Khi đảo Sardinia, quê hương của Hồng Y Becciu, tiếp tục bị tàn phá bởi những gì người dân địa phương mô tả là trận hỏa hoạn “ngày tận thế”, các giám mục địa phương và trên toàn Italia cho biết các ngài gần gũi với những ai đau khổ, hoặc có bị mất tất cả mọi thứ.

Trong một tuyên bố vào đầu tuần này, các giám mục của Sardinia cho biết hai điều luôn hiện hữu trong tâm trí họ khi ngọn lửa tiếp tục bao trùm phần lớn hòn đảo: đó là “Sự gần gũi với người dân và nỗi buồn trong tim”.

“Là giám mục của Sardinia, chúng tôi cảm thấy một cảm giác mất tinh thần vô hạn trong khi nhìn thấy một lần nữa, vì hỏa hoạn mà nhân dân ta chịu đau khổ và đất đai của chúng ta chìm trong biển lửa.”

Đám cháy lan nhanh ở Sardinia, với dân số khoảng 1,64 triệu người, cho đến nay đã phá hủy khoảng 50,000 hécta rừng và buộc 1,500 người phải di tản.

Nhiều cơ sở kinh doanh nông nghiệp và tài sản tư nhân cũng bị thiệt hại do vụ cháy xảy ra hôm thứ Bảy ở tỉnh Oristano và đã lan nhanh sang các khu vực xung quanh.

Trong một hành động đoàn kết quốc tế, Liên minh Âu Châu đã triển khai 4 máy bay cứu hỏa vào hôm Chúa Nhật để tăng viện cho 11 máy bay đang làm việc cật lực để dập tắt đám cháy, hiện đang đe dọa 13 thị trấn.

Cho đến nay các nỗ lực làm chậm hoặc dập tắt đám cháy đã bị cản trở bởi gió mạnh và nóng, khiến các tờ báo địa phương gọi đám cháy là trận hỏa hoạn “ngày tận thế”. Họ cảnh báo rằng tổng thiệt hại có thể còn tồi tệ nhất so với các vụ cháy lớn năm 1983 và 1994.

Trận hỏa hoạn năm 1983, bắt đầu vào tháng 7 năm đó ở Curraggia, lần đầu tiên bùng phát ở thành phố phía tây nam Tempio Pausania và các vùng lân cận của Aggius và Bortigiadas, phá hủy gần 4,500 hécta đất, giết chết 9 người và 15 người khác bị thương.

Tương tự, trận hỏa hoạn năm 1994 đã thiêu rụi gần 60,000 hécta rừng, phá hủy nhiều vùng đất ở các khu vực Seneghe, Bonarcado, Cuglieri, Santu Lussurgiu và Scano Montiferro.

Cuối tuần qua, khoảng 400 người đã phải di tản khỏi nhà ở thị trấn Scano di Montiferro của Sardinia, với hàng trăm người khác buộc phải di tản khỏi các ngôi làng gần đó.

Người ta lo sợ rằng khi đám cháy kéo dài, chúng có thể sớm lan đến Nuoro, một trong những thành phố quan trọng nhất của hòn đảo.

Hơn 7,000 nhân viên cứu hỏa và tình nguyện viên đang làm việc để dập tắt đám cháy. Chính quyền khu vực đã tuyên bố “tình trạng thiên tai” và đang tìm kiếm quỹ từ chính phủ trung ương để sửa chữa thiệt hại và hỗ trợ về tài chính cho những người bị ảnh hưởng.

Các văn phòng Caritas của khu vực đang cộng tác với giáo phận bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đám cháy, là giáo phận Alghero-Bosa, để đánh giá nhu cầu hiện tại và phát triển một kế hoạch hành động cho các nỗ lực phục hồi.

Trong tuyên bố của mình, các giám mục của Sardinia cho biết các ngài đang trở thành “một tiếng kêu đau đớn và đoàn kết cho những ai đã chứng kiến các trang trại, doanh nghiệp và sản phẩm của họ bị tàn phá trước mắt”.

Các ngài nói rằng chính những bi kịch như thế này “khi cuộc gặp gỡ hòa bình giữa con người và môi trường bị đe dọa,” đã giúp nhân loại tái khám phá “việc giáo dục có ý nghĩa quyết định như thế nào trong việc tôn trọng thiên nhiên, để chúng ta quan sát thế giới xung quanh chúng ta như một khu vườn, theo kế hoạch của Thiên Chúa”.

Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti của Perugia, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, cũng thay mặt cho các giám mục Ý, nói lên “sự gần gũi và tình đoàn kết” của mình với người dân Sardinia, những người mà ngài nói đã “bị thử thách bởi những đám cháy đang gây ra những thiệt hại khôn lường”.

Ngài nói: “Ở Sardinia, hơn 50,000 hécta rừng và đất nông nghiệp đã bốc khói, và rất nhiều công ty và nhà cửa bị đốt cháy.” Ngài lưu ý rằng ngoài những thiệt hại về môi trường, “còn có hàng nghìn người phải di dời và hàng loạt gia súc bị giết,” ảnh hưởng sâu sắc đến nguồn sinh kế và là nguồn lực cơ bản cho nền kinh tế của khu vực”.

Ngài cũng bày tỏ sự quan tâm và gần gũi với những người bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt và lũ lụt ở miền bắc nước Ý, đã gây ra thiệt hại đáng kể, đặc biệt là ở khu vực gần Como.
Source:Crux