Thánh Thần, Linh Hồn Của Công Cuộc Loan Báo Tin Mừng
(Giảng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống)
Tại một giáo xứ ở miền Sicilia, thuộc miền Nam nước Ý, có một tập tục khá ngộ nghĩnh và lý thú. Mỗi năm vào dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, sau bài Tin Mừng, cha xứ ra lệnh thả ra trong nhà thờ một con chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần. Khi con chim câu nầy đậu xuống trên vai hay đầu ai thì người ấy không được tránh né hoặc đuổi đi, nhưng phải quyết tâm thực hiện một công tác cụ thể, to hoặc nhỏ tùy theo khả năng của mình, để chứng tỏ rằng mình làm công việc ấy là do sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.
Lịch sử giáo xứ ấy có ghi lại một số sự kiện điển hình như sau:
- Một lần chim câu đã đậu xuống trên vai ông hiệu trưởng. Kết quả là ông đã quyết tâm thực hiện một cuốn sách giáo khoa rất có giá trị.
- Lần khác, chim câu đáp xuống trên đầu một công tước vùng ấy, khiến ông ta phải ra tay nghĩa hiệp, bỏ tiền xây một hệ thống dẫn nước được đặt tên là “hệ thống dẫn nước Chúa Thánh Thần”.
- Có một linh mục trẻ được chỉ định đến thay thế cho cha xứ già đã đến tuổi hưu. Dù không tán thành nhưng cũng chưa dứt khoát bỏ đi tập tục đã thành truyền thống kia. Vào dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống đầu tiên của ngài ở xứ mới, vị linh mục trẻ vẫn cho giữ thông lệ thả chim câu, nhưng ra lệnh mở hết tất cả các cửa chính và cửa sổ với hy vọng là chú chim câu sẽ bay ra ngoài để tung cánh trong bầu trời cao rộng. Trớ trêu thay, sau khi bay lượn vài vòng từ đầu này đến đầu kia của nhà thờ, chim câu đã đáp xuống vai phải của cha xứ mới trong tiếng vỗ tay vang dội của giáo dân. Phải hứa làm gì cụ thể bây giờ đây? Cha xứ mới chỉ tuyên bố là ngài sẽ đầu tư mọi khả năng và thời giờ để phục vụ tốt cộng đoàn giáo xứ. Và ngài đã giữ lời hứa.
Để Chúa Thánh Thần là linh hồn trong sứ vụ loan báo Tin mừng, thiết tưởng chúng ta phải có Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mỗi người. Nhưng làm sao để có Chúa Thánh Thần đây? Đọc Tin mừng (Ga 2-, 19-23) của ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay chúng ta nhận ra rằng chính Đức Giê-su Ki-tô Phục sinh đã ban Thánh Thần cho các Tông đồ nói riêng và cho mỗi chúng ta nói chung. Như chúng ta biết, sau khi Đức Giê-su đã chịu chết cách đau thương trên thập giá, các môn đệ đã phân tán, buồn rầu và hoang mang lo sợ đủ điều. Họ đã tìm cách chạy trốn và trở về với nghề cũ của mình như hình ảnh hai môn đệ trên đường Em-mau. Họ buồn bã và sợ hãi đến nỗi khép kín các cửa phòng. Nói chung, không có nỗi buồn nào diễn tả được khi trò mất thầy, khi tương lai đang tươi sáng với những tia hy vọng nay bị chìm tắt vì cái chết tức tưởi của Thầy Giê-su. Thế nhưng, trong cái thất vọng thì có niềm hy vọng, trong cái buồn phiền lại nở rộ niềm vui sướng khi Thầy Giê-su đã bị giết nay đã sống lại và hiện ra với các ông để trấn an, chúc lành và ban Thánh Thần cho họ. “Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con!" Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại.” Niềm vui đã làm tan đi sự buồn bã và thất vọng nơi các môn đệ.
