HÔN NHÂN: MẦU NHIỆM TÌNH YÊU THỦY CHUNG



[Marriage: the Mystery of Faithful Love]

Dietrich von Hildebrand (1889-1977)

Sophia Institute Press, Manchester, New Hampshire, 1991


Bài 7

Tình Yêu là Ý Nghĩa của Phối Hợp Dục Tính

Do tự bản chất, hôn nhân chủ yếu là một hiệp thông tình yêu, thế nên ý nghĩa của sự hoàn hợp thể xác không chỉ giới hạn vào chức năng là phương tiện để sinh sản.

Hẳn nhiên, không có một mầu nhiệm nào trong trật tự sự vật tự nhiên lại lớn lao hơn sự kiện phối hợp thân mật nhất này khiến tạo nên một hữu thể con người với một linh hồn bất tử (cho dù linh hồn do Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng), và tác động này đã đem một hữu thể mới đi vào hiện hữu, một hữu thể được tạo dựng để yêu mến Thiên Chúa và thờ phượng Ngài, một hữu thể mới được tác tạo theo hình ảnh Ngài.

Thế nhưng mục đích tiên khởi này không phải là ý nghĩa duy nhất của hành vi thể lý. Nói một cách chủ quan, nó cũng không hẳn là ý nghĩa tiên khởi nữa.

Ý nghĩa của nó tiên vàn là việc thể hiện hiệp thông tình yêu cao siêu trong đó, theo lời Chúa Cứu Thế, “Và cả hai đã nên một thịt một xương.” (Mt 16: 5) Theo sách Sáng Thế, người phụ nữ được tạo dựng từ xương thịt người nam (một dấu chỉ cho thấy sự gần gũi trong mối tương giao giữa hai người, và xác định người phụ nữ như là bạn đời của người nam), như thế, người phụ nữ thật sự kết hợp với người nam theo cách thức ấy trong hôn nhân.

Trái nghịch với quan niệm của phái Tin Lành và Thanh giáo, vốn chủ quan cho rằng việc sinh sản là ý nghĩa duy nhất của sự phối hợp thể lý, có một đoạn kinh cổ xưa về hôn nhân Công giáo nói đến hôn nhân như là “mầu nhiệm tình yêu.” Whitefield, một người theo giáo phái Methodist, đã hãnh diện khẳng định rằng tình yêu chẳng liên quan gì đến sự ve vãn cả. Ông nói: “Ngợi khen Chúa, nếu con hiểu được trái tim mình, thì con đã thoát khỏi cái thứ đam mê ngu đần mà thế gian gọi là tình yêu.” Thế nhưng lời kinh cổ Công giáo lại có những câu này: “Ôi lậy Chúa, khi sáng tạo loài người, dựng nên người nữ từ người nam, Chúa đã truyền là phải có sự phối hợp xác thịt và tình yêu ngọt ngào…Vâng lậy Chúa, Chúa đã tạo dựng con người tinh tuyền và thanh khiết, và Chúa còn muốn rằng trong sự sinh sản ra các thế hệ hậu duệ thì một người phải được tạo nên từ một người khác qua mầu nhiệm tình yêu.”

Sinh Sản và Hiệp Thông Tình Yêu Không Bao Giờ Được Cố Tình Phân Rẽ

Việc phát sinh một hữu thể con người mới chắc hẳn là một phần của sự vĩ đại long trọng của sự phối hợp tối thân mật này. Mối tương quan huyền diệu mà Thiên Chúa đã tiền định giữa sự sinh sản nhiệm mầu của một hữu thể con người mới và mối hiệp thông tình yêu tối thân mật này (mà duy một mình nó cũng đã mang một tầm quan trọng trọn vẹn rồi) đã soi sáng cho sự vĩ đại và long trọng của sự phối hợp này.

Do đó, chính để bảo tồn thái độ kính úy của vợ chồng đối với mầu nhiệm phối hợp này, mà luôn luôn cần phải duy trì, ngay cả một cách chủ quan, mối liên kết chung giữa sinh sản và hiệp thông tình yêu, ít là như một khả hữu tính của hành vi này.

Thật khó tưởng tượng ra một sự thiếu tôn kính đối với Chúa tệ hại hơn là sự can thiệp vào mầu nhiệm này với đôi tay phạm thượng nhằm hủy hoại chính mầu nhiệm ấy. Thật ghê tởm khi nghĩ đến việc con người muốn phá hủy sự phối hợp mà Thiên Chúa đã thiết lập một cách nhiệm mầu đến thế, khiến cho những ai được kết hợp trong sự phối hợp tình yêu trần thế cao cả nhất này được xứng đáng tham dự vào uy quyền sáng tạo của Thiên Chúa. Thật không gì xúc phạm hơn là khi đi ngược lại mục tiêu của Thiên Chúa bằng cách can thiệp phạm thượng, y như là cố tình quẳng vào hư vô cái hữu thể mà Thiên Chúa đã muốn cho hiện hữu.

