LỄ TẾ CỔ TRUYỀN CỦA NGƯỜI KƠHÔ



Tin và Tế lễ luôn là hai hình thức song hành trong sinh hoạt tín ngưỡng cổ truyền của người Thượng, người ta tin thế nào thì thực hành tế lễ như vậy. Nếu tin chỉ là những ý niệm trừu tượng về thế giới vô hình, thì tế lễ lại là những thực hành cụ thể diễn tả niềm tin ấy trong đời thường của họ.

Gọi là lễ tế bởi vì việc ấy có một tầm vóc chẳng những đối với gia đình mà còn với cả cộng đồng làng xóm nữa, việc ấy có sự chuẩn bị khá công phu từ tinh thần đến vật chất, có sự tham dự của rất nhiều người, họ là những thực khách góp phần tạo nên bầu khí trang trọng cho lễ tế.

Có rất nhiều lễ tế trong sinh hoạt tín ngưỡng của người Thượng, nhưng ở đây chỉ xin lược tả lễ tế lớn nhất, qui tụ được nhiều người tham dự nhất, nói được rằng đây là hình thức lễ hội của người Thượng Kơho-Sre, và đã có một truyền thống lâu đời, chỉ bị mai một trong những năm gần đây do những yếu tố tôn giáo mới du nhập vào, cũng như sự thay đổi xã hội tác động đến cuộc sống của họ.

Đó là lễ tế được họ gọi là lơh yàng sa rơpu.

Người ta gọi là lơh yàng sa rơpu (tế trâu), hay còn được gọi là nô dờng, tăc mơnàr, tăc năng…

Tầm vóc của lễ tế tùy vào số gia đình tế lễ trong một làng, ví dụ trong một làng có năm mươi gia đình, mà năm đó có mười gia đình tế lễ thì đủ sức tạo nên một lễ hội lớn, khách mời gồm những người từ nhiều làng khác nhau trong vùng.

Nét chính và lý do của lễ tế

Đây là lễ tế của gia đình, gia đình là người chủ trì và chịu mọi phí khoản, tuy nhiên nó mang tầm vóc và ảnh hưởng cho sinh hoạt của cả làng nên người ta cũng gọi đây là nô dờng (tiệc lớn).

Lễ tế này không định kỳ, chỉ diễn ra vài ba năm một lần, tùy theo điều kiện làm ăn sinh sống của những gia đình tế lễ, có khi một gia đình cả đời mới tế trâu một lần hay chẳng có lần nào cả vì nghèo, ngược lại những gia đình giàu có thì tế lễ nhiều, thay vì một thì hai trâu, cũng có gia đình tế cả ba trâu một lúc và vài năm tế lễ một lần.

Những gia đình có nhiều lúa và trâu được coi là giàu có thời xưa, họ muốn làm lễ tạ thần, hay cũng có khi do muốn phô trương thanh thế của gia đình mình với bà con lối xóm, nên đứng ra làm lễ tế và mời tất cả bà con xa gần cũng như tất cả bà con lối xóm tham dự. Cũng có khi là muốn tạ thần vì tai qua nạn khỏi, thường khi là do muốn giữ lời khấn hứa với thần về việc gì đó mà người ta tin rằng đã có sự giúp đỡ của các thần (yàng sơnđàc).

Ví dụ ông K’Brai có con bị bệnh nặng, ông hứa với thần rằng nếu con ông khỏi thì ông sẽ tế trâu cho thần, và thế là khi mọi sự xảy ra đúng như ý thì người ta thực hiện lời đã hứa.

Nói chung là có những lý do quan trọng dẫn tới quyết định cho việc tế lễ.

Chuẩn bị lễ tế

Lơh yàng sa rơpu là lễ tế được chuẩn bị công phu nhất, thời gian chuẩn bị xa cũng ít là sáu tháng tới một năm, nghĩa là gia đình cảm thấy năm đó họ đủ sức tế lễ, vì nhà họ có lúa có trâu, có của cải, hay được bình an khỏe mạnh…

Thời gian chuẩn bị gần ít cũng là từ ba tháng tới sáu tháng.

Lúc đầu người ta có nghi lễ gọi là bo mồ, nghĩa là giã men rượu, phơi khô và chuẩn bị làm rượu cần đủ để cho mọi thực khách phải say sưa trong cái ngày trọng đại ấy. Việc giã men rượu được thực hiện về đêm, chủ nhà mời tất cả các thiếu nữ trong làng cùng giã trong đêm trăng rất vui, đây cũng là dịp giao lưu nam nữ có thể tạo nên mối quan hệ tình cảm và đưa tới chuyện hôn nhân cho nhiều cặp nam nữ trong hay ngoài làng.

