Một kỷ niệm Giáng Sinh tuổi thơ

Hơn bốn mươi năm về trước, mỗi lần Giáng Sinh về, cũng như ngày Tết vậy, miền quê tôi thường gói bánh tét, bánh ít, và đêm NoeŠl, h?u như nhà nào trước sân cũng bập bùng ánh lửa với cái nồi thật to, có khi là cái thùng thiết, để hấp bánh, chờ thánh lễ đêm tan về, quay quần bên nhau mừng Chúa Giáng Sinh.

Lúc ấy tôi còn rất bé, mẹ bảo ở nhà canh chừng chụm củi nồi bánh, thật ra là để tôi ngủ, còn mẹ và ba đi lễ. Nhà tôi ở khá xa nhà thờ, xóm tôi ở lại rất ít người, đường đến nhà thờ lại phải đi qua đất thánh, lúc ấy còn nhỏ, tôi sợ … ma lắm, nên mẹ cho đi lễ sáng là mừng lắm !

Thời điểm đó, tôi là đứa con duy nhất trong gia đình, nên mẹ tôi bảo tôi rủ người anh bà con tuổi gần gấp đôi tuổi tôi đến ngủ cho vui. Mẹ biết ở nhà một mình tôi chẳng bao giờ dám !

Hai anh em trải chiếu trước hiên nhà, nằm canh chừng nồi bánh. Chỉ có nồi bánh là dấu hiệu duy nhất nói lên đêm ấy là đêm Giáng Sinh, ngoài ra, rất vắng lặng.

Trời đầy sao. Gió lành lạnh. Người anh bà con của tôi, tuổi chừng mười lăm mười sáu, nhảy xuống sân, lấy mấy gốc củi thật to đút thêm vào bếp lửa. Tiếng củi cháy nổ đì đạch. Chúng tôi nói chuyện thật vui. Tuổi thơ hồn nhiên, vô tư, nên giấc ngủ cũng rất dễ dàng đến.

Chợt có tiếng “ xoảng ” vang lên, và có tiếng chân chạy. Anh tôi lồm cồm ngồi dậy, kéo tay tôi và la lên : “ An Trộm ! An trộm ! ”. Tôi bật dậy. Anh tôi lẹ lắm, đã nhảy xuống đất rồi – nhà ở miền quê của tôi thường là nhà sàn để tránh nước lũ, tôi cũng nhảy theo. Những thanh củi đã cháy lan ra khỏi bếp lửa, ánh lửa sáng lên dễ dàng nhận ra cái nắp vung nồi đã rơi xuống đất. Anh tôi chụp lấy một thanh củi to và đuổi theo, miệng la ơi ới : “ Đứng lại ! Đứng lại ! ” Tôi chạy theo phía sau ủng hộ anh tôi mà lòng rất hồi hộp, không biết tên ăn trộm bao lớn ! Đúng là bóng đen đang ở phía trước, chạy qua một lối mòn nhỏ, tắt qua một vườn me keo, ở phía trước là một cái mương nhỏ, một cây cầu tre bắt ngang, bóng đen chạy lên cầu, rớt cái “đùng” xuống nước, rồi lẹ làng lội lên bờ. Cái mương cạn.

“ Mày ăn trộm hả ! Mày ăn trộm hả ! ”. Anh tôi đã tóm được tên trộm ngay trước cửa nhà của nó. Tôi không nghe anh tôi nói gì khác ngoài một câu duy nhất đó. Còn tên trộm trên tay chỉ có hai đòn bánh tét được cột vào nhau. Người ta làm bánh tét thường hay cột thành từng cặp. Trái tim tôi đập thình thịch. Tên trộm chắc cở tuổi anh tôi, nhưng ốm yếu hơn. – “ Cái gì mà um sùm vậy bay ? ” Một người đàn bà bước ra, chắc không lớn tuổi hơn mẹ tôi bao nhiêu, nhưng lưng còng và ốm yếu, Bà bưng cái đèn dầu, tay vặn cho tim đèn cao lên, rồi một tay bà giơ cao đèn, bàn tay kia che lên ngang trán như để nhìn cho rõ. “ Nó ăn cắp bánh của tui đó bà, làm đổ nồi bánh tứ tung ”.Anh tôi lẹ miệng. “ Không có đổ, không có đổ ”. – Nó cải lại. “ Trời ơi, mày nói mày đi câu, mà lại đi ăn cắp vậy hả ? ”– Ở quê tôi vào thời đó, từ lễ Noel tới tết, sau lúa mùa, người ta thường đi câu rê cá lóc – “ Mấy cháu phải đạo Chúa hôn ? Mấy cháu ở dưới xóm nhà thờ ông Cha phải hôn ? Anh tôi làm thinh. Tôi đáp “ Dạ, mà sao bà biết ? ”. “ Ừ, Tui cũng có quen mấy người đạo Chúa, nói mấy bữa nay lễ Chúa Giáng Sinh, Người ta làm bánh trái ăn mừng lớn lắm, lớn như ngày tư ngày tết vậy. Thôi tui xin lỗi mấy cháu, mấy cháu tha cho con tui, tui cám ơn, Nhà nghèo, lâu lắm rồi tôi đâu có làm bánh trái gì đâu, đi câu cá ngang qua, thấy nồi bánh chắc nó thèm.” Quay sang con bà, bà nói : “ Trả bánh lại cho người ta đi … Nghe hôn Bảnh ”. Bây giờ mới biết tên trộm tên là Bảnh. Nó đưa hai đòn bánh cho anh tôi, nó cúi mặt. Anh tôi không lấy. Một thoáng im lặng, rồi anh tôi nói : “ Thôi, Bảnh để ăn đi, mà không biết chín chưa ! “ Bàn tay của nó vẫn chìa hai đòn bánh về phía anh tôi. Anh tôi nhìn mẹ nó rồi nói “ Con cho nó ”. Mẹ nó nhìn nó nói : “ Anh cho thì lấy đi. Ngày lên đừng làm xấu nữa ”, Sau đó, tôi mới để ý đến cái nhà. Không, đúng hơn, đó là cái trại. Nó nhỏ và thấp hơn cái trại bò phía sau nhà tôi.

Sau “đêm Noel đó, anh tôi có “người bạn mới”, người bạn ấy chính là tên trộm ở “xóm ngoại” mà anh ấy “bắt cho bằng được” để đòi lại một đôi bánh tét bị đánh cắp. Nhưng thánh ý Chúa Hài Đồng rõ ràng là muốn chúng tôi chia sẻ tình thương với “ người thân cận ” đang nghèo khổ mà trước đó chúng tôi không hề quan tâm.

Tên trộm trong đêm Noel sau này là bạn thân của người anh bà con của tôi, thường xuyên vào xóm đạo chơi, lớn lên thành thanh niên, lập gia đình với một cô gái xóm đạo. Anh trở thành một người công giáo tốt.

Không phải anh tôi, hay tôi kể, mà sau này, chính anh thích kể lại một kỷ niệm lễ Giáng Sinh thời tuổi thơ của anh, Anh vui miệng nói : “ Đêm ấy, Chúa Hài Đồng đã cho tôi một đôi bánh tét, và hơn thế nữa, một chuyện tình lứa đôi hạnh phúc”

(Giáo xứ An Long. Đồng Tháp)