Hiện Tượng “The Da Vinci Code”



Cuốn tiểu thuyết “The Da Vinci Code” (Mật mã của Da Vinci) và cuốn phim cùng tên đang gây nhiều tranh luận trên thế giới.

Tác giả của cuốn sách này là Dan Brown, một giáo sư Anh văn bậc trung học, hiện sống tại thành phố Exeter, tiểu bang New Hampshire. Thân phụ ông là một giáo sư toán và thân mẫu là một nhạc sĩ trình diễn. Khi quan sát bức họa kiệt tác “The Last Supper”, quen gọi là Bữa Tiệc Ly, của danh họa Leonardo Da Vinci, ông Dan Brown đã phân tích nhiều ẩn ý của nhà danh họa này và quyết định viết cuốn tiểu thuyết “The Da Vinci Code” với chủ đích hủy diệt niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô đồng thời cũng cố ý quảng bá việc tôn thờ nữ thần trong ngoại giáo.

Mục Sư John Tintera, thuộc Giáo Phái Episcopal, cho biết tình tiết quan trọng trong quyển tiểu thuyết của Dan Brown chính là lúc nhân vật Langdon, một nhà ký hiệu học cùng với nhân vật Teabing, một đồng môn lập dị gốc Anh quốc, cố ý xuyên tạc lịch sử cứu độ khi kể lại một cách không trung thực chính xác cuộc đời của Chúa Giêsu cho nữ nhân vật Sophie, một nhân viên về mật mã thuộc lực lượng cảnh sát Paris. Hai nhân vật Langdon và Teabing ra sức thuyết phục nữ điều tra viên Sophie tin rằng nét đặc trưng chính yếu của lịch sử Kitô giáo là Chúa Giêsu Kitô và huyết tộc của Chúa kết tinh từ việc Đức Giêsu kết hôn với bà Maria thành Magdala, quen gọi là Maria Magdalena, mà hai nhân vật trên cho là những tình tiết đã từng bị các thượng phụ trong Giáo Hội loại bỏ và che giấu. Sophie còn bị Langdon và Teabing đầu độc rằng Giáo Hội âm mưu mô tả Bà Maria Magdalena là gái mãi dâm để bưng bít mối liên hệ giữa Đức Giêsu và Maria Magdalena theo lối diễn dịch của những nhân vật ấy.

Ngoài ra, ngay cả một vài sự kiện thuộc về lịch sử cũng bị chối bỏ như việc Hoàng Đế Constantinô trở lại đạo và Công Đồng Nicaea. Mục Sư John Tintera xác quyết rằng mhững tình tiết ly kỳ của các biến cố ấy hoàn toàn xa lạ đối với đa số đọc giả bởi vì họ không biết nhiều về lịch sử Giáo Hội. Mục sư Tintera cũng nghĩ rằng nội dung hoàn toàn bịa đặt của quyển tiểu thuyết cũng như cuốn phim The Da Vinci Code quả là một tiếng chuông cảnh tỉnh đối với các Kitô hữu; vị mục sư tha thiết mời gọi các tín hữu Kitô chịu khó tìm hiểu về nguồn gốc và lịch sử của đạo giáo mình.