Bước quan trọng thứ hai họ gọi là đùh sơnggơr, nghĩa là bắt đầu đánh trống, nghi lễ này diễn ra lúc nửa đêm trước ngày tế lễ chừng một tháng, thế là những gia đình tế lễ đánh chiêng đánh trống theo các điệu cổ truyền của họ, họ đánh cả tháng trước khi diễn ra lễ tế trâu.

Trong thời gian đó người ta chuẩn bị mọi thứ trong nhà như trang trí nhà cửa, chuẩn bị củi để đun, hai khâu này rất quan trọng nên người ta phải mượn một thanh niên và một thiếu nữ mà họ gọi là cau tơrnồm, đương nhiên đây là những chàng trai cô gái điệu nghệ và đảm đang nhất làng. Chàng thanh niên thì lo việc trang trí là công việc công phu nhất như làm cây nêu, phải đi chặt cây lồ ô cao ngất và những cành tre dài nhất để làm những cánh cho cây nêu, trên đó họ trang trí đủ kiểu đẹp mắt tạo nên sự trang trọng thật sự cho lễ tế. Còn cô gái thì đi lấy củi rừng, thường thì kiếm loại củi nào tốt nhất và chất gọn ghẽ trong gầm nhà sàn, mọi sự phải tươm tất đâu ra đó trước ngày tế lễ.

Ngoài ra còn có việc quan trọng nữa là phải chuẩn bị gói bánh nếp (klơm mbar) để chuẩn bị đón những người khách trẻ từ các nơi đổ về.

Trước ngày tế lễ một tuần, người ta cho dựng cây nêu, chôn cái cọc cột trâu chắc chắn bằng loại cây cứng và chắc gọi là băng loă, bện dây rừng gọi là che dàm để buộc con trâu trong vòng 3 ngày trước khi tế sát.

Một ngày trước tế sát, có nghi lễ gọi là mpràng bòn, đây là nghi lễ mà vị trưởng tế trong làng họ gọi là cau bơrnoh, đứng ra dẫn một đoàn người đi chung quanh làng, ông ta vác trên vai một cái xà gạc, vừa đi vừa hô to và giơ cao xà gạc, có người thổi tù và mọi người hô theo, mục đích của cuộc diễn hành này là để xua đuổi những tà ma ác hại (pluh-plàng) đi xa khỏi làng xóm, để cho làng xóm được an lành, dân chúng được an cư.

Cũng nên biết người trưởng tế là người vị vọng trong làng, được cử ra đứng đầu các gia đình tế lễ.

Chính trong đêm trước ngày tế sát là đêm vui nhất, đó các choé rượu đã chuẩn bị từ lâu được khui ra, thế là khách xa gần được mời uống, người ta vừa uống vừa hò reo và rung những cây nêu nhỏ, trên đó có treo những thẻ bằng gỗ gọi là petpel cho nó reo lên, cộng thêm những tiếng huých sáo dài cổ động cho những thực khách nốc những hơi dài những choé rượu cần sắp sẵn giữa nhà.

Dĩ nhiên đây là đêm vui, đêm mà mọi người cùng say sưa.

Ngoài ra trong đêm áp lễ có tục lệ vui nhất họ gọi là lòt yơng, nghĩa là thanh niên từ các làng kéo đến, họ mặc quần áo đẹp nhất và đến từng gia đình tế lễ, uống những chén rượu cần và được các gia đình tế lễ tặng mỗi người một cái bánh nếp gói trong lá dầu.

Đây cũng là dịp nam nữ có dịp giao tiếp với nhau, thường sau lễ tế có nhiều cuộc hôn nhân diễn ra giữa các cặp nam nữ trong vùng, nên đây cũng là cơ hội vui cho nhiều người trẻ.

Sát tế lễ vật

Cuộc tế trâu được thực hiện khi trời vừa hừng sáng, sau một hồi trống nổi lên, vợ chồng gia đình tế lễ mặc bộ trang phục truyền thống, ra đứng trước cửa nhà. Một tiếng huých sáo nổi lên như xé gió, sau đó là lời cầu khẩn của chủ nhà, đại ý ông ta kêu mời các vị thần đến nhận lễ tế dâng lên và xin ban cho gia đình được an lành, được an cư lạc nghiệp.

Lời cầu khẩn rất vần điệu và truyền thống, nghe như một vần thơ và có thể dịch đại ý như sau :

Pluk an lik mơ ồi bơkào, (này tôi ra với chiếc ồi thêu hoa)

Pluk an lik mơ ào tơme, ( này tôi ra với cái áo mới tinh)

Pluk an lik mơ phe rơmit (này tôi ra với túi gạo nghệ [1])



Do an tào kơrla sa rơpu (này tôi dựng nêu và tế trâu)

Yàng Gùng reh, yàng Gùng ràng,(hỡi thần Gung-ré, thần Gung ràng)

Yàng dòr Rơthê, yàng Jrê rơtèt.(Hỡi thần đồi Rơthê, thần Jrê rơtèt)

Tus nô pô bồp mơ hi. (Xin các vị hãy đến tham dự với chúng tôi)

….

Mơnơ kờn jo, mơ no kờn jòng (mong sao cho an cư lạc nghiệp)

Kờn niăm să lơmă soàn pràn kơldăng (mong sao cho hồn an xác mạnh).

Kờn niăm hìu niăm nhă, niăm bòn niăm lơgar, (mong sao cho gia đình làng xóm bình yên)

Niăm klau niăm ùr (mong sao cho vợ chồng thuận hòa)

….

Kờn đơs ntas wăs rơgơi. (mong sao cho khả năng phát triển)

Kờn ngăc ngờ pờ tơrlờng, (mong sao cho thông minh sáng suốt)

….

Băn ai jê să pă bla, (xin đừng để bệnh hoạn yếu đau)

Băn ai rềs ai àr ! (xin đừng để gặp xui xẻo)

Ai dồs dia ma kiau… Ơ yàng ! (xin đừng để nợ nần trăm bề… Lạy các ngài !)

Dứt lời cầu khẩn tha thiết và dài thì con vật được tế sát, có hai chàng trai khỏe mạnh và điệu nghệ cầm sẵn trong tay chiếc lao và xà gạc, họ nhanh chóng chặt đứt những cái giò của con vật, sau đó thọc tiết bằng cái lao, con vật rống lên một hồi ngắn và ngã xuống, chủ nhà thấm máu con vật bôi lên cánh cửa, bôi lên trán của mọi thành viên trong nhà để xin được an lành mạnh khỏe.

Chia phần lễ vật

Con vật được nhanh chóng xẻ thật, người ta dành phần ngon nhất là cái đùi dâng trên bàn thờ có đốt hương nghi ngút, cộng thêm với các lễ vật khác như bánh nếp, hoa trái, cơm, rượu cần để dâng lên các thần. Phần còn lại người ta nấu nướng và ăn uống vui vẻ với nhau.

Ngoài ra nhà tế lễ phải chia cho tất cả bà con họ hàng xa gần mỗi người một miếng gọi là sơmpiăm, các gia đình họ hàng bà con rất hãnh diện khi nhận được phần chia cho mình, tuy không nhiều nhưng là dấu chứng nói lên tình cảm và họ không bị quên lãng trong cuộc tế lễ ấy.

Điều ấy hẳn thắt chặt thêm mối dây liên hệ.

Những nghi lễ hậu sát tế

Đại tiệc kéo dài ít là hai ngày sau khi sát tế con vật, mọi người đều say sưa, đàn ông và có khi cả đàn bà ca hát vui vẻ, điều mà khi bình thường rất hiếm khi xảy ra.

Có thể nói rằng trong lúc này là cao điểm của bữa tiệc, mọi người đều say và khi rượu cần đã nhạt thì người ta đổ bã ra ngay dưới sàn nhà, thế là nào heo nào gà nhiệt tình hưởng ứng, sau một lúc vì ăn bã rượu nên chúng cũng đều say và ngủ lăn lóc dưới gầm nhà và trong vườn tược chung quanh, tạo nên cảnh người người say và thú vật cũng say. Không mấy ai để ý đến chuyện này, bởi vì lúc đó ai ai cũng lo phận mình nên việc heo gà có say là chuyện của chúng. Chỉ có con mắt tinh tế cũng như sự tỉnh táo (nếu còn) của một người quan sát thì mới thấy được cảnh tượng vui ấy mà thôi.

Hai ngày ăn tiệc lớn đâu đã xong, còn có một nghi lễ sau cùng nữa mà họ gọi là Poh sa sràt, nghĩa là ngày thứ bảy ăn thịt chua, mới nghe chuyện này thì ai cũng sởn tóc gáy và nghĩ rằng ăn uống kiểu gì mà ghê quá vậy !

