Các Giám mục Công Giáo Đức và những người tham gia vào Tiến Trình Công Nghị của Giáo hội ở Đức phải là những người đầu tiên “ăn năn và tin tưởng”, trong khi họ kêu gọi thế giới phải làm như vậy, Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver đã nhận định như trên. Ngài đã cảnh báo rằng văn bản đầu tiên của Tiến Trình Công Nghị ở Đức đã đưa ra một quan điểm về Giáo Hội Công Giáo “không thể đứng vững”, hạ thấp tầm quan trọng của Giáo Hội trong vai trò là khí cụ cho ơn cứu độ của Thiên Chúa, và cố ý lờ đi những khác biệt căng thẳng giữa sứ mệnh của Giáo Hội và não trạng trần tục của thế gian.

“Hầu hết chúng ta bên ngoài nước Đức đều nhận thức được thông qua các phương tiện truyền thông về Tiến Trình Công Nghị của Công Giáo Đức và sự thẳng thắn của một số giám mục nước này đang kêu gọi những thay đổi triệt để đối với giáo huấn và thực hành của Giáo hội”, Đức Tổng Giám Mục Aquila nhận định như trên trong bức thư ngỏ ngày 13 tháng 5, lễ Thăng thiên, và được công bố ngày 26 tháng 5, lễ Thánh Philip Neri.

Bức thư của ngài là một bài bình luận dài 15 trang về Tài Liệu Cơ Bản được hình thành bởi diễn đàn đầu tiên của Tiến Trình Công Nghị Công Giáo Đức. Đức Tổng Giám Mục Aquila cảnh báo rằng bản văn Tài Liệu Cơ Bản đầu tiên này đưa ra những cách giải thích “có chọn lọc và gây hiểu lầm” về giáo huấn của Giáo hội. Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng ngài đưa ra phản hồi này để các Giám Mục Đức cầu nguyện và suy tư và khuyến khích các giám mục khác “mạnh dạn làm chứng cho chân lý Tin Mừng, cho Chúa Giêsu Kitô”.

Đức Tổng Giám Mục viết rằng Tiến Trình Công Nghị Đức có quyền lên tiếng bày tỏ sự đau khổ về các vụ bê bối và che đậy lạm dụng tình dục giáo sĩ. Tài Liệu Cơ Bản của Tiến Trình Công Nghị này đã đúng khi nói rằng những vụ tai tiếng này đã gây ra “một cuộc khủng hoảng thực sự về uy tín đối với Giáo hội”. Theo Đức Tổng Giám Mục Aquila, con đường phía trước, là chấp nhận các hậu quả thật sự xuất phát từ những thất bại này, làm việc để khôi phục lại niềm tin, và làm việc để cung cấp dịch vụ chăm sóc mục vụ cho các nạn nhân của nạn lạm dụng giáo sĩ. Các nhà lãnh đạo Giáo hội phải công khai các hành vi thành khẩn và sám hối cũng như các cam kết phải thực sự minh bạch.

Đối với Đức Tổng Giám Mục Aquila, sự minh bạch này bao gồm cả sự rõ ràng về những gì Giáo hội tin tưởng.

Ngài đặt câu hỏi: “Nếu Giáo hội không muốn nói sự thật một cách thận trọng và can đảm về những vấn đề gây khó chịu cho các nhà lãnh đạo của chính mình, thì tại sao thế giới lại có thể tin tưởng Giáo hội đang nói sự thật về những vấn đề gây khó chịu cho thế giới?”. Các giám mục, những mục tử của Giáo hội, phải là những người đầu tiên “ăn năn và tin” vào Tin Mừng ngay khi họ kêu gọi thế giới làm như vậy.

Thực ra, tai tiếng lạm dụng tình dục giáo sĩ chỉ là chiêu bài cho các Giám Mục Đức tung ra những nghị trình mà họ đã ấp ủ từ lâu. Chẳng hạn, tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ thì có liên quan gì đến việc chúc lành cho các kết hiệp đồng tính? Hay có liên quan gì đến việc cho người Tin lành được rước lễ trong các thánh lễ Công Giáo?

Tiến Trình Công Nghị hiện nay là một quá trình mang các giáo dân Đức cấp tiến và các giám mục đến các buổi thảo luận về bốn chủ đề chính: làm thế nào quyền lực được thực thi trong Giáo Hội; luân lý tình dục; chức tư tế; và vai trò của phụ nữ. Khi các giám mục Đức khởi động tiến trình này, ban đầu họ nói rằng các cuộc thảo luận sẽ có tính chất “ràng buộc” đối với Giáo hội Đức, dẫn đến sự can thiệp của Vatican nhằm bác bỏ những tuyên bố như vậy.

