Các vua nhà Nguyễn, giới Văn Thân và sự bại vong của Việt Nam (Phần IV)

LTS : Bài nghiên cứu dưới đây của Giáo Sư Tôn Thất Thiện, được đăng trong nguyệt san Thông Luận số 191, ra ngày 17/04/2005, đề cập đến nhiều vấn đề như văn hóa Khổng Nho, Văn Thân, Công Giáo.

VietCatholic xin trích đăng lại bải khảo cứu giá trị này với mục đích cung cấp thêm tài liệu cho những ai muốn hiểu thêm về lý do tại sao triều đình và lớp sĩ phu Việt Nam đã không giữ được nền độc lập cho nước nhà. Tuy nhiên, nội dung các bài nghiên cứu được trích đăng từ các mạng lưới điện toán khác không nhất thiết phản ảnh quan điểm và lập trường của VietCatholic.

Riêng với người Công Giáo, đây là tài liệu giải thích vì sao vua quan nhà Nguyễn, nhất là Văn Thân đã nhân danh văn hoá Khổng Nho để tàn sát người Công Giáo


Các vua nhà Nguyễn, giới Văn Thân và sự bại vong của Việt Nam

Phần IV


Trong suốt thời gian trị vì (1847-1883), vua Tư Đức luôn có một thái độ cứng rắn, không nhân nhượng. Khi thấy trực chiến không thể được, vua vẫn không chịu hòa mà chỉ theo một chính sách "trì cửu", nghĩa là "hòa để thủ, thủ để mưu chiến". Mà "thủ để mưu chiến" là một chính sách chiến, không phải hòa. Vua đã phải nhượng ba tỉnh Nam Kỳ năm 1862 để giữ vững Bắc Kỳ vì tin rằng sẽ "phục hưng", "giải phóng" mấy tỉnh đó về sau. Vua buộc phải ký hòa ước 1874 sau khi các giới Văn Thân chém giết người Công giáo và kêu gọi quân Tàu can thiệp chống Pháp, khiến Pháp đánh lấy Bắc Kỳ, nhưng hòa ước này chỉ nhượng chủ quyền về ngoại giao. Trước sự chống đối của giới Văn Thân và sự can thiệp của quân Tàu khiến Pháp một lần nữa đánh chiếm Thuận An, uy hiếp kinh đô, và ép triều đình Huế ký hòa ước 1883, tước chủ quyền lẫn ngoại giao lẫn nội trị của Việt Nam, lập lên cuộc bảo hộ. Nhưng ngày quân Pháp chiếm Thuận An thì vua Tự Đức vừa băng. Sau này, cuộc đột kích của Tôn Thất Thuyết đêm 4 và 5 tháng 7, 1885 dẫn đến sự chiếm đóng kinh đô, kể cả cung điện nhà vua, và áp đặt một chế độ bảo hộ càng nặng hơn nữa. Trong suốt những chuyển biến trên, không hề có chuyện vua Tự Đức "rước voi về giày mồ".

Cho nên, trong sự áp đặt bảo hộ, tước hết quyền hành đối ngoại và đối nội của Việt Nam, trách nhiệm thực sự là của giới Văn Thân. Việt Nam đã phải ký những những hòa ước tai hại vì giới Văn Thân nóng nảy, chủ quan, không hiểu gì tình hình, đã gây ra những tình thế buộc triều đình phải ký dưới sự đe dọa bị tiêu diệt. Sở dĩ có các hòa ước 1862, 1874, 1883 và nhất là 1884, là vì phía ta khiêu khích voi, nó giận dữ và xông vào giày mồ chúng ta. Sau 1885 thì không cần ai khiêu khích cả, voi đã quen đường cũ cứ vào đạp vì không còn ai đủ sức ngăn cản nó. Giới khiêu khích đó là nhóm Văn Thân, nhưng vừa không có khí cụ vừa thiếu mưu kế nên đất nước mới bị suy vong.

Ta có thể trách vua Tự Đức đã sai lầm trong sự chọn lựa giải pháp chiến và không đẩy mạnh cuộc canh tân xứ sở để có khả năng chống lại sự xâm lấn của Pháp. Nhưng vua không thể bất chấp ý kiến của đình thần. Như chúa Nguyễn Phước Ánh đã nói với giám mục Bá Đa Lộc : bất chấp dư luận là dẫn đến loạn. Hơn nữa, vua cũng như các đình thần là sản phẩm của nền giáo dục Khổng Nho kiểu Trung Hoa, do đó cách xử trí của vua hoàn toàn theo khuôn mẫu đó. Nói tóm lại vua và triều đình là nạn nhân của nền văn hóa Khổng Nho.

Nhóm Văn Thân, cũng vậy. Họ cũng là sản phẩm của nền giáo dục Khổng Nho, do đó đã chỉ phản ứng đúng như những gì đã học, nghĩa là rất giống vua và các quan lại của triều đình. Cái khác biệt là họ rất nóng nãy vì không thích ứng với tình hình mới, và nhất là rất sợ mất vai trò nếu nền văn hóa Khổng Nho mà họ theo không còn nữa.