Niềm vui lớn nhất là từ nay dẫu Đức Giê-su Ki-tô không hiện diện bằng thể xác nữa, nhưng Ngài sẽ hiện diện bằng cách thức mới vượt thời gian và không gian qua việc ban Thánh Thần của Ngài cho các môn đệ. Từ nay Thánh Thần của Đức Ki-tô sẽ là Đấng Bào Chữa và An Ủi các ông trong mọi nơi và mọi lúc. Lời hứa “Thầy sẽ không để các con mồ côi” nay đã được hiện thực hoá là có Thánh Thần của Đức Ki-tô ở cùng và luôn hiện diện với các ông để giúp các ông can đảm thay vì sợ hãi, bình an thay vì bất an, vui mừng thay vì buồn phiền, mạnh mẽ dấn thân thay vì âu sầu khép kín nhằm Tin mừng Đức Ki-tô được loan báo. Nhờ vậy các Tông đồ đã trở nên khí cụ đắc lực cho công cuộc rao giảng Tin mừng mà không còn hoang mang hay nghi ngại nữa. Chúng ta hiểu rõ điều đó trong ngày lễ Ngũ Tuần mà bài đọc I hôm nay trình thuật.
Quả thật, đọc lại sách Công vụ Tông đồ, chúng ta có lẽ đồng ý với nhau rằng chính Chúa Thánh Thần là tác nhân trọng yếu cho sứ vụ loan báo Tin mừng nơi các Tông đồ. Từ những người nhút nhát, sợ hãi và trốn tránh sau khi Chúa Giê-su chịu chết, nay các Tông đồ đã mạnh dạn và can đảm làm chứng cho Chúa Giê-su chịu chết và Phục sinh nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Hình ảnh gió, lửa và nói tiếng lạ nơi các Tông đồ là dấu chỉ có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Không chỉ hiện xuống nơi các Tông đồ mà thôi, Chúa Thánh Thần cũng đã hiện xuống nơi những ‘khán giả’ đến từ nhiều vùng miền khác nhau để giúp họ hiểu tiếng nói của các Tông đồ. Quả thật, Thánh Thần mang một vai trò hết sức cao cả trong sứ vụ truyền giáo. Ngài không chỉ khai sáng, mở trí, mở miệng, mở con tim cho những ngôn sứ, các Tông đồ và những chứng nhân để việc loan báo Tin mừng được triển nở và lan rộng. Ngài còn trở nên tác nhân hữu hiệu giúp cho những ‘khán thỉnh giả’ nghe, hiểu, cảm nghiệm và tin theo sau khi lĩnh hội các bài giảng của các ngôn sứ hay các Tông đồ. Như vậy, Chúa Thánh Thần nắm vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc loan báo Tin mừng khi Ngài vừa là tác nhân cho người giảng và vừa cho người nghe.
Mặt khác, Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu biết về Chúa Giê-su cách toàn vẹn. Chính Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ về điều đó: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16, 13-15). Như vậy, để hiểu về Chúa Giê-su cách thâm sâu và rõ ràng, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần với con người là điều hết sức cần thiết. Vì chỉ trong Ngài và với Ngài, con người mới thẩu hiểu được mọi sự. Không có Ngài, chúng ta chẳng hiểu biết gì cũng như không làm được gì. Do đó, sau khi Chúa Giê-su lên trời, người ta mới nói rằng thời đại này là thời đại của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội sống trong sự hướng dẫn và bảo trợ của Chúa Thánh Thần.
Hơn nữa, Chúa Thánh Thần là mối dây nối kết giữa con người với Thiên Chúa và con người với nhau. “Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cr 12, 13). Như vậy, Thánh Thần có sứ mạng nối kết, liên đới và hiệp nhất mọi người trong cùng một đức tin, một phép rửa và một tình yêu. Nơi đâu có hiệp nhất nơi đó có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Nơi đâu có tình yêu thương, nơi đó Chúa Thánh Thần ngự trị và chúc lành. Nơi đâu có Chúa Thánh Thần, nơi đó có sự bình an, hạnh phúc và gắn bó với nhau. Thật vậy, khi chúng ta sống trong sự hiệp nhất và yêu thương là chúng ta đang lan toả Giê-su, lan toả đạo yêu thương cho tha nhân nơi môi trường sống. Hiểu được như thế, mỗi chúng ta cố gắng gắn kết với Chúa Thánh Thần, lắng nghe Ngài và xin Ngài ở cùng, thôi thức và thánh hoá toàn thể con người để trở nên khí cụ hữu ích trong công việc loan báo Tin mừng cho muôn dân.
