Washington: Vào ngày 19/5 tới đây, cuốn phim Da Vinci Code sẽ ra mắt khai trương tại Hoa Kỳ dựa theo cuốn tiếu thuyết của Dan Brown đã có số tiêu thụ 46 triệu ấn bản. Theo Dan Brown thì hình ảnh đối với Maria Mácđala quá phỉ báng và chống lại Giáo Hội Công Giáo, là vợ của Chúa Giêsu và có con mà dòng dõi vẫn còn trường tồn sinh sống đến ngày nay.

Về phần Giáo Hội Công Giáo, hơn 1500 năm cũng đã hiểu sai lầm đến vị Thánh Nữ này và đã được chấn chỉnh từ sau Công Đồng Vaticanô 2. Thế nhưng những sai lầm ấy vẫn còn hiện hữu không riêng gì trong Giáo Hội hoàn vũ nhưng cũng còn trong Giáo Hội Việt Nam. Đây là một cơ hội ngàn vàng không những tẩy chay nhưng lên án cuốn sách phỉ báng Giáo Hội Công Giáo, đồng thời là dịp để thôi thúc đào sâu học hỏi giáo lý và tìm về nguồn Kinh Thánh, chấn chỉnh những cái nhìn sai lầm ngộ nhận về Thánh Nữ Maria Mácđala

Thánh Maria Mácđala mà nhiều người vẫn thường gọi là Thánh Maria Mađalêna như trong sách Lễ hay trong lịch Công Giáo Việt Nam, trong một số sách đạo đức khác còn gọi là Mai Đệ Liên (cuốn Nước Mắt và Hạnh Phúc của Cha Nguyễn Tâm Thường, S.J).... Cuốn Kinh Thánh của Cha Nguyễn Thế Thuấn dịch là Maria Magđala. Ở đây xin dùng là Maria Mácđala như đã dịch trong cuốn Kinh Thánh của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Trong cuốn sách "Lời Chúa cho Mọi Người" mới được Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ xuất bản vào cuối năm 2005 với phần chú giải của 2 anh em Linh Mục Bernard Hurault và Louis Hurault, mở trang 313 và 314 sách Luca chương 7 và 8 có phần chú giải về Thánh Maria Mácđala như sau:

(Chú giải cho Luca chương 7) "... Từ đây, vấn đề được đặt ra là có ba người phụ nữ: người 'phụ nữ tội lỗi ' ở đây, bà Maria Mácđala trong đoạn sau, và cô Maria Bêtania, người đổ dầu thơm lên chân Chúa Giêsu (cử chỉ rất lạ) trong một bữa ăn khác tại nhà một ông Simôn khác nữa, để rồi cũng bị phê phán: liên hệ giữa ba người này là thế nào? Cả ba là một như Gioan muốn cho hiểu, hay là hai hoặc ba người? Tin Mừng không cho thấy rõ, nhất là vì các tác giả Tin Mừng không ngần ngại chuyển lời này, lời kia, hoặc một cuộc đàm đạo nào đó của Chúa Giêsu sang một văn cảnh khác hợp với trình thuật của các ngày hơn."

(Chú giải cho Luca, chương 8) ".. Maria Mácđala (Mácđala là một làng bên bờ hồ Tibêria) là người sẽ đứng dưới chân thập giá với bà Maria vợ của ông Cơlôpát, mẹ của các ông Gia côbê và Giôxết. Hai bà này, ũng như bà Gioană, sẽ được nghe lời công bố đầu tiên sự kiện Chúa sống lại ".

Trong cuốn Kinh Thánh trọn bộ của Nhóm Phiên Dịch, trong phần chú thích của Chương 7 sách Luca đã viết: "Sự tích riêng của Lc, khác với truyện xức dầu ở Bêtania (Mt 26,6-13; Mc 14,3-9; Ga 12, 1-11). Người phụ nữ đây không phải là Maria Mácđala (Lc 8,2) cũng chẳng phải là em của Mácta (Lc 10,39; Ga 11,12).

