Bánh hằng sống !
Ga 6,24-35
Trong bài Tin Mừng của ngày Chúa Nhật vừa qua chúng ta đã nghe tường thuật lại việc Ðức Giêsu khi thấy dân chúng lũ lượt tuôn đến với Người và Người đã động lòng thương họ. Người đã làm phép lạ cho bánh hóa nhiều để nuôi họ. Vì thế dân chúng đã đi tìm Người để theo Người, như thánh sử Gioan đã tường thuật trong bài Tin Mừng hôm nay.
Thật vậy, con người dù sống trong thời đại nào đi nữa cũng đều là con người và đều giống nhau : Là luôn tìm mọi cách để được no đủ và để thỏa mãn được những nhu cầu thể xác của mình. Trong cuộc sống hằng ngày của một gia đình hay của một quốc gia vấn đề kinh tế và tài chính luôn luôn đóng một vai trò rất quan trọng có tính cách quyết định. Bởi vậy, tất cả mọi vấn đề, mọi kế hoạch hay mọi lo toan tính toán của một gia đình hay của một quốc gia đều tùy thuộc vào tình trạng kinh tế hay tình trạng ngân sách của gia đình cũng như của quốc gia đó. Các vấn đề có được giải quyết hay không, phần lớn đều lệ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của đương sự.
Cả trong tôn giáo tình trạng kinh tế cũng có một ảnh huởng rất to lớn. Mọi hoạt động và mọi phương tiện thực hành đạo và sống đạo đều cần đến tài chính. Không có tiền bạc, mọi chuyện sẽ dậm chân tại chỗ hay ít ra sẽ bị giới hạn rất nhiều. Cũng như ngày xưa, động lực đã thúc đẩy người ta đến cùng Ðức Giêsu và tuôn đi tìm kiếm Người là vì Người đã cho họ ăn no nê. Ðúng là « miếng trầu là đầu chuyện » hay « Có thực mới vực được đạo » !
Nói một cách thành thật, tâm trạng đó vẫn không thay đổi cả trong thời đại của chúng ta ngày nay. Vâng, nếu người ta nghèo hay gặp phải cơn túng quẫn, người ta sẽ sống đạo sốt sắng hơn, sẽ chăm chỉ kinh nguyện hơn, sẽ siêng năng đi nhà thờ xem lễ đọc kinh hơn ! Trái lại khi sống trong giàu sang phồn thịnh, người ta sẽ dễ lơ là với vấn đề tôn giáo, sẽ coi đời sống tôn giáo là việc thứ yếu hay chỉ là việc làm trong khi rảnh rỗi. Vì theo tâm lý của những người giàu có là họ cảm thấy cuộc sống của mình đầy đủ rồi, mọi sự đã được đảm bảo rồi, nên không cần phải nhờ cậy ai nữa, không cần phải nhờ cậy đến Thiên Chúa nữa, không cần phải cầu nguyện nữa.
Nhưng đó là cả một sự lầm lẫn nguy hiểm ! Bởi vậy, Ðức Giêsu đã quá thất vọng nói với các thính giả của Người : « Các ngươi tìm Ta vì các ngươi đã được ăn bánh no nê ». Tiếp đến, Người còn thêm : « Các ngươi hãy ra công tìm kiếm không phải vì thứ lương thực mau hư nát, nhưng là thứ lương thực trường tồn đem lại hạnh phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ngươi ». Và thứ lương thực trường tồn và có thể đưa lại hạnh phúc vĩnh cửu cho con người, chính là Người : « Ta là bánh hằng sống ! »
Ðúng vậy, tôn giáo không phải là một loại ý thức hệ thuộc lãnh vực thứ yếu hay chỉ là một chuyện làm trong khi nhàn rỗi mà thôi. Tôn giáo cũng không phải là « thuốc phiện mê dân », chỉ có giá trị qua thời, cốt giúp cho con người tạm quên đi những đau khổ hiện tại, hay chỉ dùng để an ủi vuốt ve con người đang trong cơn túng quẫn, nghèo khổ.