Ngoài ra, Chúa Thánh Thần là tác nhân ‘lôi kéo’ hoặc ‘hướng dẫn’ cho chúng ta dấn thân, thực hành sứ điệp Lời Chúa nơi vùng miền mà Ngài thấy là phù hợp và dễ đón nhận. Hay nói cách khác, trong sứ vụ loan báo Tin mừng hoặc gặp gỡ những người chưa cùng niềm tin, chính Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn dắt, hướng dẫn và thúc đẩy chúng ta lên đường. Điều này được trình bày nơi (x.Cv 8, 26-40; 10, 3-33) khi Ông Phi-lip-phê được Thánh Thần thôi thúc đi gặp gỡ viên thái giám E-thi-op và rửa tội cho ông này; khi Ông Co-nê-li-ô được Thánh Thần mời gọi ông gặp cho được Ông Phê-rô để chịu phép rửa tội. Không chỉ như vậy, mà trong suốt hành trình truyền giáo của Thánh Phaolô, Chúa Thánh Thần cũng đã luôn đồng hành và hướng dẫn cho ngài để ngài biết làm chứng mà không sợ hãi. Trong Giáo hội cũng vậy, Chúa Thánh Thần như là ‘vị ân nhân’, ‘vị linh hướng’ và là ‘bạn đồng hành’ để giúp đỡ, bảo trợ và hướng dẫn Giáo hội Chúa Ki-tô tiếp tục lớn mạnh dẫu phải trải qua nhiều sóng gió nặng nề. Tin mừng vẫn luôn được loan đi bởi biết bao người can đảm, nhiệt thành và hăng say nhờ vào sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.
Tóm lại, Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, là Đấng ban sức mạnh và là nguồn mạch tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Nhờ Người và trong Người, Giáo hội của Chúa Ki-tô vẫn luôn tồn tại và lớn mạnh dần dần mặc dầu phải đối diện với biết bao địch thù. Tin mừng chỉ thật sự được loan báo trong mọi nơi mọi lúc cho mọi người khi có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Khi Chúa Thánh Thần hiện diện là có Chúa Cha và Chúa Giê-su hiện diện. Ba Ngôi Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta để gìn giữ, chở che và ban sức mạnh để chúng ta luôn luôn là chứng nhân của Tình Yêu cho thời đại đầy nhiễu nhương này.
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
(Giảng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống)
Tại một giáo xứ ở miền Sicilia, thuộc miền Nam nước Ý, có một tập tục khá ngộ nghĩnh và lý thú. Mỗi năm vào dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, sau bài Tin Mừng, cha xứ ra lệnh thả ra trong nhà thờ một con chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần. Khi con chim câu nầy đậu xuống trên vai hay đầu ai thì người ấy không được tránh né hoặc đuổi đi, nhưng phải quyết tâm thực hiện một công tác cụ thể, to hoặc nhỏ tùy theo khả năng của mình, để chứng tỏ rằng mình làm công việc ấy là do sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.
Lịch sử giáo xứ ấy có ghi lại một số sự kiện điển hình như sau:
- Một lần chim câu đã đậu xuống trên vai ông hiệu trưởng. Kết quả là ông đã quyết tâm thực hiện một cuốn sách giáo khoa rất có giá trị.
- Lần khác, chim câu đáp xuống trên đầu một công tước vùng ấy, khiến ông ta phải ra tay nghĩa hiệp, bỏ tiền xây một hệ thống dẫn nước được đặt tên là “hệ thống dẫn nước Chúa Thánh Thần”.
- Có một linh mục trẻ được chỉ định đến thay thế cho cha xứ già đã đến tuổi hưu. Dù không tán thành nhưng cũng chưa dứt khoát bỏ đi tập tục đã thành truyền thống kia. Vào dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống đầu tiên của ngài ở xứ mới, vị linh mục trẻ vẫn cho giữ thông lệ thả chim câu, nhưng ra lệnh mở hết tất cả các cửa chính và cửa sổ với hy vọng là chú chim câu sẽ bay ra ngoài để tung cánh trong bầu trời cao rộng. Trớ trêu thay, sau khi bay lượn vài vòng từ đầu này đến đầu kia của nhà thờ, chim câu đã đáp xuống vai phải của cha xứ mới trong tiếng vỗ tay vang dội của giáo dân. Phải hứa làm gì cụ thể bây giờ đây? Cha xứ mới chỉ tuyên bố là ngài sẽ đầu tư mọi khả năng và thời giờ để phục vụ tốt cộng đoàn giáo xứ. Và ngài đã giữ lời hứa.
