“Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5:8-9).

1. Đoạn văn chúng ta vừa nghe trong Bài Đọc dành cho Các Giờ Kinh chứa đựng một giáo huấn sâu xa. Một lần nữa chúng ta nhận ra rằng Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu những thẳm sâu trong tâm hồn con người, đem lại ủi an và khích lệ cho các tôi tớ trung tín của Người (x. Dt 4:12).

Buổi hát Kinh Chiều Tạ Ơn tại VCTĐ São Paulo
Buổi hát Kinh Chiều Tạ Ơn tại VCTĐ São Paulo
ĐTC và các Hồng Y, Giám Mục tại tại VCTĐ São Paulo
Tôi tạ ơn Chúa đã cho tôi cơ hội được hiện diện giữa một Hàng Giám Mục thế giá đang cai quản một dân số Công Giáo lớn nhất thế giới này. Tôi chào mừng các chư huynh với lòng hiệp thông sâu xa và tình cảm trìu mến chân thành trong nhận thức rõ rệt về sự tận tụy của chư huynh đối với những cộng đoàn được trao phó cho mình. Sự tiếp đón thân ái mà vị Kinh Sĩ Trưởng Đền Thờ cũng như các chư huynh hiện diện nơi đây dành cho tôi khiến tôi cảm thấy như đang ở nhà trong Ngôi Nhà Chung rộng lớn, ngôi nhà Mẹ Thánh là Giáo Hội Công Giáo chúng ta.

Tôi cũng gởi lời chào đặc biệt đến các Vị mới được bầu trong Hội Đồng Giám Mục Ba Tây, và với lòng biết ơn trước những lời tốt đẹp của chủ tịch Hội Đồng là Đức Tổng Giám Mục Geraldo Lyrio Rocha, tôi cầu chúc những lời tốt đẹp nhất trong lời cầu nguyện cho công việc của ngài là tạo nên sự hiệp thông sâu xa giữa các Đức Giám Mục và đề cao hoạt động mục vụ chung trong một lãnh thổ có chiều kích của một lục địa.

2. Với lòng hiếu khách truyền thống, Ba Tây đang tiếp đón các tham dự viên Đại Hội Đồng Giám Mục Mỹ Châu La Tinh Lần Thứ Năm. Tôi bày tỏ lòng tri ân cho sự tiếp đón ân cần dành cho các thành viên Đại Hội Đồng, và lòng biết ơn sâu xa của tôi cho những lời cầu nguyện của người dân Ba Tây, đặc biệt những lời cầu của họ cho sự thành công của cuộc họp các Đức Giám Mục tại Aparecida.

Cuộc gặp gỡ này là một biến cố giáo hội lớn lao và là một phần trong nỗ lực truyền giáo cần thiết cho Mỹ Châu La Tinh, bắt đầu từ đây – trên phần đất Ba Tây này. Đó là lý do tại sao tôi muốn đề cập trước với chư huynh, các Giám Mục của Ba Tây, khi khơi lên những lời rất phong phú về nội dung này trích từ Thư Do Thái: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5:8-9). Đoạn văn đầy ý nghĩa này nói với chúng ta về lòng thương cảm Thiên Chúa dành cho chúng ta, như đã được diễn đạt qua cuộc thương khó của Con Ngài. Những lời này đề cập đến sự vâng phục và sự chấp nhận tự do và sáng suốt chương trình của Chúa Cha, thể hiện tỏ tường nhất trong lời cầu nguyện của Ngài trên núi Ô-liu: "Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha" (Lc 22:42). Chính Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng con đường chân thật cho ơn cứu độ là đặt để ý ta trong niềm tuân phục thánh ý Thiên Chúa. Đó là lý do trong lời xin thứ ba của kinh ‘Lạy Cha’, chúng ta cầu nguyện: xin cho ý Cha trị đến dưới đất cũng như trên trời, vì bất cứ nơi đâu Thiên Chúa ngự trị, ở đó Nước Chúa hiện diện. Chúa Giêsu thu hút chúng ta bởi sự vâng phục của Ngài, một sự vâng phục đầy lòng con thảo, và qua đó Ngài đưa dẫn chúng ta đến ơn cứu độ. Khi chúng ta chấp nhận thánh ý của Thiên Chúa, trong sự hiệp nhất với Chúa Giêsu Kitô, chúng ta mở tung thế giới này cho Nước Chúa”.

