III Thiên Chúa ở trước chúng ta, hay Kitô hữu là ai?

Đi thẳng vào tâm điểm



Ngay từ đầu, chúng ta đã nói rõ cần phải nhớ quy tắc luận lý đơn giản này: nhận thức về một điều gì đó chỉ được thiết lập rõ ràng nhất khi nó được trình bầy dưới hình thức tinh ròng nhất (1). Bất cứ ai khi muốn khám phá bản chất thật của con ngựa hoặc của con lừa mà lại đi kiểm tra con la, thì tất nhiên sẽ gặp khó khăn. Bất cứ ai muốn nghiên cứu yếu tính của một Kitô hữu bằng cách phân tích một người không thể quyết định xem mình có nên trở thành một Kitô hữu hay không, tức một người hiểu phần nào các đòi hỏi của việc này nhưng thiếu can đảm để đáp ứng chúng; người biết hoặc cảm nhận họ không thể tạo ra được một khuôn dạng đủ sáng sủa để thuyết phục bản thân hoặc người khác, thì quả họ đang điều tra một đối tượng lầm lẫn. Điều này rõ ràng đối với đối tượng của chúng ta, tức Kitô hữu, thậm chí dứt khoát rõ ràng hơn những đối tượng khác vì, theo lời của chính Chúa Kitô, bản chất của họ liên tục được xác định bởi một lựa chọn căn bản. Chúa Kitô cho chúng ta sự lựa chọn này, một sự lựa chọn không nên bị coi như một con đường đơn thuần dẫn vào cuộc sống Kitô hữu (như thể nằm ở bên ngoài nó) nhưng như một điều gì đó trùng hợp với cuộc sống này, cả ở lúc khởi đầu lẫn trong bản chất yếu tính của nó. Nếu suy nghĩ theo thang đi lên của các thái độ khả hữu Kitô hữu, từ thỏa hiệp thấp nhất còn được chấp nhận như thành phần của hiện sinh Kitô hữu, cho đến hình thức cao nhất, ít thoả hiệp nhất, thì tất cả chúng ta sẽ thấy ý niệm này càng tỏa rạng sức mạnh và bằng chứng soi sáng của nó một cách rõ ràng, thì hình thức Kitô hữu càng chiếm ưu thế một cách nhất quán hơn trong đời sống ta. Vị “thánh” ngay thẳng (vì cũng có những vị thánh quanh co) là người chúng ta không thể nghi ngờ. Có lẽ, đôi khi người ta có thể nghe thấy những lời như, “Ước chi các ngài cũng giống như bạn... ”. Ở đây, chúng ta nên lưu ý điều này: vị “thánh” (tức người thánh thiện), người cố gắng hết lòng sống đời sống Kitô hữu, cũng là người hiểu rõ nhất và sâu sắc nhất bản thân mình là người tội lỗi biết chừng nào. Những người khác có người coi nhẹ khoảng cách phân chia hoặc cam chịu bất cứ điều gì ngăn cách họ khỏi sự dấn thân trọn vẹn. Có người tự làm theo lương tâm của họ. Còn thánh nhân thì cố gắng nhìn mình trong ánh sáng tinh ròng của ân sủng và điều răn yêu thương của Thiên Chúa, và do đó, cuối cùng đã hoàn toàn khiêm hạ và tước bỏ mọi ảo tưởng, bao xa có thể. Kitô hữu là ai? Nếu chúng ta muốn tiến đến một câu trả lời, thì chúng ta không nên lãng phí thời gian vào những điều bên lề thấp hơn hoặc ở bên ngoài (như “một người đã được rửa tội”, “một người chu toàn nhiệm vụ mùa Phục sinh của mình”, v.v.) mà phải đi thẳng vào tâm điểm. Người chủ trương tối thiểu [minimalist] là người rất rắc rối, vì không ai hiểu họ được, họ mờ mịt, từ họ, người ta không mong có được một thông tri nào rõ ràng. Ngược lại, người chủ trương tối đa [maximalis], nếu hạn từ này thích hợp ở đây, nhưng thực ra không thích hợp, đại diện cho một con người đơn giản, sáng sủa, thực sự đơn giản đến mức họ là người duy tối thiểu thực sự, vì mọi phức tạp đã được tích hợp trong họ. Như Thánh Phaolô nói với chúng ta, đối với người duy tối thiểu, một danh sách cấm cản vô tận đã được đặt ra, đến nỗi người ta khó hiểu được đâu là các vấn đề quan trọng hơn; đối với người duy tối đa, nghĩa là người phấn đấu hướng về Chúa Kitô, tất cả những giới luật tiêu cực này được rút gọn thành một giới luật duy nhất, và bất cứ ai chu toàn giới luật này là chu toàn mọi giới luật khác, dù như thể qua loa. Và, Chúa Kitô nói với chúng ta, giới luật này không khó.

