MỤC V:Tôn giáo chân chính được chứng minh bằng những mâu thuẫn trong con người, và bằng tội nguyên tổ.
I.Các sự vĩ đại và nỗi khốn cùng của con người hiển nhiên đến nỗi điều nhất thiết là tôn giáo chân chính phải dạy chúng ta rằng trong con người, có một nguyên lý lớn lao nào đó về sự vĩ đại, và đồng thời một nguyên lý lớn lao nào đó về sự khốn cùng; bởi vì tôn giáo chân chính phải biết tận gốc bản chất của chúng ta, nghĩa là nó phải biết mọi điều vĩ đại bản chất này có và mọi điều khốn cùng của nó, và lý do của cả hai điều. Cũng cần tôn giáo này phải giải thích lý do về những mâu thuẫn lạ lùng gặp thấy trong đó. Nếu chỉ có một nguyên lý duy nhất cho tất cả, một cùng đích duy nhất cho tất cả, thì tôn giáo chân chính phải dạy chúng ta chỉ thờ phượng Người và chỉ yêu mến Người mà thôi. Nhưng vì chúng ta bất lực tôn thờ điều chúng ta không biết và không yêu điều gì khác ngoài chúng ta, nên tôn giáo, khi đã dạy chúng ta bổn phận này, cũng phải dạy chúng ta sự bất lực kia, và dạy ta cách chữa trị. Muốn làm cho con người được hạnh phúc, tôn giáo này phải chỉ cho thấy có một Thiên Chúa; ta có nghĩa vụ yêu mến Người; hạnh phước đích thực của ta là thuộc về Người, và bất hạnh duy nhất của ta là bị tách biệt khỏi Người; Nó phải dạy chúng ta rằng chúng ta đầy tăm tối, ngăn cản chúng ta biết Người và yêu mến Người; và do đó nhiệm vụ của chúng ta buộc chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa, và vì tư dục của chúng ta khiến chúng ta quay lưng lại với Người, nên chúng ta đầy bất chính. Tôn giáo ấy phải giải thích cho chúng ta lý do chúng ta đưa ra để chống lại Thiên Chúa và sự thiện riêng của chúng ta; nó phải dạy chúng ta các phương thuốc chữa trị, và các phương tiện để có được những phương thuốc chữa trị này. Ước chi người ta chịu khảo sát mọi tôn giáo trên thế giới, và xét xem liệu có tôn giáo nào ngoài Kitô giáo thỏa mãn được các điều đó hay không.
Phải chăng là tôn giáo được các triết gia giảng dạy, những người đề xuất là rất tốt một điều tốt ở trong ta? Điều đó có phải là điều tốt thực sự hay không? Họ có tìm ra phương pháp chữa trị cho căn bệnh của chúng ta không? Nó có chữa khỏi sự cao ngạo của con người muốn bằng Thiên Chúa hay không? Và những người đặt chúng ta ngang hàng với các con thú, và đem lại cho chúng ta những thú vui trên trái đất coi như điều rất tốt, họ có cung cấp phương thuốc cho các tư dục của chúng ta không? Người thì nói, hãy hướng mắt các bạn về Thiên Chúa: hãy nhìn Đấng mà bạn trông giống và là Đấng đã dựng nên bạn để bạn thờ phượng Người; bạn có thể làm bạn giống như Người; sự khôn ngoan sẽ làm bạn ngang hàng với Người nếu bạn chịu theo nó. Người khác lại nói: Hãy hạ thấp tầm mắt của bạn xuống mặt đất, vì bạn chỉ là loài sâu bọ thấp hèn, và hãy nhìn những con thú mà bạn là kẻ đồng hành. Vậy, con người sẽ ra sao? Họ ngang hàng Thiên Chúa hay dã thú? Thật là một khoảng cách đáng sợ! Vậy chúng ta sẽ là gì? Tôn giáo nào sẽ dạy chúng ta chữa lành tính kiêu ngạo và tư dục? Tôn giáo nào sẽ dạy chúng ta sự thiện của chúng ta, các bổn phận của chúng ta, các điểm yếu khiến chúng ta quay lưng lại với chúng, các phương thuốc nào có thể chữa khỏi chúng, và làm thế nào để có được những phương thuốc này? Hãy xem điều đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa nói với chúng ta trong Kitô giáo.
