cho sự chết và sự hận thù ghen ghét của thế gian; thanh đứng tượng trưng cho tình yêu và sự sống vươn cao. Hai thanh bắc ngang nhau tượng trưng cho sự tương phản giữa sự sống và sự chết, giữa vui và buồn, cười và khóc, hận thù và thứ tha, ghen ghét và yêu thương, giữa ý muốn của con người và ý muốn của Thiên Chúa. Đặt thanh sự sống và tình yêu lên thanh sự chết và oán thù là cách duy nhất để làm nên một thập giá.
Tường thuật về cuộc thương khó, Thánh Matthêu và Maccô trình bày Chúa Giêsu như một người hoàn toàn công chính đã bị bắt bớ và bị hãm hại vì sứ mạng của mình.
Thánh Luca nói về ý nghĩa Thập giá. Nhờ cái chết của Ngài mà bao nhiêu người được ơn trở lại: Phêrô đã khóc lóc sau khi chối bỏ Thầy, Simon Cyrênê đã hoán cải khi vác đỡ Thập giá cho Chúa, một số phụ nữ đã đấm ngực than khóc thống hối, một tên tử tội cũng ăn năn. Những giây phút cuối của Chúa trên Thập giá đã trở thành cao điểm của ơn cứu chuộc: Ngài đã xin Chúa Cha tha tội cho những lý hình, lời cuối cùng của Ngài trước khi tắt thở biểu lộ lòng tín thác nơi Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác thần trí con trong tay Cha” (Lc 23,46). Như vậy, đối với Luca, việc Chúa chịu chết trên Thập giá là một biến cố cứu rỗi.
Thánh Gioan nhìn Thập giá như sự bộc lộ của vinh quang Thiên Chúa: Đức Kitô bị treo trên Thập giá là biểu trưng của việc Ngài được nhấc lên khỏi mặt đất để thu hút mọi sự về với mình (Ga 12,32). Cuộc tử nạn bắt đầu với việc rửa chân cho các môn đệ và di chúc về tình yêu: Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa cái chết của mình như một cử chỉ tình nguyện để bộc lộ tình yêu dành cho các bằng hữu. Chính Ngài đi ra đón những kẻ lùng bắt mình. Cuộc tra tấn dã man biến thành lễ nghi phụng vụ, khi Đức Giêsu khoác tấm áo đỏ với vòng gai, và bản án là Vua (Ga 19,14.19).
Thánh Gioan lặng lẽ theo dõi những giây phút chót của Chúa trên Thập giá, ghi chú những cử chỉ nhằm hoàn tất Kinh Thánh: từ việc ký thác bà mẹ cho môn đệ, việc nhắp những giọt giấm cho tới việc bị ngọn giáo đâm thủng sườn; nhất là Gioan nhận định về những hiệu quả của cái chết: máu, nước, Thánh Thần, biểu hiệu của mạch sống mới. Thập giá trở thành nơi bộc lộ của vinh quang Thiên Chúa: Thiên Chúa tỏ vinh quang của tình yêu khi ban Con Một cho nhân loại; nơi Đức Giêsu, Thập giá không phải là một nhục hình nhưng là ngai toà mà Ngài hành xử vương quyền, không phải vương quyền theo nghĩa trần tục nhưng là vương quyền của tình yêu. Như thế, cả bốn Phúc âm đã có một diễn trình từ chỗ tường thuật một biến cố kết liễu cuộc đời của Chúa Giêsu cho đến chỗ khám phá ra ý nghĩa của biến cố trong kế hoạch của Thiên Chúa.
Nơi các tác phẩm của thánh Phaolô và của các thánh tông đồ, Thập giá được trình bày dưới khía cạnh của một việc tuyên xưng, hoặc trong lời giảng hoặc trong phụng vụ. Trong những bài giảng đầu tiên của Phêrô, việc Đức Giêsu bị người Do thái nộp cho Philatô xét xử đóng đinh trên Thập giá đã trở thành một biến cố cứu độ: Thiên Chúa đã suy tôn Đức Giêsu làm Đức Chúa và vị Cứu tinh (Cv 2,36; 4,10; 10,39; 13,29). Lời tuyên xưng trong lời giảng của các thánh tông đồ cũng trở thành lời tuyên xưng đức tin của các tín hữu, đặc biệt là khi cử hành phụng vụ: “Đức Kitô đã chết vì tội chúng ta, theo lời Kinh Thánh” (1Cr 15,3); “Đức Giêsu Kitô đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8); nhưng cái chết đó đã trở thành nguyên cớ cho sự siêu tôn: “Đức Giêsu Kitô là Chúa”. Trong thư gửi Côlôsê 1,19, chúng ta cũng gặp thấy lời tuyên xưng dưới hình thức của thánh ca: “Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên Thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời”.
Khi nghe các tông đồ và các tín hữu tuyên dương một tội phạm bị xử tử trên Thập giá, nhiều người đã chói tai và không khỏi đặt câu hỏi: phải chăng các Kitô hữu là bọn người cuồng tín? Thế nhưng, thay vì tránh né nói tới Thập giá để khỏi gây hiểu lầm, thánh Phaolô đã dám đi thẳng vào vấn đề: “Dân Do thái thì đòi phép lạ, dân Hy lạp thì tìm lý lẽ cao siêu; còn chúng tôi lại rao giảng một Đức Kitô trên Thập giá, một điều vấp phạm cho dân Do Thái và điều dại dột đối với dân Hy lạp. Thế nhưng, đối với ai được gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, thì đó là một vị cứu tinh với quyền năng và khôn ngoan của Thiên Chúa; bởi lẽ sự dại dột của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn con người gấp bội, và sự yếu ớt của Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn của con người trăm lần” (1Cr 1,18-25). Thánh Phaolô còn thêm: “Khi ở với anh em, tôi không biết chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, Đức Giêsu Kitô trên Thập giá” (1Cr 2,2).
Thiên Chúa đã biến đổi dụng cụ độc ác tàn nhẫn của con người thành dụng cụ diễn tả tình yêu thương bao dung, tha thứ; biến dụng cụ giết người thành dụng cụ giải thoát con người khỏi phải án chết đời đời; biến dụng cụ chế nhạo của con người thành dụng cụ diễn tả chiến thắng vinh quang của Đức Kitô. Như thánh Phaolô đã nói :”Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa” (1Cr 1,18).
Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ thì Đấng chịu đóng đinh đã chiến thắng đau khổ. Chúa Kitô đã tạo ra sự khác biệt hoàn toàn giữa thập giá và kẻ bị đóng đinh. Khi nhận lấy thập giá, Chúa Kitô đã dùng tình yêu biến đau khổ thành niềm vui. Tình yêu làm cho thập giá trở thành Thánh Giá. Thập giá biểu tượng cho cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu và cũng là biểu tượng cho tình yêu mạnh hơn sự chết và cho sự Thiện sẽ giành chiến thắng cuối cùng trên sự Ác.Thập giá là cánh cổng dẫn vào sự sống, thất bại chuyển thành chiến thắng, sự sống bị tước đoạt trở thành sự sống viên mãn, ai đánh mất mạng sống mình sẽ tìm gặp lại sự sống, ai can đảm chết cho Chúa Kitô sẽ được sống muôn đời.
3. Thập giá là vinh dự
Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đáp trả lại tất cả mọi bất công và hận thù bằng lòng bao dung tha thứ. Thập giá Đức Kitô không chất chứa hận thù, oán ghét mà luôn mang dáng đứng của tình yêu và sự khoan dung tha thứ. Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Hơn thế nữa, Ngài công bố ơn cứu độ của Thiên Chúa ngay trên thập giá, lúc mà thế trần nhìn thấy Ngài trần trụi và yếu đuối nhất, khi Ngài ôm trọn con người tội lỗi trần gian qua hình ảnh tên gian phi biết cúi mình nhận ra Chân Lý: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng" (Lc 23,43). Chúa Giêsu đã xóa màu đen ghê tởm của sự dữ trong lòng con người qua việc phục hồi giá trị của mỗi nhân vị và đưa nhân loại đến với Thiên Chúa qua Tình Yêu toàn tha của Ngài. Chúa Giêsu đã dùng cạn hết mọi dấu chỉ của thế trần để biểu lộ Tình Yêu thâm sâu của Ngài cho chúng ta. Đó là màu trắng thanh khiết nhất và là ánh sáng đẹp nhất mà nhân trần này có thể chiêm ngưỡng.
“Lạy Cha, con phó linh hồn trong tay Cha”. Chúa Giêsu nói lời phó dâng và Người trút hơi thở cuối cùng. Màn trong Đền Thờ xé ra làm đôi. Giao Ước cũ đã hết hạn, Giao Ước mới đã khởi đầu.Viên sĩ quan chứng kiến cuộc Tử Nạn của Chúa đã tin nhận Người là Đấng Công Chính, dân chúng tham gia cũng ra về đấm ngực ăn năn. Như vậy, ngay khi Chúa Giêsu vừa tắt thở, Thập giá đã tràn căng sức mạnh cứu rỗi và từ đó nên nguồn mạch đức tin. “Khi nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi sự lên với Ta”. Sinh thời Chúa Giêsu đã có lần báo trước hiệu quả cứu độ của Thập giá, nhưng khi “giờ” Thập giá của Người đến, người ta mới thấy nghịch lý muôn đời của Tin mừng cứu rỗi: khôn ngoan biểu lộ qua điên dại; sức mạnh vươn lên từ yếu đuối; và sự sống hạnh phúc nẩy sinh từ những điều tưởng như mất mát chết chóc bi thương. Giáo Hội của những kẻ tin vào tình thương Thiên Chúa khởi nguồn từ đây (ĐGM Giuse Vũ Duy Thống).
Thập giá với Đức Kitô chịu đóng đinh là “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 1,24).Vì thế, niềm vinh dự của người môn đệ Đức Kitô là: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài Thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!” (Gal 6,14). Niềm tự hào của người môn đệ về Thập giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa :“Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1,24 -25).
Thập giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện, vẫn không bị xóa nhòa. Thập giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.
Chúng ta yêu mến, tôn thờ Chúa Giêsu trên Thập giá.Trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú đang che mờ bóng Thập giá. Con người đang lao mình vào bóng tối bằng mọi giá. Xã hội hôm nay cần phải được ánh sáng của Thập giá soi dẫn. Từ Thập giá Ðức Kitô, tình thương chúc phúc thế gian, sự sống chan chứa cho lòng người. Thập giá là vinh dự, là niềm vui, là hy vọng, là sự nghiệp và là hạnh phúc của người môn đệ Chúa Giêsu Kitô.