Ở đây cũng cần nhận định lại về một quan niệm khá phổ biến trong lịch sử Việt Nam, nhất là của những người tự nhận là "cách mạng", là những giới Văn Thân là "yêu nước" và vua Tự Đức và triều đình nhà Nguyễn là "không yêu nước". Những người trong giới Văn Thân thấy nước nhà bị lấn áp, xâm lăng, dày xéo, đã đứng lên chống lại. Đó là một hành động khí khái, can đảm, có tính yêu nước. Nhưng cách yêu nước đó, trong thế nước vô cùng yếu, trong một tình hình quốc tế vô cùng bất lợi, đã làm mất nước. Như vậy, xét về mặt thực tế, hữu hiệu, có phải là thật sự là một hành động yêu nước đáng tán dương hay không ?

Vua Tự Đức và triều đình bị mang tiếng là "không yêu nước" vì đã ký những hòa ước nhục nhã. Nhưng xét cho cùng, vua và triều đình không hề chủ trương đầu hàng Pháp và luôn luôn chủ chiến. Nhưng sau khi thấy rõ chiến không thắng được thì vua chuyển qua kế "trì cửu", "thủ để mưu chiến". Nhưng kế hoạch này đã không thực hiện được một phần vì sự canh tân đã bắt đầu quá trễ. Đúng ra thì sự canh tân phải bắt đầu từ thời Minh Mạng, nhưng vua không thực hiện được vì sự ù lỳ của các Nho sĩ. Vua Tự Đức cũng gặp một sự ù lỳ như vậy bởi vì giới Nho sĩ, do hấp thụ văn hóa Khổng Nho, mô hình Trung Quốc quá nặng, đã cản trở mọi ước vọng canh tân. [...]

Chính sách cấm đạo, bài đạo của vua lẫn triều đình cùng giới Văn Thân là hậu quả của lối nhìn hẹp hòi của những người xuất thân từ khuôn mẫu Khổng Nho. Có thể nói là vấn đề Công giáo chỉ là một chuyện bé xé ra to một cách tai hại. Theo giám mục Pellerin, năm 1881, Đại Nam có 600.000 giáo dân. Chắc chắn đây là một con số thổi phồng. Nếu ta lấy một con số phải chăng, 400.000, thì so với tổng số dân hồi đó, ước lượng khoảng 14 triệu người, thì tỷ lệ người Công giáo ở mức 2,8 %. Đây là một con số không đáng kể sau hơn ba thế kỷ truyền giáo, và nhất là sáu năm sau khi hòa ước 1874 cho Công giáo được công khai và tự do hoạt động trên khắp cõi Việt Nam, do đó không đáng quan trọng hóa đến mức đánh liều đương đầu với Pháp để rồi mất tất cả. Nếu sáng suốt hơn một chút, các vua Gia Long và Minh Mạng có thể điều đình với Tòa Thánh Vatican để giải quyết vấn đề này một cách ổn thỏa.

Tóm lại, xã hội Việt Nam giữa thế kỷ XIX lâm vào thế bế tắc, không đương đầu được với những vấn đề mới được đặt ra trong sự tiếp xúc với một văn minh mới và lạ, văn minh Tây phương. Mới đầu, Việt Nam, cũng như Trung Quốc, khi miệt người Tây phương là man di, văn minh của họ là tả đạo. Nhưng khi bị đám người này đánh bại thì lại sinh ra luýnh quýnh, không biết xử trí làm sao cả. Sự bế tắc này là hậu quả của một nền giáo dục chỉ huấn luyện những con người để tuân lệnh chứ không phải để suy nghĩ, do đó họ chỉ hoạt động rập khuôn theo những gì đã được giáo dục, nghĩa là hướng về quá khứ, chú trọng về văn chương, kinh sử, đạo lý, không chú tâm gì đến khoa học, thực vật, nên không tin và không hấp thụ được những tiến bộ khoa học, kỹ thuật của các quốc gia Tây phương, nhất là cách tổ chức xã hội khoa học và thực dụng.

Chính vì được giáo dục từ ngàn năm trong nền văn hóa đó nên xã hội ta lâm vào bế tắc, không chấp nhận thay đổi, văn hóa bị xơ cứng. Toàn thể xã hội Việt Nam, chớ không riêng gì vua, triều đình, hay giới Văn Thân, là nạn nhân của tình trạng này. Trong những thập niên qua, nhiều chính trị gia và học giả Việt Nam đặt nặng vấn đề chính trị, cho rằng thay đổi thể chế chính trị là giải pháp cứu nước Việt Nam, nhưng nay rõ ràng rằng vấn đề không phải vậy. Ngày nay, sau 50 năm "tranh đấu" và đã độc lập rồi, các chế độ bảo hộ-thực dân, quân chủ-phong kiến đã bị loại bỏ, nhưng tình hình vẫn không thay đổi, xã hội Việt Nam vẫn còn mang nặng dấu ấn của nền văn hóa Khổng giáo, khuôn mẫu Trung Hoa.

Hy vọng sẽ có nhiều học giả trẻ, nhứt là học giả thuộc tộc Nguyễn Phước, chịu bỏ công bỏ thì giờ và áp dụng những lối tiếp cận mới, để làm sáng tỏ việc này.