Từ ngày 21 đến 23 tháng 3 vừa qua tại nhà thờ Hà Bầu – Chư Đăng R’Ya, cách thành phố Pleiku, trung tâm tỉnh Gia Lai khoảng 40 cây số, đã có khoá tĩnh tâm 3 ngày của các anh chị em Jarai, quy tụ khoảng 200 người đến từ 5 làng lân cận là Plei Xoa, Plei Ko, Plei Jar, Plei Ia Gri, Plei Wet gồm các ami (các bà mẹ), các ama ( các ông bố ) và hlắk –ai ( giới trẻ).

ĐGM Kontum Hoàng Ngọc Oanh với giáo dân Hà Bầu
Hai ngày đầu, cha Antôn Lê Ngọc Thanh, dòng Chúa Cứu Thế, đã hướng dẫn anh chị em cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Lời Chúa và lời của con người đan xen, hoà quyện vào nhau. Trong những ngày học về Lời Chúa này anh chị em Jarai như để hết cái mệt nhọc, để hết cái lo toan của nương rẫy, để hết những bận bịu của thường ngày cho Chúa lo, họ hăng hái đến nhà thờ để lắng nghe Lời Chúa.

Hiện nay, người Jarai đã tìm thấy linh đạo của mình để thờ phượng Chúa, không phải vay mượn của người Kinh hay của người Bahnar. Với họ khi tỏ lòng sám hối thì phải cúi đầu xin Chúa thương, nhưng khi tôn vinh Danh Thiên Chúa thì phải hân hoan, reo vui, mừng rỡ, người nam sẽ vỗ tay nhún theo nhịp ching chêng, còn nữ thì múa. Mới đây thôi, ngày khánh thành và mừng 100 năm nhà thờ Hà Bầu – Chư Đăng R’Ya, ngày 12 tháng 12 năm 2006 vừa qua, tôi đã được diễm phúc tham dự thánh lễ của người Jarai, khi hát kinh Vinh Danh, cả cộng đoàn từ người lớn đến em nhỏ trong bộ quần áo truyền thống đã hát và múa một cách nhịp nhàng và thánh thiêng trong tiếng cồng, tiếng chiêng reo vui vang dội giữa đại ngàn vang đến từng vách đá của ngọn núi Grông, núi Jôr và núi Nâm đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng về người Jrai, về niềm tin của họ. Trong những ngày tĩnh tâm này, lại một lần nữa, và
Giáo dân HÀ Bầu tham dự tuần tĩnh tâm
không biết sẽ mấy lần nữa, tôi lại được cái cảm thức đó.

Theo anh em Jarai, khi cầu nguyện không thầm thĩ, nhưng phải nói thành lời. Họ quan niệm Chúa đã ban cho mình cái miệng để nói thì phải nói to cho Chúa nghe. Người cha nào lại không muốn lắng nghe tiếng bi bô của đứa con mình mặc dù ông đã biết nó muốn nói gì nhưng ông vẫn thích nghe chính miệng nó nói ra hơn. Và anh em Jarai đã gặp gỡ Chúa bằng con người của mình, bằng nền văn hoá của mình. Người Jarai bây giờ không còn mặc cảm vì mình là thiểu số, nhưng ý thức mình là thành viên trong gia đình Kitô giáo, tất cả đều là anh chị em với nhau.

Ngày thứ 3 trong khoá học, Wa H’Bem - Bác của chị H’Bem - một giáo phu được cha Tín, dòng Chúa Cứu Thế huấn luyện. Ông đã rửa tội trong trại cải tạo sau 1975. Dù ở tuổi gần 70, ông vẫn chia sẻ nhiệt tình với anh chị em về Giêsu, về kinh nghiệm gặp gỡ Chúa, về kinh nghiệm sống với Chúa, về cách sống làm con của Thiên Chúa. Wa H’Bem giảng hăng say đến nỗi 12 giờ trưa, khi ông mặt trời đứng ngay giữa sân nhà thờ Hà Bầu mà vẫn thao thao nói và dân làng ngồi nghe không nhúc nhích, không mỏi cái tai, không đói cái bụng.

Nhà thờ HÀ Bầu
Soeur Anna Dương Thị Tuyết, dòng Đaminh Rosa Lima, cho biết sau ngày khánh thành nhà thờ Hà Bầu - Chư Đăng R’Ya - thì đã tổ chức ngay các buổi tĩnh tâm. Tháng nào cũng có tĩnh tâm cho các giới: đầu tháng thì các ama (các ông bố), giữa tháng thì hlắk – ai ( giới trẻ), cả hai giới này tĩnh tâm đều được các ami ( các bà mẹ ) nấu cơm. Còn cuối tháng là ngày tĩnh tâm của các ami thì giới trẻ sẽ nấu cơm. Riêng các ama không phải nấu cơm, nhưng để dành làm những việc nặng. Từ đó đến nay đã tổ chức được 3 lần tĩnh tâm cho mỗi giới.

Để ngày tĩnh tâm được trọn vẹn cho các giới, các Soeur đề nghị ai nấy mang cơm phần mình, các Soeur sẽ nướng cá khô và nấu nồi canh, buổi trưa cùng ăn chung.

Người ở làng xa nhất đi đến khoảng 4 – 5 cây số, cũng cơm nắm và chăm chú nghe lời Chúa. Ước chi niềm tin mãnh liệt, đơn sơ và trung tín của anh chị em Jarai sẽ mãi ngời sáng trên mảnh đất Tây Nguyên.