Sự thật thì xét theo vấn đề vệ sinh thì nói ghê cũng đúng. Nhưng cũng nên hiểu về loại món ăn này như sau : Sau khi xẻ thịt con vật sát tế thì họ cho băm chặt tất cả xương xẩu của con vật ấy, dĩ nhiên là vẫn còn chút ít thịt, họ trộn với cơm và muối, sau đó bỏ vào choé và bịt kín lại, sau bảy ngày họ khui ra và trở thành món ăn chua nhiều người Thượng ưa thích, dĩ nhiên người ta nấu thật chín trước khi ăn, chứ không ăn sống.

Hy vọng với kiểu ăn này thì không sợ con vi trùng nào nữa…

Món ăn ấy người ta để dành cả tháng trời, có cái lạ là nó không thối mà lại chua nên nhiều người ưa thích. Trong nghi lễ poh sa sràt gia đình tế lễ đem phân phát cho tất cả gia đình trong làng buôn, ai ai cũng thích món ăn này.

Món này thời nay ngay cả con cháu người Thượng không ai làm nữa, vì quả thật xét theo tiêu chuẩn về vệ sinh thời nay thì ghê thật ! nhưng rồi không biết tại sao mà người ta vẫn ưa thích ?

Đôi dòng kết

Đây chỉ là sự lược tả, bỏ qua rất nhiều tiểu tiết mà chỉ ghi nhận những nét chính.

Tế trâu (Nôlơh yàng sa rơpu) là hình thức lễ hội lớn nhất của người Thượng, đặc biệt trong các làng Kơho-Sre, nó là lễ tế do gia đình chủ trì nhưng ảnh hưởng cho cả làng xóm và bà con họ hàng chung quanh.

Đã có cả một truyền thống rất cổ thời của lễ hội này, đây là cơ hội giao lưu lớn nhất của làng buôn, nơi đó những điệu trống, điệu chiêng, những tiếng sáo tiếng khèn cũng như những điệu hát câu hò được diễn tả và phát huy, cho nên có thể gọi được rằng lễ hội Nô lơh yàng sa rơpu ngoài ý nghĩa tín ngưỡng còn là môi sinh của nền nghệ thuật dân gian của người Thượng nữa.

Bối cảnh lịch sử đã làm cho lễ hội này khó có thể tồn tại nổi nữa. Ngày nay đã thấy những phong trào phục hồi được cổ võ từ nhiều phía, công bằng mà nói đó là một nỗ lực rất đáng trân trọng, nhưng cũng chân tình mà nhìn nhận rằng thời nay đã không còn những nghệ nhân của nền nghệ thuật ấy nữa, nên chỉ có thể gọi là sự cố gắng để làm hồi sinh một thời đã qua.

Ở đây không phê phán lễ hội mang nhiều tính mê tín hay không, nhưng chỉ cần nhìn nhận những hiệu quả xã hội mà nó mang đến như sự giao lưu giữa người và người, trong đó những hình thức nghệ thuật là những phương tiện không thể thiếu. Dĩ nhiên phải nhận rằng rất khó để có thể phục hồi một cách đầy đủ nền văn hóa cổ xưa, nhưng nếu có thể được thì nên có một hình thức mới phù hợp với thời đại hôm nay, hình thức nên coi là sự biến đổi trong khi nó vẫn cắm rễ trong truyền thống cổ thời của nó.

Đạo Tin mừng đã được nhiều người Thượng đón nhận như một tôn giáo chẳng những đủ sức thay thế tín ngưỡng cổ truyền của họ, mà chính là sự hoàn tất cho tín ngưỡng ấy.

Từ Cây Kơnơng (cây nêu) cho đến Cây Thập Giá, Từ lễ hội Tế Trâu thờ thần cho đến Hy Tế Cứu Độ, Phải chăng là một cuộc hành trình dài của người Thượng ?

Lễ tế cổ xưa ấy phải chăng làm cho người Thượng đón nhận dễ hơn Hy Tế Cứu Độ mà Chúa Kitô thực hiện trên đỉnh đồi Golgotha khi xưa ?

Vậy thì nên nhìn về quá khứ như là một cái đà đưa tới chứ không phải là hoàn toàn vô nghĩa trong cuộc hành trình dài ấy.

Lm. Fx. Brel

(Hồn người Thượng)

www.simonhoadalat.org

--------------------------------------------------------------------------------

1 Gạo trộn với nghệ được tin là vật một môi giới tiếp xúc với thần thánh.