Hỡi con người, thật là vô ích khi bạn tìm kiếm trong chính bạn các phương thuốc chữa các khốn cùng của bạn. Mọi ánh sáng của bạn chỉ có thể tiến đến chỗ biết rằng bạn sẽ không tìm thấy sự chân hay sự thiện ở trong bạn. Các nhà triết học từng hứa hẹn với bạn điều đó, nhưng họ không thể thực hiện được. Họ không biết điều tốt thực sự của bạn, cũng không biết tình trạng đích thực của bạn. Làm thế nào họ sẽ cung cấp các biện pháp khắc phục các điều xấu của bạn, vì đơn giản họ không hề hiểu biết chúng? Các căn bệnh chính của bạn là sự kiêu ngạo, khiến bạn xa lìa Thiên Chúa, và tư dục, gắn chặt bạn vào trái đất; và chúng không làm gì ngoài việc nuôi dưỡng ít nhất một trong những bệnh tật đó. Nếu chúng đem Thiên Chúa lại cho bạn như một đối tượng, thì đó chỉ là để thực hiện sự kiêu ngạo của bạn mà thôi. Chúng khiến bạn suy nghĩ rằng bạn giống như Người trong bản chất. Còn những người thấy tính phù phiếm của sự cao ngạo này đã ném bạn vào một vực thẳm khác, bằng cách làm bạn hiểu rằng bản chất bạn chắc chắn giống như bản chất dã thú, và dẫn bạn đến việc tìm kiếm điều tốt của bạn trong các tư dục, vốn chung phần với các động vật. Đó không phải là con đường dạy bạn về các bất chính của bạn. Vậy, đừng mong đợi cả sự thật lẫn an ủi nơi con người. Ta là sự thật đã hình thành ra ngươi, và là sự thật duy nhất có thể chỉ cho ngươi biết ngươi là ai. Nhưng ngươi không còn ở trạng thái mà Ta đã hình thành ra ngươi nữa. Ta đã tạo ra con người thánh thiện, vô tội, hoàn hảo; Ta đã làm nó đầy ánh sáng và trí hiểu; Ta đã thông truyền cho nó vinh quang và những điều kỳ diệu của Ta. Con mắt con người lúc đó đã nhìn thấy sự uy nghi của Thiên Chúa. Nó không ở trong bóng tối khiến nó hóa mù, cũng không ở trong tính mau chết và các khốn cùng làm nó khổ sở. Nhưng nó không thể chịu được bấy nhiêu vinh quang mà không rơi vào cao ngạo. Nó muốn biến mình thành trung tâm của chính nó, và không phụ thuộc vào sự giúp đỡ của Ta. Nó đã tự loại khỏi sự thống trị của Ta; và, tự coi mình ngang hàng với Ta bằng ước muốn tìm hạnh phúc của nó trong chính nó, Ta đã bỏ rơi nó cho chính nó, và, bằng cách gây phẫn nộ mọi tạo vật vốn phục tùng nó, Ta đã biến các tạo vật này thành kẻ thù đối với nó: đến nỗi, ngày nay, con người đã trở nên giống dã thú, và xa cách Ta đến nỗi con người đã trở nên giống như những con thú, và xa cách Ta đến nỗi hầu như chỉ còn lại nơi nó chút ánh sáng mơ hồ về tác giả của nó: rất nhiều nhận thức của nó đã bị dập tắt hoặc bị xáo trộn xiết bao! Các giác quan độc lập với lý trí, và thường làm chủ lý trí, đã dẫn dắt nó đi tìm lạc thú. Tất cả các tạo vật hoặc làm nó khốn khổ, hoặc cám dỗ nó, và thống trị nó, hoặc khuất phục nó hoặc bằng sức mạnh, hoặc quyến rũ nó bằng các ngọt ngào của chúng; một điều còn thống trị khủng khiếp và hống hách hơn.
Đó là trạng thái của con người ngày nay. Họ vẫn có một bản năng mạnh mẽ nào đó đối với hạnh phúc của bản chất đầu tiên của họ, nhưng họ lao đầu vào những khốn cùng của họ là sự mù quáng và tư dục của họ, những điều đã trở thành bản chất thứ hai của họ.
II. Từ những nguyên tắc mà tôi mở ra cho bạn, bạn có thể nhận ra nguyên nhân của biết bao mâu thuẫn gây ngạc nhiên cho mọi người khiến họ chia rẽ nhau. Bây giờ, bạn hãy quan sát mọi chuyển động của sự vĩ đại và vinh quang mà cảm thức về biết bao khốn cùng vẫn không thể bóp nghẹt, và hãy xét xem há nguyên nhân của chúng không phải là một bản chất khác hẳn hay sao.
III. Vậy, hỡi con người tuyệt vời, bạn hãy biết bạn nghịch lý xiết bao đối với chính bạn. Hỡi lý trí bất lực, hãy tự khiêm hạ; hỡi bản chất ngu đần, hãy câm miệng lại; hãy học điều này: con người vượt quá con người một cách vô tận, và hãy nhờ thầy của bạn mà hiểu rõ bản chất đích thực của bạn, một bản chất mà bạn vốn làm ngơ. Vì suy cho cùng, nếu con người chưa bao giờ bị tha hóa, họ đã tận hưởng được sự thật và hạnh phúc một cách chắc chắn rồi. Và nếu con người lúc nào cũng chỉ tha hóa, họ đã không có một ý niệm nào về sự thật hoặc hạnh phúc. Nhưng, dù chúng ta bất hạnh, tuy trong thân phận của mình, có một dấu vết vĩ đại nào đó, chúng ta vẫn có một ý niệm về hạnh phúc, chỉ là vì chúng ta không thể đạt được nó thôi; chúng ta vẫn cảm thấy một hình ảnh của sự thật, chỉ là vì chúng ta chỉ sở hữu được sự dối trá mà thôi: không thể dốt nát tuyệt đối và biết chắc chắn, nhưng điều hết sức rõ ràng là chúng ta đã ở trong một mức độ hoàn hảo nào đó, mà chúng ta đã không may sa ngã rời xa!
Vậy, sự khát khao này và sự bất lực này lớn tiếng nói với ta điều gì, nếu không phải là việc ngày xưa, trong con người, từng có một hạnh phúc đích thực, mà bây giờ chỉ còn lại dấu và vết hoàn toàn trống rỗng, mà cố gắng vô ích lấp đầy nó bằng mọi thứ xung quanh họ, bằng cách tìm trong những điều khiếm diện sự giúp đỡ mà họ không nhận được từ những điều hiện diện, và cả hai đều không có khả năng cho họ, vì vực thẳm vô hạn này chỉ có thể được lấp đầy bằng một đối tượng vô hạn và bất biến?
IV. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là mầu nhiệm xa vời nhất đối với nhận thức của chúng ta, đó là mầu nhiệm thông truyền tội nguyên tổ, một điều không có nó chúng ta không thể có bất cứ nhận thức nào về chính chúng ta! Vì chắc chắn là không có gì làm lý trí chúng ta thấy chướng hơn là nói rằng tội lỗi của người đầu tiên khiến những người, quá cách xa nguồn này, xem như không thể tham dự vào, cũng mang tội. Đối với chúng ta, sự lưu truyền này xem ra không những không thể có, mà thậm chí nócòn có vẻ rất không công bằng nữa: vì còn có gì mâu thuẫn với các quy tắc của công lý nghèo nàn của chúng ta khi vĩnh viễn đầy sa hỏa ngục một đứa trẻ không có khả năng ý chí, vì một tội lỗi mà nó dường như dự phần rất ít vào việc vi phạm cả 6 ngàn năm trước khi nó được hiện hữu? Chắc chắn, không có gì làm chúng ta phật lòng một cách thô bạo hơn tín lý này; tuy nhiên, nếu không có mầu nhiệm này, mầu nhiệm khó hiểu nhất này, chúng ta không thể hiểu được chính chúng ta. Mấu chốt thân phận chúng ta nhận được những quay quắt và gấp gáp của nó trong vực thẳm này. Đến nỗi, con người không thể quan niệm nổi nếu không có mầu nhiệm này, đến nỗi mầu nhiệm này cũng không thể quan niệm nổi đối với con người.
Tội nguyên tổ là một điều điên rồ trước mặt con người; nhưng người ta coi nó như vậy thôi. Do đó, chúng ta không được trách cứ việc thiếu lý lẽ trong tín lý này, vì người ta không cho rằng lý trí có thể đạt được lý lẽ ấy. Nhưng điều điên rồ này khôn ngoan hơn tất cả sự khôn ngoan của loài người: Quod stultum est Dei, sapientius est hominibus (I Cr.1: 25). Vì, nếu không có điều này, thì người ta có thể nói được điều gì về con người? Toàn bộ tình huống của họ phụ thuộc vào điểm không thể tri nhận này. Và làm thế nào họ được lý trí họ nhận thức, vì đây là một điều vượt trên lý trí của họ; và lý trí của họ, vì không thể phát minh ra nó theo cách của mình, nên phải tránh xa nó khi người ta trình bày nó cho họ?
V. Vì hai tình huống vô tội và sa đọa này rất rõ ràng, nên chúng ta không thể không nhận ra chúng. Chúng ta hãy theo dõi các chuyển động của chúng ta, chúng ta hãy xét xem liệu chúng ta có tìm thấy trong đó các đặc điểm sống động của hai bản chất này hay không. Biết bao mâu thuẫn tìm thấy trong một chủ đề đơn giản này?
Tính hai mặt (duplicité) này của con người hiển nhiên đến nỗi có người nghĩ chúng ta có hai linh hồn: đối với họ, một chủ thể đơn giản không thể có những đa dạng và bất ngờ như thế, một cao vọng không tương xứng với sự hèn hạ tồi tệ của tâm hồn.
Vì vậy, tất cả những mâu thuẫn này, những mâu thuẫn xem ra khiến con người khó nhận biết một tôn giáo, thực ra lại là những điều sẽ dẫn họ đến tôn giáo đích thật.
Đối với tôi, tôi thừa nhận rằng ngay khi Kitô giáo khám phá ra nguyên tắc này, nguyên tắc cho rằng bản chất của con người hư hỏng và sa ngã khỏi Thiên Chúa, nó mở mắt để ta thấy ở mọi nơi đặc tính của sự thật này: bản nhiên đánh dấu ở khắp nơi một Thiên Chúa đã bị đánh mất, cả ở trong lẫn ở ngoài con người.
Nếu không có những kiến thức về Thiên Chúa này, con người đã có thể làm được gì, nếu không phải một là họ tự nâng mình lên trong cảm thức nội tâm còn lại với họ về sự vĩ đại trong quá khứ của họ, hai là hạ mình xuống chỉ còn nhìn thấy điểm yếu hiện tại của họ mà thôi? Bởi vì khi không nhìn thấy toàn bộ sự thật, họ không thể đạt đến một nhân đức hoàn hảo. Vì người thì coi bản nhiên như bị đứt đoạn, người lại coi nó như không thể sửa chữa, nên họ không thể chạy trốn cả sự kiêu ngạo lẫn sự lười biếng, vốn là hai nguồn của mọi thói hư; vì họ không thể, nếu không một là đầu hàng vì hèn nhát, hai là thoát khỏi nó bằng lòng kiêu ngạo. Vì, nếu họ biết sự xuất sắc của con người, thì họ lại quên khuấy sự sa đọa của con người; đến nỗi họ tránh được sự lười biếng, nhưng lại sa vào sự kiêu ngạo. Và nếu họ nhận ra sự yếu đuối của bản nhiên, thì họ lại quên khuấy phẩm giá của nó; đến nỗi họ có thể tránh được sự phù phiếm, nhưng lại lao vào tuyệt vọng.
Từ đó ra đời các phái khác nhau là phái Khắc kỷ (stoiciens) và phái khoái lạc (épicuriens), phái giáo điều và phái học thuật (académiciens), v.v. Chỉ một mình Kitô giáo mới chữa lành hai thói hư này, không phải bằng cách dùng phái này xua đuổi phái kia bằng sự khôn ngoan của thế gian, nhưng xua đuổi cả hai bằng sự đơn giản của Tin Mừng. Bởi vì tôn giáo này dạy người công chính rằng nó nâng người ta lên tới chỗ tham dự vào chính Thiên tính, rằng trong tình trạng tuyệt vời này họ vẫn mang nguồn gốc của mọi sa đoạ vốn làm họ suốt đời dễ mắc lỗi lầm, khốn cùng, chết chóc, tội lỗi; và tôn giáo này nói lớn với những kẻ nghịch đạo nhất rằng họ vẫn có khả năng nhận được ơn thánh của Đấng Cứu Chuộc họ. Vì vậy, bằng cách làm run rẩy những người nó công chính hóa, và an ủi những người nó lên án, tôn giáo này làm dịu một cách rất chính xác sự sợ hãi bằng niềm hy vọng nhờ khả năng kép vốn là của chung mọi người, vừa có ơn thánh vừa có tội lỗi, đến nỗi nó hạ thấp một cách vô hạn hơn là một mình lý trí có thể làm, nhưng không tuyệt vọng; và nó nâng cao một cách vô hạn hơn là sự kiêu ngạo của bản nhiên, nhưng không hề kiêu căng: khiến nhờ đó, ta thấy rõ nhờ thoát khỏi mọi sai lầm và thói hư, nên chỉ có tôn giáo này mới nắm được cả việc dạy dỗ lẫn việc sửa trị con người.
VI. Chúng ta không quan niệm cả tình trạng vinh quang của Ađam, lẫn bản chất tội lỗi của ông, cả sự thông truyền tội lỗi đã diễn ra trong chúng ta. Đây là những điều đã xảy ra trong một tình trạng tự nhiên rất khác với tình trạng của chúng ta, và vượt quá khả năng hiện tại của chúng ta. Biết tất cả những điều này cũng vô ích để chúng ta thoát ra khỏi các khốn cùng của chúng ta; và điều quan trọng để chúng ta biết chỉ là qua Ađam chúng ta là những kẻ khốn cùng, hư hỏng, bị phân cách khỏi Thiên Chúa, nhưng được cứu chuộc bởi CHÚA GIÊSU KITÔ; và về những điều này chúng ta có các bằng chứng tuyệt vời trên trái đất.
VII. Kitô giáo thật kỳ lạ! Nó ra lệnh cho con người nhận biết rằng họ thấp hèn, và thậm chí đáng ghê tởm; và đồng thời tôn giáo này ra lệnh cho họ phải muốn được giống như Thiên Chúa. Nếu không có đối trọng như vậy, thì việc nâng cao này sẽ làm cho nó phù phiếm khủng khiếp, hoặc sự hạ thấp này sẽ khiến nó trở nên đê hèn khủng khiếp. Sự khốn cùng dẫn đến tuyệt vọng: sự vĩ đại truyền cảm hứng cho cao ngạo.
VIII. Nhập thể cho con người thấy sự vĩ đại của nỗi khốn cùng của họ, nhờ sự vĩ đại của phương thuốc mà họ đã sa mất.
IX. Người ta không tìm thấy trong Kitô giáo một sự hạ thấp đến khiến chúng ta không có khả năng làm điều tốt, cũng không tìm thấy sự thánh thiện miễn trừ mọi cái xấu. Không hề có tín lý nào thích đáng hơn cho con người cho bằng tín lý đó, tín lý dạy họ khả năng kép của họ vừa tiếp nhận vừa đánh mất ơn thánh, vì nguy cơ kép mà họ luôn bị phơi bày, hoặc tuyệt vọng hoặc kiêu ngạo.
X. Các triết gia không hề đề xuất được các tình cảm tương xứng với hai tình trạng trên. Họ truyền cảm hứng cho các chuyển động vĩ đại đơn thuần, nhưng đó không phải là tình trạng của con người. Họ truyền cảm hứng cho các chuyển động hèn hạ đơn thuần, và đó cũng không phải là tình trạng của con người. Cần có những chuyển động hèn hạ, không phải sự hèn hạ của bản nhiên, mà là của lòng thống hối; không phải để ở lại đó, nhưng để đi đến sự vĩ đại. Cần phải có những chuyển động vĩ đại, nhưng là sự vĩ đại phát xuất từ ơn thánh chứ không phải từ công đức, và sau khi đã trải qua sự hèn hạ.
XI. Không ai hạnh phúc, hữu lý, nhân đức và đáng mến như một Kitô hữu chân chính. Với ít kiêu ngạo xiết bao khi Kitô hữu tin mình được kết hợp với Thiên Chúa? với ít khinh chê xiết bao khi họ tự đặt mình ngang hàng với xâu bọ trần gian?
Vậy thì ai có thể từ khước những ánh sáng thiên giới này mà không tin và thờ chúng? Vì há không rõ ràng hơn ban ngày việc chúng ta cảm thấy trong mình những đặc điểm ưu tú không thể xóa nhòa được đó sao? Và há không đúng sao khi chúng ta lúc nào cũng cảm thấy các hiệu quả của thân phận thảm hại của mình? Sự hỗn mang và hỗn độn quái dị này đang lớn tiếng nói với chúng ta điều gì, nếu không phải là sự thật của hai tình trạng này, với một giọng nói mạnh mẽ đến mức không thể cưỡng lại được?
XII. Điều khiến con người không tin họ có khả năng kết hợp với Thiên Chúa không là gì khác ngoài việc họ thấy sự thấp hèn của họ. Nhưng nếu họ có cái nhìn này một cách chân thành, và theo nó cũng một cách xa như tôi, thì họ sẽ nhận ra rằng sự thấp hèn này thực sự là như vậy đến nỗi tự bản thân chúng ta, chúng ta không có khả năng nhận biết liệu lòng thương xót của Người có thể làm cho chúng ta có khả năng vươn tới Người hay không. Vì tôi muốn biết từ đâu tạo vật này, kẻ tự nhận biết mình rất yếu đuối, lại có quyền đo lường lòng thương xót của Thiên Chúa, và đặt ở đó những giới hạn mà óc tưởng tượng của họ tự gợi ra cho họ. Con người biết rất ít việc Thiên Chúa là gì, đến nỗi họ không biết chính Người là gì: và, trong khi khá bối rối trong việc thấy tình trạng của chính mình, họ dám cả gan nói rằng Thiên Chúa không thể làm cho họ có khả năng thông đạt với Người! Nhưng tôi muốn hỏi họ liệu Thiên Chúa có yêu cầu điều gì khác ở nơi họ nếu không phải là họ yêu mến Người và nhận biết Người; và tại sao họ tin rằng Thiên Chúa không thể làm cho Người được họ nhận biết và yêu mến, vì theo bản nhiên, họ có khả năng yêu thương và nhận thức. Vì điều chắc chắn là ít nhất họ biết họ hiện hữu, và họ biết yêu một điều gì đó. Vậy, nếu họ nhìn thấy một điều gì đó trong bóng tối nơi họ đang hiện hữu, và nếu họ tìm thấy một chủ thể yêu thương nào đó trong số những chủ thể ở trên trái đất, thì tại sao, nếu Thiên Chúa ban cho họ một số tia sáng nào đó về yếu tính của Người, há họ lại không thể nhận biết Người và yêu mến Người theo cách Người vui lòng tự thông đạt với họ hay sao? Do đó, chắc chắn có một sự cao ngạo không thể chống đỡ trong những kiểu lập luận này, mặc dù chúng có vẻ được đặt trên một lòng khiêm tốn biểu kiến; lòng khiêm tốn này thực sự vừa không chân thành vừa không hữu lý, nếu nó chỉ khiến chúng ta thú nhận rằng, trong khi không biết mình là ai, chúng ta chỉ có thể học được điều đó từ Thiên Chúa.
Kỳ sau: Mục VI: Sự phục tùng và sử dụng lý trí