Xa hơn bạn nghĩ

Do đó, Kitô giáo có một đề nghị rất khác thường đối với mong muốn chung của mọi tôn giáo về sự hợp nhất với Thiên Chúa. Các tôn giáo, miễn là không mắc kẹt trong chủ nghĩa nghi lễ, cuối cùng phải bằng lòng với việc một là xóa bỏ sự khác biệt giữa Thiên Chúa và thế giới hai là nếu không phải để con người hòa nhập vào Thiên Chúa (trong cái chết, trong sự ngay ngất hoặc suy niệm, v.v.). Kitô giáo đặt câu hỏi làm sao có thể có sự đồng nhất giữa Thiên Chúa và con người, vì cả hai vẫn khác nhau trong yếu tính? Và nó trả lời: Một đồng nhất như vậy có thể có được nhờ sự kiện này là Thiên Chúa ban cho tình yêu của Người phẩm tính vâng lời và con người dành cho sự vâng lời của mình cảm thức yêu thương. Điều này xảy ra khi họ, con người, đồng ý được dẫn dắt bởi Thiên Chúa (Đấng họ yêu mến vì Thiên Chúa đã yêu họ trước) vượt quá mọi điều mà bản thân họ có khả năng lập kế hoạch, thấy trước, mong muốn và chịu đựng bằng sức mạnh của chính mình. Sự vượt qua mọi sự vốn thuộc về mình này dẫn đến sự tự do của đấng thần linh. Sự siêu việt, trong yếu tính, không phải là “Eros” [dục lực], một điều vốn là ước muốn vượt quá, mà đúng hơn, là sự vâng lời tràn đầy đức tin, nhờ quyền năng của Thiên Chúa, Đấng ra lệnh. Giống như Thánh Phêrô đi trên sóng nước bằng sức mạnh của đức vâng lời. Như Ladarô trỗi dậy và bước đi, một xác chết bị băng bó, bởi sức mạnh của đức vâng lời.

Lời kêu gọi chúng ta ra ngoài phạm vi lập kế hoạch và mong muốn hữu hạn của chúng ta nhất thiết phải cứng rắn. Vì nó phải phá vỡ hạt nhân cứng rắn của sự hữu hạn của chúng ta, của sự cố thủ tội lỗi của chúng ta. Đó là lý do tại sao tất cả những lời của Chúa trong Tin Mừng đều có một sức âm vang đinh thép hết sức. Cho đến ngày tận thế, loài người sẽ phải bể răng vì chúng. Nhưng ở cốt lõi của sự cứng rắn của chúng, những lời này ẩn chứa một sự ngọt ngào vô hạn. Tính bất mủi lòng của chúng, một tính trong bản thể giống như Cựu ước, chỉ nhấn mạnh bản chất thực sự, tự do, tối cao của Thiên Chúa hằng sống, Đấng mà ý chí thánh thiện vẫn vô cùng cao hơn mọi phấn đấu, khao khát và hiểu biết của con người, và trong chừng mực con người là một kẻ có tội, cũng trái ngược với họ. Sự khao khát tự nhiên của ý chí con người [Sehnsuchtswille] (Voluntas ut natura, eros, desiderium [ý chí như bản nhiên, dục lực và thèm muốn]) không bao giờ có thể là thước đo cuối cùng của hành động đạo đức khi Thiên Chúa đã mạc khải ý chí yêu thương của Người [Liebeswille]. Ý chí khao khát, nhờ được sắp đặt hướng tới thể tuyệt đối, thực sự có thể là một tiêu chuẩn sâu rộng cho điều mà trong thế giới hữu hạn, cần phải tránh né hoặc cố gắng đạt được (qua sự tự làm chủ mình); tuy nhiên, nó không bao giờ có thể với xa hơn chân trời hiểu biết của con người chúng ta. Giả sử một người nào đó phải tự đặt cho mình một lý tưởng đạo đức thuộc loại cao nhất và khó nhất để phấn đấu, thì dù sao đó cũng phải là lý tưởng mà bản thân họ đã thai nghén và hình thành và do đó cũng tri nhận là đúng. Tìm cách vượt quá chân trời này của ý chí vừa bất khả vừa vô trách nhiệm đối với con người. Bất khả, vì ngay cả ý chí tạo vật, vốn tự do, cũng có xu hướng hướng tới thể tuyệt đối, nếu không nó đâu có tự do, và do đó nó chứa đựng trong chính nó trách nhiệm đối với chuyển động hướng tới thể tuyệt đối này. Nhưng tự bản chất đây là điều bất khả để con người thấu hiểu trước thể tuyệt đối như Tình yêu, tự do đến và tự ý gặp họ. Tính tuyệt đối của Tình yêu là gì, chỉ có chính Thiên Chúa của Tình yêu mới có thể nói cho họ biết, vượt xa mọi tiêu chuẩn của khao khát tạo vật.