Các Giám Mục chúng ta đã gặp gỡ nhau để thể hiện chân lý trung tâm này, vì chúng ta ràng buộc trực tiếp với Chúa Kitô, vị Mục Tử Tốt Lành. Sứ vụ được trao phó cho chúng ta như các thầy dạy về đức tin bao gồm việc nhắc lại, trong những lời của vị Tông Đồ Dân Ngoại, rằng Đấng Cứu Độ chúng ta "muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý" (1 Tm 2:4). Mục đích của Giáo Hội không gì khác hơn là ơn cứu độ dành cho mỗi linh hồn. Vì điều này mà Chúa Cha đã sai Con Ngài đến, và chính Chúa đã sai chúng ta đi trong những lời được ghi trong Phúc Âm Thánh Gioan “Như Cha đã sai thầy, thầy cũng sai anh em đi” (Ga 20:21). Và đây là ủy nhiệm truyền bá Tin Mừng: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." Những lời này tuy đơn giản nhưng thật đẹp; chúng nói lên nghĩa vụ công bố chân lý đức tin; sự cần thiết khẩn cấp cho đời sống bí tích, và lời hứa của Đức Kitô sẽ tiếp tục trợ giúp Giáo Hội. Đó là những thực tại căn bản: chúng đề cập đến việc dạy dỗ dân chúng trong đức tin và trong luân lý Kitô Giáo, và việc cử hành các bí tích. Ở đâu Thiên Chúa và thánh ý Người không được biết tới, ở đó không có lòng tin nơi Chúa Kitô và không có sự hiện diện của Người trong các phép bí tích, và ở đó cũng sẽ thiếu những thành tố cần thiết giúp tìm ra giải pháp cho những vấn đề xã hội chính trị cấp thiết. Lòng trung tín với sự tối thượng của Thiên Chúa và thánh ý Người, được biết Chúa và sống trong tình hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô, là món quà thiết yếu mà các Giám Mục và linh mục chúng ta phải trao tặng cho dân chúng (x Thông Điệp “Sự Phát Triển Của Các Dân Tộc” số 21)

3. Do đó, sứ mạng của chúng ta như các Giám Mục thúc bách chúng ta phải nhận thức rõ thánh ý cứu độ của Thiên Chúa và đề ra các sáng kiến mục vụ có thể giáo dục Dân Chúa nhận ra và tiếp nhận những giá trị siêu việt, trong niềm trung tín với Thiên Chúa và Tin Mừng.

Thời đại ngày nay chắc chắn là một giai đoạn khó khăn đối với Giáo Hội, và nhiều tín hữu đang chao đảo. Cuộc sống xã hội đang trải qua những giai đoạn mất định hướng. Tính chất thánh thiêng của hôn nhân và gia đình bị tự do tấn kích, và người ta nhượng bộ trước các áp lực có hậu quả tiêu cực cho các tiến trình luật pháp; người ta biện minh cho một vài tội ác chống lại sự sống nhân danh tự do và quyền cá nhân; người ta mưu sát phẩm giá con người; nạn dịch ly dị và tình trạng chung sống ngoài hôn nhân lan tràn. Còn hơn thế nữa, khi ngay bên trong lòng Giáo Hội, người ta bắt đầu đặt vấn đề đối với giá trị của sự dấn thân linh mục như một sự tín thác hoàn toàn nơi Chúa qua đời sống độc thân tông đồ và như một sự sẵn sàng hoàn toàn phục vụ các linh hồn, và người ta ưa thích các vấn đề ý thức hệ, chính trị, kể cả đảng phái; và cơ cấu của sự dâng hiến tổng thể cho Thiên Chúa bắt đầu mất đi ý nghĩa sâu xa nhất của nó. Làm sao chúng ta có thể không đau buồn sâu xa trước điều này? Nhưng hãy tin tưởng: Giáo Hội là thánh thiện và không thể hư nát được (x Ep 5:27). Thánh Augustinô đã nói: “Giáo Hội sẽ chao đảo nếu nền tảng của Giáo Hội bị chao đảo; nhưng Chúa Kitô lẽ nào lại chao đảo sao? Vì Chúa Kitô không thể bị chao đảo, Giáo Hội sẽ nguyên vẹn cho đến giờ sau hết ("Enarrationes in Psalmos," 103,2,5: PL 37,1353).