Nghĩa là khi đọc lại đoạn Luca chương 7 và phần đầu Luca Chương 8, thì người phụ nữ tội lỗi đổ dầu thơm lên chân Chúa Giêsu và lấy tóc mình mà lau ở Luca chương 7 và người đàn bà tên Maria Mácđala ở đầu chương 8 là 2 người đàn bà khác nhau không phải là một.

Tức là Maria Mácđala không phải là người phụ nữ tội lỗi, đôi khi đồng hóa với một cô gái điếm, đã đổ dầu thơm lên chân Chúa Giêsu và lấy tóc mình mà lau như đã trình thuật trong Luca chương 7.

Bốn sách Tin Mừng đã nói gì về Maria Mácđala?

Theo dõi từ các cuốn từ điển Kinh Thánh như của Cha Dòng Tên John l. Mckenzie, S.J hay của J.D Douglas & Merrill C. Tenney, hay của David Noel Freedman và ngay cả cuốn Encyclopedia of Catholicism của Richard P. Mcbrien đều đã đề cập đến Thánh Maria Mácđala như sau:

Mácđala được lấy tên từ một làng nơi sinh quán của bà Maria nhưng không phân biệt theo tên chồng như Bà Maria vợ ông Cơ-lô-pát. Có lẽ lấy tên này vì bà Maria không có chồng và là nơi bà có sở hữu tài sản

"... Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ."(Lc 8,2)

Trong bốn sách Tin Mừng đều nhắc tới bà Maria Mácđala trong trình thuật Chúa chịu chết và sống lại. Tin Mừng Nhất Lãm đã liệt kê tên bà Maria Mácđala đầu tiên trong số những người phụ nữ hiện diện, và Thánh Sử Gioan đã kéo theo sự chú ý tới tầm quan trọng qua việc bà Maria Mácđala đã bất ngờ gặp gỡ khi Chúa Giêsu sống lại. Sự nhấn mạnh này đến bà Maria Mácđala đã đề nghị cho thấy bà Maria Mácđala được hết sức tôn kính đối với người tín hữu Kitô thời sơ khai.

Trong Tin Mừng thánh Maccô, Maria Mácđala đứng đầu danh sách trong số những người phụ nữ chứng kiến Chúa Giêsu chịu đóng đinh và được mai táng

Nhưng cũng có mấy phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trong đó có bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Ma-ri-a mẹ các ông Gia-cô-bê Thứ và Giô-xết, cùng bà Sa-lô-mê (Mc15,40); Còn bà Ma-ri-a Mác-đa-la và bà Ma-ri-a mẹ ông Giô-xết, thì để ý nhìn xem chỗ họ mai táng Người (Mc 15,47)

Là người mang dầu thơm để ướp xác cho Ngài nhưng chỉ nhìn thấy ngôi mồ trống. Vừa hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su.(Mc 16,1).

Maccô cũng đã diễn tả lòng trung thành của những người phụ nữ đi theo Chúa Giêsu. Các bà này đã đi theo và giúp đỡ Đức Giê-su khi Người còn ở Ga-li-lê. Lại có nhiều bà khác đã cùng với Người lên Giê-ru-sa-lem, cũng có mặt tại đó (Mc 15,41).

Thánh Matthêu cũng đã trình thuật tương tự đến bà Maria Mácđala trong số người phụ nữ chứng kiến sự đóng đinh, mai táng và ngôi mộ trống. Trong số đó, có bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Ma-ri-a mẹ các ông Gia-cô-bê và Giô-xếp, và bà mẹ các con ông Dê-bê-đê (Mt 27,56); Còn bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a ở lại đó, quay mặt vào mồ (Mt 27,61); Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ (Mt 28,1).

Trong trình thuật của Matthêu khác với Maccô ở chỗ là các bà không im lặng nhưng vui mừng chạy về báo tin cho các môn đệ. Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay (Mt 28:8).

Về phần Thánh sử Luca, đã trình thuật bà Maria Mácđala trước khi Chúa chịu đóng đinh. Luca diễn tả sứ vụ của Chúa Giêsu tới Galilêa cùng đi theo có 12 môn đệ và một số phụ nữ, ở đây bà Maria Mácđala cũng đứng đầu danh sách và cho biết thêm là người đã được trừ 7 con quỷ. Sau đó, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ (Lc 8,1-3). Sự kiện ở đây bà Maria Mácđala đã bị quỷ ám không có nghĩa bà là một người tội lỗi và như thế theo truyền thống thường nhận dạng người phụ nữ vô danh trong chương 7 của Luca là bà Maria Mácđala không có bằng chứng xác thực.

Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn. Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.

Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: "Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi! " Đức Giê-su lên tiếng bảo ông: "Này ông Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông! " Ông ấy thưa: "Dạ, xin Thầy cứ nói." Đức Giê-su nói: "Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn? " Ông Si-môn đáp: "Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn." Đức Giê-su bảo: "Ông xét đúng lắm."

Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-môn: "Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít." Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: "Tội của chị đã được tha rồi." Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: "Ông này là ai mà lại tha được tội? " Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ: "Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an."(Lc 7,36-50)


Luca cũng trình thuật những người phụ nữ hiện diện lúc Chúa Giêsu chịu đóng đinh và được mai táng nhưng không nói đích danh, cho tới khi nơi ngôi mộ trống, một lần nữa bà Maria Mađala có tên đầu tiên trong danh sách.

Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người (Lc 23,27); Đứng đàng xa, có tất cả những người quen biết Đức Giê-su cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Ga-li-lê; các bà đã chứng kiến những việc ấy (Lc 23,49); Cùng đi với ông Giô-xếp, có những người phụ nữ đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào. (Lc 23,55)

Cho tới khi nơi ngôi mộ trống, một lần nữa bà Maria Mađala có tên đầu tiên trong danh sách. Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. Mấy bà nói đây là bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Gio-an-na, và bà Ma-ri-a, mẹ ông Gia-cô-bê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Đồ như vậy (Lc 24,9-10)

Về phần Gioan, Thánh sử đã liệt kê bà Maria Mađala cuối cùng trong số những người phụ nữ chứng kiến cái chết của Chúa Giêsu. Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la (Ga 19,25)

Theo trình thuật này Thánh Gioan nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Mẹ Maria. Tuy nhiên khi Chúa sống lại Thánh Gioan đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bà Maria Mácđala, là người đi một mình tới mộ. Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ (Ga 20:1) Là người đầu tiên gặp Chúa Giêsu sau khi Chúa sống lại và là người đầu tiên loan báo tin cho các môn đệ. Đức Giê-su nói với bà: "Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai? " Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: "Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về." Đức Giê-su gọi bà: "Ma-ri-a! " Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: "Ráp-bu-ni! " (nghĩa là "Lạy Thầy") (Ga 20,15-16).

Đó là những gì Tin Mừng nói về bà Maria Mácđala, nhiều người đã lầm tưởng Bà Maria Mácđala là người đàn bà có tội đã xức dầu thơm và lấy tóc minh lau chân Chúa Giêsu. Là người tội lỗi đã nghĩ bà là một cô gái điếm. Có người lầm tưởng bà là em của bà Mácta và Lazarô tại Bethania.

Hạnh Các Thánh nói gì về Maria Mácđala.

Hầu hết trong tất cả các sách Hạnh Các Thánh kể cả cuốn Từ Điển Các Thánh của Oxford cũng đã đính chính những sai lầm, nhưng rất tiếc nhiều trang mạng Internet vẫn cho lên hạnh Thánh Maria Mácđala là người tội lỗi đã thống hối ăn năn vì cuộc đời tội lỗi xấu xa.

Trong dĩa CD Vietcatholic 2006, đi vào lịch phụng vụ vạn niên, đã liệt kê hạnh của Thánh Maria Macđala như sau (bài dịch của Cha Nguyễn Phước Dòng Phan Sinh).

"Trong Phúc Âm, ngoại trừ mẹ Ðức Giêsu, ít phụ nữ được vinh dự bằng Maria Mađalêna. Tuy nhiên, ngài rất thích hợp là quan thầy của những người bị phỉ báng, vì trong Giáo Hội, luôn luôn người ta cho rằng ngài là người phụ nữ tội lỗi đã lấy nước mắt rửa chân Ðức Giêsu trong Phúc Âm theo Thánh Luca 7:36-50.

Hầu hết các học giả ngày nay đều cho rằng sự lẫn lộn ấy không có căn bản Phúc Âm. Maria Mađalêna, chính là "Maria Mácđala", người được Ðức Kitô chữa khỏi "bảy quỷ" (Luca 8:2) -- đó là một biểu thị về sự quỷ ám nặng nề hoặc, có thể, bị bệnh nặng.

Cha W.J. Harrington, dòng Ða Minh, trong cuốn New Catholic Commentary (Chú Giải Mới của Công Giáo), ngài viết "bảy quỷ" "không có nghĩa là Maria sống một cuộc đời đồi bại -- đó là một kết luận do bởi nhầm lẫn Maria với người phụ nữ vô danh trong Phúc Âm theo Thánh Luca 7:36. Cha Edward Mally, dòng Tên, trong cuốn Jerome Biblical Commentary (Chú Giải Phúc Âm Thánh Giêrôm), cha đồng ý rằng Maria Mađalêna "không phải là người tội lỗi như được viết trong Luca 7:37, dù rằng sau này Tây Phương có truyền thống gán ghép điều ấy cho ngài."

Maria Mađalêna là một trong những người "đã giúp đỡ các ngài (Ðức Giêsu và Nhóm Mười Hai) bằng các phương tiện của họ." Maria Mađalêna là một trong những người đứng dưới chân thập giá Ðức Giêsu với Ðức Mẹ. Và, trong các nhân chứng "chính thức" đã được chọn để chứng kiến sự Phục Sinh, thì ngài là một trong những người được ưu tiên đó.

Có lẽ Thánh Maria Mađalêna từng mỉm cười khi bị "nhận diện sai lầm" trong 20 thế kỷ. Tuy nhiên, chắc chắn rằng ngài không cho đó là điều khác biệt. Tất cả chúng ta là kẻ có tội đều cần đến ơn cứu chuộc của Thiên Chúa, dù tội lỗi chúng ta có kinh khiếp hay không. Quan trọng hơn nữa, cùng với thánh nữ, tất cả chúng ta là các nhân chứng "bán chính thức" của sự Phục Sinh".


Các học giả nói gì về Thánh Maria Mácđala.

Linh Mục Raymond F. Collins, một học giả Kinh Thánh Tân ước tại Đại Học Công Giáo America đã trình bày rằng:

Vào năm 591 sau Chúa Giáng Sinh, Đức Giáo Hoàng Gregory Cả đã giảng trong một bài giảng và đã nói người phụ nữ xức dầu thơm rửa chân Chúa Giêsu và khóc lóc lấy tóc mình lau như đã trình thuật trong Tân Ước là Thánh Maria Macđala, và người em của Macta và Lazarô tại Bethania cũng là Maria Mácđala. Thế nhưng Đức Giáo Hoàng lúc ấy cũng suy tư lại đến một truyền thống đã có từ trước từ Phương Tây, (mặc dầu cũng có nhiều sự chống đối từ các thần học gia trong Giáo Hội sơ khai), bài giảng đã trở thành một điểm tựa cho các học giả, các người giảng dạy tại Phương Tây sau này.

Các Giáo Phụ Hy Lạp, là các thần học gia vĩ đại trong thời Giáo Hội sơ khai tại phương Đông, đã viết bằng tiếng Hy Lạp vẫn nhất quyết xác tin rằng Maria Macđala, người phụ nữ vô danh thống hối ăn năn (Lc 7) và Maria em của Mácta là 3 người phụ nữ khác nhau.

Sự nhận diện Maria Macđala là người phụ nữ tội lỗi thống hối đã được cử hành trong Nghi Lễ La Tinh qua hàng thế kỷ với trình thuật trong chương 7 của Thánh Sử Luca và xử dụng bài Phúc Âm này làm bài đọc Phúa Âm cho ngày lễ nhớ "Thánh Maria Macđala, người thống hối" vào ngày 22/7.

Theo Cha Collins, sự thay đổi sai lầm về Thánh Maria Mácđala đã thực sự bắt đầu vào năm 1969, sau khi canh tân phụng vụ, cải tổ lại cuốn Lễ Quy Roma và Lịch Công Giáo. Từ đó trở đi bài đọc Phúc Âm cho ngày lễ nhớ Thánh Maria Mácđala không còn lấy từ Phúc Âm Thánh Luca (chương 7) nữa, nhưng lấy từ Phúa Âm Thánh Gioan.

"Tin Mừng Ga 20,1-2.11-18

Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai ?

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói : “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”

Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà : “Này bà, sao bà khóc ?” Bà thưa : “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu !” Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. Đức Giê-su nói với bà : “Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai ?” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói : “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” Đức Giê-su gọi bà : “Ma-ri-a !” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri : “Ráp-bu-ni !” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’). Đức Giê-su bảo : “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ : ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’.” Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ : “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà. Đó là lời Chúa. (Trích trong sách Bài Đọc của Nhóm Phiên Dịch CGKPV).

Cha Raymond F. Collins cũng đã viết về "Maria Mácđala" trong cuốn tự điển Kinh Thánh Anchor gồm 6 bộ, và đã nói đến những truyền thuyết đầu tiên về Maria Mácđala từ các cuốn ngụy phúc âm vào thế kỷ thứ 2 và thứ 3. Trong đó ngoài sự việc nhân chứng đầu tiên Chúa sống lại, Maria Mácđala còn nhận được những mặc khải đặc biệt khác từ Chúa sống lại. Thế nhưng ngay cả ngụy phúc âm cũng không đề cập đến bà là vợ Chúa Giêsu.

Trong bản ngụy phúc âm, phúc âm của Philiphê, đã diễn tả Maria Mácđala là người đồng hành gần gũi nhất với Chúa Giêsu chứ không phải là vợ.

Ngay cả những tà giáo và những truyền thuyết tưởng tượng của các tín hữu Kitô đã đề cao Maria Mácđala, thế nhưng đã không nói đến vấn đề vợ chồng như tiểu thuyết "The Da Vinci Code" mà Dan Brown đã dùng trí tưởng tưởng đi ngoài những truyền thuyết cổ xưa và gán cho Maria Mácđala

Trong bản ngụy phúc âm, phúc âm của Philiphê, đã diễn tả Maria Mácđala là người đồng hành gần gũi nhất với Chúa Giêsu chứ không phải là vợ.

Cha Collins nói Dan Brown đã dùng trí tưởng tưởng đi ngoài những truyền thuyết cổ xưa và gán cho Maria Mácđala là vợ của Chúa Giêsu.

Nữ Tu Elizabeth A. Hohnson, Dòng Thánh Giuse, là một thần học gia tại Đại Học Fordham ở Hoa Kỳ nhận định rằng truyện về Maria Macđala là "một gái điếm đã được Chúa Giêsu tha thứ và đã mến mộ Ngài.. đã kích động một tư tưởng Kitô Giáo thâm sâu về người tội lỗi thống hối, cho nên nó trở thành một gương mẫu cho người Kitô hữu trong chiều hướng đó. Thế nhưng những gì chính yếu đã bị đánh mất đi chính là vai trò thực sự của thánh nhân, là một người cầm đầu làm chứng tá Sự Phục Sinh của Chúa trong Giáo Hội ban đầu".

Câu chuyện về người gái điếm thống hối của Maria Mácđala là những gì "mà trong số nhiều người chúng ta nghiên cứu và rồi.. nó là một câu chuyện sai lầm, đã cướp mất đi chúng ta sự cảm kích đến sự lãnh đạo của người phụ nữ trong một giây phút quan trọng trong giáo hội thưở ban đầu. Nói một cách khác, thật là dễ dàng.. để coi Người như một người tội lỗi thống hối hơn là thánh nhân xuất hiện trong Phúc Âm như chính Người đáng được hưởng".

Nữ Tu Elizabeth nói thêm rằng khi nhìn vào vai trò của Mácđala trong Kinh Thánh như là một người được Chúa Giêsu hiện ra và truyền đạt nhiệm vụ để loan báo tin mừng cho người khác nó có "nhiều quan hệ để chúng ta nói đến nguồn gốc giáo hội như thế nào. Rồi một câu chuyện điển hình là khi Chúa Giêsu chọn 12 môn đệ và đặt Phêrô làm đầu và các người phụ nữ như quý vị biết chỉ là phụ thuộc. Thế nhưng khi đưa ra hình ảnh Maria Mácđala, quý vị không thể kể lại câu chuyện theo một cách đơn giản nữa".

Sự sai lầm vẫn còn trong Giáo Hội Việt Nam.

Trong Thánh Lễ, lời văn trong các bản văn Phụng Vụ và kể cả trong Phụng Vụ Lời Chúa phải rất chỉnh để không đưa sự lầm lạc về tín lý và đức tin nơi người Giáo Dân Công Giáo, vì Thánh Lễ là Trung Tâm đời sống Người Kitô Hữu, để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa bản thân.

Ở đây xin xét đến Phụng Vụ Thánh Nhạc, xem ra cũng thật là cần thiết như Thánh Augustinô đã nói "hát là cầu nguyện hai lần". Bài hát trong Thánh Lễ rất có ảnh hưởng đến đức tin và đời sống người Công Giáo.

Bài thánh nhạc tôn vinh Thánh Maria Mácđala trong Thánh Nhạc Việt Nam không nhiều, xem ra đếm được trên đầu ngón tay. Thế nhưng đố ai tìm được bài Thánh Nhạc nào tôn vinh Thánh Maria Mácđala cho đúng nghĩa, hợp với tinh thần Phúc Âm.

Bài thánh nhạc trong Thánh Nhạc Việt Nam nói về Thánh Maria Mácđala đều sai lầm và ngộ nhận, cho đến nay vẫn chưa được chấn chỉnh.

Xét về Lời, xin đương cử 3 bài hát, bất quá tam kể cũng là đủ, nhưng nếu muốn kể thêm không phải là không có.

Bài thứ nhất: Thánh Mađalêna của Nhạc Sĩ Kim Long- (trích trang 871 trong cuốn Tuyển Tập Ca Lên Đi năm 2001 do Nhà Xuất Bản Tôn Giáo- Hà Nội).

" ĐK. Người phụ nữ đầu tiên loan tin mừng Chúa đã phục sinh, đem hoan lạc tới cho nhân trần là thánh Mađalêna. Cũng chính là người nữ đến khép nép quì bên chân Người lấy nước mắt để ăn năn tội, đã từng được Chúa ngợi ca.

1. Ngài chọn phần tuyệt hảo là ngồi kề bên chân Chúa, để lắng nghe lời Người. Ngài từng biết yêu nhiều và được Chúa thứ tha cho nhiều, dù chất chứa tội nhơ.

2. Đường thập tự sầu khổ Ngài bên lòng thoe chân Chúa, nhìn Chúa mang khổ hình. Rồi tìm đến thăm mồ và lòng trí xốn xang vui mừng vì biết Chúa Phục Sinh.

3. Cậy Ngài hằng cầu khẩn hộ phù đoàn con dương thế bền vững theo chân Ngài. Dù lầm lỡ vương tội, tìm về chúa cúi xin khoan hồng, rồi mến Chúa nhiều hơn. "


Trong Điệp Khúc lời đầu tiên rất đúng với Tin Mừng nhưng qua câu sau đã kéo theo sự ngộ nhận. Bài hát này của Linh Mục Kim Long, Cha cũng là Phó Ủy Ban Thánh Nhạc toàn quốc và cũng là Tổng Thư Ký của Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Ai sẽ còn đủ can đảm để chấn chỉnh trong việc này!

Bài thứ hai: Tâm Ca Mai Đệ Liên của Nhạc Sĩ Văn Chi (trích trong cuốn Tuyển Tập Trầm Khúc Hoan Ca- tập I trang 304 phát hành năm 1996)

1. Giọt nước mắt nào chảy trên gò má. Giọt nước mắt nào thống hối ăn năn. Giọt nước mắt nào gục đầu bên Chúa, giọt nước mắt nào một kiếp than van.

ĐK. Xin tha thứ Chúa ơi cuộc đời tội lỗi. Xin tha thứ Chúa ơn trọn đời ăn năn.

2. Đời những lỡ lầm này con tìm đến. tìm đến với Ngài khóc lóc ăn năn. Tội lỗi ứ tràn một lần thốgn hối, ôi Chúa nhân hiền từ ái bao la.

3. Là kiếp cát bụi lạc trên đường vắng. Hồn thấy ngỡ ngàng Chúa dắt con đi. Qua những suối đồi tìm về bên Chúa, từ mãi xa vời tìm con trở về.


Bài ca này của Cha Văn Chi được phổ biến khá rộng rãi và cũng được in lại trong nhiều cuốn sách thánh ca tổng hợp, điển hình như trong bộ sách Phụng Ca của Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức (trong cuốn 5 trang 546)

Bài thứ ba: Mađalêna Thống Hối của Nhạc Sĩ Phạm Thuyên (trích trong cuốn Thánh Ca Phụng Vụ Tổng Hợp của Cha Xuân Thảo và các bạn xuất bản năm 2003)

" 1. Như Mađalêna lòng yêu mến dâng cao vời vợi. Xin cho con giữ trọn nie6`m tin mến bước đi trong đời.

ĐK. Ai yêu mến nhiều thì sẽ được tha thứ nhiều. Con được tha nhiều vì con đã nhiều yêu mến. Ai ye6u mến nhiều thì sẽ được tha thứ nhiều. Con được tha nhiều vì con đã mến yêu nhiều.

2. Xin xin dâng lên Ngài cảm mến thay cho muôn người. Như hương thơm ngát trầm ngào ngạt bay kính tôn danh Người.

3. Xưa Mađalêna lòng thống hối ăn năn tội mình. Nay con luôn trông cậy tình thương Chúa dẫu muôn tội tình."



Lời Kinh dâng lên Thiên Chúa nhớ đến Thánh Maria Mácđala

Xin dâng lên Thiên Chúa và cầu bầu cùng Thánh Nữ qua lời nguyện rất xúc tích trích từ Sách Phụng Vụ Các Giờ Kinh (lễ nhớ ngày 22/7, giáo hội Đông Phương kính nhớ ngày 4/5)

Lạy Chúa Cha hằng hữu, Thánh Nữ Maria Mácđala là người thứ nhất được Con Một Chúa giao cho sứ mạng loan tin mừng Phục Sinh. Nhờ lời thánh nữ chuyển cầu, xin cho chúng con cũng biết noi gường người mà rao giảng mầu nhiệm Chúa Kitô Phục Sinh, để mai sau được vào Nước Trời chiêm ngưỡng Chúa Kitô là thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thưở muôn đời. Amen

Ghi Chú:

Trong vài ngày tới, Vietcatholic xin hầu chuyện tiếp cùng quý vị độc giả thân thương của Vietcatholic 3 bài còn lại trong loạt bài liên quan đến Da Vinci Code:

* Nhận định của 3 Giáo Sĩ tại Vatican về cuốn Da Vinci Code: Tổng Giám Mục Angelo Amato, Tổng Thư Ký Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Hồng Y Tarcision Bertone, Tổng Giám Mục tại Genoa, Italia và gần đây nhất là Đức Hồng Y Francis Arinze, Bộ Trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích

* Nhận định của các giáo sĩ khắp nơi trên thế giới về cuốn Da Vinci Code

* Và cuối cùng là bài thuyết trình của Giáo Sĩ Dòng Tên Gerald O'Collins về cuốn Da Vinci Code, ngài là vị chuyên môn về Kitô Học và là giảng sư môn Thần Học Hệ Thống và Thần Học Căn Bản tại Đại Học Gregoriô ở Roma. Ngài có lòng sùng kính Thánh Maria Mácđala rất đặc biệt, vì bà cố của Cha trong hoàn cảnh hiếm muộn con cái đã đến đền thánh Maria Mácđala tại kinh thành Balê- Pháp, để cầu xin có người con trai và hứa sẽ dâng đứa con cho Chúa trong thiên chức Linh Mục, người con ấy chính là Cha Gerald O'Collins.