Các khía cạnh đặc thù của nền hộ giáo Pascal

Đi vào những điểm đặc thù, trước nhất Pascal nói đến nghịch lý trong bản tính con người. Rick Wade (https://probe.org/blaise-pascal-an-apologist-for-our-times) cũng tin rằng Pascal là nhà hộ giáo của thời nay, theo nghĩa ông không bắt đầu và dừng lại ở lãnh vực ý niệm. Trái lại ông bắt đầu tìm hiểu thân phận con người và sử dụng cái hiểu này như khởi điểm và điểm tiếp xúc của khoa hộ giáo.



Tiến sĩ Fernandes thì cho rằng theo Pascal, chỉ có Kitô giáo mới có thể giải thích đúng đắn bản chất con người, một bản chất nghịch thường. Con người vừa hèn hạ vừa cao cả. Nhiều tôn giáo nhìn nhận sự cao cả của con người, không thấy sự hèn hạ của họ. Đó là trường hợp của Phong trào Tân Đại (New Age); con người là Thượng Đế, tội lỗi là ảo tưởng. Các tôn giáo khác thừa nhận sự hèn hạ của con người nhưng làm ngơ sự cao cả của họ. Những nhà duy nhân bản hiện đại coi con người như thú vật; những người duy tác phong (Behaviorists) coi con người như bộ máy. Chỉ có Kitô giáo mới coi con người như họ thực sự là; họ vừa hèn hạ vừa cao cả.

Pascal tin rằng các học lý về tạo dựng và sa ngã mà thôi đủ để giải thích nghịch lý trên của con người: họ cao cả do sự kiện họ được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa; họ hèn hạ vì đã sa ngã, xa rời Đấng Tạo Dựng. Ông cho rằng con người chỉ có thể hiểu được sự khốn cùng của mình khi nhớ lại sự cao cả họ đã đánh mất khi sa ngã.

Pascal viết: “con người chỉ là cây sậy, yếu ớt nhất trong thiên nhiên, nhưng họ là cây sậy biết suy nghĩ. Chẳng cần toàn bộ vũ trụ phải cầm khí giới để đè bẹp họ: một chút hơi, một giọt nước cũng đủ sát hại họ. Nhưng cho dù vũ trụ có thể đè bẹp họ, họ vẫn cao thượng hơn kẻ sát hại họ, vì họ biết họ sắp chết, và lợi điểm vũ trụ có hơn họ. Vũ trụ không hề biết việc đó. Như thế, mọi phẩm giá của ta hệ ở tư tưởng” (mảnh 200).

Sự cao cả của con người phát xuất từ việc biết họ hèn hạ. Như thế hèn hạ là biết mình hèn hạ, nhưng có sự cao cả ở chỗ biết mình hèn hạ (mảnh 114).

Mọi điển hình hèn hạ đều chứng mình sự cao cả của họ. Nó là sự hèn hạ của một ông chúa cao cả, sự hèn hạ của một ông vua mất ngôi (mảnh 116).

Sự cao cả và hèn hạ của con người hiển nhiên đến nỗi tôn giáo chân thực nhất thiết phải dạy chúng ta rằng nơi con người có một nguyên lý vĩ đại nào đó về sự cao cả và một nguyên lý nào đó về sự hèn hạ (mảnh 149).

Câu bất hủ của Pascal mà nhiều người thuộc làm lòng là: “con người không phải là thiên thần mà cũng không phải là thú dữ” (mảnh 678).

Do đó, trong đức tin, có hai chân lý trường cửu như nhau. Một là con người, trong trạng thái được tạo dựng hay trong trạng thái ơn thánh, được hiển dương trên toàn bộ thiên nhiên, được tạo dựng giống như Thiên Chúa và được chia sẻ thần tính của Người. Hai là trong tình trạng sa đoạ và tội lỗi, họ đã xa rời trạng thái thứ nhất và trở thành giống thú dữ... (mảnh 131).

Thành thử, muốn chân thực, một tôn giáo phải biết bản chất ta; nó phải biết sự cao cả và nhỏ hèn của nó, và lý do cho cả hai. Tôn giáo nào ngoài Kitô giáo biết điều đó? (mảnh 215).

Thế lưỡng nan của con người, tức việc họ vừa cao cả vừa hèn hạ, rất dễ chứng tỏ bằng tài liệu. Hố phân cách giữa thú vật và con người quá lớn đến nỗi việc biến hóa không thể giải thích một cách thỏa đáng. Không loài vật nào đã tạo ra được một Platông hay một Aristốt bao giờ. Ấy thế nhưng, sự độc ác của con người chống lại con người chưa bao giờ nghe thấy trong thế giới động vật. Không loài động vật nào đã sản xuất ra một Hitler hay một Stalin.