Một trong những vấn nạn đặc biệt mà các chư huynh trong tư cách là các Mục Tử phải đương đầu là vấn đề những người Công Giáo bỏ đời sống Giáo Hội. Nguyên nhân chính có thể thấy rõ của vấn đề này là sự thiếu sót việc truyền giảng Tin Mừng đặt trọng tâm nơi Chúa Kitô và Giáo Hội của Người. Những người dễ bị lung lạc trước kiểu chiêu dụ tín đồ hiếu chiến – một điều thật đáng quan tâm – và những người không chống trả nổi sự tấn kích của chủ nghĩa bất khả ngộ, chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa duy đời cực đoan thường là những người được rửa tội nhưng vẫn không được truyền giáo đầy đủ. Họ dễ dàng bị lôi cuốn vì đức tin yếu đuối, lộn xộn, dễ bị lung lạc và ngây thơ, bất kể bản chất mộ đạo của họ. Trong thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu”, tôi đã khẳng định rằng “Là Kitô hữu không phải là hệ quả của một lựa chọn luân lý hay một lý tưởng cao quý, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố, một người; một cuộc gặp gỡ trao ban cho cuộc sống một chân trời mới và qua đó là một hướng đi có tính chất quyết định.(Số 1). Thành ra, điều cấp thiết là phải tiến hành một hoạt động mục vụ truyền giáo thực sự giữa các tín hữu hình thành nên Giáo Hội tại Ba Tây; phải đề cao ở mọi cấp một công cuộc truyền giáo có phương pháp nhắm tới lòng trung tín của cá nhân và cộng đoàn với Chúa Kitô. Không nên tách biệt giữa các nỗ lực tìm kiếm lại những người Công Giáo đã bỏ Giáo Hội và những nỗ lực dành cho những người hiểu biết rất ít hay không biết gì về Chúa Giêsu Kitô. Giáo Hội phải tiến hành một kế hoạch mục vụ chào đón họ và giúp họ nhận thức rằng Giáo Hội là một nơi thuận tiện cho việc gặp gỡ Thiên Chúa; đồng thời phải đưa ra một tiến trình giảng dạy giáo lý liên tục.

Nói tắt một lời, điều cần thiết là một công cuộc truyền giáo có khả năng lôi cuốn mọi năng lực quan trọng sẵn có trong cộng đoàn đông đảo này. Những ý nghĩ của tôi hướng đến các linh mục, những tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân những người đang hoạt động rất quảng đại để loan truyền sự thật Tin Mừng, dù thường khi phải đối diện với những khó khăn lớn lao. Nhiều người hợp tác với hay tích cực tham gia vào những hiệp hội, những phong trào, và các cơ cấu giáo hội, trong tình hiệp thông với các Mục Tử và theo các chỉ dẫn của các giáo phận, đang đem lại cho Giáo Hội sự phong phú về linh đạo, giáo dục, và truyền giáo của họ, như một kinh nghiệm quý giá và một mẫu gương về cuộc sống Công Giáo.

Trong công cuộc truyền giáo này cộng đoàn giáo hội phải bùng lên những sáng kiến mục vụ, đặc biệt là việc sai đi các nhà truyền giáo, giáo dân hay giáo sĩ, tới những gia đình nằm ở ngoại ô các thành phố và bên trong các thành phố này, để bước vào một cuộc đối thoại với mọi người trong tinh thần hiểu biết, nhạy cảm và bác ái. Mặc khác, nếu những người chúng ta gặp gỡ đang sống trong nghèo khó, điều cần thiết là phải giúp đỡ họ, như các cộng đoàn tiên khởi đã làm, qua việc thực hành các cử chỉ liên đới và tạo cho họ cảm thấy được thương yêu thực sự. Người nghèo sống trong các khu ngoại ô của thành phố hay tại thôn quê cần cảm thấy rằng Giáo Hội gần gũi họ, đáp ứng cho họ những nhu cầu cấp thiết, bảo vệ quyền lợi cho họ và hoạt động sát cánh với họ để xây đắp một xã hội xây dựng trên công lý và hòa bình. Người nghèo được đề cập đến trong Tin Mừng với một cách thế rất đặc biệt, và vị Giám Mục, theo mẫu gương Người Mục Tử Nhân Lành, cần phải quan tâm cách riêng đến việc trao ban sự nâng đỡ thiêng liêng về đức tin, trong khi không được lơ là nhu cầu “cơm bánh vật chất của họ”. Như tôi đã muốn nhấn mạnh trong thông điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu “Giáo Hội không thể lơ là việc phục vụ bác ái cũng như không thể lơ là trong việc ban các bí tích và Lời” (số 22).

