Chúa Nhật X Mùa Thường Niên,C

Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó có sự sống!


(1 V 17,17-24; Lc 7,11-17)

Bài Tin Mừng kể lại câu chuyện Ðức Giêsu cho người con trai bà goá thành Na-in sống lại là một trong những đoạn Tin Mừng được biết đến và được ưa chuộng nhiều nhất của bản Phúc Âm theo thánh Luca. Bài Tin Mừng tường thuận biến cố phục sinh Na-in này đã được thánh sử Luca thêm vào trong toàn khối những những bài giảng thuyết cô đọng các giáo lý trọng yếu của Đức Giêsu (6,20 – 8,3); và nó sửa soạn câu trả lời của Người trước sự thắc mắc của Giaon Tẩy Giả : «Thầy có thật là Ðấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?»(Lc 7,20). Và câu trả lời của Ðức Giêsu là một câu tóm tắt toàn bộ sứ mệnh Cứu Thế của Người : «Các anh hãy về thuật lại cho Gioan nghe mọi điều mắt thấy tai nghe : Người mù được thấy, kẻ què đi được, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe giảng Tin Mừng. Phúc thay cho người nào không vấp ngã vì Ta!»(Lc 7,22). Thật ra, sự thể của biến cố Na-in này đã được soạn sửa bằng việc chữa làng bệnh cho người đầy tớ của viên sĩ quan Roma ở Ca-pha-na-um trước đó (Lc 7,1-10) và xảy ra gần kề ngay trước đoạn tường trình lại biến cố phục sinh Na-in.

Tiếp đến, xét theo mặt văn chương và lịch sử, câu chuyện Ðức Giêsu cho người thanh niên, con trai duy nhất của một bà goá thành Na-in, được hoàn sinh là sự lặp lại một biến cố hoàn toàn tương tự đã xảy ra trong quá khứ, như chúng ta đã nghe trong Bài Ðọc thứ nhất của chúa nhật hôm nay. Ðó là sự việc tiên tri I-sai-a đã làm cho người con trai duy nhất của bà goá ở Xa-rép-ta được sống lại (1V 17,17-24). Trong cả hai câu chuyện - sự sống lại ở Xa-rép-ta và ở Na-in – câu kết luận cuối cùng hoàn toàn đồng nhất từng chữ một : «Tiên tri I-sai-a (xưa) / Ðức Giêsu (nay) đã trao đứa con đã được sống lại cho mẹ nó».

Nhưng giữa những trùng hợp và hoàn toàn giống nhau trong hai câu chuyện, còn có một sự thể tuyệt đối khác nhau, đó là Ðức Giêsu đã hành động không chỉ như một vị sứ giả hay một vị khâm sai của Thiên Chúa, như trường hợp tiên tri I-sai-a, nhưng như chính Thiên Chúa. Vâng, Ðức Giêsu đã hành động một cách công khai như chính Thiên Chúa hành động vậy, và chính trong tình thương và lòng nhân hậu của Người, Người cũng đã chứng minh cho thấy Người là Thiên Chúa (x. Lc 17,13-15). Ðức Giêsu đã chu toàn sứ mệnh của Người như một Ðấng Cứu Thế. Sự chăm sóc, sự an ủi vỗ về và việc chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền của Người đã minh chứng Người là bàn tay đầy nhân hậu của Thiên Chúa, là vị đại Tiên Tri trong thời sau hết.

Nhưng lòng khoan dung nhân hậu đầy ơn cứu rỗi đó của Thiên Chúa không bị giới hạn trong thời đại Ðức Giêsu mà thôi, nhưng nó vẫn còn tác động mãi qua mọi thời đại, cả trong thời đại của chúng ta hôm nay : Trong khắp toàn thể Giáo Hội và cả trong giáo xứ chúng ta (ở T…). Có lẽ chúng ta thử nhìn lại sự tác động cứu rỗi của sức mạnh Thần Khí Thiên Chúa trong nhiều lãnh vực thuộc giáo xứ chúng ta :

