1. Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Clarence Thomas ghi nhận tấm gương chống phân biệt chủng tộc của các nữ tu Công Giáo
Các nữ tu Công Giáo và tấm gương của ông bà nội ngoại đã giúp thẩm phán Tòa án Tối cao Clarence Thomas thấm nhuần niềm tin rằng tất cả mọi người đều là con của Chúa và ý thức hệ phân biệt chủng tộc của xã hội Mỹ là sự phản bội những lời hứa tốt đẹp nhất của nó, ông nói trong một diễn từ hôm thứ Năm.
“Các nữ tu của tôi và ông bà của tôi đã sống đúng với thiên chức thiêng liêng của họ trong thời đại gay gắt về chủng tộc, và họ đã làm như vậy với niềm tự hào, với phẩm giá và danh dự. Mong chúng ta tìm thấy nơi họ gương sáng này để bắt chước họ,” Thẩm Phán Thomas nói tại Đại học Notre Dame hôm 16 tháng 9.
“Cho đến ngày nay, tôi vẫn luôn tôn kính, ngưỡng mộ và yêu mến các nữ tu của mình. Các sơ là những người phụ nữ mộ đạo, can đảm và có nguyên tắc”.
Thẩm Phán Thomas, là thẩm phán người Da Đen thứ hai của Tối Cao Pháp Viện, đã đưa ra diễn từ của ông theo lời mời của Trung tâm Công dân và Chính phủ Lập hiến, một sáng kiến mới của Đại Học Notre Dame tập trung vào các cuộc thảo luận và học thuật liên quan đến Công Giáo và công ích.
“Trong thế hệ của tôi, một trong những khía cạnh trung tâm trong cuộc sống của chúng tôi là tôn giáo và giáo dục tôn giáo. Sự kiện lớn nhất và duy nhất trong buổi thiếu thời của tôi là được sống với ông bà của mình vào năm 1955”.
Ông nội của Thẩm Phán Thomas là một người cải đạo sang Công Giáo “rất sùng đạo”, trong khi bà nội của ông là một người theo Tin lành Báp-tít. Thẩm Phán Thomas, khi đó là học sinh lớp hai, được gửi cùng với anh trai của mình đến Trường Grammar Thánh Biển Đức ở Savannah, Georgia. Vào thời điểm đó, ông chưa theo đạo Công Giáo, nhưng sau vài năm, ông đã cải đạo sang Công Giáo.
Source:Catholic News Agency
2. Chính thống giáo Nga chống lại các 'yêu sách' của Constantinople
“Trên thế giới có những kẻ quyết tâm phá hủy các truyền thống của Chính thống giáo, gieo rắc chia rẽ và thù địch giữa các dân tộc và Giáo hội,” Đức Thượng phụ Kirill của Chính Thống Giáo Nga đã tuyên bố như trên trong lời chào mừng tại buổi lễ khai mạc một hội nghị khoáng đại bàn về vận mệnh chung của Chính Thống Giáo. Hội nghị có nhan đề: “Chính thống giáo thế giới: quyền tối thượng và sự hiệp thông dưới ánh sáng của Huấn quyền Chính thống”.
Được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 19 tháng 9 tại Hội trường Thượng Hội đồng của nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Đấng Cứu Thế, sự kiện này có sự tham dự của các thành viên trong Ủy ban Thần học-Kinh thánh của Thượng Hội đồng Giám mục, đại diện của các tổ chức thần học, một số giám mục và linh mục, và các vị khách từ các Giáo Hội Chính Thống khác có quan hệ tốt với Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa.
Theo Đức Thượng Phụ Kirill, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đang tìm cách áp dụng mô hình của Giáo Hội Công Giáo lên Chính Thống Giáo, cụ thể là hình thành vai trò của một Đức Giáo Hoàng Chính Thống Giáo do Tòa Constantinople nắm giữ.
Cho đến nay, Đức Thượng Phụ Đại Kết Constantinope là vị thứ nhất trong các Thượng Phụ Chính Thống Giáo ngang hàng với nhau. Nghĩa là, vai trò của Đức Thượng Phụ Đại Kết Constantinope chỉ có tính cách nghi lễ, chứ không có quyền tài phán trên các Giám Mục Chính Thống Giáo khác, như vai trò của Đức Giáo Hoàng với các Giám Mục Công Giáo.
