1. Đức Hồng Y Burke: Các giám mục có nghĩa vụ thiêng liêng áp dụng giáo luật đối với các chính trị gia Công Giáo ủng hộ phá thai
Trước thềm cuộc gặp gỡ của Tổng thống Joe Biden với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, một vị Hồng Y Hoa Kỳ nói rằng các giám mục Công Giáo có “nghĩa vụ thiêng liêng” là áp dụng giáo luật bằng cách khuyên các chính trị gia ủng hộ phá thai không được rước lễ.
Trong một tuyên bố dài 2,800 từ được đưa ra vào ngày 28 tháng 10, Đức Hồng Y Raymond Burke đã nhắc lại những nỗ lực của mình trong việc thuyết phục các chính trị gia Công Giáo bảo vệ mạng sống của những đứa trẻ chưa chào đời trong thời gian làm giám mục La Crosse, Wisconsin, và sau đó là St. Louis, Missouri.
Ngài nói rằng kinh nghiệm đã thuyết phục ngài rằng “điệp khúc chung chung” rằng cần phải đối thoại nhiều hơn để đạt được một bước đột phá là “ngây thơ, nói nhẹ nhất là như thế”.
Vị Hồng Y 73 tuổi đã đưa ra can thiệp trước cuộc họp toàn thể của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, ở Baltimore, Maryland.
Ngài nói rằng những người tham gia Đại hội đồng Mùa thu của USCCB từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 11 sẽ thảo luận về việc áp dụng Điều 915 của Bộ Giáo luật Giáo Hội Công Giáo.
Giáo luật nói: “Những người bị vạ tuyệt thông và những người bị cấm chế sau khi hình phạt đã được tuyên kết hay tuyên bố, cũng như những người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường, không được rước lễ”.
Đức Hồng Y Burke giải thích rằng ngài lên tiếng vì vấn đề này là “vấn đề sinh tử đối với những đứa trẻ chưa chào đời và phần rỗi đời đời của các chính trị gia Công Giáo có liên quan.”
Đức Hồng Y cho biết ngài đã hy vọng đưa ra suy tư của mình “sớm hơn nhiều”, nhưng không thể thực hiện được vì “những khó khăn gần đây về sức khỏe” sau khi xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Trong bài suy tư của mình, vị Hồng Y nhắc lại cuộc tranh luận của các giám mục Hoa Kỳ về việc Rước lễ đối với các chính trị gia Công Giáo, những người đã bất chấp giáo huấn của Giáo hội, trong hội nghị diễn ra ở Denver, Colorado, hồi tháng 6 năm 2004.
Ngài lưu ý rằng, với tư cách là tổng giám mục lúc bấy giờ của St. Louis, ngài đã “khuyên nhủ” ứng cử viên tổng thống Công Giáo John Kerry không nên tiến lên rước lễ vì sự ủng hộ phá thai của ông ta.
Ngài nói rằng trong giờ giải lao trong cuộc họp toàn thể các giám mục, “một trong những thành viên rất có thế giá của Hội đồng Giám mục” đã chạm trán với ngài trên cầu thang, chỉ trỏ ngón tay vào Tổng Giám Mục Burke, và nói: “Anh không thể làm những gì anh đã làm mà không có sự chấp thuận của Hội đồng Giám mục”.
Tổng Giám Mục Burke đã trả lời vị này “bằng cách chỉ ra rằng, khi tôi chết, tôi sẽ xuất hiện trước mặt Chúa để trình bày về công việc phục vụ của tôi với tư cách giám mục, chứ không phải trước Hội đồng Giám mục.”
Nhắc lại kết quả của cuộc họp USCCB, Đức Hồng Y Burke nói: “Cuối cùng, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, khi đó là Giám mục Wilton Gregory của Giáo phận Belleville, đã chuyển vấn đề này cho một Lực lượng đặc nhiệm chuyên về quan hệ giữa các Giám mục Công Giáo và các Chính trị gia Công Giáo dưới sự chủ trì của Theodore McCarrick lúc bấy giờ còn là một Hồng Y, là người đã công khai phản đối việc áp dụng khoản giáo luật 915 trong trường hợp các chính trị gia Công Giáo ủng hộ phá thai và các thực hành khác vi phạm nghiêm trọng luật luân lý”.