Đối với Pascal, chỉ có Kitô giáo với học lý tạo dựng và sa ngã mới giải thích thỏa đáng cả hai khía cạnh của con người.

Ông cũng nhấn mạnh đến phận người: tối hậu, họ chỉ có con đường một chiều dẫn đến cái chết. Ai cũng biết thế, nhưng lại sống như thể mình không bao giờ chết. Nhờ đâu họ có thể sống như thế?

Nhờ giải khuây, dửng dưng và tự đánh lừa. Thay vì nhìn nhận sự khốn cùng và cái chết để tìm phương giải cứu, chúng ta lại làm ngơ phận người và tự lừa dối chính mình.

Về giải khuây, Pascal viết: “Không có khả năng cứu chữa sự chết, sự khốn cùng và dốt nát, con người quyết định không nghĩ đến những thứ ấy, để được hạnh phúc” (mảnh 133). Nếu thân phận ta thực sự hạnh phúc, ta đâu có cần phải giải khuây để không nghĩ đến nó (mảnh 70). Chúng ta lơ đễnh lao vào hố thẳm sau khi đã đặt trước mình một thứ gì đó để khỏi nhìn thấy hố thẳm này (mảnh 166). “Tôi có thể thấy rõ điều làm một người hạnh phúc là giải khuây để khỏi suy nghĩ những khốn cùng riêng của họ bằng cách làm họ không lưu tâm đến bất cứ điều gì khác ngoài nhẩy nhót cho khéo...” (mảnh 137).

Nhất là xã hội hiện đại, họ có không biết bao nhiêu hình thức giải khuây: truyền thanh, truyền hình, kịch trường, biến cố thể thao, ngay nghề nghiệp cũng là cách khiến ta bận bịu đến quên sự chết và lẽ khốn cùng của mình. Pascal cho rằng con người nhờ các vui chơi tạm thời che khuất các sự thật họ muốn làm ngơ.

Dửng dưng là cách khác để con người tránh đối đầu với cái chết đang tới của họ. Pascal viết:

“Tính bất tử của linh hồn là một điều hết sức quan trọng đối với chúng ta, ảnh hưởng sâu đậm đến chúng ta, đến nỗi ai đó hẳn mất hết mọi cảm xúc mới không lưu tâm đến việc biết các sự kiện của vấn đề... Do đó, sự kiện có những người dửng dưng trước việc đánh mất hữu thể mình và nguy cơ đời đời khốn cùng hoàn toàn đi ngược lại bản nhiên. Đối với mọi điều khác, họ rất khác; họ sợ những điều tầm phào nhất, tiên báo và cảm nhận chúng; và cùng một con người biết bao đêm ngày nổi sùng và thất vọng vì mất chức vụ hay tưởng tượng bị làm mất danh dự của mình cũng là người biết rằng mình sắp sửa mất hết mọi sự qua cái chết nhưng chẳng cảm thấy lo âu hay xúc động gì. Quả là quái đản khi thấy cùng một trái tim vừa nhậy cảm đến thế đối với những sự việc nhỏ mọn đồng thời vừa vô cảm cách lạ lùng đối với những sự việc trọng đại nhất” (mảnh 427).

Con người không những làm ngơ sự khiếp đảm đối với sự khốn cùng và cái chết sắp tới của mình nhờ giải khuây và dửng dưng. Họ còn tự lừa dối mình và lừa dối người khác trong mưu toan che dấu sự thật: “Tự ái. Bản chất tự ái và bản ngã nhân bản này là chỉ yêu mình và chỉ lưu ý tới mình... Nó hết sức quan tâm đến việc che dấu các lỗi lầm phát xuất từ chính nó và người khác, và không chịu đựng được việc chúng bị phơi bầy hoặc lưu ý... Vì há không đúng là chúng ta ghét sự thật và những người nói với chúng ta sự thật và chúng ta thích họ bị đánh lừa để có lợi cho ta và muốn họ qúy mến ta vì con người khác với con người thực sự của chúng ta đó sao?... người ta thận trọng hơn để không xúc phạm đến những người mà tình bạn của họ hữu ích cho ta và sự thù nghịch của họ nguy hiểm nhất đối với ta. Ông hoàng có thể là trò cười của Âu Châu và là người duy nhất không biết gì về điều đó” (mảnh 978).