Đời sống bí tích, đặc biệt là việc cử hành bí tích Hòa Giải và bí tích Thánh Thể, đóng một vai trò đặc biệt quan trọng ở đây. Trong tư cách các Mục Tử, nghĩa vụ chủ yếu của các chư huynh là phải bảo đảm sao cho các tín hữu được dự phần trong đời sống thánh thể và trong bí tích Hòa Giải. Các chư huynh cần cảnh giác sao cho việc xưng thú và xá giải tội lỗi được thực hiện thường là trên cơ sở cá nhân vì chính tội lỗi là điều gì đó có tính cá nhân sâu xa (x Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng “Hòa Giải và Đền Tội” 31, III). Chỉ những ngăn trở thể lý hay luân lý mới có thể miễn trừ người tín hữu khỏi hình thức xưng tội riêng, trong trường hợp đó, bí tích Hòa Giải có thể nhận được qua các hình thức khác (x Giáo Luật 960, Toát Yếu Giáo Lý Công Giáo, 311). Do đó, thật là thích hợp để hình thành trong hàng linh mục lòng quảng đại sẵn sàng giúp các tín hữu chạy đến bí tích lòng thương xót Chúa (x. Tông Thư "Misericordia Dei," 2).

4. Khởi động lại từ Chúa Kitô trong mọi lãnh vực của hoạt động truyền giáo, tái khám phá nơi Chúa Giêsu tình yêu và ơn cứu độ được trao ban cho chúng ta bởi Chúa Cha qua Chúa Thánh Thần : đây là cốt lõi và tinh tuý của sứ vụ giám mục, là điều khiến Giám Mục trở nên là người chịu trách nhiệm chủ yếu cho việc dạy giáo lý trong giáo phận của ngài. Thật vậy, trách nhiệm huấn giáo tối hậu đè nặng lên vai ngài và các cộng sự viên có khả năng và đáng tin cậy chung quanh ngài. Do đó, điều rõ ràng là nhiệm vụ của người giáo lý viên không chỉ đơn giản là thông truyền những kinh nghiệm đức tin, nhưng trái lại – dưới sự dẫn dắt của vị Mục Tử - họ phải là những sứ giả đích thật loan truyền chân lý đã được mạc khải. Đức tin là một cuộc hành trình được dẫn dắt bởi Thánh Thần, có thể được tóm tắt trong hai từ “hoán cải” và “tình môn đệ”. Trong truyền thống Kitô Giáo, hai từ này minh định rõ ràng rằng đức tin nơi Chúa Kitô dẫn đến một lối sống dựa trên điều răn gồm hai mặt là mến Chúa và yêu người – và hai từ đó cũng diễn tả chiều kích xã hội của cuộc sống người tín hữu.

Chân lý đòi buộc một sự hiểu biết rõ ràng sứ điệp của Chúa Giêsu được thông truyền qua phương tiện của một thứ ngôn ngữ rõ ràng và hội nhập văn hóa, nhưng vẫn phản ánh trung thực nội dung sứ điệp này. Lúc này đây, điều cấp bách là một kiến thức đức tin đúng đắn như đã được trình bày trong Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo và trong cuốn Toát Yếu đi kèm. Việc dạy giáo lý cũng phải bao gồm việc giáo dục các nhân đức cá nhân và xã hội, cũng như việc giáo dục trách nhiệm xã hội. Chính vì đức tin, cuộc sống, và việc cử hành phụng vụ thánh - nguồn mạch của đức tin và cuộc sống – là không thể tách biệt, cần phải thực hiện đúng hơn nữa các nguyên tắc phụng vụ như đã chỉ ra bởi Công Đồng Vatican II, cũng như được chứa đựng trong Cẩm Nang Dành Cho Sứ Vụ Giám Mục (x 145 – 151), để phục hồi tính chất thánh thiêng của phụng vụ. Chính vì mục đích này mà vị Tiền Nhiệm Đáng Kính của tôi trên Ngai Toà Thánh Phêrô, Đức Gioan Phaolô II, đã muốn “kêu gọi khẩn thiết là các chuẩn mực trong Phụng Vụ dành cho việc cử hành Thánh Thể phải được tuân giữ với sự trung thành nghiêm nhặt...Phụng vụ không bao giờ là tài sản riêng của ai, dù là chủ tế, hay cộng đoàn tín hữu nơi các mầu nhiệm được cử hành(Thông Điệp Giáo Hội và Thánh Thể, 52). Đối với các Giám Mục, “những người điều hành cuộc sống phụng vụ của Giáo Hội", việc tái khám phá và đánh giá cao sự tuân thủ các chuẩn mực phụng vụ là một hình thức chứng tá cho một Giáo Hội duy nhất, phổ quát, đang cai quản trong tình bác ái.