1. Lãnh vực đầu tiên : Chúng ta hãy đưa mắt nhìn, hãy chân nhận, hãy mở mắt thật to để thấy được cuộc sống đầy đe dọa, đầy đau khổ và đầy bệnh tật chung quanh chúng ta. Chúng ta hãy biết cảm thông và hết lòng chia sẻ nỗi đau khổ cùng quẩn của từng người trong họ, tương tự như thái độ của Ðức Giêsu xưa trước sự đau khổ của một người mẹ ở Na-in. Vâng, giữa những chuỗi khốn cùng, giữa những hình ảnh thảm khốc trong cuộc sống hằng ngày mà các phương tiện truyền thông đã đưa đến trước mắt chúng ta, hình ảnh người đàn bà goá đau khổ thành Na-in lại sống động hơn bao giờ hết : Ðây, một cô Giáp hành động nửa mơ nửa tĩnh, vì tuy tuổi đời chưa bao nhiêu, nhưng định mệnh trớ trêu đã đẩy cô vào con đường không có lối thoát; đây một anh Ất đang tìm cách tự tử, vì tuy đã nỗ lực tranh đấu với đời để tiến lên, nhưng hình như số phận hẩm hiu anh đã được an bài, nên làm gì cũng chỉ gặp thất bại; hay : đây một thiếu nữ đang trong tuổi học trò đầy mộng mơ, nhưng lại đang có thai và ngày đêm đang phải quằn quại giữa bao tư tưởng : việc học hành, nhà trường, bạn bè, tương lai, sinh con, phá thai, danh dự gia đình và bản thân, lương tâm, sự sống của đứa trẻ vô tội, Thiên Chúa,v.v… Cô thiếu nữ phải hành động ra sao đây?

2. Lãnh vực thứ hai : Sự đồng cảm! Thoạt nghe, người ta có cảm tưởng đó là một điều tầm thường, vô thưởng vô phạt. Nhưng trong chính sự đồng tư tưởng và đồng cảm sẽ làm phát sinh sự đồng khổ, và có lẽ còn hơn thế nữa, tức sự đồng tâm trong việc tìm ra một lối thoát hợp lý cho vấn đề. Vâng, nếu chúng ta cắt nghĩa câu chuyện sống lại của người thanh niên thành Na-in trong một chiều kích rộng rãi hơn, chúng ta có thể nói được rằng, sự đồng cảm và đồng khổ của chúng ta sẽ làm cho sự sống trổ sinh ngay giữa mồ mả. Vâng, sự đồng cảm và đồng khổ của chúng ta làm bùng nổ sự sống mới!

Vì thế, nếu trong giáo xứ chúng ta :

• những người cô đơn lẻ loi tìm gặp được bạn bè và người tri kỷ;

• những người đang trong cảnh tâm trí rối rắm ngổn ngang, có được những lời động viên và an ủi đầy khôn ngoan và đầy thiện chí;

• những bậc phụ huynh tìm kiếm và cảm nhận được sự thông cảm đối với nhữnng đứa con đi hoang của họ;

• những đứa con cái biết bình tĩnh lắng nghe lời khuyên bảo của cha mẹ;

• những người đang lúng túng trong cảnh sống nợ nần chồng chất gặp được sự nâng đỡ và thông cảm cần thiết nơi chủ nợ;

• những người vô gia cư được tiếp nhận một cách đầy tình người, v.v…

thì bấy giờ chúng ta lại có thể cảm nhận và lại có thể chứng kiến được thần lực có sức cứu chữa của Ðức Giêsu Kitô ở Na-in xưa kia đang được hiện thực một cách cụ thể ở nơi chúng ta (tại T…) hôm nay. Dĩ nhiên, chúng ta không chỉ ngồi chờ cho tới khi có dịp đối diện với người mù này hay người cô đơn sầu khổ nọ hay gặp gỡ người chết kia, thì mới cảm nhận được thần lực của Ðức Giêsu, nhưng qua nhiều con đường và dưới nhiều cách thế khác nhau trong cuộc sinh hoạt của giáo xứ chúng ta, chúng ta phải đi tìm kiếm và thăm viếng những người què quặt và phong cùi về mặt tâm linh đang bị bạn bè và láng giềng ruồng rẫy và đang phải sống bơ vơ bên lề xã hội.

Nếu hôm nay chúng ta không coi biến cố Na-in đa dạng này trong chính giáo xứ chúng ta như bản tổng kết kê khai các hoạt động tông đồ của chúng ta, nhưng như tác động phục sinh lạ lùng của Chúa Thánh Thần, bấy giờ chúng ta sẽ ngạc nhiên thấy rằng sự thay đổi, sự canh tân, sự chữa lành và sự phục sinh thực sự đang xảy ra trong giáo xứ chúng ta.