BÁNH BAN TỪ TRỜI

Khi Đức Giê su tuyên bố: “Ta là bánh hằng sống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Vì bánh Ta sẽ ban chính là thịt ta, để cho thế gian được sống”(Ga 6,51). Những người Do Thái đã tranh luận một lý lẽ rất đanh thép: “Ông này làm sao có thể lấy thịt mình để cho chúng ta ăn được” (Ga 6,52). Bởi vì những lý lẽ họ nói là nghĩa đen, theo từng mặt chữ, không thể cắt nghĩa cách khác. Chúa Giê su nói: “Thịt Ta là thật của ăn, máu Ta thật là của uống”. “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống”. Người Do Thái đã hiểu rất đúng từng nghĩa chữ mà họ đã tranh luận. Chỉ có điều, cuộc tranh luận đó dẫn họ tới lời kết không có hậu “Lời này chướng tai quá, ai mà nghe được” (Ga 6,60). Và họ đã bỏ đi. Còn đức tin của chúng ta nhìn nhận Chúa là bánh hằng sống từ trời xuống và chúng ta tin nhận rằng, chính Mình và Máu Chúa là chén cứu độ như thánh Phao lô đã khuyên nhủ: “Chén cứu độ là thông phần Mình và Máu Chúa Kitô”(1Cor 10,16).

Ơn cứu độ là trung điểm mà toàn thể giao ước cũ, tức là cả ngàn ngàn năm của Cựu Ước hướng về thì giờ đây được kết tinh trong Mình và Máu Chúa Kitô. Khi chúng ta không đón nhận Mình và Máu Chúa là không đón nhận ơn cứu độ. Nói một cách khác, nếu Máu Chúa không đổ ra thì không có ơn cứu độ cho chúng ta. Vì vậy, ăn thịt và uống máu Chúa không chỉ là để chúng ta hiểu về một của ăn, của uống. Như những người Do Thái đã đến tìm phép lạ nơi Chúa. Chúa cho năm ngàn người đàn ông, chưa kể phụ nữ và trẻ nhỏ được ăn bánh no nê mà tất cả chỉ từ năm chiếc bánh với hai con cá, Chúa đã làm cho hóa ra nhiều. Đến nỗi, sau khi ăn no còn thu được mười hai thúng đầy. Những người Do Thái đi tìm bánh đó. Những người Do Thái quá khích lại còn ngược về Cựu Ước tranh luận với Chúa Giêsu: “Ông làm được gì cho chúng tôi? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc. Ông làm được gì cho chúng tôi?”(x. Ga 6, 30-31). Chúa Giê su không nói một cách tuần tự, nhưng trong ý nghĩa giải thích và khẳng định của Chúa, chúng ta nhận ra điều này: Cha ông các ngươi ăn manna và đã chết. Bây giờ đến lượt các ngươi đi tìm bánh mà Ta đã cho các ngươi ăn no nê, cả thứ bánh đó các ngươi ăn cũng chết !. Chúa Giê su muốn dạy cho người Do Thái và nhất là cho chúng ta hôm nay một bài học tiệm tiến, rằng chúng ta hãy nhìn xuyên qua những hình bóng đó để đến với bánh đích thực là chính Mình và Máu Chúa Kitô. Niềm hy vọng về ơn cứu độ, hôm nay được hiện thực trong chính bí tích Thánh Thể. Và ở nơi đây, chúng ta mới nhận ra rằng: những gì mà nuôi xác thịt thì cũng sẽ trở về với bụi đất. Vì vậy khi ăn manna để nuôi dân Chúa trong rừng vắng, ăn bánh hóa nhiều do phép lạ Chúa làm để khỏi chết đói trong hoang địa, rồi nuôi cho thân xác này được khỏe được sống nhưng cội nguồn của nó là bụi đất, nó vẫn trở về với bụi đất. Ngược lại, chúng ta tìm thấy ý nghĩa trong sách Sáng Thế Thiên Chúa tạo dựng thân xác con người từ bùn đất nhưng Chúa lại thổi hơi và ban sự sống cho con người, vì vậy, con người được sống bởi sức sống của chính Thiên Chúa đã phú cho. Vậy điều gì khiến cho con người hướng về trời để sống bằng sự sống của Thiên Chúa. Đó chính là bí tích Thánh Thể hôm nay.