5. Cần có một bước nhảy vọt trong phẩm chất đời sống Kitô để có thể làm chứng cho đức tin một cách tỏ tường và minh bạch. Lòng tin, như được cử hành và chia sẻ trong phụng vụ và trong các hoạt động bác ái, nuôi dưỡng và linh hoạt hóa cộng đoàn các môn đệ Chúa trong khi xây dựng cộng đoàn thành một Giáo Hội truyền giáo và tiên tri. Hàng Giáo Phẩm Ba Tây có một cấu trúc đầy ấn tượng dựa trên các cơ chế đã được tái duyệt gần đây và dễ thực hiện hơn, nhắm trực tiếp hơn vào lợi ích của Giáo Hội. Giáo Hoàng đến Ba Tây này để yêu cầu rằng qua việc tuân theo Lời Chúa, tất cả các Chư Huynh Đáng Kính trong Hội Đồng Giám Mục này thực sự trở nên những sứ giả của ơn cứu độ vĩnh cữu cho tất cả những ai tin vào Chúa Kitô (x Dt 5:10). Nếu chúng ta trung tín với cam kết long trọng của mình như những người kế vị các thánh Tông Đồ, những người Mục Tử chúng ta phải là những tôi tớ trung tín của Lời, gạt bỏ mọi giản lược hay viễn kiến sai lầm về sứ vụ được trao phó cho chúng ta. Nhìn thực tại từ quan điểm đức tin cá nhân của chúng ta thôi thì không đủ đâu. Chúng ta phải hoạt động với Tin Mừng trong tay và neo chính chúng ta nơi di sản đích thật của Tông Truyền, tránh xa mọi thứ diễn dịch được kích động bởi các thứ chủ nghĩa duy lý.

Thật vậy, “bên trong một Giáo Hội nhất định, chính Giám Mục phải chịu trách nhiệm về việc gìn giữ và diễn dịch Lời Chúa và phải đưa ra các xét đoán thẩm quyền về điều gì là phù hợp và điều gì không phù hợp với Lời Chúa (Bộ Giáo Lý Đức Tin, Chỉ Dẫn về Ơn Gọi Giáo Hội của các Thần Học Gia, số 19). Như là Thầy Dạy chủ yếu của đức tin và tín lý, vị Giám Mục sẽ dựa vào sự hợp tác của các thần học gia, những người để “trung tín với vai trò phục vụ cho sự thật, cần phải tính đến sứ vụ chính đáng của Huấn Quyền và hợp tác với Huấn Quyền” (thượng dẫn 20). Nghĩa vụ bảo tồn kho tàng đức tin và bảo vệ sự thống nhất đức tin đòi hỏi sự cảnh giác cao độ để đức tin được “bảo tồn và truyền lại nguyên vẹn sao cho những nhận thức đặc thù hoàn toàn hội nhập trong một Tin Mừng duy nhất của Chúa Kitô(Cẩm Nang Thừa Tác Vụ Giám Mục, 126).

Điều này, do đó, là một trách nhiệm lớn lao mà các chư huynh phải gánh lấy như những người đào tạo dân mình, đặc biệt đối với các linh mục và tu sĩ dưới sự dẫn dắt của chư huynh. Họ là những cộng sự viên trung thành của quý chư huynh. Tôi biết rõ sự dấn thân của chư huynh trong việc tìm kiếm các phương thế đào tạo ơn gọi mới cho cuộc sống linh mục và tu trì. Việc đào tạo thần học, cũng như việc giáo dục các khoa học thiêng liêng, cần phải được cập nhật thường xuyên, nhưng điều này phải luôn luôn được thực hiện phù hợp với Huấn Quyền đích thực của Giáo Hội.

Tôi kêu gọi cách đặc biệt lòng nhiệt thành linh mục và sự nhạy bén ơn gọi của chư huynh để chư huynh có thể biết cách thức hoàn tất việc đào tạo thiêng liêng, tâm lý và tình cảm, trí thức và mục vụ cần thiết để chuẩn bị cho người trẻ có thể đóng góp một sứ vụ trưởng thành và quảng đại cho Giáo Hội. Đường hướng linh đạo tốt và nhiệm nhặt là thiết yếu để nuôi dưỡng sự tăng trưởng nhân bản và loại trừ mọi sai lạc trong lãnh vực tính dục. Xin luôn luôn nhớ rằng ơn gọi độc thân linh mục “là món qùa Giáo Hội đã nhận được và ao ước giữ lấy, trong niềm tin tưởng rằng đó là điều tốt đẹp cho chính Giáo Hội và cho thế giới” (Cẩm nang về Sứ Vụ và Đời Sống Các Linh Mục, 57).

Tôi cũng muốn tín thác trong sự chăm sóc của chư huynh các cộng đoàn tu trì đang đóng một vai trò quan trọng trong đời sống các giáo phận. Họ dâng hiến sự cống hiến quý báu của họ vì “có nhiều loại ơn sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần(1 Cr 12:4). Giáo Hội không thể không thể hiện niềm vui và lòng biết ơn đối với các tu sĩ nam nữ đang có thể đóng góp sức mình nơi các đại học, các trường học, bệnh viện, các nơi làm việc và các cơ chế khác.

6. Tôi biết rõ sự năng động trong các Hội Nghị của quý chư huynh và những nỗ lực liên quan đến việc hình thành các kế hoạch mục vụ đa dạng dành ưu tiên cho việc đào tạo hàng giáo sĩ và những người trợ lực cho các ngài trong công việc mục vụ. Một số trong chư huynh đã khích lệ các phong trào truyền giảng Tin Mừng để giúp vào việc tập hợp các nhóm tín hữu nhằm tiến hành những công việc nhất định. Người Kế Vị Thánh Phêrô này trông cậy vào các chư huynh để bảo đảm rằng sự chuẩn bị mà các chư huynh dành cho họ luôn dựa trên một linh đạo hiệp thông và trung thành với Ngai Tòa Phêrô, để công việc của Thánh Thần không bao giờ là vô vọng. Thật vậy, sự toàn vẹn đức tin, cùng với kỷ luật của Giáo Hội, là và sẽ luôn luôn là một lãnh vực cần đến sự chăm sóc cẩn thận về phần các chư huynh, đặc biệt khi chúng ta sống trong bối cảnh hệ quả của sự kiện là “chỉ có một đức tin và một phép rửa”.

Như chư huynh đều biết, giữa các tài liệu đa dạng về lãnh vực hiệp nhất Kitô Giáo, có một tài liệu gọi là Cẩm Nang Đại Kết do Hội Đồng Tòa Thánh Cổ Vũ Hiệp Nhất Kitô Giáo xuất bản. Đại Kết – hay việc tìm kiếm sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô – đã trở thành một nhiệm vụ cấp bách của Giáo Hội Công Giáo trong thời đại chúng ta, như đã thấy trong bối cảnh gia tăng các cuộc gặp gỡ liên văn hóa và trước thách đố của chủ nghĩa thế tục. Nhiệm vụ đại kết đã trở nên phức tạp trước sự gia tăng nhanh chóng các hệ phái Kitô, và đặc biệt trước các hình thức chiêu dụ tín đồ hiếu chiến. Trong bối cảnh đó việc đào tạo về lịch sử và tín lý là tuyệt đối cần thiết để có thể nuôi dưỡng sự nhạy bén cần thiết và dẫn đến một sự hiểu biết tốt hơn về căn tính đặc thù của mỗi cộng đoàn, nhận ra những yếu tố gây chia rẽ họ, và những yếu tố có thể giúp ích trên con đường hiệp nhất rộng lớn hơn. Lãnh vực lớn nhất trên cơ bản hợp tác chung nên là sự bảo vệ những giá trị luân lý – xuất phát từ truyền thống Thánh Kinh – chống lại những thế lực của nền văn hóa tương đối và tiêu thụ đang tìm cách hủy diệt các cộng đoàn. Một lãnh vực khác là đức tin nơi Thiên Chúa Tạo Hóa và nơi Đức Giêsu Kitô, Người con đã xuống thế làm người của Ngài. Hơn thế nữa, luôn luôn có nguyên tắc của tình yêu huynh đệ và của việc tìm kiếm sự hiểu biết lẫn nhau và sự xích lại gần nhau. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải quan tâm tới việc bảo vệ đức tin cho dân chúng ta, bổ sức cho họ trong niềm vui thâm tín rằng "unica Christi Ecclesia … subsistit in Ecclesia catholica, a successore Petri et Episcopis in eius communione gubernata" ["Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô … hiện diện nơi Giáo Hội Công Giáo được cai quản bởi đấng kế vị Thánh Phêrô và bởi các Giám Mục hiệp thông với ngài”] ("Ánh Sáng Muôn Dân," 8).

