Vượt qua Trung Quốc



(Bài phỏng vấn của Việt Long, RFA phỏng vấn Ông Nguyễn Xuân Nghĩa ngày 2007.07.17)

Vụ cư dân từ chín tỉnh miền Nam Việt Nam biểu tình đòi khiếu kiện tập thể vì đất bị trưng thu mà không được bồi thường thoả đáng đã kéo dài gần một tháng rồi. Đã thế, tại các thành phố, giới đầu tư bắt đầu hốt hoảng vì tập đoàn Merrill Lynch khuyến cáo thân chủ là nên rút khỏi thị trường Việt Nam. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về biến động ấy qua phần trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện sau đây.

Việt Long: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, các vụ biểu tình khiếu kiện của người dân trong Nam đã bước qua tuần lễ thứ ba và coi như kéo dài gần một tháng rồi, kể từ ngày 22 tháng Sáu. Trong khi ấy, ngày mùng năm tháng Bảy, tập đoàn đầu tư Merrill Lynch lại báo cáo riêng cho các thân chủ đầu tư là nên rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam làm dư luận tại các thành phố ở Việt Nam thấy hốt hoảng. Chúng tôi xin đề nghị là tiết mục chuyên đề của chúng ta trong tuần này sẽ đề cập đến những biến cố đó. Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi, ông có cảm nghĩ chung như thế nào?>/i>

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng đây là cơ hội cho Việt Nam tự giải ảo và cố bước sang hướng khác để có thể vượt qua Trung Quốc. Sở dĩ như vậy vì ngần ấy vấn đề Việt Nam đang gặp đều đã xảy ra tại Trung Quốc, không có lý do gì mà mình cứ tiếp tục đi theo vết xe đổ của họ!

Tập đoàn Merrill Lynch.

Việt Long: Ông có lối phân tách đầy nghịch lý! Xin hỏi ngay rằng trong báo cáo vừa bị tiết lộ, tập đoàn Merrill Lynch khuyến nghị thân chủ là nên ra khỏi thị trường Việt Nam và đầu tư vào thị trường chứng khoán của các xứ Á châu khác, kể cả Trung Quốc. Nếu như vậy, làm sao Việt Nam có thể vượt Trung Quốc? Mà điều gây thắc mắc trước tiên là vì sao Merrill Lynch lại kết luận như vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tuần này, ta sẽ thấy các giới chức Việt Nam đả kích lượng định của tổ hợp đầu tư Merrill Lynch. Chúng ta nên nhớ lại tháng Ba năm ngoái, khi giới chức Việt Nam nhiệt liệt ca tụng việc Merrill Lynch quyết định tiến vào thị trường Việt Nam.

Mới tháng 10 vừa qua mọi người đều khen tổ hợp này là sáng suốt trong sự thẩm lượng lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam. Nôm na là ta chỉ thích nghe tin vui và uống nước đường. May mà họ báo động như vậy, giới đầu tư cò con ở trong nước có thể khỏi bị cháy túi oan.

Việt Long: Như vậy, ông cho rằng Merrill Lynch đã tái lượng định tình hình và nêu ra những yếu tố rủi ro tại Việt Nam cho thân chủ mình biết, và đấy là một chỉ dấu đáng chú ý?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Cứ như người ưa nói chuyện cổ tích - nhưng đầu tư là một nghiệp vụ trường kỳ - tôi nhớ lại là 15 năm trước, một tổ hợp đầu tư lớn của Hoa Kỳ là Franklin Templeton cũng hồ hởi với triển vọng đầu tư vào Việt Nam. Họ mất ba năm mới có thể đổ bộ vào thị trường này, vì luật lệ Việt Nam nhiêu khê rắc rối mà cũng quá thô thiển.

Nhân vật nổi tiếng thế giới về tài lượng định và đầu tư của tổ hợp ấy là Tiến sĩ Mark Mobius đã tới tận nơi xem xét và cuối năm 1995 thì lập công ty Templeton Vietnam Opportunities Fund để gọi vốn đầu tư vào Việt Nam. Chỉ hai năm sau, họ thất vọng vì chẳng có dự án gì xứng đáng nên kể từ 1998 đã lặng lẽ đổi cả danh xưng lẫn mục tiêu, là chỉ đầu tư vào các công ty Á châu có liên hệ đến thị trường Việt Nam.

Bốn năm sau đó, họ buông tay luôn. Khi người kiệt xuất như ông Mobius mà còn chịu thua, dù đã dám đầu tư vào Liên bang Nga đầy rủi ro, thì nhà đầu tư Việt Nam nên nghĩ kỹ để khỏi bị sạch vốn trong trò chơi mờ ảo này.

Việt Long: Tóm lại là hai đại gia quốc tế Franklin Templeton và Merrill Lynch đều rút vốn, thì ông cho rằng giới đầu tư cò con tại Việt Nam cũng phải hết sức thận trọng?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trên diễn đàn này, chúng ta đã nhiều dịp nói đến sự rủi ro ấy vì thị trường chứng khoán như một nhà cái mở bát trong một sòng bạc mờ ám và một thiểu số sẽ trục lợi rất lớn nhờ bao nhiêu lỗ lã của đại đa số còn lại. Các tập đoàn đầu tư đứng đắn đều biết ra và không muốn thân chủ của họ mất tiền oan và công ty mất uy tín. Họ lặng lẽ bảo nhau tháo chạy và may là báo chí trong nước biết được nên tri hô cho dân chúng biết để coi chừng.

Nhân cơ hội

Việt Long: Trở lại chuyện Trung Quốc, vì sao ông cho là Việt Nam nên nhân cơ hội mà vượt qua một quốc gia có một tỷ 300 triệu dân và nền kinh tế chỉ đứng sau Nhật Bản và Mỹ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Cách đây hơn một năm, hồi tháng Năm 2006, hàng loạt công ty tư vấn và thẩm định giá trị trái phiếu như Ernst & Young, PriceWaterhouseCoopers, McKinsey Global Institute đã báo động về các khoản nợ xấu quá lớn và sẽ mất của hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Lúc ấy, lãnh đạo Bắc Kinh rất khó chịu và đòi hỏi họ phải lượng định lại nếu còn muốn làm ăn tại Hoa Lục. Tức là họ không thích những kẻ báo tin xấu hay, nói theo giới kinh tế, là đòi đập vỡ hàn thử biểu để khỏi thấy cơn sốt. Phản ứng của Việt Nam cũng thế.

Đầu tháng Sáu, đài Á châu Tự do là đài phát thanh duy nhất nói đến vụ biểu tình của mấy trăm người dân Bắc Kinh, thuộc thành phần thị dân khá giả và có trình độ nghiệp vụ cao. Họ sở dĩ biểu tình là để chống dự án chế biến uế vật tại huyện Hải Điến gần thủ đô và vụ biểu tình khiến Cục Bảo vệ Môi sinh phải phê phán Ủy ban Nhân dân Bắc Kinh về dự án.

Vụ ấy đáng chú ý vì xưa nay chỉ nghe nói đến cả vạn nông dân biểu tình bạo động ở các nơi xa xôi của Trung Quốc, nay lại có nhiều dân cư thành phố cũng biểu tình với kỹ thuật chống đối tinh vi hơn, và sẽ càng tinh vi hơn trước khi có Thế vận hội Bắc Kinh 2008.

Việt Long: Câu hỏi ở đây là, thưa ông, vì sao lại có biểu tình?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng vậy, và chẳng những biểu tình mà còn đụng độ mạnh với công an khiến Bắc Kinh không ém tin được nữa và dùng chính nạn biểu tình để sửa sai chế độ. Tại Việt Nam, việc dân Tiền Giang rồi các tỉnh trong Nam đã biểu tình cũng là hiện tượng tương tự. Hệ thống kinh tế chính trị bất công đã cho đảng viên cán bộ cơ hội tham nhũng và tước đoạt tài sản đất đai của cư dân ở thôn quê mà lãnh đạo cứ lặng thinh không xử lý khi dân oan lên tiếng.

Chúng ta thấy có vấn đề trong mô thức gọi là "xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Quốc" mà Việt Nam cứ học theo, nên những gì xảy ra tại Trung Quốc đều tiếp diễn tại Việt Nam, từ thị trường nhà đất và cổ phiếu nổi lên tựa bong bóng đến việc trưng thu đất đai mà không bồi thường thỏa đáng làm dân chúng phải biểu tình; từ tham nhũng trong hệ thống đảng tới nạn ô nhiễm môi sinh và xuất khẩu thực phẩm thiếu vệ sinh; từ khoảng cách giàu nghèo tiếp tục mở rộng đến sự bất công khi thiểu số có chức có quyền cứ sống phe phảy trong một xã hội tự xưng là xã hội chủ nghĩa.

Vì vậy, tôi thiển nghĩ là Việt Nam nên thấy ra những tín hiệu bất ổn đó mà chủ động cải cách để ra khỏi cái bóng của Trung Quốc, nghĩa là nên chọn một con đường khác trước khi sẽ bị sa lầy như họ.

Triển vọng thành công

Việt Long: Trong một kỳ trước, ông có trình bày với thính giả rằng giới đầu tư quốc tế đang nhìn Việt Nam với con mắt khác, cụ thể là đang cân nhắc triển vọng thành công tại thị trường Việt Nam như một giải pháp thay thế cho việc dồn tất cả quyền lợi và đầu tư vào Trung Quốc. Vậy những vụ biểu tình của nông dân hay việc tập đoàn Merrill Lynch xét lại về lợi ích đầu tư vào Việt Nam có đi ngược với trào lưu ông nói hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa ngược lại là đằng khác. Nhân đây, xin nói thêm là tuần qua, hệ thống thông tin kinh tế Economic Intelligence Unit của tờ The Economist vừa công bố kết quả khảo sát theo đó sức cạnh tranh của Việt Nam về công nghệ thông tin nằm cuối bảng, hạng 61 giữa 64 quốc gia, chỉ hơn Azerbaijian, Nigeria và Iran. Trên bảng điểm 100, Việt Nam chưa đạt 20 điểm, so với gần 28 điểm của Trung Quốc hay hơn 67 điểm của Nam Hàn.