Theo Tiến sĩ Fernandes “Blaise Pascal thấy rằng sử dụng lý trí không thôi sẽ dẫn rất ít người tới Chúa Giêsu. Ông biết con người bị thống trị bởi đam mê nhiều hơn lý trí. Nên phương pháp hộ giáo của ông tập chú vào việc đánh thức con người khỏi sự dửng dưng và loại bỏ tính ưa giải khuây của họ. Nền hộ giáo của ông nhắc nhở con người rằng các vấn đề vĩnh cửu đáng giá nhiều hơn gấp bội các vấn đề chỉ có tính tạm bợ. Ông không tìm cách lý luận để người ta hướng tới nước Thiên Chúa; ông cố gắng thuyết phục để ý chí họ tin rằng Kitô giáo chân thật. Ông khuyến khích họ tha thiết đi tìm Thiên Chúa của Kinh Thánh...

“Lập luận trừu tượng không lôi cuốn phần lớn người ta. Pascal cho rằng đúng hơn, con người thích thảo luận những chuyện cụ thể của đời sống hàng ngày. Cho nên, Pascal khởi đầu nền hộ giáo của ông ở điểm phần lớn người ta cảm thấy thoải mái nhất với chính con người của họ. Sau đó, ông mới cố gắng bứng con người ra khỏi vùng êm ái của họ bằng cách cho họ thấy các sự thật dấu ẩn và không lôi cuốn về con người, như sự khốn cùng, cái chết, và tự đánh lừa. Tất cả các điều này được thực hiện để đánh thức người ta ra khỏi cái nông cạn của đời này và hướng tới những điều vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Nói tóm lại, Pascal không phải là một nhà hộ giáo truyền thống, vì ông bác bỏ các lập luận truyền thống trong việc chứng minh Thiên Chúa hiện hữu. Nhưng như trên đã nói, ông không phải là một nhà duy tín (fideist) mà cũng không phải là một nhà duy giả định (presuppositionalist), cả hai phái đều không cung cấp được các chứng cớ lịch sử cho đức tin Kitô giáo.

Về chứng cớ trên, Ông viết:

“Các lời tiên tri. Nếu một người đơn độc viết một cuốn sách báo trước thời gian và cách Chúa Giêsu xuống thế gian và Chúa Giêsu quả đã xuống thế gian đúng như các lời tiên tri này, thì hẳn người này có tầm quan trọng vô tận. Nhưng ở đây, còn hơn thế nữa. Có một sự nối tiếp nhau của những con người suốt hơn 4,000 năm qua, nhất quán đến rồi đi không gián đoạn, tiên đoán cùng một việc xuất hiện; có cả một dân tộc để công bố nó, hiện hữu cả 4,000 năm nay để cùng nhau làm chứng cho sự chắc chắn họ từng cảm nhận về nó, điều mà họ không bao giờ sao lãng bất kể họ phải chịu các đe dọa hay bách hại nào. Đây quả thuộc một thứ bậc quan trọng khác hẳn” (mảnh 332).

Về dân tộc Do Thái, Pascal viết: “Các lợi điểm của dân tộc Do Thái... Dân tộc này không những có tính cổ xưa đáng kể nhưng còn kéo dài trong một thời gian hết sức lâu, liên tục trải dài từ nguồn gốc của nó cho đến ngày nay. Vì trong khi nhiều dân tộc của Hy Lạp và Ý, của Sparta, Athens, Rome, và các nước khác, tuy đến sau nhiều hơn, nhưng đã tiêu vong từ lâu, thì dân tộc này vẫn hiện hữu, bất chấp các cố gắng của rất nhiều ông vua hùng cường mưu toan hàng trăm lần nhằm xóa bỏ họ...Tuy nhiên, họ luôn được bảo toàn, và việc bảo toàn của họ đã được tiên báo” (mảnh 451).

Họ được bảo toàn để làm chứng cho lời đã hứa: Chúa Giêsu xuống thế gian. Về Chúa Giêsu, Pascal dựa vào chứng cớ lịch sử là các tông đồ. Ông viết: “Các chứng cớ về Chúa Giêsu Kitô. Giả thiết cho rằng các tông đồ bất lương là điều hoàn toàn phi lý. Các bạn hãy theo dõi câu truyện cho tới đoạn kết và tưởng tượng ra cảnh 12 người đàn ông này họp nhau sau cái chết của Chúa Giêsu và toa rập tạo ra câu truyện Người đã sống lại từ cõi chết. Điều này có nghĩa tấn công mọi quyền lực có thể có. Trái tim con người đặc biệt dễ bất định, thay đổi, dễ bị ảnh hưởng bởi hứa hẹn, đút lót. Một người trong số họ chỉ cần bác bỏ câu truyện ấy dưới những động lực xui khiến ấy hay tệ hơn nữa do đe dọa ngồi tù, tra tấn và chết chóc, thì tất cả sẽ tiêu vong. Các bạn hãy theo dõi điều đó” (mảnh 310).

