Học hỏi Thư Mục Vụ HĐGMVN: Lời quyền năng cứu độ (5)

(Tài liệu học hỏi Thư Mục Vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 2005)

Sống Lời Chúa: Bài 5: Lời quyền năng cứu độ

Thiên Chúa dùng Lời của Ngài để sáng tạo nên vũ trụ vạn vật và con người, và cho con người cũng như vạn vật được thông dự vào hạnh phúc viên mãn của Ba Ngôi. Khi tội lỗi đã làm cho con người xa lìa Thiên Chúa thì vì yêu thương và muốn cứu độ con người mà Thiên Chúa đã ngỏ lời với con Người. Như vậy Lời Chúa là lời quyền năng sáng tạo đồng thời Lời Chúa còn là lời quyền năng cứu độ. Thư Mục vụ viết : “Tất cả những gì Thiên Chúa muốn mạc khải cho chúng ta qua Thánh Kinh đều nhằm mục đích cứu độ chúng ta cùng với tất cả mọi loài thụ tạo” (số 5). Cũng chính vì thế mà Công đồng Vatican 2 lưu ý chúng ta là khi nghiên cứu Thánh Kinh, ngoài những yếu tố nhân loại như cá tính và văn phong của tác giả, không bao giờ được quên rằng Thánh Kinh chủ yếu chứa đựng những chân lý cứu độ mà Thiên Chúa muốn truyền đạt cho con người” (MK12).

Thời Cựu ước:Trong suốt quá trình lịch sử dân tộc của mình, Israel luôn thâm tín và cảm nghiệm được rằng Giavê là Đấng cứu độ, còn dân thì được Thiên Chúa yêu mến và cứu độ. Lời Thiên Chúa phán ra thực hiện kế hoạch của Ngài: tha thứ tội lỗi, giải thoát khỏi cảnh lưu đày, thiết lập Giao ước, ban Đất Hứa... Lời quyền năng cứu độ của Chúa thực hiện mệnh lệnh Chúa truyền.

Mỗi khi dân tộc đất nước lâm nguy, gặp tai hoạ, Israel luôn nhớ đến Giavê và xin Ngài giải cứu. Lịch sử Dân riêng là một chuỗi những tội-phạt-hối-cứu. Dân phạm tội bất trung, Chúa gửi hình phạt đến, họ hối lỗi và Chúa lại cứu.

Thời Tân ước: Lời quyền năng cứu độ được thể hiện rõ nét và hoàn toàn nơi Đức Giêsu. Đọc Tin Mừng chúng ta thấy đầy ắp những sự kiện làm chứng Đức Giêsu là Lời quyền năng cứu độ của Thiên Chúa. ‘Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1,22). Lời Chúa phán làm cho sóng yên biển lặng, các tông đồ đã hoảng sợ, kinh ngạc và nói với nhau : Người này là ai mà ra lệnh cho cả sóng gió, và sóng gió phải tuân lệnh (Lc 8,25). Lời Chúa phán làm tiêu tan bệnh tật. Chúa nói với người phong hủi : Tôi muốn, anh sạch đi. Lập tức chứng phong hủi biến khỏi người ấy (Lc 5,13).Lời Chúa phán ra xua trừ ma quỷ. Tin Mừng Luca kể ở hội đường Capharnaum có một người bị quỷ thần ô uế nhập. Đức Giêsu đã truyền cho quỷ rằng : Câm đi, hãy xuất khỏi người này. Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường rồi xuất khỏi anh ta (Lc 4,35).

Lời Chúa không những chữa lành bệnh tật mà còn tha tội là nguyên nhân sinh ra bệnh tật. Với bệnh nhận bại liệt nằm trên giường được thả từ trên mái nhà xuống, Đức Giêsu bảo : Này anh, anh đã được tha tội rồi (Lc 5,20). Cũng trong trường hợp ấy, Tin Mừng theo thánh Matthêu kể là có mấy kinh sư lẩm bẩm trách Chúa phạm thượng, Người trả lời rằng : Trong hai điều : một là bảo : con đã được tha tội rồi, hai là bảo : Đứng dậy mà đi, điều nào dễ hơn. Vậy để các ông biết : ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội... (Mt 9,3-6).

Sau cùng, Lời Chúa nói làm cho người đã chết được sống lại. Với anh thanh niên con bà goá ở Naim, Chúa nói : Này người thanh niên, tôi bảo anh : hãy chỗi dậy. Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói (Lc7,14). Còn khi làm cho Lazarô đã chết 4 ngày được sống lại, Chúa nói : Anh Lazarô, hãy ra khỏi mồ. Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải và mặt con phủ khăn (Ga 11,43).

Thánh Kinh chứa đựng Lời Chúa mà Lời Chúa là Lời quyền năng cứu độ. Lời Chúa không phải để làm thoả mãn trí tò mò của con người, cũng không trả lời cho những vấn nạn khoa học; nhưng Lời Chúa soi sáng tâm hồn, thanh tẩy con tim, hướng dẫn cuộc đời, đem lại bình an, mang đến sự sống.

Vì Thánh Kinh chứa đựng Lời Chúa, mà Lời Chúa là Lời quyền năng cứu độ nên các Giám mục viết :"bầu khí thuận lợi và lý tưởng để đọc Lời Chúa vẫn là bầu khí cầu nguyện, nghĩa là đọc trong Chúa Thánh Thần và trong sự hiệp thông với truyền thống sống động của Giáo hội" (số 9).