Để Chúa Thánh Thần là linh hồn trong sứ vụ loan báo Tin mừng, thiết tưởng chúng ta phải có Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mỗi người. Nhưng làm sao để có Chúa Thánh Thần đây? Đọc Tin mừng (Ga 2-, 19-23) của ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay chúng ta nhận ra rằng chính Đức Giê-su Ki-tô Phục sinh đã ban Thánh Thần cho các Tông đồ nói riêng và cho mỗi chúng ta nói chung. Như chúng ta biết, sau khi Đức Giê-su đã chịu chết cách đau thương trên thập giá, các môn đệ đã phân tán, buồn rầu và hoang mang lo sợ đủ điều. Họ đã tìm cách chạy trốn và trở về với nghề cũ của mình như hình ảnh hai môn đệ trên đường Em-mau. Họ buồn bã và sợ hãi đến nỗi khép kín các cửa phòng. Nói chung, không có nỗi buồn nào diễn tả được khi trò mất thầy, khi tương lai đang tươi sáng với những tia hy vọng nay bị chìm tắt vì cái chết tức tưởi của Thầy Giê-su. Thế nhưng, trong cái thất vọng thì có niềm hy vọng, trong cái buồn phiền lại nở rộ niềm vui sướng khi Thầy Giê-su đã bị giết nay đã sống lại và hiện ra với các ông để trấn an, chúc lành và ban Thánh Thần cho họ. “Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con!" Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại.” Niềm vui đã làm tan đi sự buồn bã và thất vọng nơi các môn đệ.
Niềm vui lớn nhất là từ nay dẫu Đức Giê-su Ki-tô không hiện diện bằng thể xác nữa, nhưng Ngài sẽ hiện diện bằng cách thức mới vượt thời gian và không gian qua việc ban Thánh Thần của Ngài cho các môn đệ. Từ nay Thánh Thần của Đức Ki-tô sẽ là Đấng Bào Chữa và An Ủi các ông trong mọi nơi và mọi lúc. Lời hứa “Thầy sẽ không để các con mồ côi” nay đã được hiện thực hoá là có Thánh Thần của Đức Ki-tô ở cùng và luôn hiện diện với các ông để giúp các ông can đảm thay vì sợ hãi, bình an thay vì bất an, vui mừng thay vì buồn phiền, mạnh mẽ dấn thân thay vì âu sầu khép kín nhằm Tin mừng Đức Ki-tô được loan báo. Nhờ vậy các Tông đồ đã trở nên khí cụ đắc lực cho công cuộc rao giảng Tin mừng mà không còn hoang mang hay nghi ngại nữa. Chúng ta hiểu rõ điều đó trong ngày lễ Ngũ Tuần mà bài đọc I hôm nay trình thuật.
Quả thật, đọc lại sách Công vụ Tông đồ, chúng ta có lẽ đồng ý với nhau rằng chính Chúa Thánh Thần là tác nhân trọng yếu cho sứ vụ loan báo Tin mừng nơi các Tông đồ. Từ những người nhút nhát, sợ hãi và trốn tránh sau khi Chúa Giê-su chịu chết, nay các Tông đồ đã mạnh dạn và can đảm làm chứng cho Chúa Giê-su chịu chết và Phục sinh nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Hình ảnh gió, lửa và nói tiếng lạ nơi các Tông đồ là dấu chỉ có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Không chỉ hiện xuống nơi các Tông đồ mà thôi, Chúa Thánh Thần cũng đã hiện xuống nơi những ‘khán giả’ đến từ nhiều vùng miền khác nhau để giúp họ hiểu tiếng nói của các Tông đồ. Quả thật, Thánh Thần mang một vai trò hết sức cao cả trong sứ vụ truyền giáo. Ngài không chỉ khai sáng, mở trí, mở miệng, mở con tim cho những ngôn sứ, các Tông đồ và những chứng nhân để việc loan báo Tin mừng được triển nở và lan rộng. Ngài còn trở nên tác nhân hữu hiệu giúp cho những ‘khán thỉnh giả’ nghe, hiểu, cảm nghiệm và tin theo sau khi lĩnh hội các bài giảng của các ngôn sứ hay các Tông đồ. Như vậy, Chúa Thánh Thần nắm vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc loan báo Tin mừng khi Ngài vừa là tác nhân cho người giảng và vừa cho người nghe.
