1. Cuộc hành hương toàn nước Pháp về Lộ Đức
Cuộc hành hương toàn quốc Pháp lần thứ 148, đã tiến hành tại Trung tâm Thánh Mẫu Lộ Đức, từ ngày 11 đến 16 tháng 8, với chủ đề: “Tất cả đều được kêu gọi sống tình huynh đệ”.
Cuộc hành hương này do gia đình dòng Đức Mẹ Lên Trời đảm trách, theo truyền thống từ năm 1872, với sự tham dự của hàng ngàn tín hữu đến từ các nơi ở Pháp. Trong 6 ngày, các tín hữu tham dự các thánh lễ, rước kiệu Mình Thánh Chúa, rước nến, đọc kinh Mân côi, các buổi thuyết trình và gặp gỡ.
Năm ngoái, vì đại dịch Covid-19, cuộc hành hương này bị hủy bỏ.
Trong bài xã luận, cha Vincent Cabanac, Giám đốc cuộc hành hương, viết: “Đức Mẹ Maria mời gọi chúng ta đón nhận sứ điệp Mẹ đã nói tại Hang Đá Massabielle và kêu gọi cầu nguyện, thống hối, để chúng ta được chữa lành. Trong thời kỳ đại dịch này, chúng ta nhận thấy mình cần được chữa lành dường nào. Liều thuốc trước tiên ở trong tương quan huynh đệ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ cho chúng ta trong thông điệp “Fratelli tutti”.
Đức ông Olivier Ribadeau-Dumas, Giám đốc Đền thánh Lộ Đức, nói rằng tình huynh đệ được sống giữa lòng toàn thể xã hội. Nó được biểu lộ đặc biệt qua sự đón tiếp người ngoại quốc. Đó là điều mà cha Olivier Maire, bị sát hại hôm thứ Hai 09/8 vừa qua, trong cộng đoàn của cha ở miền Vendée, miền tây nước Pháp, đã làm. Người sát hại cha là một người gốc Ruanda đang xin tị nạn, Thăng tiến tình huynh đệ trong bối cảnh ấy không phải là điều hiển nhiên. Thế nhưng, ‘tình huynh đệ là một cuộc chiến đấu’. Ta thấy rõ xã hội Pháp và các xã hội chúng ta bị rạn nứt dường nào. Ta thấy rõ thế giới đang bị làm mồi cho những nước đang gây chiến tranh, bạo lực xảy ra hầu như ở mọi nơi”.
Chính vì thế - Đức ông Olivier nói - “Điều quan trọng là các tín hữu Kitô quan tâm trở thành những người mang an bình và sống Tin mừng bằng những hành động cụ thể, và Tin mừng nói với chúng ta về tình bác ái, huynh đệ và lòng thương xót. Chúng ta có trách nhiệm đặc biệt và đến Lộ Đức để kín múc từ nơi Đức Trinh nữ Maria.
2. Ai là có nhiều khả năng kế vị Đức Thánh Cha Phanxicô?
Philip Lawler của Catholic World News có bài nhận định sau về vị Hồng Y nào có khả năng là người sẽ kế vị Đức Thánh Cha Phanxicô.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Việc bổ nhiệm Đức Hồng Y Luis Tagle làm tổng trưởng Bộ Truyền giáo đã thúc đẩy các nhà báo chuyên về Vatican cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô có thể hy vọng đưa vị giám mục người Phi Luật Tân trở thành người kế vị ngài.
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 85 vào tháng 12 tới đây, và tình trạng thể chất của ngài chưa bao giờ có thể coi là tráng kiện, đặc biệt là sau cuộc phẫu thuật cắt bỏ một phần đại tràng. Mặc dù ngài không có dấu hiệu giảm tốc độ của mình — và trong thời gian gần đây đã không lặp lại một gợi ý trước đó rằng nhiệm kỳ giáo hoàng của ngài sẽ chỉ kéo dài “bốn hoặc năm năm” - Đức Giáo Hoàng có thể đang suy nghĩ về các cách để bảo đảm rằng các chính sách của ngài sẽ tồn tại sau khi ngài qua đời hoặc thoái vị - ngài muốn có một sự bảo đảm về “những thay đổi không thể đảo ngược” mà những người ủng hộ ngài hy vọng ngài sẽ mang lại cho Giáo hội.