LM John Trigilio, Chủ Tịch Liên Đoàn Giáo Sỹ Công Giáo nói về The Da Vinci Code như sau: “Không có bằng chứng uyên bác đáng tin cậy nào để hỗ trợ cho những lời khẳng định lố bịch về Maria Magdalena. Cuốn ngụy Phúc âm duy tri thức của Maria Magdalena đã không được viết trước thế kỷ thứ tư, trong khi đó các Phúc Âm chân chính đã được xác nhận nguồn gốc ngay từ thế kỷ thứ nhứt. Thậm chí cả những kẻ thù độc hại nhứt của Giáo Hội, như Đế Quốc ngoại giáo của Roma hay những người Pharisiêu và Xađuxê Do Thái cùng thời cũng đã không đưa ra những lời khẳng định quái đản như thế… Các phúc âm “ngụy” đã không bao giờ bị che giấu hay cấm đoán, mà chỉ không được thừa nhận và không được mấy ai ưa thích đó thôi. Các phúc âm “ngụy” này không gây cảm hứng chút nào, và cả các bài viết lạc đạo của Phái Duy Tri Thức cũng bị nhiều người xét thấy chẳng là không chính xác mà còn sai sự thật hoàn toàn. Ông Dan Brown sử dụng phương pháp hậu duy tri thức trong sách tiểu thuyết của ông khiến sau khi đọc xong, vài ngày sau đã có những người Công Giáo cũng như không Công Giáo phân vân, “Sao mà kỳ quái thế, có thể có thật chăng!” Ông Josef Goebbels, Bộ Trưởng Tuyên Truyền cho Hitler và Đảng Đức Quốc Xã đã từng tuyên bố ‘Nói láo càng khuếch đại, càng có nhiều người tin hơn.”

Linh Mục Công Giáo John W. Sewell công nhận quyển tiểu thuyết của Dan Brown có nét hấp dẫn, song thực tế nó chẳng có gì là mới lạ cả. Dầu vậy vẫn có nhiều nghi vấn được đặt ra. “Tôi phải tin điều gì và tại sao? Một ý tưởng hoặc một kinh nghiệm mới mẻ mà tôi bắt gặp có ý nghĩa gì? Nếu điều đó có thật thì nó thật ra làm sao? Nếu nó thật thì nó áp dụng vào đời sống tôi như thế nào? LM Sewell nói: Đối với các Kitô hữu, đức tin là thái độ cần có của họ đối với mầu nhiệm. Những gì Thiên Chúa đã mặc khải trong Chúa Giêsu Kitô đều là mầu nhiệm. Câu hỏi cần đặt ra là: Làm thế nào mà sự ra đời của một người trong một giai đoạn lịch sử nào đó lại có thể tạo được ảnh hưởng cho mọi người trong mọi thời đại suốt tiến trình lịch sử nhân loại sau đó? Nhiều người cho điều này là phi lý, vì nó không thuộc phạm trù duy lý, mà là đức tin. Đức tin ấy là nền tảng Kitô giáo, nó đã bén rễ trong lòng người Kitô hữu từ thời xa xưa. Suốt bao thế kỷ nay các Kitô hữu vững tin rằng Chúa Giêsu hoàn toàn vừa là con người vừa là Thiên Chúa. Đây là vấn đề đức tin, một mầu nhiệm đức tin không thể nào chối bỏ được với những ai đã gia nhập và nhận mình là Kitô hữu.

LM Sewell nghĩ rằng lý do quan trọng mà Kitô Giáo từ thuở xa xưa có thể kiên vững cho tới ngày hôm nay chính là đã không chọn phương thức dễ dàng. Giáo Hội đã chọn con đường nghịch lý làm phương thức trung thực nhứt để sống mầu nhiệm Thiên Chúa mặc khải trong Chúa Kitô, và đó chính là lý do có sức thuyết phục mạnh nhứt cho những ai kiên trì và bền bỉ sống đức tin và thông điệp của Giáo Hội. Sự can đảm trực diện với điều nghịch lý là sự biểu lộ chân thực nhứt của cuộc sống Kitô hữu. LM Sewell tin rằng việc đi tìm tòi học hỏi chính là thái độ tích cực và do đó giải thích được lý do tại sao có rất nhiều người đã chịu khó đi tìm hiểu sự thật bằng cách tham dự các buổi nói chuyện về các vấn đề gây nhiều tranh luận như quyển tiểu thuyết và cuốn phim nêu trên.

Chúng tôi hân hạnh giới thiệu một buổi nói chuyện về quyển tiểu thuyết và cuốn phim The Da Vinci Code ở vùng Nam California này sẽ được tổ chức tại Hội Trường Giáo xứ Thánh Gia (The Holy Family Cathedral), số 566 South Glassell Street, Orange, CA 92866, lúc 7 giờ tối thứ Hai tuần sau, ngày 15-5-2006.