VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA TRUYỀN THÔNG

Vào năm 1975, sau khi Cộng sản Hà Nội tiến chiếm Miền Nam một số đồng bào Miền Bắc vận động để được đi thăm bà con thân quyến trong Nam. Họ gom góp ít muối, ít đường để trịnh trọng đem đi làm quà. Nhưng khi vào đến Miền Nam, họ mới thấy mình bị tuyên truyền lừa dối. Nếp sống đồng bào trong Nam gấp cả chục lần hơn ngoài Bắc. Mới đây nhất, đồng bào vùng quê Hà Nam, Đồng Tháp không biết gì về vụ linh mục Nguyễn Văn Lý, về vụ Hòa Thượng Thích Huyền Quang. Dân chúng nhất là ở nông thôn đã bị Nhà Nước bưng tai bịt mắt. Hằng ngày chỉ nghe tin tức một chiều và bị nhồi sọ cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh, qua hệ thống loa phóng thanh lải nhải suốt ngày. Đồng bào ta không hề được thông tin chính xác. Ngay chính tập đoàn Cộng sản xử dụng truyền thông đại chúng cho mục đích của Đảng và Nhà Nước cũng không hề thành thực với chính họ. Cả hai đều tác hại như nhau. Chính những điều kỳ lạ vừa trình bày đã cho chúng ta nhìn nhận ra vai trò quan trọng của truyền thông.

Từ ngàn xưa người ta đưa tin bằng mõ, bằng chạy bộ, bằng ngựa trạm, tiến lên một bậc, tin được đưa bằng xe hỏa rồi xe hơi, máy bay. Ngày nay ta đưa tin bằng điện toán bằng vệ tinh, để bất cứ những gì xảy ra ở nơi này cũng có thể được biết ở nơi khác và gần như ngay lập tức từ hiện trường. Nhờ đó, ta thu hẹp kích thước địa cầu và thu hẹp luôn cả thời gian để tính toán đối phó. Hiện nay, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã theo dõi tình hình toàn cầu và ngay cả tình hình trong nước qua hệ thống truyền hình CNN. Cả hệ thống truyền thông ấn loát là báo in cũng đã hòa nhập vào truyền thông điện toán và ngày ngày nhiều người đọc báo của lục địa khác qua Internet. Như vậy, chúng ta đang chứng kiến một cuộc vận hành mới về thông tin. Cuộc vận hành về tin học đó chính là một cuộc cách mạng thay đổi mọi sinh hoạt của loài người, từ tổ chức tới sản xuất, từ nghệ thuật tới chính trị, từ kinh tế tới xã hội. Hậu quả rõ rệt nhất là dần dà nó đã thay đổi cả nếp suy tư lẫn nếp sống trong xã hội bằng thông tin, bằng kiến thức. Chúng ta đang sống ở thời đại của trí tuệ.

Đứng đầu các phương tiện phát huy khả năng đó chính là hệ thống đưa tin nhanh và nhiều, tới đại đa số dân chúng. Đó là các phương tiện truyền thông đại chúng : báo in, báo nói, báo hình. Qua hệ thống này, hằng ngày khối lượng tin thác đổ vào tâm trí người nghe, người đọc, người xem. Nội dụng của thông tin tràn ngập như vậy "xếp loại từ những tin tức khô khan cho tới thuần giải trí, từ cầu nguyện tới khiêu dâm, từ chiêu niệm tới bạo lực." Các phương tiện truyền thông hiện đang làm mưa làm gió trong xã hội. Tuy nhiên đó không phải là những lực lượng vô tri trong thiên nhiên, vượt qua quyền kiểm soát của con người (Theo “Đạo đức trong Truyền Thông” của Hội Đồng Giáo Hoàng và Truyền Thông). Chính con người, cá nhân hoặc tập thể, đã nắm phương tiện truyền thông và xử dụng theo chủ trương và ý hướng của riêng họ.