Đây là lý do tại sao tình yêu quyết định đầu tiên của tạo vật mang tên là vâng lời, chứ không phải là sự hiểu biết trước (có Thiên Chúa ở phía sau chúng ta) về việc tình yêu hệ ở những gì và đâu là tác dụng của nó. Chắc chắn, hệ ở việc quan tâm quên mình đến người nghèo khó và thiếu thốn, tuy nhiên: “Anh em luôn có kẻ nghèo khó bên mình, nhưng anh em sẽ không luôn có Thầy đâu” (Mt 26:11). Trước khi tất cả mọi chương trình chúng ta nghĩ ra, dù khôn ngoan hay nhạy bén đến đâu, chúng ta cũng phải đối diện với sự kiện không thể tránh khỏi này là chính Tình yêu vĩnh cửu hiện diện, và trong khi mọi chương trình trần thế đều phải phân chia để chia sẻ (“Tại sao loại dầu thơm này không mang bán với giá ba trăm đồng bạc và cho người nghèo?” (Ga 12: 5), mọi sự xa hoa đều phải trước nhất dành cho chính Tình yêu vĩnh cửu, không tính toán (“Cứ để cho cô làm. Sao lại muốn gây chuyện? Cô ấy vừa làm cho tôi một việc nghĩa... Điều gì làm được thì cô đã làm: cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi, để chuẩn bị ngày mai táng” (Mc 14: 6, 8).

Lời Xin vâng vô điều kiện của Maria thành Bêtania là “công việc” đã hoàn thành, là “của cải” của người đã tiêu hết; nhưng nó mang ý nghĩa sâu sắc hơn vô cùng, mang theo nhiều hậu quả hơn, nhiều hoa trái hơn tất cả những kế hoạch và chương trình do chính con người nghĩ ra. Chính vì người yêu như vậy không thể lường trước được toàn bộ hệ lụy của hành động của cô ấy mà chỉ đơn giản phó thác nỗ lực yêu thương của mình cho Tình yêu của Thiên Chúa, để tùy Người sử dụng theo ý muốn của Người. Nhưng Thiên Chúa sử dụng nó cho các mục đích riêng của Người, điều mà con người không thể hiểu được và sự mạc khải của Người (bây giờ hoặc vào Ngày cuối cùng) sẽ khiến họ kinh ngạc như phước hạnh cao cả nhất. Tình yêu “mù quáng” của Maria được Thiên Chúa áp dụng vào mục đích Khổ nạn của Chúa Giêsu. Không cần biết cô ấy đang làm gì, cô ấy xức dầu Chúa cho cái chết cứu chuộc của Người và do đó, nhân danh Giáo Hội đầy yêu thương, bày tỏ sự thuận ý của nhân loại đối với công việc này của ân sủng Thiên Chúa; như thế, cô ấy được kết hợp như một đầy tớ và nữ tỳ, giống như Đức Mẹ của chúng ta, vào công việc này. Không có gì có hậu quả lớn hơn đã xẩy ra cho một con người.

Thật vậy, “công việc” được Chúa Giêsu ca ngợi ở đây là công việc tuyệt đối, mà Kitô hữu không thể dâng được gì để thay thế, dù nó có vẻ hữu hiệu đến mức nào đối với họ. Không có đặc sủng đức tin nào, mạnh đến mức có thể dời núi non, không có ơn phúc hùng biện thiêng liêng hay thiên thần nào nếu không có tình yêu thì chỉ là những lời lảm nhảm, không một chút thần học sâu sắc, nâng cao về mặt tiên tri, không có lòng quảng đại quan tâm đến người nghèo (“Nếu tôi cho đi tất cả những gì tôi có ”), thậm chí không phải tử đạo (có lẽ trong cuộc sống trinh khiết hoặc làm chứng cho Thiên Chúa) —trong tất cả những điều này“ tôi không là gì cả ”(1 Cr 13: 1–3). Tất cả những nỗ lực cực độ của con người trong việc tạo ra những quyết tâm tốt, thậm chí xuất sắc vẫn chỉ là sự cố gắng và bóp méo vô ích. Điều Thiên Chúa đòi hỏi nơi chúng ta là sự tự phó thác của con tim trong tinh thần yêu thương đầy đức tin.

Nhưng đối với con người, nghiêm túc nói: “Không phải con muốn, nhưng theo ý Chúa muốn” mà không tham gia vào nỗi thống khổ của Núi Cây Dầu thì là điều bất khả. Vào một thời điểm quyết định trên con đường Kitô giáo, bản nhiên phải cùng với Chúa Kitô đi vào sự chết. Sự trưởng thành đi lên của nó phải cắt ngang, cái nhìn sâu sắc của nó phải chìm vào ban đêm, sự hiểu biết bản thân được nuôi dưỡng cẩn thận của nó phải chìm vào xử tệ. Không thể khác hơn là một cuộc chiến cam go và cay đắng. Nếu kẻ tội lỗi không chai đá, thì Thiên Chúa đâu có trở nên cứng rắn với họ, và cho dù là một trái tim dịu dàng nhất trước mặt Thiên Chúa, như trái tim của Chúa Giêsu hay Đức Maria, thì các ngài vẫn phải đối mặt với sự cứng rắn vì lợi ích của người khác.

Như thế có gì đáng ngạc nhiên khi tất cả chúng ta mãi mãi chạy trốn khoảnh khắc này, khi các Kitô hữu lần lữa và trì hoãn nó, ức chế nó và cuối cùng quên nó đi? Người ta có thể vẽ lịch sử của Giáo hội dưới ánh sáng này như lịch sử của tất cả những gì được Giáo hội dâng lên Thiên Chúa như những thứ thay thế hòng thoát khỏi hành vi đức tin thực sự. Vì vậy, chúng ta thấy mình trở lại lãnh vực lưỡng nghĩa [ambivalent], nơi mà những điều rất tốt trong bản thân chúng có thể là biểu thức của một sự trốn tránh tiềm ẩn. Toàn bộ “sứ mệnh văn hóa” của Kitô hữu trong việc xây dựng các ngôi nhà thờ chánh tòa, các vương quốc, thi ca, và các bản giao hưởng nhằm tôn vinh nội dung đức tin của họ; toàn bộ hệ thống “chế độ Giáo hội khép kín” cung cấp nơi trú ẩn và an ninh, như một thẩm quyền biết mọi chuyện, chống lại những điểm dễ bị tổn thương và hiểm họa của đức tin, một hệ thống đạo đức vụ luật pháp và giải nghi [casuistical], nhưng ngày nay, một lần nữa đúng hơn lại chính là điều ngược lại,: các từ bỏ và tương đối hóa chế độ này do sự giải phóng của cái gọi là “hàng ngũ giáo dân trưởng thành”. Tất cả những điều này, cùng với nhiều triệu chứng khác, có thể được coi là dấu hiệu của một việc trốn chạy trong sợ hãi.

Chỉ dành cho người nghèo mới là Sứ điệp Tin mừng (2)

Cả Cựu ước lẫn Tân ước đều đầy những mối phúc cho người nghèo và những lời cảnh cáo và đe dọa đối với người giàu. Người nghèo là những người, vì thiếu tài sản, mới có chỗ để chào đón Thiên Chúa và sứ điệp của Người một cách vui vẻ. Vì vậy, Maria đã chọn “phần tốt hơn” bởi vì bà đã làm trống toàn bộ linh hồn của bà để giữ nó được tự do dành cho “điều duy nhất cần thiết”, tức Lời Thiên Chúa, sự xuất hiện của Người. Ngược lại, Mácta tự đặt mình vào tình trạng hết sức căng thẳng bởi vì bà, bằng sáng kiến riêng, rất giầu có trong việc hoạch định cách chào đón và lo liệu mọi sự cho Chúa. Đối với người giàu có, Nước Thiên Chúa luôn đến không đúng lúc, vì nó đòi hỏi tất cả không gian sẵn có, và không gian này đã bị tài sản riêng của họ chiếm hết. Do đó, sứ điệp không phải là tin mừng cho họ mà là sự bối rối, thậm chí có thể còn là phán xét nữa. Đức Maria là người thứ nhất tóm tắt một trong những đoạn chính của Cựu Ước khi ngài hát: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng”. Trước đó rất lâu, Anna, mẹ của Samuen, đã hát tương tự như vậy: “Người nâng người nghèo lên từ bụi đất; Người nâng kẻ túng thiếu lên khỏi đống phân ”(1 Sm 2: 8 và tương tự trong Tv 113: 7). Và Giuđítha cũng như vậy: “Ngài là Thiên Chúa của kẻ hèn mọn, Đấng cứu giúp kẻ bị áp bức, nâng đỡ kẻ yếu đuối, Đấng bảo vệ kẻ bị bỏ rơi” (Tl 9:11). Người nghèo, hay người hèn mọn (cùng một từ: anawim), là những người, vì cảnh nghèo của họ, vừa bị khinh thường vừa bị áp bức. Đối với họ, qua miệng các tiên tri, Giêhôva đòi đức công bằng, cả vật chất lẫn tinh thần (Am 2: 6; Is 3:15, 10: 2, v.v.). Tuy nhiên, điều này chỉ được ban cho họ trong Chúa Kitô, Đấng bắt đầu ngay các Mối phúc của Người bằng một mối phúc cho những người nghèo trong tinh thần, cũng là những người được “thanh tẩy” (katharoi, “trong sạch”), những người không thể bảo đảm công lý cho chính họ và vì thế, “Than khóc” và “đói khát sự công bình” và là người bị loài người “sỉ vả... và bách hại... và thốt ra đủ thứ xấu xa chống lại... một cách lầm lẫn” (Mt 5: 3–12). Mọi lời hứa hẹn của Thiên Chúa được dự ứng cho những người này, những người không có gì khác để mong đợi. Trong các dụ ngôn, họ có thời gian để đáp lại lời mời, trong khi những người giàu có hoàn toàn lo việc riêng của họ. Và vì họ không có gì, họ cảm thấy họ không là gì cả và xem mình là người đời đời mắc nợ Thiên Chúa, và vì vậy, cùng với người thu thuế, họ có thể đứng ở phía cuối đền thờ, thú nhận mình có tội và trở về nhà được công chính hóa. Những người nghèo này là những đứa con vĩnh viễn, không có tài ăn nói trước mặt Thiên Chúa, trong khi những “người lớn” và những người hiểu biết là những người giàu có, kinh sư và người Pharisiêu. Nhưng lời hứa của Thiên Chúa tuyên bố minh nhiên rằng “Ngày ấy..., Ta sẽ đuổi cho khuất mắt ngươi những kẻ kiêu căng đắc thắng,...Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Chúa, số dân Ít-ra-en còn sót lại” (Xôphônia, 3: 11–13). Người nghèo, thường bị khinh bỉ, bị coi thường và bị coi khinh như những con số tầm thường, nhưng trong lời công bố của Chúa Kitô họ là một với “những người nhỏ bé” hoặc “trẻ em” hoặc “người thấp hèn” hoặc “người cuối hết”. Họ là những người tầm thường, không quan trọng trên thế giới, về họ, không có gì để nói và không được coi trọng trong mắt con người; giống như những Kitô hữu ở Côrintô bị Thánh Phaolô nói thẳng vào mặt rằng: “trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có” (1 Cr 1: 26–28).

Không cần phải chứng minh một cách chuyên biệt đến mức nào, Chúa Kitô cũng hiểu sự nghèo khó này có nghĩa là sự nghèo khó thực sự, theo nghĩa đen mà Người muốn đặt các môn đệ vào trước và như một điều kiện chính, và chính Người cũng đã nêu gương về nó suốt cuộc đời Người. Và chỉ khi điều này hiện hữu, trước hết và trên hết, người ta mới có thể hy vọng rằng những người giàu có - cả về vật chất lẫn tinh thần - học hiểu đôi chút thế nào là nghèo “trong tinh thần”. Dĩ nhiên có thể người thu thuế có nhiều tài sản hơn người Pharisiêu. Nhưng nếu chúng ta không bắt đầu với sự nghèo khó vật chất, thì mọi điều vẫn chỉ là nói năng cao quí chứ không có gì xảy ra cả. Vì khi ấy, bất cứ người Pharisiêu nào “cho một phần mười tất cả những gì họ nhận được” (x. Lc 18:12), mọi người thu thuế “chia một nửa của cải cho người nghèo” (x. Lc 19: 8), đều có thể tưởng tượng họ đã là một trong những người nghèo trong tinh thần. Thật khác biết bao người đàn bà góa nghèo kia, người đã cho những người còn nghèo hơn mình những nhu yếu phẩm cơ bản nhất của mình và vì vậy, người đàn bà này đã làm giống như những môn đệ được chọn đã làm.

Trong Cựu Ước và đầu Tân Ước, cùng một ý nghĩa hữu hình như ý nghĩa nghèo khó hoàn toàn được nhìn ở nghĩa trần trụi thể lý, không có khả năng thụ thai, mang thai và đem nó vào đời. Một người phụ nữ như vậy là hoàn toàn nhục nhã; bà vừa bị khinh thường vừa đáng thương. Thậm chí bà không thể lo liệu được những gì một con thú có thể lo liệu; về phương diện con người, bà không trọn vẹn, là một nỗi thất vọng đối với chồng bà, đối với gia đình bà. Rất gần với sự hiếm muộn này trong Kinh thánh, vốn thường là điều kiện tiên quyết để Thiên Chúa hành động trong việc làm trọn các lời hứa của Người, như với Isaác, Giacóp, Samsong, Samuen, Gioan Baotixita, là sự nghèo khó và khiết trinh đó vì Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa, trung thành với các lời hứa của Người, quyết định không đem chúng tới chỗ ứng nghiệm bằng bất cứ cách nào khác. Đó là lý do tại sao Đức Maria tự mô tả ngài là humilis ancilla, “nữ tỳ thấp hèn” được Chúa từ trên cao đoái nhìn (x. Lc 1:48). Ân sủng sinh sản đối với Thiên Chúa là một điều gì đó hoàn toàn nghịch lý, như trong “Sách An ủi” của nữ tử Sion, người đã kêu lên khi nhìn thấy các con trai của mình, “Ai đã sinh cho tôi những đứa con này đây? Tôi vốn là kẻ đã mất con, là người son sẻ, thân phận lưu đày, số kiếp lẻ loi: những đứa con này, ai đã dưỡng dục chúng? Tôi đã bị bỏ lại một mình, vậy chúng từ đâu ra?” (Is 49:21). Tuy nhiên, thay vì kinh ngạc, bà phải khen ngợi: “Reo mừng lên, hỡi người phụ nữ son sẻ, không sinh con; hãy bật tiếng reo hò mừng vui, hỡi ai chưa một lần chuyển dạ, vì con của phụ nữ bị bỏ rơi thì đông hơn con của phụ nữ có chồng, Đức Chúa phán” (Is 54: 1, được thánh Phaolô nhắc lại trong Gl 4:27).

Tất cả những điều trên đưa chúng ta đến trung tâm của mạc khải, một mạc khải, quả thật, chỉ là tin mừng dành cho người nghèo và chỉ sinh hoa trái cho những người không có hoa trái, cũng như nó chỉ có trong sự vâng phục của đức tin, một sự vâng phục tự để mình được Lời Chúa dẫn dắt, vượt trên mọi sắp đặt số phận của chúng ta, để nó có thể trở thành “kho báu” trong Thiên Chúa, một “viên ngọc quý”, một “vật sở hữu” kỳ diệu (Is 57:13; Mt 5: 4; 19:29, v.v.). Chỉ có như vậy, vương quốc tiếp nhận của con người trần thế mới “tương ứng” với Người gieo giống thần linh, không phải bằng cách lắng nghe Lời một cách thoáng qua, đầy lơ đễnh, và sinh những trái mau mọc nhưng chóng thối rữa, mà bằng cách trì chí trong một hành vi đức tin thường hằng, vốn được biết đến như là hành vi chiêm niệm trong truyền thống của Giáo hội. Đó là thái độ của một tâm hồn hoàn toàn rộng mở liên tiếp lắng nghe Lời Chúa. Như Mẹ Maria của chúng ta, đấng đã “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19, 51). Giống như Maria làng Bêtania, người kiên trì đón nhận Lời chiêm niệm tinh ròng, đã làm “một điều duy nhất cần thiết”.

Kỳ sau: Tính ưu việt của việc chiêm niệm trong đức tin