Hôn Nhân Không Con Cái Vẫn Có Thể Chu Toàn Lý Tưởng Hôn Nhân

Nếu bởi một lý do nào đó, vượt quá lãnh vực ảnh hưởng nhân loại, mà việc sinh sản không thể thực hiện được, thì sự phối hợp thể lý giữa nam và nữ vẫn giữ được cái ý nghĩa chủ quan cũng như nét đẹp nội tại của nó. Có phải tình yêu vợ chồng tự nó không đủ cao cả để thánh hoá và công chính hoá sự phối hợp này chăng? “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.” Đây không phải là lý do của việc tạo dựng người nữ đã được chép ra trong sách Sáng Thế hay sao? (St 2: 18) Liệu một hôn nhân không con cái có thể coi là thất bại, như thể đó là không chu toàn ý nghĩa hôn nhân chăng? Liệu ta có thể khẳng quyết một cách đúng đắn rằng tốt hơn không nên có một hôn nhân như thế chăng? Hôn nhân không con cái liệu có đúng là không thể có được ý nghĩa tròn đầy như ý Chúa muốn là sự hiệp thông tình yêu cao cả nhất để tôn vinh Chúa chăng?

Khi hai vợ chồng, dù không con không cái, mà vẫn thuộc về nhau trong tình yêu đôi lứa hoàn hảo nhất, trong sự trung thành với nhau bất di bất dịch, trong sự noi gương bắt chước sự kết hợp giữa linh hồn với Chúa, đó không phải là chu toàn lý tưởng hôn nhân tới một mức độ cao hơn hẳn trường hợp một hôn nhân có nhiều con cái, nhưng vợ chồng không chung thủy với nhau và làm hạ giảm mối dây ràng buộc linh thánh do thiếu yêu thương và trung thành hay sao? Liệu hôn nhân có biến thành độc thân do bởi biết mình không thể có con cái chăng? Như thế rõ ràng hôn nhân là một biểu tượng của sự kết hợp giữa linh hồn với Thiên Chúa. Tự nó, hôn nhân đã mang lấy một tầm quan trọng cao cả. Hôn nhân hiện hữu trước hết là vì chính nó, chứ không phải chỉ duy vì một kết quả mà nó sinh ra.

Hôn Nhân Chan Chứa Tình Yêu Sẽ Thành Tựu

Xét kỹ hơn, ta thấy rằng mọi hôn nhân chu toàn tự nội thì đều thành tựu, ngay cả khi hiểu theo ý nghĩa sâu xa nhất của từ ngữ. Sự kiện mối hiệp thông tình yêu gần gũi nhất giữa hai người tạo nên một hữu thể con người mới thì phản ảnh một cách nhiệm mầu sự thành tựu của chính tình yêu.

Bởi lẽ ta không được quên rằng mọi tình yêu chân chính đều cưu mang một thành tựu thiêng liêng nội tại, và tình yêu vợ chồng nuôi dưỡng thành tựu thiêng liêng này một cách độc lập với việc sinh sản.

Thành tựu này tự bộc lộ qua sự thức giấc của linh hồn để đưa đẩy nó đến mức tăng triển thiêng liêng và một nếp sống luân lý cao đẳng hơn. Nó tự bộc lộ qua ảnh hưởng mà đôi vợ chồng tác động trên nhau, trong việc nâng cao lẫn nhau về mặt thiêng liêng nhờ sự cảm thông hỗ tương.

Mọi cuộc hôn nhân mà trong đó tình yêu vợ chồng được thể hiện như thế đều mang kết quả thiêng liêng và trở thành hiệu quả, cho dù không có con cái.

Chỉ người nào thấu hiểu được sự ghê tởm của tội lăng nhăng thì mới xác tín được sự vĩ đại và cao cả của việc phối hợp thể xác như là sự thể hiện tròn đầy tình yêu vợ chồng, và người ấy cũng mới thừa nhận rằng bên cạnh mục tiêu tiên khởi là sinh sản, ý nghĩa tiên vàn của phối hợp thân xác nằm trong sự chu toàn tình yêu vợ chồng.

Điều được sắp đặt để lôi kéo hai nhân vị lại với nhau trong sự phối hợp thân mật, để liên kết họ lại “trong một thịt một xương”--tức là sự hàng phục sau cùng của bản thân--lại được kẻ lăng nhăng sử dụng như là một nguồn lăng loàn nhục dục và do đó trở thành phạm thượng một cách bỉ ổi. Sự phạm thượng này vẫn tồn tại bất chấp sự kiện phối hợp tội lỗi có đem lại con cái hay không.

Những lời dậy của thánh Phaolô rõ ràng chứng minh rằng tội bất trinh nằm gọn trong chính sự lạm dụng sự phối hợp mà Chúa dành riêng cho sự hiệp thông gần gũi nhất của hai người: “Anh em chẳng biết rằng ăn ở với người kỹ nữ là nên một thân xác với người ấy sao? Thật thế, có lời chép rằng: cả hai sẽ thành một xương một thịt.” (1 Cor 6: 16) Nếu việc sinh sản là cùng đích duy nhất và cũng là ý nghĩa duy nhất của sự phối hợp này, thì rốt cuộc, không thể hiểu được tại sao một sự phối hợp bất chính lại là tội lỗi khi đem đến kết quả là có con cái, và tại sao một hôn nhân lại là thuần túy và cao cả khi nó chỉ phụng sự cho mối hiệp thông tình yêu trong một hôn nhân không con cái.

(còn tiếp)