Không, đức Giêsu đã nói : « Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Ai theo Ta sẽ không phải chết, và ai tin Ta thì dầu có chết cũng sẽ được sống lại ». Thiên Chúa Giáo không phải là một thứ phương tiện để tạm an ủi và thoa dịu nổi khổ đời này, nhưng là chân lý dẫn đưa con người tới sự cứu rỗi đời đời.
Tuy nhiên, một điều chắc chắn là con người vẫn hoàn toàn được tự do để đến cùng Thiên Chúa, nguồn cứu rỗi vĩnh cửu, hay không ! Thiên Chúa không bao giờ bó buộc ai cả. Nhưng một điều khác cũng rất chắc chắn là qua phương tiện kinh tế và tiền bạc vật chất mà thôi, con người sẽ không thể tìm được lối thoát sau cùng cho những vấn đề nan giải của cuộc sống, và, cũng không thể làm thỏa mãn hoàn toàn được những băn khoăn khắc khoải của mình bằng « cơm bánh » mà thôi. Bởi vì người Ðức cũng đã có câu châm ngôn rất sâu sắc và rất thực tế : « Viel Geld heisst nich viel Glück : Nhiều tiền không có nghĩa là nhiều hạnh phúc ».
Như vậy, chúng ta đã thấy rằng con đường duy nhất dẫn chúng ta tới hạnh phúc chân thật chính là lối đi đưa chúng ta về với Thiên Chúa, vì người chính là « Bánh hằng sống ». Dĩ nhiên, lối đi đó cũng đòi nơi chúng ta sự sẵn sàng nội tâm tự nguyện, sự đổi mới và cải thiện đời sống nội tâm. Chúng ta hãy cố gắng bước đi trên con đường đó, hãy cố gắng mỗi ngày bước đi trên con đường đó, vì nó là con đường cứu rỗi !
Ga 6,24-35
Trong bài Tin Mừng của ngày Chúa Nhật vừa qua chúng ta đã nghe tường thuật lại việc Ðức Giêsu khi thấy dân chúng lũ lượt tuôn đến với Người và Người đã động lòng thương họ. Người đã làm phép lạ cho bánh hóa nhiều để nuôi họ. Vì thế dân chúng đã đi tìm Người để theo Người, như thánh sử Gioan đã tường thuật trong bài Tin Mừng hôm nay.
Thật vậy, con người dù sống trong thời đại nào đi nữa cũng đều là con người và đều giống nhau : Là luôn tìm mọi cách để được no đủ và để thỏa mãn được những nhu cầu thể xác của mình. Trong cuộc sống hằng ngày của một gia đình hay của một quốc gia vấn đề kinh tế và tài chính luôn luôn đóng một vai trò rất quan trọng có tính cách quyết định. Bởi vậy, tất cả mọi vấn đề, mọi kế hoạch hay mọi lo toan tính toán của một gia đình hay của một quốc gia đều tùy thuộc vào tình trạng kinh tế hay tình trạng ngân sách của gia đình cũng như của quốc gia đó. Các vấn đề có được giải quyết hay không, phần lớn đều lệ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của đương sự.
Cả trong tôn giáo tình trạng kinh tế cũng có một ảnh huởng rất to lớn. Mọi hoạt động và mọi phương tiện thực hành đạo và sống đạo đều cần đến tài chính. Không có tiền bạc, mọi chuyện sẽ dậm chân tại chỗ hay ít ra sẽ bị giới hạn rất nhiều. Cũng như ngày xưa, động lực đã thúc đẩy người ta đến cùng Ðức Giêsu và tuôn đi tìm kiếm Người là vì Người đã cho họ ăn no nê. Ðúng là « miếng trầu là đầu chuyện » hay « Có thực mới vực được đạo » !