“Lực lượng Đặc nhiệm bao gồm một nhóm giám mục có quan điểm trái chiều về chủ đề này. Trong mọi trường hợp, theo thời gian, Lực lượng Đặc nhiệm đã bị lãng quên, và vấn đề quan trọng vẫn chưa được Hội đồng Giám mục giải quyết”.
“Khi Giám mục Gregory công bố Lực lượng Đặc nhiệm, vị giám mục ngồi bên cạnh tôi nhận xét rằng giờ đây chúng tôi có thể chắc chắn rằng vấn đề sẽ không được giải quyết.”
Vị Hồng Y nhấn mạnh rằng cả ở La Crosse và St. Louis, ngài đã can thiệp “về mặt mục vụ” và theo “cách thức bí mật thích hợp” với các chính trị gia Công Giáo. Ngài cho biết các nhà lập pháp thường từ chối ngồi xuống với ngài.
Ngài nhận xét: “Về việc các nhà lập pháp từ chối gặp tôi, tôi phải nhận xét rằng theo ý kiến của tôi, tôi đã nhận ra rằng điệp khúc chung chung là phải đối thoại nhiều hơn với các chính trị gia Công Giáo có vấn đề, nói nhẹ nhàng nhất là ngây thơ”.
“Theo kinh nghiệm của tôi, họ không sẵn sàng thảo luận về vấn đề này bởi vì giáo huấn của luật tự nhiên, mà chắc chắn cũng là giáo huấn của Giáo hội, đã tỏ tường đến mức không còn gì để bàn cãi.”
“Trong một số trường hợp, tôi cũng có ấn tượng mạnh rằng họ không muốn thảo luận về vấn đề này bởi vì họ chỉ đơn giản là không muốn thay đổi tâm trí và trái tim của họ. Sự thật vẫn là phá thai là biết rõ mà vẫn sẵn sàng hủy hoại cuộc sống của một con người”.
Đức Hồng Y Burke nói rằng sau cuộc họp “khó khăn” của các giám mục Hoa Kỳ ở Denver, ngài đã đến Rome, nơi ngài gặp Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, sau này sẽ được bầu làm Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI vào năm 2005.
“Đức Hồng Y Ratzinger bảo đảm với tôi rằng Thánh Bộ đã nghiên cứu thực hành của tôi và không thấy có gì để phản đối về điều đó. Ngài chỉ cảnh báo tôi không nên ra mặt ủng hộ các ứng cử viên cho các chức vụ công quyền, là điều mà trên thực tế, tôi chưa bao giờ làm.”
“Ngài bày tỏ sự ngạc nhiên về sự nghi ngờ của tôi trong vấn đề này, đưa ra một bức thư mà ngài đã viết cho các giám mục Hoa Kỳ, trong đó đã giải quyết vấn đề một cách thấu đáo. Ngài hỏi tôi đã đọc lá thư ấy của ngài chưa. Tôi nói với ngài rằng tôi chưa hề nhận được bức thư và hỏi liệu ngài có thể vui lòng cung cấp một bản sao cho tôi không. Ngài mỉm cười và đề nghị tôi đọc nó trên một blog nổi tiếng, và yêu cầu viên chức nói tiếng Anh sao chép lại văn bản khi nó xuất hiện toàn bộ trên blog”.
Đức Hồng Y Burke tiếp tục: “Bức thư được đề cập đặt ra một cách có thẩm quyền về giáo huấn và thực hành liên tục của Giáo hội.”
“Việc không phát lá thư ấy cho các giám mục Hoa Kỳ chắc chắn đã góp phần vào việc các giám mục không có hành động thích hợp vào tháng 6 năm 2004 trong việc thực hiện khoản giáo luật 915”.