Ở chỗ khác, ông viết: “các tông đồ một là những người bị lừa hai là những người đi lừa. Cả hai giả thiết đều khó có thể có, vì không thể có việc tưởng tượng một người sống lại từ cõi chết. Trong khi Chúa Giêsu còn ở với họ, Người có thể nâng đỡ họ, nhưng sau đó, nếu Người không còn hiện ra với họ, ai làm họ hành động?” (mảnh 322).

Pascal không nói với người không tin “hãy tin đi”. Ông trình bầy với họ chứng cớ chứng minh sự thật của Kitô giáo, chứng cớ này không nói với lý trí mà thôi, mà nói với toàn bộ con người.

Đánh cuộc của Pascal

Tiến sĩ Fernandes cho rằng cao điểm của nền hộ giáo Pascal là việc đánh cuộc (wager): đánh cuộc đời ta bằng Thiên Chúa. Ông viết:

“... ta hãy nói: ‘một là có Thiên Chúa hai là không có Thiên Chúa’. Nhưng ta nghiêng về quan điểm nào? Lý trí không thể quyết định vấn đề này. Sự hỗn mang vô tận phân cách chúng ta. Ở tận cùng khoảng cách vô tận này, một đồng tiền được tung lên sẽ rơi xuống thành ngửa hay sấp. Bạn sẽ đánh cuộc như thế nào? Lý trí không thể giúp bạn chọn lựa, lý trí cũng không thể chứng minh sai... Đúng, nhưng bạn phải đánh cuộc. Không có chọn lựa nào khác, bạn đã can dự vào rồi. Như thế bạn phải chọn bên nào?... Ta hãy cân đo phần được phần thua khi chọn ngửa nghĩa là có Thiên Chúa. Ta hãy lượng định hai trường hợp: nếu bạn thắng, bạn sẽ thắng mọi sự, còn nếu bạn thua, bạn không thua bất cứ điều gì. Như thế bạn đừng do dự gì nữa; bạn hãy đánh cuộc rằng Người quả hiện hữu... Và như thế, vì bạn buộc phải chơi, bạn phải từ bỏ lý trí nếu bạn trân trọng gìn giữ đời bạn hơn là đánh cuộc nó lấy một cái thắng vô tận, cũng như có thể xẩy ra một cái thua nhưng chẳng mất điều gì... Do đó, lập luận của chúng ta mang theo một sức nặng vô tận, khi tiền đánh cuộc có tính hữu hạn trong một trò chơi trong đó, có các may rủi thắng thua như nhau và có thể thắng giải vô tận” (mảnh 418).

Pascal muốn nói với người đọc: ta phải đánh cuộc đời ta bằng việc Thiên Chúa hiện hữu hay Thiên Chúa không hiện hữu. Vì các giới hạn của nó, lý trí không thể quyết định cho ta. Mà chúng ta cũng không thể tránh phải chọn; vì không đánh cuộc cũng tương đương như đánh cuộc chống Thiên Chúa.

Nếu bạn đánh cuộc bằng Thiên Chúa, chỉ có thể có hai kết quả. Nếu Người hiện hữu, bạn thắng cuộc sống vĩnh cửu. Nếu Người không hiện hữu, bạn đâu mất gì.

Tuy nhiên, nếu bạn đánh cuộc Thiên Chúa không hiện hữu, cũng có thể có hai hậu quả. Nếu Người không hiện hữu, bạn không mất gì. Nhưng nếu Người quả hiện hữu, bạn mất mọi sự. Cho nên, vì không mất điều gì và được mọi điều, người khôn ngoan đương nhiên sẽ đánh cuộc rằng Thiên Chúa hiện hữu.

Robert Velarde (https://www.equip.org/article/more-than-a-wager-blaise-pascal-and-the-defense-of-the-faith) cho rằng đánh cuộc có lẽ là lập luận triết lý nổi tiếng nhất của Pascal, nhưng cũng là lập luận gây tranh cãi nhiều hơn cả. Được ca ngợi là lỗi lạc, bị bác bỏ như lầm lẫn, việc đánh cuộc của Pascal tiếp tục gây ra nhiều cuộc tranh luận cả học thuật lẫn bình dân. Theo chiều hướng này, ít nhất, nó vẫn là một lập luận khiến người ta tham dự vì cảm thấy hứng thú.