Qua đó, từ Hội Đồng Các Giáo Hội Kitô Toàn Quốc, chư huynh có thể tiến đến cuộc đối thoại đại kết thẳng thắn, trong khi cam kết tôn trọng hoàn toàn các hệ phái khác muốn giữ liên lạc với Giáo Hội.

7. Thực trạng đất nước các chư huynh đang trải qua một cuộc suy thoái lịch sử trong phát triển xã hội mà những ảnh hưởng cực đoan có thể thấy được nơi các thành phần rộng lớn người Ba Tây đang phải sống thiếu thốn, tình trạng bất bình đẳng trầm trọng trong thu nhập, ngay cả ở những tầng lớp cao nhất của xã hội; thực ra không phải là điều gì mới lạ. Các chư huynh thân mến, nhiệm vụ của các chư huynh, như là hàng giáo phẩm của dân Chúa, là phải đề cao việc tìm kiếm những giải pháp mới theo tinh thần Kitô. Một viễn kiến cho các vấn nạn kinh tế và xã hội phù hợp với giáo huấn Hội Thánh sẽ đưa chúng ta đến chỗ phân định các sự việc từ quan điểm về phẩm giá con người, vượt cao hơn tác động hỗ tương đơn giản của các yếu tố kinh tế. Do đó, điều cần thiết là phải hoạt động không mệt mỏi để hình thành các chính trị gia, và mọi người Ba Tây có chút ảnh hưởng lớn nhỏ nào đó, cũng như mọi thành viên xã hội, để họ có thể gánh lấy trách nhiệm hoàn toàn và học biết cách tạo cho nền kinh tế một bộ mặt thật sự nhân bản và đầy lòng trắc ẩn.

Cần thiết là phải hình thành một tinh thần tin cậy và liêm chính thật sự giữa các tầng lớp chính trị và thương mãi. Những ai đóng vai trò lãnh đạo trong xã hội cần phải thấy trước được những hệ quả xã hội – trực tiếp hay gián tiếp, ngắn hạn hay dài hạn – của những quyết định do họ đưa ra, và luôn luôn hành xử theo những tiêu chuẩn làm lợi nhất cho công ích, hơn là chỉ tìm mưu lợi riêng.

8. Các chư huynh thân mến, theo thánh ý Chúa, chúng ta sẽ tìm ra những cơ hội khác nữa để khảo sát các vấn nạn đang gây ra âu lo chung cho chúng ta. Giờ đây, không theo đuổi những vấn đề này đến cùng, tôi cố đưa ra những chủ đề quan trọng đang kêu đòi sự chú ý của tôi như Mục Tử Giáo Hội Hoàn Vũ. Tôi đưa ra sự khích lệ trìu mến các chư huynh đồng thời với một thỉnh cầu huynh đệ và chân thành: xin các chư huynh luôn luôn hoạt động và hành xử như hiện nay – trong tinh thần hài hòa, xây dựng chính mình trên tình hiệp thông tìm thấy sự diễn đạt cao trọng nhất và nguồn mạch bất tận nơi bí tích Thánh Thể. Tôi phó thác các chư huynh nơi Mẹ Rất Thánh, Mẹ Chúa Kitô, Mẹ Giáo Hội, tôi thân ái ban Phép Lành Tòa Thánh cho các chư huynh và các cộng đoàn của các chư huynh.

Cám ơn các chư huynh

© Copyright 2007 -- Libreria Editrice Vaticana

+ Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI