Người ta đã tìm thấy một hội đường Do Thái 2,000 năm tuổi ở nơi được cho là quê hương của Bà Maria Magdalena.

Hội đường Do Thái này là hội đường thứ hai được tìm thấy trong khu vực Magdala cổ đại, sau giáo đường đầu tiên được tìm thấy vào năm 2009 trong quá trình xây dựng trung tâm du khách Công Giáo ở thị trấn - nay được gọi là Migdal - ngoài khơi Biển Galilê ở miền bắc Israel.

Có niên đại từ thời kỳ Đền Thờ Thứ Hai, cả hai hội đường này có thể đã hoạt động khi Chúa Giêsu đến thăm thị trấn, như được ghi lại trong Phúc âm Thánh Matthêu.

Thời kỳ Đền Thờ Thứ Hai trong lịch sử Do Thái kéo dài từ năm 516 trước Chúa Giáng Sinh đến năm 70 sau Chúa Giáng Sinh, khi Đền thờ thứ hai của Giêrusalem tồn tại. Các giáo phái Pharisêu, Sa đốc, Essenes, Zealot và Kitô Giáo sơ khai đã được hình thành trong thời kỳ này. Thời kỳ Đền thờ thứ hai kết thúc với Chiến tranh Do Thái-La Mã lần thứ nhất và Đền thờ Giêrusalem bị quân La Mã tàn phá.

“Thực tế là chúng tôi tìm thấy hai nhà hội cho thấy rằng người Do Thái trong thời kỳ Đền Thờ Thứ Hai đã tìm kiếm một nơi để tụ họp tôn giáo và có lẽ cả về mặt xã hội. Việc chúng tôi tìm thấy một phiến đá khắc mô tả Đền Menorah trong giáo đường Do Thái khác làm nổi bật mối liên hệ giữa Giêrusalem và các cộng đồng cấp dưới,” Dina Avshalom-Gorni, giám đốc cuộc khai quật thay mặt cho Đại học Haifa, cho biết.

Trong Tân Ước, Chúa Giêsu rao giảng và giảng dạy trong các hội đường ở miền Galilê, và việc khởi đầu sứ vụ công khai của Ngài được Phúc âm Luca đánh dấu bằng việc Ngài đọc từ một cuộn sách tiên tri Isaia trong một hội đường ở Nagiarét.

Nhiều học giả tin rằng Magdala là thị trấn ven biển mà Chúa Giêsu đã đến thăm bằng thuyền sau khi cho 5,000 người ăn, được ghi lại trong các sách Phúc âm của Thánh Máccô và Thánh Matthêu. Tuy nhiên, trong các trình thuật, Chúa Giêsu bị những người Pharisêu và người Sađốc trong thị trấn chất vấn, và Ngài rời khỏi thị trấn bằng thuyền.
Source:Crux