Khi người ta biết chạy đến với bí tích Thánh Thể để ăn bánh bởi trời thì đó không phải là nuôi dưỡng thân xác này mà đó là nuôi sự sống đến từ Thiên Chúa. Sự sống Thần Khí mà Thiên Chúa trao ban. Do vậy, có ăn thịt và uống máu Chúa mới đạt ơn cứu độ, mới có sự sống đích thật. Bởi vì bánh từ trời xuống thì mới nuôi được sự sống bởi trời. Người ta cứ thích bánh ở đời này, do đó người ta nuôi được thân xác này và nuôi được cát bụi này. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa dạy chúng ta “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày”. Thánh Augustino khuyên chúng ta hãy hiểu ơn đầu tiên là được ơn rước lễ hàng ngày. Vì đó là lương thần nuôi dưỡng chúng ta sống sự sống linh hồn. Nhưng đại đa số chúng ta chỉ nghĩ đến lương thực hàng ngày, bánh ăn hàng ngày, tiền bạc hàng ngày. Tất cả những điều đó Chúa cũng sẽ ban, đó là sự sống của chúng ta lớn lên mỗi ngày, nhưng sự sống ấy sẽ trở về với cội nguồn của nó là bùn đất, nếu người ta không được ăn thịt và uống máu Chúa, người ta không lớn lên bằng sức sống thần linh trong linh hồn thì sẽ không tồn tại. Thân xác bụi đất lấy gì cho con người trở về với xuất xứ từ trời đây? Do vậy, nếu chúng ta được ơn rước Mình Máu Chúa hằng ngày, chúng ta được đến với Chúa Giêsu Thánh Thể trong tâm tình sốt sắng thờ kình và yêu mến Chúa. Hãy tin rằng, chính đó là thần lương đưa chúng ta về sự sống, nơi đó là trời cao.

Trong Tin Mừng theo thánh Mathêu, viên sĩ quan đại đội trưởng thưa với Chúa Giê su: “Lạy Thày, tôi chẳng dám Thầy đến dưới mái nhà tôi. Nhưng chỉ xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi sẽ được khỏi”(x. Mt 8, 5-13). Chúa Giê su đã khen đức tin của viên đại đội trưởng này, và đúng giờ đó đầy tớ của ông được khỏi. Ngày nay, Giáo Hội muốn mượn lời của viên sĩ quan đó để lặp lại cho mỗi người Ki tô hữu chúng ta, mỗi khi chúng ta được nghe lời Giáo Hội nhắc lại lời giới thiệu của Gioan Tẩy Giả: “Đây là Chiên Thiên Chúa”(Ga 1,36). Phúc cho ai được tới dự tiệc Chiên Thiên Chúa thì chúng ta đáp lại lời đó: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà linh hồn con. Nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh”. Như vậy, chính Đức Giê su Ki tô là Đấng đến ban ơn cứu độ cho chúng ta. Chúng ta hiểu thêm, khi được rước Chúa ngự vào nhà linh hồn, không những chúng ta được sống mà được sống dồi dào như chính lời Chúa đã hứa. Tức là chúng ta được khỏi mọi tật bệnh thiêng liêng trong linh hồn, như lời kinh rất xưa đã nói: “Khi có thể chịu được để những kẻ ấy hàng ngày, nhờ Mình Thánh Chúa giúp sức, thì được chừa mọi tội thường phạm mọi ngày”. Cho nên, Mình Máu Thánh Chúa ban sự sống, mà là sự sống dồi dào, cho linh hồn của chúng ta được mạnh sức, cho chúng ta được sống bằng sự sống bởi trời. Cho chúng ta được kết hợp sâu xa hơn với sự sống của chính Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng đã trao ban sự sống cho chúng ta.
Hiểu về bí tích Thánh Thể, chúng ta không bao giờ hiểu, vì đó là mầu nhiệm cực trọng. Nhưng cảm nhận tình yêu của Chúa trong bí tích Thánh Thể thì quá rõ ràng. Chính ở đây là mầu nhiệm đức tin. Bởi vậy, bao giờ truyền phép bí tích Mình Máu Chúa xong, chủ lễ lớn tiếng tuyên bố: “Đây là mầu nhiệm đức tin”. Một mầu nhiệm đức tin mà con người không thể hiểu thấu nhưng con người lại cảm nghiệm một cách đầy đủ và sung mãn. Chỉ có mầu nhiệm đức tin, mầu nhiệm tình yêu, mầu nhiệm của sự sống ấy mới cho chúng ta hiểu được lời Chúa hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,17). Như thế chúng ta mới hiểu được lời khiêm tốn chúng ta đọc lên là “Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”. Bởi lẽ, Chúa chính là sự sống. Cho nên, ai đến với bí tích Thánh Thể, thì đây không phải chỉ là một lễ nghi, một sự tôn thờ, mà quan trọng hơn, đây là mối tương quan hữu cơ về sự sống, sự sống Thần Linh, sự sống của ơn cứu độ. Do đó, chúng ta đừng quì gối theo lễ nghi một cách khô khan, chúng ta đừng rước lễ theo thói quen. Chúng ta đừng đến với bí tích Thánh Thể theo lề luật dạy chúng ta như là rước lễ trong mùa Phục Sinh. Chúng ta đến với bí tích Thánh Thể như con đến với cha:
“Như nai rừng khát mong tìm Chúa
Hồn con khát mong tìm Chúa, Chúa Trời ơi.” (Tv 42, 1)

Chúng ta đến với bí tích Thánh Thể là để được Chúa nâng đỡ: “Những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Chúa sẽ cho cảm nghiệm “Ách Chúa êm ái, gánh Chúa nhẹ nhàng”; để “những người đói sẽ không bao giờ phải đói, và ai khát sẽ không bao giờ khát nữa”. Và nhất là khi chúng ta đến với bí tích Thánh Thể, để được ơn cứu độ đời đời.

Lạy Chúa Giê su Thánh Thể,
Chúa vẫn ngự nơi đây,
yêu thương và kiên nhẫn,
chìm sâu và mạnh mẽ.
Chúa mời gọi chúng con ăn thịt và uống máu Chúa
để chính chúng con được sự sống đời đời.
Sao có tình yêu thẳm sâu đến thế?
Sao có lời mời gọi khiêm nhường đến thế?
Sao có của lễ hiến thân trọn vẹn đến thế?
Tai chúng con điếc nên không nghe được.
Mắt chúng con mù nên không nhìn thấy.
Ngày hôm nay,
Bí tích Thánh Thể kêu gọi chúng con đến với suối nguồn của tình yêu:
Để chúng con hiểu những gì mà chúng con đã vô tình và quay lưng lại với Chúa.
Để chúng con nhận được những gì
mà tay chúng con đã nắm lại và không chịu mở ra.
Để chúng con nhận được những gì
mà mắt chúng con vì mù nên không trông thấy.
và lưỡi chúng con được ca rao những gì mà chúng con đã câm nín
vì đã có quá nhiều những sự thế tục xâm chiếm lòng chúng con.
Xin Mình Máu Chúa ban ơn cứu độ đời đời,
tình yêu và hạnh phúc cho mỗi người,
cho gia đình và cộng đoàn giáo hội địa phương của chúng con. Amen.

LM. Phêrô Hồng Phúc