Một số người chỉ trích nỗ lực này lo ngại rằng nó sẽ dẫn đến việc các giám mục Đức và giáo dân quảng bá những lập trường mâu thuẫn với giáo huấn và kỷ luật Công Giáo về các vấn đề như truyền chức cho phụ nữ và sự hiệp thông thánh thể, thậm chí dẫn đến một cuộc “ly giáo trên thực tế”.

Đức Tổng Giám Mục Aquila đã nói lên những lo ngại của riêng mình về Tài Liệu Cơ Bản.

Bản văn tuyên bố rằng ngay cả đối với thần học “không có một quan điểm trung tâm, không có một chân lý nào về tôn giáo, đạo đức và sự đánh giá chính trị về thế giới” và “không có một lối suy nghĩ nào có thể được coi là một khẳng định chung cuộc”.

Bản văn tuyên bố rằng: “Ngay cả trong Giáo hội, những quan điểm và cách sống hợp pháp có thể đối kháng với nhau ngay cả trong những xác tín cốt lõi.”

Về điều này, Đức Tổng Giám Mục Aquila trả lời: “Đây là một tuyên bố đáng chú ý vì sự khó hiểu và hàm hồ của nó”.

“Mặc dù nói trên đầu môi chót lưỡi là phục tùng thẩm quyền của Kinh thánh và truyền thống, nhưng rõ ràng là cách tiếp cận của Tiến Trình Công Nghị này quá dẻo, quá dễ uốn nắn để loại bỏ bất kỳ nội dung thực sự mang tính chung cuộc nào”.

Đức Tổng Giám Mục cảnh báo rằng cách tiếp cận này có thể khiến mặc khải của Thiên Chúa bị giam cầm trong “sự suy diễn bất tận về ‘đối thoại’. Điều này cần được đối chiếu với ‘sự hiểu biết đích thực về đối thoại được Công đồng Vatican II nêu rõ và được phát triển bởi các Đức Giáo Hoàng sau công đồng.” Đối với Đức Tổng Giám Mục Aquila, sự giải thích lại của văn bản này về giáo huấn của Giáo hội cho thấy rõ một thứ “thuyết tương đối cấp tiến về giáo lý.”

Theo Đức Tổng Giám Mục Aquila, cách giải thích của Tài Liệu Cơ Bản đối với các văn kiện của Công đồng Vatican II là “có chọn lọc và gây hiểu lầm” và có tác dụng “ủng hộ những quan điểm không thể chấp nhận về bản chất của Giáo hội, mối quan hệ của Giáo hội với thế giới, và quan điểm của Giáo hội về mặc khải của Thiên Chúa. Những quan điểm này không thể dung hòa với sự hiểu biết đầy đủ về Công đồng và dẫn đến một viễn ảnh của một Giáo hội có nguy cơ từ bỏ Chúa Kitô, là Đấng có ‘những lời ban sự sống đời đời’”.

Đức Tổng Giám Mục Aquila kết thúc bằng một số câu hỏi.

“Chúng ta có sẵn sàng nói về Thập tự giá không? Chúng ta có can đảm bước đi trên con đường Thập tự giá, mang theo sự khinh miệt của thế gian đối với sứ điệp Tin Mừng không? Liệu bản thân chúng ta có chú ý đến lời kêu gọi ăn năn của Chúa Giêsu, và có đủ can đảm để vang vọng lời kêu gọi đó cho một thế giới không tin vào Chúa không?”

“Chúng ta có dám can đảm 'không hổ thẹn về Phúc Âm' (Rô-ma 1:16) và lời đề nghị giải thoát khỏi tội lỗi qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, cũng như mối quan hệ mật thiết với Cha Ngài trong tình yêu thương của Chúa Thánh Thần không? Liệu chúng ta có gắn bó với cây nho, là Chúa Giêsu Kitô, và sinh hoa kết trái, hay chúng ta sẽ tiếp tục khô héo (Ga 15: 5–6)?”

Vị tổng giám mục khép lại bức thư với câu hỏi liệu chúng ta có giống như Giáo hội ở Êphêsô, được Chúa Giêsu Kitô nói trong Sách Khải Huyền là đã “từ bỏ tình yêu ban đầu” không? Hội thánh này đã được khuyến khích nhiều lần để ăn năn kẻo Chúa Giêsu đến và “tháo cây đèn của ngươi ra khỏi vị trí của nó” (Kh 2:5).

“Các anh em của tôi, chúng ta hãy nhớ đến Chúa Kitô bị đóng đinh. Chúng ta hãy nhớ về mối tình đầu của mình,” vị Tổng Giám Mục nói.
Source:Catholic News Agency