Mặt khác, Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu biết về Chúa Giê-su cách toàn vẹn. Chính Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ về điều đó: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16, 13-15). Như vậy, để hiểu về Chúa Giê-su cách thâm sâu và rõ ràng, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần với con người là điều hết sức cần thiết. Vì chỉ trong Ngài và với Ngài, con người mới thẩu hiểu được mọi sự. Không có Ngài, chúng ta chẳng hiểu biết gì cũng như không làm được gì. Do đó, sau khi Chúa Giê-su lên trời, người ta mới nói rằng thời đại này là thời đại của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội sống trong sự hướng dẫn và bảo trợ của Chúa Thánh Thần.
Hơn nữa, Chúa Thánh Thần là mối dây nối kết giữa con người với Thiên Chúa và con người với nhau. “Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cr 12, 13). Như vậy, Thánh Thần có sứ mạng nối kết, liên đới và hiệp nhất mọi người trong cùng một đức tin, một phép rửa và một tình yêu. Nơi đâu có hiệp nhất nơi đó có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Nơi đâu có tình yêu thương, nơi đó Chúa Thánh Thần ngự trị và chúc lành. Nơi đâu có Chúa Thánh Thần, nơi đó có sự bình an, hạnh phúc và gắn bó với nhau. Thật vậy, khi chúng ta sống trong sự hiệp nhất và yêu thương là chúng ta đang lan toả Giê-su, lan toả đạo yêu thương cho tha nhân nơi môi trường sống. Hiểu được như thế, mỗi chúng ta cố gắng gắn kết với Chúa Thánh Thần, lắng nghe Ngài và xin Ngài ở cùng, thôi thức và thánh hoá toàn thể con người để trở nên khí cụ hữu ích trong công việc loan báo Tin mừng cho muôn dân.
Ngoài ra, Chúa Thánh Thần là tác nhân ‘lôi kéo’ hoặc ‘hướng dẫn’ cho chúng ta dấn thân, thực hành sứ điệp Lời Chúa nơi vùng miền mà Ngài thấy là phù hợp và dễ đón nhận. Hay nói cách khác, trong sứ vụ loan báo Tin mừng hoặc gặp gỡ những người chưa cùng niềm tin, chính Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn dắt, hướng dẫn và thúc đẩy chúng ta lên đường. Điều này được trình bày nơi (x.Cv 8, 26-40; 10, 3-33) khi Ông Phi-lip-phê được Thánh Thần thôi thúc đi gặp gỡ viên thái giám E-thi-op và rửa tội cho ông này; khi Ông Co-nê-li-ô được Thánh Thần mời gọi ông gặp cho được Ông Phê-rô để chịu phép rửa tội. Không chỉ như vậy, mà trong suốt hành trình truyền giáo của Thánh Phaolô, Chúa Thánh Thần cũng đã luôn đồng hành và hướng dẫn cho ngài để ngài biết làm chứng mà không sợ hãi. Trong Giáo hội cũng vậy, Chúa Thánh Thần như là ‘vị ân nhân’, ‘vị linh hướng’ và là ‘bạn đồng hành’ để giúp đỡ, bảo trợ và hướng dẫn Giáo hội Chúa Ki-tô tiếp tục lớn mạnh dẫu phải trải qua nhiều sóng gió nặng nề. Tin mừng vẫn luôn được loan đi bởi biết bao người can đảm, nhiệt thành và hăng say nhờ vào sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.
Tóm lại, Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, là Đấng ban sức mạnh và là nguồn mạch tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Nhờ Người và trong Người, Giáo hội của Chúa Ki-tô vẫn luôn tồn tại và lớn mạnh dần dần mặc dầu phải đối diện với biết bao địch thù. Tin mừng chỉ thật sự được loan báo trong mọi nơi mọi lúc cho mọi người khi có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Khi Chúa Thánh Thần hiện diện là có Chúa Cha và Chúa Giê-su hiện diện. Ba Ngôi Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta để gìn giữ, chở che và ban sức mạnh để chúng ta luôn luôn là chứng nhân của Tình Yêu cho thời đại đầy nhiễu nhương này.
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương