Thái độ trước những xúc phạm của cuốn sách ‘The Da Vinci Code”
Khi có người xúc phạm đến người Cha của mình, thì người con trong gia đình sẽ chống lại kẻ xúc phạm ấy, để bảo vệ thanh danh cho cha mình. Thiên Chúa là Cha của tôi, Cha tôi bị xúc phạm nên tôi chống lại kẻ nào xúc phạm đến Cha tôi. The Da Vinci Code không phải là biến cố của một ngày, nhưng là của thời đại. Tôi tán thành ý kiến phải tẩy chay của Đức TGM Angelo Amato, thánh bộ Giáo lý Đức tin, vì cuốn tiểu thuyết và cuốn phim The Da Vinci Code mang nội dung “bài xích Ki-tô giáo”. Tôi cũng đồng ý với ý kiến cần phải lên án của Đức Hồng Y Francis Arinze, tổng trưởng thánh bộ Phụng tự vàBí tích vì The Da Vinci Code “xúc phạm đến Chúa Ki-tô và Giáo Hội của Ngài”.
Dan Brown, tác giả cuốn tiểu thuyết mắc một sai lầm nghiêm trọng khi cho rằng, do ảnh hưởng cuộc trở lại Ki-tô giáo của hoàng đế Constantin mà Công đồng Nicêô vào năm 325 đã khaẳng định thiên tính của Chúa Ki-tô. Đó là một sự bịa tạo lịch sử! Đàng khác trong Tân ước, Phúc âm thánh Gioan (thế kỷ thứ I) đã nói : “Lây Chúa, lạy Thiên Chúa của con” ( Ga 20:28). Như vậy, Dan Brown đã dối trá khi ông nói rằng trước thế kỷ thứ IV, các tín hữu đã không tin về thiên tính của Chúa Giê-su.
Tiếp theo, Dan Brown nói rằng dưới thời hoàng đế Constantin, đã có 8 Phúc âm được lưu hành, Constantin hạn định lại chỉ còn có 4. Dan Brown đã không biết rằng từ thế kỷ thứ II, 4 Phúc âm của chúng ta đã được thánh Irênê và các Giáo phụ khác nhìn nhận, tức là trước Constantin khoảng 200 năm. Từ những chuyện sai lịch sử, Dan Brown đã liên tưởng, qua bức họa “The Last Supper” của Leonardo Da Vinci, hình vẽ ông Thánh Gioan Tông Đồ đang tựa đầu vào ngực Chúa, mang dáng dấp một thiếu nữ, ông cho rằng đó là hình ảnh của bà Maria Madalena, người yêu của Chúa Giê-su được Leonard Da Vinci mật mã hoá.
Cuốn sách “The Da Vinci Code” trình bày Chúa Giê-su lập gia đình với bà Maria Madalena, và hai người có con với nhau. Thêm vào đó còn cho rằng Chúa Giê-su muốn trao quyền cai quản Giáo Hội cho bà Maria Madalena, nhưng đã bị phái nam là các Tông đồ và thánh Phêrô cướp quyền của bà Maria Madalena. Do đó, các Tông đồ phải tìm cách triệt tiêu bà Madalena và hậu duệ, tức người con Sarah của Chúa Giê-su với bà ấy. Phúc âm thánh Mat-thêu ghi rõ như sau về việc Chúa Giê-su trao quyền cho Thánh Phêrô: “Phần Thầy, Thầy bảo anh là Phêrô, nghĩa là đá, trên đá này, Thầy sẽ xây dựng Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt. 16:18).
Sách của Dan Brown đã gây sự ngộ nhận lịch sử lớn lao, dù nó chỉ là một tiểu thuyết giả tưởng, nhưng nó cũng đã gây nên cuộc tranh cãi, khơi dậy óc tò mò và kiếm lợi từ những kẻ hiếu kỳ.
Đức Giêsu Kitô của người Kitô giáo và đức tin người tín hữu đã bị cuốn tiểu thuyết này xúc phạm cách tàn nhẫn khi ông vẽ chân dung Chúa Ki-tô là một người phàm tục và vẽ nên hình ảnh Giáo Hội với những thủ đoạn che giấu và xát nhân.
Tác giả Dan Brown muốn phá vỡ thành trì đạo đức của người Ki-tô giáo, cách riêng Công giáo, khi ông mô tả sai sự thật lịch sử về Chúa Giê-su và những hành động của Người cũng như về quá trình sinh hoạt của Giáo Hội Công giáo. Đức TGM Angelo Amato vào ngày 28-4-2006 đã nhận định: “Nếu như sự xuyên tạc và quan niệm sai lầm này mà nhắm vào Giáo lý của Hồi Giáo (Thánh Kinh Koran), hoặc cuộc tàn sát người Do thái thì những những người theo đạo này có lý do chính đáng để khiêu khích thế giới nổi loạn”.
Và TGM Amato nnhận định thêm rằng: “Nhưng nếu họ trực tiếp đả kích Giáo hội Công giáo và các Tín hữu thì họ vẫn không bị trừng phạt”.
Đức Hồng Y Arinze, ngày 7-5-2006, còn mạnh mẽ khuyến cáo, Ki-tô hữu nếu cần, có thể dùng luật pháp để đối phó với cuốn tiểu thuyết và cuốn phim ấy, vì nó xúc phạm đến Đức Ki-tô và Giáo hội của Ngài.
Có hai khuynh hướng trái ngược nhau. Khuynh hướng thứ nhất cho rằng cần phải phản kháng. Khuynh hướng thứ hai cho rằng cứ làm ngơ như không biết gì. Vì nhắc đến chỉ làm cho những người chưa đọc cuốn tiểu thuyết ấy hoặc xem phim ấy tò mò muốn đọc và muốn xem. Theo những người này, thì đây đâu phải là lần đầu tiên Chúa Giê- su và Giáo hội của Ngài bị xỉ nhục và chống đối.
Nhưng Ki-tô hữu chúng ta không thể không làm gì khi thấy Chúa của mình, Giáo hội và niềm tin của mình bị xỉ nhục. Im lặng trong trường hợp này không phải là giải pháp hữu hiệu, vì nhiều người trẻ và những người không biết thực hư về Đức Giêsu sẽ trở nên hồ nghi về con người của Chúa Giêsu. Do đó chúng ta cần phải có những cuộc giải thích và chứng minh xác thực để thuyết phục những người còn hồ nghi và bị lao lung vì cuốn tiều thuyết nêu trên.
Chúng ta đang bị một cơn bách hại khủng bố về tinh thần, khi chúng ta bị tấn công cực kỳ tàn bạo vào niềm tin của chúng ta. Cho nên, chúng ta cần phải tuyên xưng bằng lời nói hay bằng hành động để xác nhận niềm tin của mình vào Đức Giê-su. Vì trong Phúc âm, Chúa đã dạy tỏ tường: “Phàm ai tuyên bố nhận thầy trước mặt thiên hạ, thì thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt cha Thầy, Đấng ngự trên Trời” (Mt 10: 32)
Ngày xưa, đám thượng tế và kỳ lão đã làm chứng tố cáo Chúa Giê-su trước mặt Philatô với lời buộc tội phi lý bất công: “Nếu hắn không phải là tên gian ác, chúng tôi đã không nộp cho ông” (Ga 8: 30).