“Bây giờ, người ta bảo tôi biết rằng bức thư được bảo mật và do đó không thể được công bố. Sự thật là nó đã được công bố, vào đầu tháng 7 năm 2004, và rõ ràng là vị Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, người đã viết ra bức thư ấy, không hề băn khoăn về sự công bố này”.
Đức Hồng Y Burke, người từng là Chánh Án Tối Cao Pháp Viện ở Rôma từ năm 2008 đến năm 2014, lưu ý rằng 17 năm sau cuộc họp ở Denver, các giám mục Hoa Kỳ vẫn đang vật lộn với “câu hỏi nghiêm trọng nhất” là áp dụng hay không khoản giáo luật 915 đối với các chính trị gia Công Giáo ủng hộ các chính sách chống đối gay gắt các giáo huấn của Giáo hội.
Ngài viết: “Trên thực tế, nghĩa vụ của cá nhân giám mục là một vấn đề liên quan đến kỷ luật Giáo hội phổ quát, liên quan đến đức tin và luân lý, mà Hội đồng Giám mục không có thẩm quyền”.
“Trên thực tế, một số giám mục đã hiểu rõ nghĩa vụ thiêng liêng của họ trong vấn đề này và đang có những hành động thích hợp. Hội đồng Giám mục phải hoàn thành vai trò hỗ trợ quan trọng cho Giám mục giáo phận, nhưng Hội Đồng Giám Mục không thể thay thế thẩm quyền thuộc về vị Giám Mục. Chính Giám mục giáo phận, chứ không phải Hội Đồng Giám Mục, áp dụng luật phổ quát cho một hoàn cảnh cụ thể”.
Ngài nói, nhiệm vụ của các Hội Đồng Giám Mục là giúp các giám mục thực hiện “nghĩa vụ thiêng liêng” của các ngài.
Đức Hồng Y nói thêm: “Còn gì thích hợp cho bằng việc quảng bá 'điều tốt đẹp mà Giáo hội cống hiến cho nhân loại' là bảo vệ và nuôi dưỡng sự sống con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, và được cứu chuộc bởi Bửu Huyết của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa Nhập Thể, bằng cách sửa chữa tai tiếng của các chính trị gia Công Giáo, những người đã công khai và cố chấp cổ súy cho phẫu thuật phá thai”.
Ngài kết luận: “Tôi mời anh chị em cầu nguyện với tôi cho Giáo hội tại Hoa Kỳ và tại mọi quốc gia, biết trung thành với sứ mệnh của Chúa Kitô, Chàng Rể của Giáo Hội, xin cho Giáo Hội trung thành, minh bạch và không khoan nhượng trong việc áp dụng giáo luật 915, bảo vệ sự thánh khiết của Chúa Giêsu Thánh Thể, bảo vệ linh hồn của các chính trị gia Công Giáo, những người vi phạm luật luân lý một cách đáng buồn mà vẫn tiến lên rước lễ, do đó phạm tội báng bổ, và xin anh chị em cầu nguyện cho Giáo Hội can đảm ngăn ngừa tai tiếng nghiêm trọng nhất do không tuân thủ các quy tắc của giáo luật 915”.
Source:Catholic News Agency
2. Tóm Về Hai Điều Này Mà Nhớ
CN 31 B
Tóm Về Hai Điều Này Mà Nhớ
Kinh Mười Điều Răn có câu kết: "Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà nhớ: Trước kính mến một Thiên Chúa trên hết mọi sự; Sau lại yêu người như mình ta vậy.Amen".
Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc trao đổi giữa nhóm tiến sĩ luật và Chúa Giêsu về hai điều răn trong Cựu Ước như sau:
Khi một người thông luật hỏi Chúa Giêsu: “Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?”. Chúa Giêsu trả lời: “Giới răn quan trọng nhất chính là: Thiên Chúa chúng ta là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn ấy”. Ông kinh sư hoàn toàn đồng ý với Người và còn thêm lời bình: “Đó là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”. Chúa Giêsu được một lần sảng khoái vì gặp một ông kinh sư thân thiện với mình, Người khích lệ: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!”. Tại sao lại không còn xa? Bởi vì, Nước Thiên Chúa là chính Chúa Giêsu đang ở trước mặt ông!
Chúa Giêsu kết hợp hai điều răn trong Cựu Ước (Đnl 6,4-5 và Lv 19,18) thành một điều răn duy nhất là Yêu Thương. Chúa Giêsu đã nối kết giới răn mến Chúa trong kinh Shema ở sách Đệ nhị luật với giới răn yêu thương người thân cận trong sách Lêvi.Cái độc đáo trong câu trả lời của Chúa Giêsu chính là sự liên kết chặt chẽ hai giới luật này với nhau.
“Mến Chúa, yêu người” là nét độc đáo nhất của Kitô giáo. Hai giới luật tạo thành một toàn thể bất khả phân ly và là hai nguyên lý nền tảng của tất cả đạo đức học. Tin Mừng của Chúa Giêsu muốn loan truyền đến mọi người là tình yêu thương. Khi công bố giới luật yêu thương, Chúa Giêsu cũng nêu gương thực hiện giới luật ấy để chúng ta thấy sáng lên tình yêu cứu độ và gặp được những điểm nhấn mà bắt chước thực hành.
1. Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.
Thiên Chúa là chủ tể trời đất. Ngài dựng nên muôn loài muôn vật. Ngài là nguồn mạch sự sống và là cùng đích của muôn loài muôn vật.
Thiên Chúa là Cha yêu thương tất cả con cái. Cho nên người tín hữu yêu mến Ngài trên hết mọi sự. Thiên Chúa là quan trọng nhất của con người.
Thực tế ở đời có rất nhiều điều quan trọng, tuỳ ở hoàn cảnh và tuỳ ở từng người. Nhưng nếu điều gì cũng quan trọng nhất thì cuối cùng chẳng có gì là nhất cả, mọi sự đều tương đối. Mọi sự đều tương đối, nhưng mọi sự đều quan trọng, kể cả niềm tin tôn giáo, kể cả Chúa. Đó là não trạng của con người thời nay, là cám dỗ của thời đại.
Người tin Chúa và theo Chúa, cũng có người nghĩ như vậy: tiền quan trọng, mà Chúa cũng quan trọng. Có những người khá hơn, trên lý thuyết vẫn cho Chúa là quan trọng nhất, nhưng trong thực tế có những lúc tiền bạc, tình yêu và thành công ở đời cũng quan trọng như Chúa.
Nhiều người nghĩ rằng ở thế gian này không có gì là duy nhất, kể cả những điều loài người thường cho là cao quý như là chân thiện mỹ chẳng hạn. Có những điều đối với người này là chân lý, đối với người kia lại là sai lầm; đối với người này là tốt, đối người kia là không; đối với một số người là đẹp, đối với những người khác là xấu. Không có gì tuyệt đối ở trần gian. Cám dỗ tương đối hoá mọi sự là cám dỗ lớn nhất của thời đại chúng ta. Cám dỗ này rất nguy hiểm. Dễ sa ngã vì con người không muốn bị ràng buộc và hướng chiều về hưởng thụ.
Thế gian không có gì là duy nhất, không có gì là tuyệt đối.
Thiên Chúa là Siêu Việt, là Vĩnh Hằng. Mọi sự đều qua đi. Chỉ có Chúa mới là quan trọng nhất, chỉ có Chúa mới là Tuyệt Đối. Do đó chúng ta được mời gọi yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực của mình.
Chúa Giêsu đã lập lại lời kêu gọi đó, khi trả lời cho người thông luật muốn hỏi trong các giới răn điều nào quan trọng nhất. Yêu mến Thiên Chúa là điều quan trọng nhất.