Đức Hồng Y Tagle đã có trong danh sách của bất kỳ nhà quan sát nào thông thạo các tin tức về Vatican, và bệnh nhân hồi năm 2019 chắc chắn đã đưa tên của ngài lên danh sách đó. Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, thường được biết đến với cái tên Propaganda Fide, là một trong những thánh bộ quyền lực nhất của Vatican, chịu trách nhiệm về công việc của Giáo hội tại các lãnh thổ truyền giáo trên khắp thế giới. Đức Hồng Y Tagle sẽ trông coi khoảng 4,000 giáo phận và khoảng một phần ba số giám mục Công Giáo trên thế giới.
Hơn nữa, như Edward Pentin lưu ý trên tờ National Catholic Register, cuộc cải cách được chờ đợi từ lâu của Giáo triều sẽ mang lại cho Đức Hồng Y Tagle quyền lực lớn hơn nữa. Trong hình thức dự thảo hiện tại, tông hiến Praedicate Evangelium làm cho Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc trở thành một siêu bộ, chỉ đứng sau Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và cao hơn Bộ Giáo lý Đức tin, trên phương diện quyền lực.
John Allen ở Crux coi việc bổ nhiệm Đức Hồng Y Tagle là một điều hợp lý, vì vị Hồng Y người Phi Luật Tân phù hợp chặt chẽ với các chính sách của Đức Giáo Hoàng Phanxicô — thực tế là vị Hồng Y này đã được nhiều người gọi là “Đức Bergoglio Á châu”. Đức Hồng Y Tagle rất phù hợp với trường phái Bologna cấp tiến về những vấn đề thần học, và với trọng tâm của chính Đức Giáo Hoàng về công bằng xã hội.
Ở một mức độ nào đó, việc bổ nhiệm một vị Hồng Y có chung quan điểm vào vị trí số 3 tại Vatican là rất hợp lý. Ở một cấp độ khác, sự lựa chọn sẽ mang lại cho Hồng Y Tagle kinh nghiệm trong Giáo triều Rôma. Đó là kinh nghiệm có thể được coi là điều cần thiết đối với một ứng viên giáo hoàng. Vì vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có lẽ đã thực hiện việc bổ nhiệm này để thúc đẩy các kế hoạch của riêng ngài, hay để thăng chức một người có khả năng kế nhiệm.
Trong khi Đức Giáo Hoàng có thể thúc đẩy vị thế của các giám mục được ngài ưu ái, hãy nhớ rằng ngài sẽ không có mặt trong một cuộc bỏ phiếu tại Cơ Mật Viện tiếp theo. Khi Đức Giáo Hoàng Benedict XVI phong Hồng Y Angelo Scola làm Tổng giám mục Milan vào năm 2011, những người theo dõi Vatican cho rằng Đức Bênêđíctô đang chỉ ra rằng Đức Hồng Y Scola là người kế vị ưa thích của ngài. Và có lẽ ngài đã muốn như thế. Nhưng Cơ Mật Viện đã đưa ra một lựa chọn khác.
Tuy nhiên, từ quan điểm của một người cá cược, chú ý đến mọi khả năng có thể xảy ra, sự liên kết chặt chẽ giữa Đức Hồng Y Tagle và Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể lại không giúp ích cho cơ hội của Hồng Y người Phi Luật Tân tại Cơ Mật Viện tiếp theo. Nhiều Hồng Y đại cử tri, bị lung lay bởi những tranh cãi liên quan đến triều đại giáo hoàng này, có thể tìm kiếm một loại ứng cử viên rất khác — một người sẽ khôi phục sự tự tin, khơi dậy giáo huấn truyền thống, hoặc ít nhất là mang lại cảm giác cân bằng cho Vatican. “Bergoglio Á Châu” mới 64 tuổi, và Hồng Y Đoàn có thể muốn né tránh viễn cảnh của một triều đại giáo hoàng kéo dài được hướng dẫn bởi các nguyên tắc đáng lo ngại tương tự.
Source:Catholic News Agency
3. Ngoài Hồng Y Tagle, ai sẽ là người dẫn đầu nếu Cơ Mật Viện diễn ra trong tương lai gần?
Sau khi bàn về triển vọng của Đức Hồng Y Tagle, Philip Lawler của Catholic World News cũng bàn đến một số vị khác.
Trước hết là Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, là vị thường có vị trí cao trong bất kỳ mọi danh sách ứng viên Giáo Hoàng sáng giá. Ngài cũng có cả những thuận lợi và những hạn chế xuất phát từ việc kết hợp chặt chẽ với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đức Hồng Y Parolin mới 67 tuổi, như thế triều đại Giáo Hoàng Parolin có thể là một triều đại giáo hoàng lâu dài. Ngài có một thành tích rất nổi bật với tư cách là một nhà ngoại giao của Vatican, nhưng điều này lại đang là một điều gây tranh cãi khi bọn cầm quyền Trung Quốc tiếp tục bách hại thẳng tay Giáo Hội tại quốc gia này sau một hiệp định do ngài nồng nhiệt đề xướng. Ngài cũng có một nhược điểm lớn là chưa từng làm giám mục giáo phận.
Những vụ bê bối tài chính hiện đang xoay quanh Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh có thể triệt tiêu cơ hội của ngài.
Đức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga của Tegucigalpa, Honduras, có thể là một ứng cử viên nổi bật vì vai trò hiện tại của ngài là chủ tịch Hội đồng Hồng Y Cố Vấn. Nhưng ngài sẽ sớm tròn 80 tuổi. Ngoài ra, cả ngài và tổng giáo phận mà ngài lãnh đạo đều dính líu đến các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục và tài chính. Khả năng Đức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga trở thành Giáo Hoàng mịt mờ hơn bao giờ.
Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna và Đức Hồng Y Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám mục, đều được coi là ứng viên Giáo Hoàng sáng giá trong Cơ Mật Viện 2013. Cả hai vị đều đã quá tuổi nghỉ hưu, nhưng một số đại cử tri có thể thực sự ủng hộ một ứng cử viên lớn tuổi hơn, với triển vọng về một triều đại giáo hoàng tương đối ngắn. Cả hai vị Hồng Y đều là học trò cũ của Đức Bênêđictô XVI; điều đó cũng có thể được coi là một thuận lợi, nhưng cũng có thể lại là một khó khăn.
Đức Hồng Y Robert Sarah có thể là ứng cử viên có nhiều khả năng thu hút sự ủng hộ từ các Hồng Y, những người yêu mến những ngày của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô, và hy vọng về sự đảo ngược các chính sách của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đức Hồng Y Sarah đã cẩn thận tránh đưa ra những lời chỉ trích đối với Đức Thánh Cha, ngay cả khi ngài thấy ảnh hưởng của chính mình bị suy giảm trong triều đại giáo hoàng hiện tại; ngài là một người lính trung thành - một số người có thể nói rằng ngài quá trung thành. Tuy nhiên, ngài đã nhanh chóng xuất bản ba cuốn sách, phác thảo tầm nhìn rõ ràng của riêng ngài về các nhu cầu của Giáo hội. Là người gốc Guinea, nơi ngài đã liều mạng thách thức một tên độc tài, và hiện là một cựu chiến binh của Giáo triều Rôma, ngài có thể sẽ mang đến một câu chuyện cá nhân đầy kịch tính cho ngôi vị giáo hoàng, với tư cách là Giáo hoàng Phi châu đầu tiên trong nhiều thế kỷ. Năm nay ngài đã 76 tuổi.
Trong một bài phân tích về các ứng viên Giáo Hoàng sáng giá, Sandro Magister của L'Espresso, giới thiệu một cái tên rất xa lạ với hầu hết độc giả Mỹ: đó là Hồng Y Matteo Zuppi của Bologna, người lãnh đạo Cộng đồng St. Egidio. Giống như vị Hồng Y này, Cộng đồng Thánh Egidio không nổi tiếng ở Mỹ, nhưng có ảnh hưởng to lớn ở Ý, ở Âu Châu nói chung và trên thực tế là ở Phi Châu - nơi nó đã giúp làm trung gian cho các hiệp định hòa bình quốc tế. Theo tính toán của Magister, nền tảng đó khiến Hồng Y Zuppi trở thành người dẫn đầu trong sách các ứng viên sáng giá kế vị Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Source:Catholic News Agency