Trước hết, cần phải phác thảo viễn ảnh phương pháp luận này, trước khi thăm dò các vấn đề liên quan đến một định nghĩa thực sự cho các thuật ngữ.

Làm thế nào hòa giải những điều không thể hòa giải?

Hạn từ “Kitô hữu” bắt nguồn từ Chúa Kitô. Yếu tính Kitô hữu thăng trầm với yếu tính của Chúa Kitô. Điều này phần lớn rõ ràng. Nhưng bây giờ câu hỏi lấp ló phía sau được đặt ra: Mối liên hệ chủ yếu nào, kiểu hiệp thông nào có thể hiện hữu giữa Chúa Kitô và Kitô hữu?

Quả quyết đầu tiên và không thể bỏ qua đối với tất cả những ai thực sự tin vào con người và việc làm của Chúa Kitô là: Chúa Kitô là Con Một của Đức Chúa Cha, Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người, Đấng Cứu Chuộc duy nhất, Đấng trên Thập giá đã đền tội cho mọi người; cũng là “Con đầu lòng” của những người từ cõi chết sống lại, Đấng, theo thánh Phaolô, là người “ưu việt” trong mọi sự (Cl 1:18). Điều Người là, điều Người làm, những gì được Người tạo ra, đều được chứa đựng trong tính độc đáo hoàn toàn của phẩm giá thần linh và phàm nhân của Người. Người tích cực cứu chuộc chúng ta: chúng ta là những người được cứu chuộc một cách thụ động nhờ Người. Mọi sự chúng ta làm sau đó, một cách tích cực, để đáp trả, mãi mãi hệ ở tính thụ động khởi đầu này, thừa nhận nó bằng đức tin, công bố nó bằng chứng tá. Làm chứng là điều mang lại hình thức thống nhất cho trọn việc chúng ta là và làm trong tư cách Kitô hữu. Đó là quả quyết rõ ràng đến nỗi Thệ Phản chính thống dừng lại ngay tại đó. Đối với mọi điều có thể thêm vào sau đó dường như làm cho nó trở nên ít rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, sẽ là một điều tốt nếu ta ghi nhớ các trình thuật của Tin Mừng về khía cạnh này. Thoạt nhìn, theo quan điểm trên, có vẻ như đây là một người xuất hiện trước mọi người, có tài tiên tri, người trong lời rao giảng của mình công bố Nước Thiên Chúa, người, qua các phép lạ, ra lệnh phải tôn trọng sứ mệnh Thiên Chúa chỉ định cho Người và sau cùng là đức tin vào chính con người của Người, người cũng tập hợp xung quanh mình một nhóm nhỏ bạn đồng hành, những người mà Người đã chọn để chứng kiến và ghi lại những lời nói và việc làm của Người và cuối cùng, sau khi Người chết và sống lại, để “trở thành nhân chứng của Thầy ở Giêrusalem và ở khắp miền Giuđê và Samari và cho đến tận cùng trái đất ”(Cv 1: 8). “Tầng” [stratum] đầu tiên của tư cách môn đệ Kitô hữu này chắc chắn hiện hữu và còn kéo dài cho đến tận cùng. Mệnh lệnh làm chứng đã kết thúc các Tin Mừng Mátthêu và Luca và khai mở Sách Công vụ, là sách cùng với các Thư chứa đựng trình thuật về việc làm chứng này.