Nói một cách thành thật, tâm trạng đó vẫn không thay đổi cả trong thời đại của chúng ta ngày nay. Vâng, nếu người ta nghèo hay gặp phải cơn túng quẫn, người ta sẽ sống đạo sốt sắng hơn, sẽ chăm chỉ kinh nguyện hơn, sẽ siêng năng đi nhà thờ xem lễ đọc kinh hơn ! Trái lại khi sống trong giàu sang phồn thịnh, người ta sẽ dễ lơ là với vấn đề tôn giáo, sẽ coi đời sống tôn giáo là việc thứ yếu hay chỉ là việc làm trong khi rảnh rỗi. Vì theo tâm lý của những người giàu có là họ cảm thấy cuộc sống của mình đầy đủ rồi, mọi sự đã được đảm bảo rồi, nên không cần phải nhờ cậy ai nữa, không cần phải nhờ cậy đến Thiên Chúa nữa, không cần phải cầu nguyện nữa.
Nhưng đó là cả một sự lầm lẫn nguy hiểm ! Bởi vậy, Ðức Giêsu đã quá thất vọng nói với các thính giả của Người : « Các ngươi tìm Ta vì các ngươi đã được ăn bánh no nê ». Tiếp đến, Người còn thêm : « Các ngươi hãy ra công tìm kiếm không phải vì thứ lương thực mau hư nát, nhưng là thứ lương thực trường tồn đem lại hạnh phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ngươi ». Và thứ lương thực trường tồn và có thể đưa lại hạnh phúc vĩnh cửu cho con người, chính là Người : « Ta là bánh hằng sống ! »
Ðúng vậy, tôn giáo không phải là một loại ý thức hệ thuộc lãnh vực thứ yếu hay chỉ là một chuyện làm trong khi nhàn rỗi mà thôi. Tôn giáo cũng không phải là « thuốc phiện mê dân », chỉ có giá trị qua thời, cốt giúp cho con người tạm quên đi những đau khổ hiện tại, hay chỉ dùng để an ủi vuốt ve con người đang trong cơn túng quẫn, nghèo khổ.
Không, đức Giêsu đã nói : « Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Ai theo Ta sẽ không phải chết, và ai tin Ta thì dầu có chết cũng sẽ được sống lại ». Thiên Chúa Giáo không phải là một thứ phương tiện để tạm an ủi và thoa dịu nổi khổ đời này, nhưng là chân lý dẫn đưa con người tới sự cứu rỗi đời đời.
Tuy nhiên, một điều chắc chắn là con người vẫn hoàn toàn được tự do để đến cùng Thiên Chúa, nguồn cứu rỗi vĩnh cửu, hay không ! Thiên Chúa không bao giờ bó buộc ai cả. Nhưng một điều khác cũng rất chắc chắn là qua phương tiện kinh tế và tiền bạc vật chất mà thôi, con người sẽ không thể tìm được lối thoát sau cùng cho những vấn đề nan giải của cuộc sống, và, cũng không thể làm thỏa mãn hoàn toàn được những băn khoăn khắc khoải của mình bằng « cơm bánh » mà thôi. Bởi vì người Ðức cũng đã có câu châm ngôn rất sâu sắc và rất thực tế : « Viel Geld heisst nich viel Glück : Nhiều tiền không có nghĩa là nhiều hạnh phúc ».
Như vậy, chúng ta đã thấy rằng con đường duy nhất dẫn chúng ta tới hạnh phúc chân thật chính là lối đi đưa chúng ta về với Thiên Chúa, vì người chính là « Bánh hằng sống ». Dĩ nhiên, lối đi đó cũng đòi nơi chúng ta sự sẵn sàng nội tâm tự nguyện, sự đổi mới và cải thiện đời sống nội tâm. Chúng ta hãy cố gắng bước đi trên con đường đó, hãy cố gắng mỗi ngày bước đi trên con đường đó, vì nó là con đường cứu rỗi !