Không phải ngẫu nhiên mà trong tất cả các đại hội đồng trong hai mươi năm qua, Đức Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã từ chối thảo luận về vấn đề quyền tối thượng trong Giáo hội, vì sợ rằng đó là một nỗ lực nhằm đề cao vai trò của Đức Thượng Phụ Đại Kết thành Constantinople.
Source:Asia News
3. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức Georg Baetzing bảo vệ một quyết định của Đức Giáo Hoàng
Hôm thứ Hai, người đứng đầu Hội đồng Giám mục Đức đã bảo vệ quyết định của Đức Giáo Hoàng bác bỏ đơn từ chức của Đức Tổng Giám Mục Hamburg. Ngài được tiếp tục giữ chức vụ này, mặc dù có những sai sót trong việc giải quyết các cáo buộc lạm dụng tình dục.
Đức Cha Georg Baetzing, Giám Mục giáo phận Limburg, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, nói rằng ngài hiểu mọi người cảm thấy thế nào về quyết định này, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm điều đó bằng cách tuân thủ các quy tắc mới nghiêm ngặt mà ngài đã thiết lập sau hội nghị thượng đỉnh về lạm dụng vào năm 2019 trong cố gắng ngăn chặn việc che đậy.
“Có rất nhiều người bối rối trước quyết định này - họ nói lên sự thất vọng, họ mong đợi một điều gì đó khác, trong số đó có không ít những người bị ảnh hưởng”, Đức Cha Baetzing nói khi bắt đầu cuộc họp thường kỳ của Hội đồng Giám mục Đức, mà ngài chủ tọa. “Tôi có thể hiểu rõ điều đó”.
Tuy nhiên, Đức Cha Baetzing cho biết “Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuân thủ luật pháp do chính ngài ban hành”. Ngài cho biết quy định mới phác thảo các tiêu chí theo đó các giám mục có thể bị cách chức, và “trong những năm gần đây, một số giám mục trên thế giới đã bị trừng phạt, vì quan điểm pháp lý mới này”.
Sáu tháng sau khi Đức Tổng Giám Mục Stefan Hesse đề nghị từ chức, Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Berlin vào tuần trước cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã từ chối đơn từ chức này. Tòa Sứ Thần Tòa Thánh cho biết Vatican đã tìm thấy những “sai sót cá nhân” từ phía Đức Cha Hesse nhưng một cuộc điều tra không cho thấy rằng những sai sót này đã xảy ra với ý định che đậy các vụ lạm dụng.
Tòa Sứ Thần Tòa Thánh cũng cho biết Đức Cha Hesse đã nhận ra những sai lầm của ngài khi phục vụ với tư cách là linh mục Tổng Đại Diện của tổng giáo phận Köln “với lòng khiêm nhường”. Một nhóm giáo dân Công Giáo rất có thế lực của Đức đã chỉ trích gay gắt quyết định này.
Đề nghị từ chức của Đức Cha Hesse được đưa ra sau khi một báo cáo cho thấy có 75 trường hợp các viên chức tại tổng giáo phận Köln đã không giải quyết đến nơi đến chốn trong những trường hợp như vậy. Đức Cha Hesse, khi ấy còn là linh mục Tổng Đại Diện bị quy lỗi trong 11 trường hợp.
Đức Tổng Giám Mục Köln, là Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, đã hoàn toàn không dính líu gì đến các trường hợp sai trái này, nhưng vẫn bị áp lực phải từ chức. Ngài đã kiên quyết không từ chức.
Vatican đã cử hai đặc phái viên đến Köln vào tháng 6 để điều tra những sai lầm có thể xảy ra của các viên chức cấp cao của giáo hội trong việc xử lý các vụ lạm dụng tình dục trong quá khứ và “tình hình mục vụ phức tạp” trong giáo hội bị chia rẽ sâu sắc ở đó.
Đức Cha Baetzing cho biết ngài vẫn đang chờ đánh giá từ Rôma về kết luận tổng thể của họ.
Source:ABC News
4. Chỉ trong vài ngày, số vị Hồng Y nhiễm coronavirus tăng từ 14 lên 20 vị
Đức Hồng Y José Freire Falcão, Tổng giám mục hiệu tòa của Brasilia sẽ tròn 96 tuổi vào ngày 23 tháng 10 tới đây, vừa được khẩn cấp đưa vào bệnh viện vì nhiễm coronavirus. Với biến cố này, số Hồng Y nhiễm coronavirus tăng từ 14 lên 20 vị.
Đức Hồng Y José Freire Falcão được Đức Gioan Phaolô tấn phong Hồng Y vào ngày 28 tháng 6 năm 1988. Ngài được đưa vào bệnh viện dù trước đó tình trạng sức khỏe của ngài tương đối tốt và được giám sát y tế nghiêm ngặt. Đức Cha Dom Marconi, Giám Mục Phụ Tá của Brasilia, đã yêu cầu cầu nguyện cho Hồng Y vì một số bệnh lý trước đây của ngài có thể làm phức tạp thêm tình hình.
Từ đầu đại dịch Covid-19 cho đến ngày nay, 20 Hồng Y đã bị nhiễm bệnh trên khắp thế giới, trong đó Đức Hồng Y Eusébio Oscar Scheid, đã không may qua đời vào tháng Giêng năm 2021. Các vị Hồng Y nhiễm phải virút độc địa này là:
1) Đức Hồng Y Jose Advincula - Tổng giám mục Manila, Phi Luật Tân - hiện đang nằm bệnh viện.
2) Đức Hồng Y Jorge Urosa - Tổng giám mục hiệu tòa của Caracas, Venezuela - đã qua đời vì covid 19
3) Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti - Tổng Giám Mục Perugia, Ý - nằm bệnh viện vài tuần, nay đã khỏi bệnh.
4) Đức Hồng Y Leopoldo Brenes, Tổng Giám Mục Managua, Nicaragua - nhập viện, chữa khỏi, xuất viện nhưng hiện đang bị cách ly.
5) Đức Hồng Y Raymond L. Burke - nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng, đã khỏi bệnh. Hiện đang nghỉ dưỡng sức.
6) Đức Hồng Y Eusébio Oscar Scheid - Tổng giám mục hiệu tòa của Rio de Janeiro, Brazil - Qua đời ngày 19 tháng Giêng năm 2021.
7) Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Tổng giám mục Bologna, xét nghiệm dương tính với Covid, bị buộc phải cô lập tại nhà hồi tháng 12 năm 2020. Nay đã khỏi.
8) Đức Hồng Y Luis Tagle, Tổng Giám mục hiệu tòa của Manila, Phi Luật Tân, Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc. Xét nghiệm dương tính, và nhập viện ở Manila. Đã chữa lành tháng 9 năm 2020.
9) Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Tổng giám mục Luxembourg và Chủ tịch Comece, Xét nghiệm dương tính vào tháng Giêng năm 2021. Hiện nay đã khỏi.
10) Đức Hồng Y Crescenzio Sepe, Tổng giám mục hiệu tòa của Naples, Ý. Đã bị nhiễm và được chữa lành tháng Giêng năm 2021.
11) Đức Hồng Y Francesco Montenegro, Tổng giám mục hiệu tòa của Agrigento, Ý. Bị lây nhiễm. Đã lành bệnh hồi tháng 10 năm 2020.
12) Đức Hồng Y Konrad Krajewski, quan phát chẩn của Đức Thánh Cha, nhập viện vào ngày 21 tháng 12 năm 2020 tại Gemelli. Nay đã khỏi.
13) Đức Hồng Y Giuseppe Bertello, Chủ tịch danh dự của Ủy ban Giáo hoàng về Quốc gia Thành phố Vatican và Thống đốc danh dự của Chính quyền Quốc gia Thành phố Vatican. Đã lây nhiễm và được chữa lành tháng 12 năm 2020.
14) Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám quản Rôma, sốt cao, xét nghiệm dương tính với coronavirus, được đưa vào bệnh viện Gemeli ngày 30 tháng 3, 2020. Ngài được xuất viện ngày 10 tháng Tư.
15) Đức Hồng Y Norberto Rivera, Tổng giám mục hiệu tòa của tổng giáo phận Mexico City. Trong nhiều ngày, ngài phải nhập viện vì Covid 19 tại một phòng khám tư nhân và không có đủ tài chính để trang trải.
16) Đức Hồng Y Celestino Aós, Tổng giám mục Santiago de Chile.
17) Đức Hồng Y Philippe Ouédraogo, Tổng giám mục của Ouagadougou, Burkina Fasso.
18) Đức Hồng Y Vinko Puljić của tổng giáo phận Sarajevo, Bosnia Herzegovina.
19) Đức Hồng Y José Freire Falcão, Tổng giám mục hiệu tòa của Brasilia được khẩn cấp đưa vào bệnh viện ngày 20 tháng 9.
20) Đức Hồng Y Oscar Rodríguez Maradiaga, Tổng Giám Mục Tegucigalpa, Honduras. Guarito
Source:Sismogrfo