Và nó không dừng lại ở đó. Chúa Kitô không chỉ nói và hành động trước mặt người ta, nhưng Người thực sự còn đi với họ và mời họ cùng đi với Người. Điều này được biểu lộ dưới hình thức hết sức hiển hiện trong việc kêu gọi các tông đồ. “Và Người... đã gọi đến với Người những người mà Người mong muốn; và họ đã đến với Người. Người đã cử mười hai người ở với Người và sai đi rao giảng ”(Mc 3:13–14). Trong các trình thuật khác của việc kêu gọi, cụm từ sequere me đã xuất hiện, mà ta có thể dịch một cách đại cương là “hãy theo sau tôi”, miễn là người ta hiểu chữ “sau”, không theo nghĩa lẽo đẽo đi theo Người, mà như một liên hệ Thầy trò, trong đó đệ tử, khi theo Thầy, được nhận vào thế giới bên trong của Thầy và được dẫn dắt về mặt tâm linh trong đó. Càng nhìn xa hơn, “việc ở cùng” này càng có vẻ là hình thức phổ biến của cuộc sống của Chúa Kitô trên trái đất. Người bắt đầu sự hiện hữu của Người trong lòng Mẹ, đấng đã tuyên bố Lời xin vâng của ngài đối với Lời Thiên Chúa; Người dành cả tuổi trẻ của mình trong lòng một gia đình, nơi Người rời bỏ vài ngày để lưu lại “giữa các bậc thầy”, lắng nghe và đặt câu hỏi. Người bắt đầu cuộc sống công khai của mình bằng việc thành lập một cộng đồng môn đệ; Người biến hình trước mặt ba môn đệ này, cùng với Môsê và Êlia, và tỏ ra buồn khổ trước mặt cùng ba môn đệ này ở Vườn Cây Dầu. Người bị đóng đinh với hai tên tội phạm, những người bị treo bên phải và bên trái Người. Cả trong sự Phục sinh của Người, Người cũng không cô độc, nhưng, khi các ngôi mộ được mở tung vào Thứ Sáu Tuần Thánh, “nhiều thi hài của các thánh vốn yên nghỉ trước đó đã sống lại, và ra khỏi mộ sau khi Người sống lại, họ đi vào thành thánh và đã hiện ra với nhiều người ”(Mt 27: 51– 53). Và, sau khi Phục sinh, khi Người bước đi và nói chuyện với các môn đệ trên đường quê dẫn đến Emmaus, Người bày tỏ đến cùng mong muốn được ở với họ.

Nhưng mức độ “ở cùng” này thúc đẩy họ tiến lên, không ngừng hiện hữu, lên tới mức độ thứ ba của tình thân mật tối thượng, mức “ở bên trong”, hay ngụ cư ở bên trong [indwelling], điều mà Người hoàn toàn thể hiện trong mầu nhiệm Bánh và Rượu, điều mà Người vốn “ao ước” và trước đây đã ám chỉ bằng nhiều dấu hiệu và lời hứa và là điều được Người coi như kết hợp với cái chết cứu chuộc của Người. Cả điều này nữa, Người cũng đã dự ứng, bằng thẩm quyền tối cao, và, khi sắp chết, đã tự chia mình cho những kẻ thuộc về Người, làm Sự sống trường tồn, nay hiện diện khắp mọi thời đại. Lời cầu nguyện cuối cùng của Người với Chúa Cha rõ ràng đã đóng ấn cho việc ngụ cư bên trong đã đạt được này, họ thẩy đều là một trong Người và Người ở trong họ, cũng như Người là một với Chúa Cha. Và Người đặt trọn hy vọng của Người vào “việc nên một” qua “việc ở trong” này, vì nhờ việc này, thế giới nhận ra sứ mệnh thần linh của Người. Các môn đệ, vẫn còn lững thững trong sứ mệnh làm chứng của họ, lấy được sức mạnh từ ý thức đầy đức tin về việc họ ngụ cư trong “trong Chúa” và việc Người ngụ cư trong họ (“Chúa Kitô sống trong tôi”).

Chúng ta đã quá quen thuộc với những khái niệm này đến nỗi gần như chúng ta không còn tri nhận được bản chất nghịch lý của chúng. Vì theo mức các môn đệ làm chứng cho cách thức Người độc đáo hiện diện trước mặt họ, Người cũng mãi “ở với” họ, thậm chí ở trong họ — cho đến tận cùng, Đấng Duy Nhất này; quả thế, chúng ta còn phải đi xa hơn nữa và nói rằng: Người càng ở với họ, họ càng mở rộng tầm mắt trước tính độc đáo của Người; Người càng ở trong họ, họ càng sống nhờ và chia sẻ sự sống của Người, họ càng ít nhầm lẫn họ với Người, Người càng nâng Người lên trên họ, như Kyrios, như Chúa. Với sự gần gũi, ý thức cách biệt càng gia tăng; với sự hiểu biết sâu sắc về việc tự hạ mình khôn lường của Người, sự hiểu biết càng tăng rằng, mọi sự vĩ đại không thể tưởng tượng được của Người đều ở chính chỗ này và được hiển thị. Người càng dồn sức mạnh của Người vào sự bất lực của đau khổ, người ta càng thấy rõ rằng chỉ một mình Người mới có quyền “hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên của mình” và “lấy lại mạng sống đó” (x. Ga 10: 15–18), rằng một mình Người, nhân danh mọi người còn lại, có thể chịu đau đớn và chết và sống lại từ cõi chết. Và vì thế, người môn đệ, người mà nhờ tình thân mật với Chúa Giêsu, nắm được điều này trong đức tin, đã được điều hướng nhiều lần hướng tới và, có thể nói như thế, bị ném trở lại nhiệm vụ làm chứng.

Kitô giáo ngày nay, mệt mỏi với các thực hành thuần túy bề ngoài, nên đã tập trung tình yêu và sự chú ý của mình vào việc làm chứng cho Chúa Kitô. Témoignage [chứng từ] là chữ chúng ta nghe thấy ở Pháp từ đủ các bên và thường gần như phát chán. Đời sống của các linh mục thợ là témoignage, cuộc sống của các Tiểu Đệ và Tiểu Muội là témoignage, cuộc sống của cộng đồng tân thế giới được nhìn như vậy, cũng như mọi hình thức sống Kitô giáo nghiêm túc trong Giáo hội và thế giới. Bất kể diễn tiến này sốt sắng đến đâu so với thứ tôn giáo giả hình của giai cấp tư sản hâm hấp, và bất luận thuật ngữ “làm chứng” cũng có thể bao gồm cả việc “ở cùng” và “ở trong” (theo nghĩa đầy đủ nhất là tử vì đạo) đến mức nào, nếu xét trong chính nó, nó cũng là một việc có thể được giải thích theo nghĩa duy tối thiểu, như thể làm chứng cho một biến cố đã hoàn tất về phương diện lịch sử. Theo nghĩa này, trong trường hợp cực đoan, ngay một người không tin cũng có thể làm chứng cho việc đóng đinh và “ngôi mộ trống”. Và việc cử hành thánh thể cũng có thể được giải thích như một cử hành tưởng niệm, để tưởng nhớ một cách biết ơn ơn cứu chuộc đã hoàn tất, đúng hơn như hành động hiển hách của Giuđít chống quân địch được dân Israel hân hoan cử hành hàng năm và “được người Hípri đón nhận trong số ngày thánh... từ thời đó cho đến ngày nay ”(Gdt 16:31, Bản Phổ Thông). Nhưng lối hiểu như vậy về việc cử hành cộng đồng rõ ràng là không đủ; không chỉ vì các Kitô hữu khi làm như vậy hẳn đã cảm nghiệm Lời Chúa như một lời hiện diện và thăng tiến (trong Chúa Thánh Thần), mà còn bởi vì khi Truyền phép và khi Rước lễ, Chúa “được tưởng niệm” hiện diện trong thực tại thể xác và thiêng liêng của Người, trước họ, với họ, trong họ.

Các Tin Mừng dạy chúng ta rằng điều này là như thế, và Kitô hữu tin như vậy. Tuy nhiên, họ cố gắng tìm hiểu những gì họ tin: Làm thế nào có thể có việc thực tại độc đáo, không thể so sánh của Chúa Kitô không những ở trước mặt chúng ta mà còn ở với chúng ta và ở trong chúng ta? Làm thế nào có thể có việc chúng ta thực sự là một phần của hành động này mà nó không cần phải ngưng là yếu tính và hành động của Thiên Chúa duy nhất? Ở đây cần lưu ý rằng đây không phải là vấn đề tinh tế vô nghĩa mà đúng hơn, là trọng điểm cần được làm sáng tỏ nếu một câu trả lời cần phải đem lại cho câu hỏi tiêu đề của chúng ta. Cũng cần lưu ý rằng trong cuộc đối thoại đại kết với phe Thệ Phản, các vấn đề có tính quyết định nằm chính ở chỗ này chứ không phải ở chỗ nào khác.

Kỳ sau: Điểm mấu chốt