2. Yêu tha nhân như chính mình.
Thiên Chúa là Đấng vô hình vô ảnh ta không thấy được. Ta nói yêu mến Thiên Chúa, điều đó khó mà kiểm chứng được. Nên Thiên Chúa đã ràng buộc điều răn mến Chúa vào điều răn yêu người. Yêu Chúa thì phải yêu tha nhân. Yêu tha nhân là bằng chứng yêu mến Chúa. Còn hơn thế nữa, yêu tha nhân chính là yêu Chúa. Vì Chúa đã tự đồng hóa với con người, với những người bé nhỏ nhất trong xã hội. Điều này chính Chúa Giêsu đã công khai minh định: “Ta bảo thật, mỗi lần các ngươi giúp đỡ một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Thành ra hai giới răn chỉ là một. Đó chỉ là hai khía cạnh của cùng một giới răn.Thánh Gioan quả quyết: "Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là một kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa, Ðấng mà họ không thấy" (1Ga 4,20); "Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn ở trong bóng tối”(1Ga 2,9).
Đối với Chúa Giêsu, tình yêu là giới răn đứng hàng đầu trong các giới răn. Mọi lề luật đều phải hướng đến tình yêu. Ai chu toàn tình yêu là chu toàn lề luật.
Lề luật của Chúa thật nhẹ nhàng vì lề luật chính là tình yêu. Nếu yêu mến Chúa và yêu mến anh em, ta sẽ thấy việc giữ luật không còn gì khó khăn nữa. Tình yêu sẽ làm cho ta cảm nếm sự ngọt ngào trong việc tuân giữ lề luật.
Lề luật của Chúa cô đọng trong một thái độ là yêu mến.Giữ luật mà quên yêu mến có thể dẫn đến óc nệ luật.Giữ luật phải trở nên phương thế để bày tỏ tình yêu. Vì "Yêu mến là chu toàn lề luật" (Rm 13,10).
3. Việc làm của Đức tin là Đức ái.
Thánh Giacôbê nói một câu bất hủ: “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). “Việc làm” mà Thánh Tông Đồ nói đến là thực hành bác ái. Thánh Phaolô ca ngợi đức mến: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng,chũm chọe xoang xoảng” (1Cr 13,1).
Đức tin và Đức mến liên hệ mật thiết với nhau.
Đức tin không có đức mến thì không mang lại thành quả và đức mến không có đức tin thì sẽ là một tình cảm luôn tùy thuộc sự nghi ngờ. Đức tin và đức mến cần có nhau, đức này giúp đức kia thực hiện hành trình của mình. Có nhiều Kitô hữu yêu thương tận tụy dành cuộc đời phục vụ những người lẻ loi, bị gạt ra ngoài lề hoặc bị loại trừ, coi họ như những người đầu tiên cần đi tới và như người quan trọng nhất cần được nâng đỡ, vì chính nơi người ấy có phản ánh khuôn mặt của Chúa Kitô. Nhờ đức tin, chúng ta có thể nhận ra tôn nhan Chúa phục sinh nơi những người đang xin tình thương của chúng ta. "Tất cả những gì các con đã làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, tức là các con đã làm cho Thầy" (Mt 25,40): những lời này là một lời cảnh giác không nên quên, và là một lời mời gọi trường kỳ hãy đáp trả tình yêu mà Chúa đã chăm sóc chúng ta. Đó là đức tin giúp nhận ra Chúa Kitô và chính tình yêu Chúa thúc đẩy cứu giúp Chúa mỗi khi Ngài trở thành người thân cận của chúng ta trong cuộc sống. Được đức tin nâng đỡ, chúng ta hy vọng hướng nhìn sự dấn thân của chúng ta trong thế giới, trong khi chờ đợi "trời mới đất mới, trong đó có công lý cư ngụ" (2 Pr 3,13; x. Kh 21,1). (x.Porta Fidei, Số 14).
