1. Đức Hồng Y Dolan lo ngại về đối thoại giữa Vatican và Trung Quốc

Hoa Kỳ đang trong một cuộc chiến tranh lạnh mới với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cho đến nay đó là một cuộc chiến tranh chủ yếu là chuyện một phía, vì Hoa Kỳ dường như không muốn hoặc không thể can dự mạnh mẽ ngay cả khi nhân quyền và tự do tôn giáo ngày càng suy thoái bởi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đó là đánh giá của một loạt diễn giả tại thành phố New York trong hội nghị “Cánh tay dài của Bắc Kinh: Mối đe dọa của Trung Quốc đối với tự do tôn giáo và các lựa chọn đối với phương Tây”. Hội nghị này được tài trợ bởi Anglosphere Society, Hội Hiệp sĩ Kha Luân Bố và Trung tâm Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ.

Trong số nhiều đánh giá bi quan về một chiến dịch tăng tốc chống lại tôn giáo và các nhóm thiểu số sắc tộc và tôn giáo ở Trung Quốc đại lục — và sự sụp đổ của nhân quyền ở Hương Cảng — là lời cảnh báo từ cựu Đại sứ về Tự do Tôn giáo Quốc tế Sam Brownback, người đã mô tả chính phủ do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình là một “bọn ma quỷ”. Trích dẫn những vi phạm nhân quyền và những tiến bộ trong việc sử dụng các tiến bộ trong kỹ thuật giám sát do đảng này triển khai chống lại chính công dân của mình, đại sứ cảnh báo: “Tương lai của bách hại sẽ là công nghệ.”

Trong một cuộc trò chuyện với Tổng biên tập của America Media, là Cha Matt Malone, Dòng Tên, Đức Hồng Y Timothy Dolan Tổng Giám Mục New York, đã bày tỏ quan ngại về chính sách đối thoại của Vatican với Bắc Kinh. Ngài thừa nhận rằng các nhà ngoại giao có kinh nghiệm và hiểu biết của Tòa thánh đang chơi một trò chơi đường dài để hướng tới một kết quả vẫn chưa chắc chắn nhưng tự hỏi liệu có ngây thơ không khi đàm phán với các quan chức chính phủ Trung Quốc, những người dường như muốn xóa bỏ tự do tôn giáo ở Trung Quốc hơn bao giờ hết.

“Tôi là một thành viên trung thành của Giáo Hội. Trong thâm tâm, tôi muốn tin tưởng rằng họ biết những gì họ đang làm và tôi muốn họ hoạt động thành công”.

Đức Hồng Y Dolan nói: “Tòa thánh sẽ luôn nêu bật giá trị của đối thoại,” đồng thời nói thêm rằng đối thoại luôn được ưu tiên hơn đối đầu. Và ít nhất theo thỏa thuận mới với Bắc Kinh, “Giáo Hội có một vị trí trên bàn ăn. Họ đã công nhận chúng tôi có một vai trò quan trọng trong việc quản lý Giáo Hội ở Trung Quốc, điều mà trước đây chúng tôi không có”.

Nhưng, ngài nói thêm “ruột gan tôi cũng nói với tôi rằng bạn không thể thương lượng với những người này. Nó có thể phản tác dụng một cách kinh hoàng”. Ngài nhớ lại cuộc trò chuyện với Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, Tổng Giám Mục hiệu tòa của Hương Cảng, người lâu nay vẫn chỉ trích những nỗ lực của Vatican nhằm bảo đảm vai trò của Giáo Hội ở Trung Quốc thông qua việc đàm phán với Bắc Kinh. “Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân nói với tôi: 'Hãy tin tôi. Điều này không thể hoạt động. Họ muốn tiêu diệt chúng tôi, và hiệp định này sẽ đẩy nhanh điều đó’.”

Những nỗ lực nhằm chống lại tình trạng vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc đã trở nên phức tạp theo sau các mối quan hệ thương mại xuất hiện giữa Trung Quốc và phương Tây trong nhiều thập kỷ kể từ khi Trung Quốc được Hoa Kỳ trao quy chế tối huệ quốc.

Trong số những cuộc tấn công ngày càng gia tăng nhằm vào biểu hiện tôn giáo ở Trung Quốc, “chúng ta phải tìm kiếm những lý do cơ bản cho điều này,” Đức Hồng Y Dolan nói. Các nhà lãnh đạo đảng “muốn toàn quyền kiểm soát” và phát hiện trong tôn giáo một lực lượng ý thức hệ cạnh tranh mà họ không thể kiềm chế hoàn toàn. Ngài tin rằng người cộng sản xem đức tin như một cản trở cho Đảng Cộng sản Trung Quốc đạt đến các mục tiêu cuối cùng của họ, và họ quyết tâm loại trừ trở ngại đó.


Source:American Magazine

2. Phim kể về linh mục-tử đạo Công Giáo đầu tiên của Hàn Quốc

Cha Anrê Kim Đại Kiến (Andrew Kim Tae-gon, 김대건 안드레아), linh mục Công Giáo đầu tiên của Hàn Quốc đã tử đạo vì đức tin vào thế kỷ 19 và được tuyên thánh vào năm 1984, là chủ đề của một bộ phim tiểu sử mới để tưởng nhớ ngài nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của vị linh mục.

Korea Times đưa tin: Nhà làm phim nổi tiếng của Hàn Quốc Phác Hưng Thực (Park Heung-sik, 박흥식) sẽ đạo diễn bộ phim có tựa đề “A Birth”, nghĩa là “Một Sự Ra Đời” và việc quay phim sẽ bắt đầu vào cuối tháng này. Phim dự kiến sẽ được chiếu tại các rạp vào tháng 11 năm 2022. Nam diễn viên Doãn Thi Doãn (Yoon Si-yoon, 윤시윤 ) sẽ đóng vai Thánh Anrê Kim.

Giám đốc Phác cho biết ông đã nghiên cứu sâu rộng về cuộc đời và di sản của vị linh mục nổi tiếng từ khi sinh ra cho đến khi qua đời ở tuổi 25.

“Tôi muốn nói với mọi người về những thành tích phi thường của Cha Kim, không chỉ với tư cách là một thánh tử đạo Công Giáo mà còn là một nhà thám hiểm đã lang thang trên biển và đất liền trong một thời kỳ đầy biến động. Cha Kim là một trong số ít người Hàn Quốc quyết liệt chấp nhận văn hóa phương Tây thông qua ngôn ngữ và giáo dục. Nói cách khác, ngài là một nhà lãnh đạo của những suy nghĩ mới”

Tuy nhiên, đạo diễn chỉ ra rằng mặc dù là phim tiểu sử về một nhà lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng, bộ phim sẽ không tập trung hoàn toàn vào tôn giáo mà còn tập trung vào bối cảnh xã hội, chính trị và kinh tế của thời đại đó.

Đạo diễn Phác nhấn mạnh rằng: “Dưới triều đại Tiên Quốc (Joseon, 조선), bệnh dịch tả là một thách thức đối với sức khỏe cộng đồng. Bây giờ, chúng ta đang chiến đấu chống lại Covid-19. Đại dịch đã củng cố sự bất bình đẳng và khiến con người trở nên ích kỷ hơn. Bộ phim này sẽ rất ấm lòng, có âm hưởng đương đại, vì nó sẽ đưa ra quan điểm về những gì chúng ta có thể học được từ Cha Kim để đối phó với những thách thức sau đại dịch. Thế giới cần thêm những người như Cha Kim.”

Đó là vinh dự thực sự của tôi khi được tham gia bộ phim tuyệt vời này. Vì tinh thần và hành động của Cha Kim đã sống trong trái tim của rất nhiều người, nên bộ phim này có một loại áp lực khác.

Theo phương tiện truyền thông của Dòng Phanxicô tại Hàn quốc, Cha Anrê Kim Đại Kiến, sinh năm 1821, là con trai của những người cải đạo theo đạo Công Giáo. Ngài được rửa tội ở tuổi 15. Sau đó ngài đến một chủng viện ở Ma Cao, Trung Quốc, và trở về quê hương sau sáu năm qua ngã Mãn Châu. Cùng năm đó, ngài vượt biển Hoàng Hải đến Thượng Hải, nơi ngài được thụ phong linh mục.

Cha Kim được giao nhiệm vụ sắp xếp cho nhiều nhà truyền giáo vào Hàn Quốc một cách bí mật bằng con đường ven biển để tránh các cuộc tuần tra biên giới. Ngài bị bắt, bị tra tấn và bị chặt đầu trên sông Hàn gần Hán Thành vào năm 1846.

Đền các thánh tử đạo ở Sa Nam Cơ (Saenamteo, 새남터) ở Nhị Thôn Động (Ichon-dong, 이촌동) thuộc quận Long Sơn (Yongsan, 용산구) của thủ đô Hán Thành là nơi chứa các thánh tích về cuộc tử đạo của vị thánh. Cha Kim hiện là vị thánh bảo trợ của hàng giáo sĩ ở Hàn Quốc.

Trong những ngày đầu của Kitô Giáo ở Hàn Quốc, đất nước được cai trị bởi triều đại Tiên Quốc kéo dài từ 1392 đến 1910. Đây là một triều đại tôn sùng Phật Giáo, luôn coi các tín hữu Kitô như một mối họa cho ngai vàng của mình. Hàng ngàn người Công Giáo đã bị sát hại vì không chịu từ bỏ đức tin.

Năm 1984, trong chuyến thăm Hàn Quốc, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong thánh cho 103 vị tử đạo trong đó có Cha Anrê Kim, Ông Ignatius cha của ngài, Thánh Phaolô Trang (Chong, 총) và bảy nhà truyền giáo người Pháp đã tử đạo vào thế kỷ 19.


Source:UCANews