Án phạt tội phạm thánh



Tin một số người vô đạo vào ngày 30.01.2007 đã phạm thượng khi lén lút đến đập phá tan tành tượng Ðức Mẹ Sầu Bi được xây dựng trên núi Gò, thuộc xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, đã gây ra nỗi đau đớn và kinh hoàng lo sợ, không những cho bà con Công Giáo mà cho cả những bà con bên lương thiện tâm, vì đó là một trọng tội : tội phạm thượng, tội xúc phạm trực tiếp đến Thiên Chúa và Mẹ Thánh của Người. Và hậu quả đương nhiên không thể tránh được là đám người vô đạo đó đã đâm ra ngớ ngẩn và khùng dại như những kẻ mất hồn. Nhất là hai người trong họ đã bị tai nạn xe, một người bị chấn xương sọ não, còn một người bị khâu hàng chục mũi ở đầu (1).

Khi nghe câu chuyện này tôi sực nhớ lại một câu chuyện mà chính tôi đã được bà con quê tôi ở Bắc kể cho nghe, khi tôi trở về thăm họ lần đầu tiên vào năm 1989 kể từ khi cuộc di cư vào Nam 1954. Số là có một ông người bên lương sống lẫn lộn trong xóm giáo quê tôi, ông vốn người tử tế đàng hoàng, nhưng một hôm ông đi xem « thầy » và được « thầy » cho hay là ông đã lấy một vật gì đó của người bên giáo và đang để vào một nơi bất kính. Khi nghe thế, ông bên lương vô cùng sửng sốt, vì ông nghĩ cả đời ông không hề làm hại ai hay lấy bất cứ cái gì của ai, của người bên giáo càng không. Nhưng « thầy » vẫn bảo là ông hãy về nhà coi lại xem sao. Khi về đến nhà ông lục lọi khắp nơi, từ trong nhà ra ngoài vườn mà vẫn không tìm thấy gì cả. Cuối cùng khi vào chuồng heo, ông mới thấy một thanh gỗ bạc màu dài khoảng hai thước mà ông đã nhặt được trong một bụi cây cạnh bờ sông. Nhưng đó là thanh gỗ thuộc cái Kiệu cũ của người công giáo đã bỏ đi từ lâu rồi. Ông ta bèn vội vàng cung kính tháo ra, rửa sạch sẽ và mang đến nhà xứ xin trả lại và tạ tội.

Ðiều đó cho thấy rằng, chỉ một sự vật không đâu, xem như không còn giá trị gì nữa và đã bị loại bỏ, nhưng một khi nó đã được làm phép, đã được thánh hiến vào việc Phụng Vụ để thờ phượng Thiên Chúa, thì không ai còn có quyền coi thường hay xúc phạm.

Ở đây chúng ta hãy bắt đầu từ hành động ngạo mạn của viên toàn quyền Roma, Pontius Pilatus, một người không biết sự thật là gì(2) và khinh thường kết án tử Ðức Giêsu một cách bất công, vì chính ông đã tuyên bố là Người hoàn toàn vô tội(3). Vì thế, không lâu sau đó, Vitellius được đề cử đến thay thế chức toàn quyền của ông, còn ông bị triệu về Roma và bị chính bạo chúa Nero ra lệnh xử trảm (4).

Từ Palestina chúng ta hãy trở lại Việt Nam để xem những tội phạm thượng, những tội xúc phạm trực tiếp đến Thiên Chúa Tối Cao đã phải trả giá như thế nào :

Vào năm 1954, sau khi chiếm được Miền Bắc, một vài anh công an đã tự ý « thừa thắng xông lên » đi vào nhà dòng kín Bùi Chu lục soát. Khi đi vào Nhà Nguyện và đúng vào giờ các Nữ Tu đang chầu Mình Thánh, anh công an ngạo mạn hách dịch : « Chúa của các ngươi ở đâu ? » Các Nữ Tu giơ tay chỉ vào Nhà Tạm trên bàn thờ. Anh công an liền lấy khẩu sủng mang trên người nhắm vào Nhà Tạm, nơi đựng Mình Thánh Chúa, bắn đúng chén thánh và Mình Thánh Chúa đổ ra vương vãi. Bắn xong, anh công an vẫn đứng yên và gầm ghè chỉa súng vào Nhà Tạm như muốn bắn tiếp. Các Nữ Tu vô cùng đau lòng vì cảm thấy Mình Thánh Chúa bị xúc phạm quá trắng trợn, nên chạy đến quì xin anh công an đừng tiếp tục bắn vào Nhà Tạm nữa. Nhưng khi động đến anh ta thì mới biết anh ta đã bị phạt chết đứng từ lâu rồi (5).

Người ta kể rằng, cũng vào năm 1954, khi chính quyền Bắc Việt lúc bấy giờ ra chính sách „Phát động quần chúng đấu tranh“, thì một vài „con chiên ghẻ“ trong hàng ngũ các giáo dân đã đứng ra tố cáo và đấu tố „bọn địa chủ Nhà Chung“. Trong số đó có một người đã vu khống và xỉ vả Ðức Cha Trần Hữu Ðức (Vinh) một cách bất công trước tòa án nhân dân, và hậu quả là mấy ngày sau đó anh ta đã bị con trâu gia đình anh ta báng và lấy sừng xốc sổ ruột chết một cách hết sức tang thương. Tiếp đến, chính cha xứ của quê tôi cũng vào thời gian đó, bị một người đàn bà xứ cũ của ngài đến đấu và làm nhục ngài vô bằng cứ ở sân đình làng, trước mặt hàng trăm người cả lương lẫn giáo, trong đó có tôi. Và cuối cùng, người ta kể lại là khi về nhà được ít lâu thì hai mí mắt của bà ta bị lật ngược lên, trông như một con ma sống, khiến bà ta cả ngày chỉ ởquanh quẩn trong nhà, chứ không dám ra đường.

Và vào năm 1963, sau khi cụ Ngô Ðình Diệm bị một số tướng tá phản bội lật đổ, một số bà con bên lương đã tràn vào tòa tỉnh trưởng Thừa Thiên Huế đập phá mọi „tàn tích gia đình trị“ của Họ Ngô. Khi trông thấy bức tượng thánh Gioan Tẩy Giả, quan thầy của cụ Diệm, thì „giận cá bằm thớt“, một anh thanh niên đã trèo lên vác búa đập vỡ mặt mũi bức tượng, nhưng không may bị trật chân ngã xuống chết ngay lập tức.

Và sau cùng là năm 1995, khi tôi có dịp trở lại viện Ðại Học Công Giáo Ðà-lạt, mái trường xưa, thì thấy ngôi Nhà Nguyện, một nơi xưa kia vốn từng là nơi thâm nghiêm kính cẩn cho mọi sinh viên lương giáo đến cầu kinh tâm sự với Thiên Chúa để tìm lại được nghị lực mới, thì nay hoàn toàn bị tục hóa và biến thành phòng đọc sách. Còn khi nhìn lên tháp chuông của ngôi Nhà Nguyện, thì chỉ thấy một ngôi sao đỏ, chứ không thấy tượng Thánh Giá đâu nữa cả. Những bà con giáo dân lân cận kể lại là sau khi vào tiếp thu Ðà-lạt và chiếm đại học, thì có một anh bộ đội đã ngạo mạn đưa súng bắn phá tượng Thánh Giá trên tháp chuông, viên đạn đúng vào giữa Thánh Giá. Nhưng vì được đổ bê-tông kiên cố, nên Thánh Giá không bị hề hấn gì cả, chỉ có một mảnh xi-măng bắn ngược lại xuống trúng mắt anh bộ đội, khiến anh bị mù tại chỗ. Sự kiện đó, tuy không được đăng tải trên báo chí, nhưng dân chúng truyền miệng đi khắp nơi. Bởi vậy, nay người ta chỉ làm một ngôi sao bằng tôn màu đỏ bọc tượng Thánh Giá lại, chứ không ai dám phá.

Cũng vì vậy, bình thường những người công an và chính quyền Việt Nam rất dè dặt, nếu không nói là sợ hãi, khi trực tiếp động đến các đồ vật thờ phượng đã được làm phép hay thánh hiến. Do đó, vào năm 1991, khi giáo xứ quê tôi ở Bắc làm lễ khánh thành nhà thờ mới, có Ðức Cha Giáo Phận về làm phép. Nhưng trước khi làm phép thì cả xứ tổ chức tiệc mừng ngay trong nhà thờ, lý do là không có chỗ nào khác nữa. Khi các anh công an và chính quyền địa phương được mời tham dự, một đàng họ rất lấy làm vinh dự, một đàng họ sợ, vì thấy ăn tiệc trong nhà thờ. Vì thế họ đã hỏi nhỏ một vài vị trong Ban Hành Giáo là nhà thờ đã làm phép chưa?

Qua những một vài sự kiện trên đây, chúng ta thấy được rằng, mặc dù Thiên Chúa là Ðấng Tạo Hóa, đã tạo dựng nên con người và cả vũ trụ này cho con người được hưởng dùng và sống một đời hạnh phúc. Và lẽ ra tất cả mọi người phải tin nhận, tôn thờ và biết ơn Người. Nhưng vì con người có lý trí và ý chí tự do, nên Người đã hoàn toàn tôn trọng sự tự do đó của họ, chứ Người không áp đặt hay bó buộc ai phải tôn thờ Người cả. Dĩ nhiên, con người phải gánh chịu mọi hậu quả của thái độ đó trước mặt Người.

Chẳng những Thiên Chúa tôn trọng tuyệt đối sự tự do lựa chọn thái độ sống của con người, nhưng Người vẫn luôn thương yêu, khoan dung và nhân từ với họ, Người vẫn làm mưa lên nắng xuống thuận hòa trên mọi người, bất kể người tốt hay kẻ xấu, người lành hay kẻ dữ. Hơn nữa, Thiên Chúa luôn biết và thông cảm với sự yếu đuối của con người, vì đã làm người mà ai lại không sa phạm điều này điều kia, như Kinh Thánh đã quả quyết (6).

Và mặc dù Thiên Chúa luôn đầy khoan dung và nhẫn nhục, nhưng Người còn là Thiên Chúa của sự công bằng và chính trực. Do đó, những tội phạm thượng, những tội phạm đến Chúa Thánh Thần, những tội xúc phạm đến sự sự thánh thiện tối cao của Thiên Chúa một cách cố ý thì không thể tha thứ được, kẻ gây ra tội ác phải bị trừng phạt đích đáng (7).

Tuy nhiên, nếu Thiên Chúa trừng phạt những kẻ xúc phạm đến Người như thế, là chỉ vì Người thương yêu họ như một người cha nhân từ đối với con cái mình và muốn nhắc nhỡ họ hãy ý thức hành động phạm thượng của mình mà biết ăn năn hối cải, chứ không cốt tiêu diệt họ, như Người đã quả quyết rõ ràng trong Kinh Thánh (8).

Vậy, những ai đã dám chống lại Thiên Chúa, thì họ phải biết rằng họ đang giơ chân đạp lên mũi nhọn, đang lấy trứng chọi với đá tảng. Ðối với họ không còn con được cứu rỗi nào khác ngoài việc thành tâm quay trở về cùng Thiên Chúa, tin nhận và tôn thờ Nguời và chỉ một mình Người mà thôi.

--------------

(1) xem Ðinh Thanh Bình, Tượng Pieta ở Núi Gò, Phát Diệm bị đập phá, www. Vietcatholic.net

(2) Phúc Âm theo thánh Gioan, đoạn 18 câu 38

(3) như trên, đoạn 19 câu 6

(4) xem Herbert Haag, Bibel-Lexikon, 1951, tr. 1344-1345

(5) xem Albert Pfleger, Fioretti de la Vierge Marie, Mambre Éditeur 1992, tr. 15-16. Do Sr. Jean Berschmanns Minh Nguyệt trích, www.vietcatholic.net

(6) Thư Thứ Nhất của thánh Gioan, đoạn 1 câu 8

(7) xem Phúc Âm thánh Mát-thêu, đoạn 12, câu 32.

(8) Sách tiên tri Ê-dê-ki-en, đoạn 18 từ câu 30b-32; Sách tiên tri I-sai-a, đoạn 30 câu 15 và câu 18