Thư Mục Vụ Năm Đức Tin HĐGMVN nói về mối liên hệ đức tin và đức mến: Cách riêng, trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, đức tin của người Công Giáo cần được thể hiện qua việc thực thi bác ái. Đức Tin và Đức Mến cần đến nhau và hỗ trợ cho nhau: “Chính đức Tin giúp chúng ta nhận ra Chúa Kitô và chính tình yêu Chúa thôi thúc chúng ta chạy đến phục vụ Chúa mỗi khi Người trở thành người thân cận của chúng ta trên nẻo đường cuộc sống”. Được Lời Chúa soi sáng và tình yêu Chúa thấm nhập trong suy nghĩ cũng như hành động, chúng ta sẽ trở nên những chứng tá đáng tin trong xã hội ngày nay. (Số 7).
Dưới ánh sáng Lời Chúa Giêsu, tình yêu là mực thước đức tin, và đức tin là linh hồn của tình yêu. Chúng ta không còn có thể tách biệt đời sống tôn giáo ra khỏi việc phục vụ anh em, những người anh em cụ thể mà chúng ta gặp. Chúng ta không còn có thể tách biệt kinh nguyện, cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong các bí tích, khỏi sự lắng nghe tha nhân, gần gũi cuộc sống của họ, nhất là những vết thương của họ.
Luật mới của Chúa Giêsu chính là mức độ hoàn hảo nhất của Mười Điều Răn. Đoạn cuối của kinh Mười Điều Răn: “Mười điều răn ấy tóm về hai nầy mà chớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen.”
Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con: mến Chúa yêu người là điều răn quan trọng nhất, xin cho con biết sống và liên lỉ thực hành giới răn này trong đời sống thường ngày của con.
Tóm Về Hai Điều Này Mà Nhớ
Kinh Mười Điều Răn có câu kết: "Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà nhớ: Trước kính mến một Thiên Chúa trên hết mọi sự; Sau lại yêu người như mình ta vậy.Amen".
Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc trao đổi giữa nhóm tiến sĩ luật và Chúa Giêsu về hai điều răn trong Cựu Ước như sau:
Khi một người thông luật hỏi Chúa Giêsu: “Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?”. Chúa Giêsu trả lời: “Giới răn quan trọng nhất chính là: Thiên Chúa chúng ta là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn ấy”. Ông kinh sư hoàn toàn đồng ý với Người và còn thêm lời bình: “Đó là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”. Chúa Giêsu được một lần sảng khoái vì gặp một ông kinh sư thân thiện với mình, Người khích lệ: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!”. Tại sao lại không còn xa? Bởi vì, Nước Thiên Chúa là chính Chúa Giêsu đang ở trước mặt ông!
Chúa Giêsu kết hợp hai điều răn trong Cựu Ước (Đnl 6,4-5 và Lv 19,18) thành một điều răn duy nhất là Yêu Thương. Chúa Giêsu đã nối kết giới răn mến Chúa trong kinh Shema ở sách Đệ nhị luật với giới răn yêu thương người thân cận trong sách Lêvi.Cái độc đáo trong câu trả lời của Chúa Giêsu chính là sự liên kết chặt chẽ hai giới luật này với nhau.
“Mến Chúa, yêu người” là nét độc đáo nhất của Kitô giáo. Hai giới luật tạo thành một toàn thể bất khả phân ly và là hai nguyên lý nền tảng của tất cả đạo đức học. Tin Mừng của Chúa Giêsu muốn loan truyền đến mọi người là tình yêu thương. Khi công bố giới luật yêu thương, Chúa Giêsu cũng nêu gương thực hiện giới luật ấy để chúng ta thấy sáng lên tình yêu cứu độ và gặp được những điểm nhấn mà bắt chước thực hành.
1. Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.
Thiên Chúa là chủ tể trời đất. Ngài dựng nên muôn loài muôn vật. Ngài là nguồn mạch sự sống và là cùng đích của muôn loài muôn vật.