Xét về phương diện tích cực, trong thời đại tin học, địa cầu thu hẹp lại, không gian gần gũi tựa như một cộng đoàn nhỏ, như một ngôi làng, nhân loại sẽ có hy vọng hiểu nhau hơn. Càng hiểu biết về nếp suy tư của người khác, của tập thể khác, sắc dân khác, ta càng dễ khoan dung hơn. Truyền thông sẽ là nhịp cầu thông cảm nối kết mọi người. Cây cầu cảm thông đó dễ làm phát triển tinh thần bác ái và tương kính. Khi thấy hàng đoàn người tỵ nạn chạy trốn tử thần tại A Phú Hãn, tại Phi Châu, chúng ta liên tưởng đến bước đường di tản của mình, ta dễ cảm thông với người xấu số ở nơi khác. Một số người đã lo rằng truyền thông sẽ làm nhân loại suy tư giống nhau. Điều đó có thể chỉ đúng trong địa hạt chính trị, tức là làm cho các xã hội cùng khao khát dân chủ hơn và các nhà độc tài sẽ khó hoành hành hơn. Nhưng, trong các địa hạt khác, như văn hóa và nghệ thuật, tôn giáo hay tư tưởng, sự thông cảm đi cùng những di biệt được tôn trọng, và những khác biệt được đối chiếu sẽ thúc đẩy mình càng phát huy bản sắc riêng. Như khi thấy người Mỹ gốc Nhật diễn hành vào ngày Hội Hoa Đào với quốc phục rực rơ, ở Little Tokyo tại Los Angeles, làm sao ta không muốn có ngày người mình sẽ hát quan họ hay trống quân trên các sân khấu lớn ở xứ người. Va, từ đó thấy ra nhu cầu phải phục hồi những gì thuần túy của mình để ta khỏi bị lẫn với người Hoa người Nhật. Do đó, nhiệm vụ của Truyền thông là quảng bá điều thiện, phổ biến sự thật nhằm mục đích phục vụ con người, đề cao những giá trị phổ cập và hằng cứu của nhân loại hầu xây dựng một xã hội loài người tốt đẹp, an bình và hạnh phúc. Thật là trách nhiệm cao quý của truyền thông, nếu những người nắm giữ các phương tiện truyền thông ý thức được điều đó.

Hơn nữa, các phương tiện truyền thông, nhất là Truyền thông Công Giáo có nhiệm vụ là phải quảng bá sự thiện, điều thiện, Huấn giáo Mục vụ về Truyền thông xã hội Communio and Progressio “Thông cảm và Tiến bộ” cho thấy rõ là các phương tiện "truyền thông xã hội có mục đích phục vụ nhân phẩm con người, bằng cách giúp con người sống tốt và hành động với tư cách những con người trong Cộng đồng."

Đến đây chúng tôi nhớ lại lời bà thánh Têrêsa Hài đồng, (Hội Thánh mừng lễ vào đầu tháng Mười) khi nhìn trời mưa: “Xin Chúa mưa hoa hồng hạnh phúc khắp trần thế.” Bà nhìn mưa với niềm vui và coi những hạt mưa là những cánh hoa. Cùng với lời nguyện của Thánh Têrêsa, chúng tôi cũng khẩn cầu xin Lời Chúa được mưa xuống khắp nhân gian. Lời Chúa qua âm thanh qua các ấn phẩm gieo vào lòng người. Theo Francois Mauriac, văn hào Pháp: “Trong mỗi người có một mầm Thánh.” Mầm Thánh chỉ lớn lên và sinh hoa trái nhờ vào Lời Chúa, nhờ vào giáo dục, nhờ vào truyền thông. Ngược lại, nếu truyền thông đại chúng tuyên truyền sự giả trá lừa dối, và khích động bạo lực trong quần chúng, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều hơn những vụ “Cổng Trời,” những vụ ôm bom tự sát, những kỹ nghệ tình dục quốc tế. Điều ác và hành động ác lan tràn khắp thế giới sẽ đưa nhân loại đến động loạn và chiến tranh. Mặt khác, chính sách báo và hình ảnh xấu làm thui chột Mầm Thánh trong giới trẻ.

Hôm nay, chúng tôi xin mừng nguyệt san Hiệp Nhất lên 10. Hiệp Nhất trong suốt 10 năm qua đã phổ biến những Thông điệp của Tin Mừng. Xin độc giả hỗ trợ cho Hiệp Nhất lớn mạnh và lan rộng cả về mặt nội dung, hình thức cũng như phổ biến.

Trước khi chấm dứt chúng tôi xin nói qua về tình trạng của truyền thông trong Cộng đồng chúng ta. Thực tế trong Cộng đồng của chúng ta, đa số các phương tiện truyền thông đại chúng đã ý thức trách nhiệm của mình cùng nhau phổ biến những hay đẹp của văn hóa Việt, quảng bá tình nghĩa đồng bào, lòng nhân ái và tinh thần tập thể, mở rộng kiến thức và loan tin tương đối chính xác. Tuy nhiên, cũng có một thiểu số xử dụng truyền thông thiếu trách nhiệm, reo rắc phân hóa, ghen ghét, đố kỵ, quá khích trong Cộng đồng và còn xử dụng những ngôn ngữ bất nhã làm hư xấu tiếng Mẹ đẻ trìu mến dễ thương của chúng ta.

Hy vọng Quý vị những người đang xử dụng các phương tiện truyền thông cũng như Quý thính giả, độc gia, khán giả ý thức được tầm quan trọng của truyền thông đại chúng trong thời đại tin học, và vận hành sự phán đoán theo lẽ phải và theo lương tri của mình.

Bài nói chuyện nhân ngày kỷ niệm Đệ Thập Chu Niên của Hiệp Nhất