Một điều cần thừa nhận là lập luận đánh cuộc này thường bị trình bày và giải thích sai. Điều này một phần do chính sự kiện Pascal chưa bao giờ khai triển trọn vẹn lập luận này, cộng thêm việc rất khó sắp xếp mảnh này cho có thứ tự dễ hiểu. Bất chấp đây là một trong những mảnh khá dài, các nhận định về việc đánh cuộc ít đưa đến một giải thích đơn nhất. Theo một tác giả (Douglas Groothuis, On Pascal), “Nó được viết ở cả 4 cạnh của một tờ giấy gấp. Một số đoạn được lồng vào bản văn chính, các câu khác được viết theo chiều dọc đến tận lề, và có những phần được viết ngược trên cùng trang giấy”. Không lạ gì các học giả và nhà chú giải khó sắp xếp thứ tự của mảnh này theo ý định của Pascal.

Vả lại, trong cố gắng hộ giáo toàn diện, không rõ Pascal muốn đặt lập luận đánh cuộc vào chỗ nào. Phần lớn cho rằng Pascal không có ý định biến đánh cuộc thành một lập luận hoàn bị, đứng một mình, tách biệt khỏi các lập luận hộ giáo khác, nhưng không ít người lại cho đó là ý định của Pascal. Các học giả như A.J. Kraisheimer chẳng hạn nghĩ rằng đánh cuộc xuất hiện mãi về sau so với phương thức tổng quát của Pascal, dùng làm một thứ “bản lề” sau khi “người không tin đã sẵn sàng bằng lòng thử Kitô giáo” (Pascal, tr. 57).

Dù là thành phần của một khoa hộ giáo tổng thể hay như một lập luận độc lập, đánh cuộc một lần nữa cho thấy phương thức của Pascal là ngoài lý trí ra, ông muốn vận động toàn diện con người của người không tin, nhất là ý chí của họ để dẫn họ tới gặp gỡ Chúa Kitô. Đánh cuộc chính là để nói với ý chí người không tin. Douglas Groothuis, trong On Pascal, chương 9, cho rằng qua lập luận này, Pascal muốn người không tin dấn thân vào một trải nghiệm sùng kính rất có thể sẽ dẫn họ tới đức tin tự nhiên và ơn cứu rỗi.

Nói tóm lại, Pascal dựa vào chính bản nhiên con người với những nghịch lý hết sức hiển nhiên của nó để đánh động ý chí người không tin, khiến họ phải đi tìm lý do của những nghịch lý này. Chính Pascal viết: “Nỗi khát khao này, và nỗi bất lực này còn công bố điều gì khác hơn là có lần nơi con người đã có một hạnh phúc đích thực, một hạnh phúc nay chỉ còn lại dấu và vết trống rỗng? Con người cố gắng vô vọng trong việc lấp đầy khoảng trống này bằng mọi sự có xung quanh họ, tìm trong những sự vật không có ở đấy sự giúp đỡ họ không thể tìm thấy trong những sự vật có ở đó, dù không sự vật nào giúp được, vì cái hố thẳm vô tận này chỉ có thể lấp đầy bằng một đối tượng vô tận và bất khả đổi thay; nói cách khác là bằng Thiên Chúa” (mảnh 148, 428).

Tiến sĩ Fernandes cho rằng phương pháp hộ giáo của Pascal rất thích hợp với con người thời nay, những chủ thể hết sức quan tâm tới trải nghiệm hiện sinh của họ. Nhiều người đang đi tìm ý nghĩa cho đời sống họ; họ muốn các khát vọng sâu sắc nhất của họ được thỏa mãn. Đồng thời, rất nhiều người thấy các khát vọng ấy không được như lòng họ mong muốn.

Pascal muốn họ nhìn vào chính họ, nhận ra bản chất thực của họ cũng như các nghich lý bao hàm trong đó để đi tìm nguyên do và nguyên do đó chỉ có thể là bản chất đó tốt đẹp khi được dựng nên, sau đó, bị chính ta làm ra khốn cùng do sa ngã. Nguyên do đó chỉ có Kitô giáo kiên trì rao giảng và do đó là mới tôn giáo đích thực.

Các kỳ tới: Chuyển ngữ trọn Phần Hai cuốn Penseés của Pascal về Hộ giáo