Thiên Chúa là Cha yêu thương tất cả con cái. Cho nên người tín hữu yêu mến Ngài trên hết mọi sự. Thiên Chúa là quan trọng nhất của con người.
Thực tế ở đời có rất nhiều điều quan trọng, tuỳ ở hoàn cảnh và tuỳ ở từng người. Nhưng nếu điều gì cũng quan trọng nhất thì cuối cùng chẳng có gì là nhất cả, mọi sự đều tương đối. Mọi sự đều tương đối, nhưng mọi sự đều quan trọng, kể cả niềm tin tôn giáo, kể cả Chúa. Đó là não trạng của con người thời nay, là cám dỗ của thời đại.
Người tin Chúa và theo Chúa, cũng có người nghĩ như vậy: tiền quan trọng, mà Chúa cũng quan trọng. Có những người khá hơn, trên lý thuyết vẫn cho Chúa là quan trọng nhất, nhưng trong thực tế có những lúc tiền bạc, tình yêu và thành công ở đời cũng quan trọng như Chúa.
Nhiều người nghĩ rằng ở thế gian này không có gì là duy nhất, kể cả những điều loài người thường cho là cao quý như là chân thiện mỹ chẳng hạn. Có những điều đối với người này là chân lý, đối với người kia lại là sai lầm; đối với người này là tốt, đối người kia là không; đối với một số người là đẹp, đối với những người khác là xấu. Không có gì tuyệt đối ở trần gian. Cám dỗ tương đối hoá mọi sự là cám dỗ lớn nhất của thời đại chúng ta. Cám dỗ này rất nguy hiểm. Dễ sa ngã vì con người không muốn bị ràng buộc và hướng chiều về hưởng thụ.
Thế gian không có gì là duy nhất, không có gì là tuyệt đối.
Thiên Chúa là Siêu Việt, là Vĩnh Hằng. Mọi sự đều qua đi. Chỉ có Chúa mới là quan trọng nhất, chỉ có Chúa mới là Tuyệt Đối. Do đó chúng ta được mời gọi yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực của mình.
Chúa Giêsu đã lập lại lời kêu gọi đó, khi trả lời cho người thông luật muốn hỏi trong các giới răn điều nào quan trọng nhất. Yêu mến Thiên Chúa là điều quan trọng nhất.
2. Yêu tha nhân như chính mình.
Thiên Chúa là Đấng vô hình vô ảnh ta không thấy được. Ta nói yêu mến Thiên Chúa, điều đó khó mà kiểm chứng được. Nên Thiên Chúa đã ràng buộc điều răn mến Chúa vào điều răn yêu người. Yêu Chúa thì phải yêu tha nhân. Yêu tha nhân là bằng chứng yêu mến Chúa. Còn hơn thế nữa, yêu tha nhân chính là yêu Chúa. Vì Chúa đã tự đồng hóa với con người, với những người bé nhỏ nhất trong xã hội. Điều này chính Chúa Giêsu đã công khai minh định: “Ta bảo thật, mỗi lần các ngươi giúp đỡ một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Thành ra hai giới răn chỉ là một. Đó chỉ là hai khía cạnh của cùng một giới răn.Thánh Gioan quả quyết: "Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là một kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa, Ðấng mà họ không thấy" (1Ga 4,20); "Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn ở trong bóng tối”(1Ga 2,9).
Đối với Chúa Giêsu, tình yêu là giới răn đứng hàng đầu trong các giới răn. Mọi lề luật đều phải hướng đến tình yêu. Ai chu toàn tình yêu là chu toàn lề luật.
Lề luật của Chúa thật nhẹ nhàng vì lề luật chính là tình yêu. Nếu yêu mến Chúa và yêu mến anh em, ta sẽ thấy việc giữ luật không còn gì khó khăn nữa. Tình yêu sẽ làm cho ta cảm nếm sự ngọt ngào trong việc tuân giữ lề luật.
Lề luật của Chúa cô đọng trong một thái độ là yêu mến.Giữ luật mà quên yêu mến có thể dẫn đến óc nệ luật.Giữ luật phải trở nên phương thế để bày tỏ tình yêu. Vì "Yêu mến là chu toàn lề luật" (Rm 13,10).
3. Việc làm của Đức tin là Đức ái.
Thánh Giacôbê nói một câu bất hủ: “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). “Việc làm” mà Thánh Tông Đồ nói đến là thực hành bác ái. Thánh Phaolô ca ngợi đức mến: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng,chũm chọe xoang xoảng” (1Cr 13,1).
Đức tin và Đức mến liên hệ mật thiết với nhau.
Đức tin không có đức mến thì không mang lại thành quả và đức mến không có đức tin thì sẽ là một tình cảm luôn tùy thuộc sự nghi ngờ. Đức tin và đức mến cần có nhau, đức này giúp đức kia thực hiện hành trình của mình. Có nhiều Kitô hữu yêu thương tận tụy dành cuộc đời phục vụ những người lẻ loi, bị gạt ra ngoài lề hoặc bị loại trừ, coi họ như những người đầu tiên cần đi tới và như người quan trọng nhất cần được nâng đỡ, vì chính nơi người ấy có phản ánh khuôn mặt của Chúa Kitô. Nhờ đức tin, chúng ta có thể nhận ra tôn nhan Chúa phục sinh nơi những người đang xin tình thương của chúng ta. "Tất cả những gì các con đã làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, tức là các con đã làm cho Thầy" (Mt 25,40): những lời này là một lời cảnh giác không nên quên, và là một lời mời gọi trường kỳ hãy đáp trả tình yêu mà Chúa đã chăm sóc chúng ta. Đó là đức tin giúp nhận ra Chúa Kitô và chính tình yêu Chúa thúc đẩy cứu giúp Chúa mỗi khi Ngài trở thành người thân cận của chúng ta trong cuộc sống. Được đức tin nâng đỡ, chúng ta hy vọng hướng nhìn sự dấn thân của chúng ta trong thế giới, trong khi chờ đợi "trời mới đất mới, trong đó có công lý cư ngụ" (2 Pr 3,13; x. Kh 21,1). (x.Porta Fidei, Số 14).
Thư Mục Vụ Năm Đức Tin HĐGMVN nói về mối liên hệ đức tin và đức mến: Cách riêng, trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, đức tin của người Công Giáo cần được thể hiện qua việc thực thi bác ái. Đức Tin và Đức Mến cần đến nhau và hỗ trợ cho nhau: “Chính đức Tin giúp chúng ta nhận ra Chúa Kitô và chính tình yêu Chúa thôi thúc chúng ta chạy đến phục vụ Chúa mỗi khi Người trở thành người thân cận của chúng ta trên nẻo đường cuộc sống”. Được Lời Chúa soi sáng và tình yêu Chúa thấm nhập trong suy nghĩ cũng như hành động, chúng ta sẽ trở nên những chứng tá đáng tin trong xã hội ngày nay. (Số 7).
Dưới ánh sáng Lời Chúa Giêsu, tình yêu là mực thước đức tin, và đức tin là linh hồn của tình yêu. Chúng ta không còn có thể tách biệt đời sống tôn giáo ra khỏi việc phục vụ anh em, những người anh em cụ thể mà chúng ta gặp. Chúng ta không còn có thể tách biệt kinh nguyện, cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong các bí tích, khỏi sự lắng nghe tha nhân, gần gũi cuộc sống của họ, nhất là những vết thương của họ.
Luật mới của Chúa Giêsu chính là mức độ hoàn hảo nhất của Mười Điều Răn. Đoạn cuối của kinh Mười Điều Răn: “Mười điều răn ấy tóm về hai nầy mà chớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen.”
Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con: mến Chúa yêu người là điều răn quan trọng nhất, xin cho con biết sống và liên lỉ thực hành giới răn này trong đời sống thường ngày của con.