Việt Long: Nếu như vậy, làm sao mà Việt Nam có thể qua mặt được Trung Quốc như ông nói?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta đều biết dân Iran có truyền thống giỏi về toán học và công nghệ điện toán mà lại đứng cuối bảng, tất cả đều do lãnh đạo.

Ngược lại, đứng đầu công nghệ thông tin Đông Á có Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Hong Kong và Singapore. Vấn đề tùy thuộc ở lãnh đạo và chính sách. Khi được thế giới và cả dân chúng báo động về nhược điểm trong cốt tủy mà lãnh đạo Hà Nội biết thay đổi chính sách thì vẫn có cơ hội vượt lên được.

Lãnh đạo Việt Nam bị tê liệt về tư duy và hành động nên không dám nhìn qua hướng khác và có thể lại lỡ dịp khi thế giới đang cố giúp Việt Nam thoát khỏi vòng luẩn quẩn ấy.

Một Chủ tịch nước lại dưới quyền một Đại tướng Bộ trưởng Công an và Tổng bí thư đảng lại bị chi phối bởi các vị Thái thượng hoàng hay thân tộc của họ trong kinh tế và kinh doanh thì đó là tỳ vết bẩm sinh của chế độ chính trị độc tài mà không lãnh đạo và chẳng chịu trách nhiệm trước quốc dân, đúng với truyền thống Trung Quốc.

Có lẽ, Việt Nam bị mặc cảm nhược tiểu bên cạnh Trung Quốc và tự hài lòng với một số thành tựu biểu kiến nên khó nhìn ra một tương lai sáng sủa hơn.

Cái bóng của Trung Quốc

Việt Long: Dù sao, Trung Quốc đã cải cách trước Việt Nam và cũng đã có những thành tựu nhất định, nên nhiều người Việt Nam có thể nghĩ rằng mô thức của họ là sáng suốt chứ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa tất cả chỉ là tầm nhìn và đởm lược thôi. Nhìn có xa thì mới thấy vì sao Nam Hàn hay Đài Loan lại là gương cải tổ cho Bắc Kinh, và đởm lược có lớn thì mới nghĩ đến việc vượt qua Trung Quốc thay vì đi sau họ với khoảng cách vài năm và những gì họ bỏ thì mình mới dám nhặt.

Đây là sự suy nhược tâm lý khó gột rửa vì kéo dài quá lâu và khi được thế giới khuyến khích tiến mạnh hơn thì Hà Nội lại sợ bất ổn. Trong lịch sử Trung Hoa, nhiều lần xứ này đã từng bị các thị tộc có dân số rất thấp khuất phục. Lần cuối là khi tộc Nữ Chân của nhà Hậu Kim, vỏn vẹn có nửa triệu dân, đã vào tới Bắc Kinh lập ra nhà Mãn Thanh khi dân số Trug Quốc vào thời Minh mạt đã có 80-90 triệu người.

Lịch sử nhiều khi thành hình hoặc thảm kịch nhiều khi xảy ra cũng do sự khiếp nhược tâm lý ấy. Thế giới ngày nay đã đổi khác mà Việt Nam vẫn chưa ra khỏi sự khiếp sợ này.

Việt Long: Một cách cụ thể thì Việt Nam có thể làm được những gì để bước ra khỏi cái bóng của Trung Quốc và vượt lên trên?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ là đầu tiên phải có một cuộc cách mạng về giáo dục và đào tạo. Về giáo dục để mở rộng tầm nhìn và về đào tạo để sớm nâng cao tay nghề trong một môi trường cạnh tranh rất mạnh. Ta thấy ra điều ấy ở những thành tựu của người Việt khi họ có tự do.

Muốn như vậy, phải dám làm một cuộc cách mạng về tư duy chính trị là coi dân là chính, hệ thống lãnh đạo là phương tiện, bộ máy công quyền chỉ là công cụ, thay vì như ngày nay khiến dân chúng cứ phải biểu tình thì mới nói được nguyện vọng của mình.

Về chiến lược kinh tế thì với dân số hơn 85 triệu, tức là đủ đông, Việt Nam nên chú trọng hơn đến mức sống cư dân thôn quê và phân bố lại phương tiện để nâng sức tiêu thụ của thị trường nội địa thay vì cứ nhìn ra thị trường xuất nhập khẩu bên ngoài như Trung Quốc.

Vấn đề vì vậy tùy thuộc ở nhiều người, cả trong lẫn ngoài nước. Một thí dụ là tuần qua, dân chúng chả ai để ý tới Hội nghị Trung ương kỳ 5 của khoá X vừa kết thúc với loại nghị quyết không tưởng, trong khi mọi người chỉ bàn tán đến trận bóng đá với Nhật Bản và cả ngàn người phải biểu tình kêu oan, khi thị trường chứng khoán bắt đầu vỡ.

Đây là cơ hội giải ảo cho Việt Nam trước khi sẽ lại bị khủng hoảng như Trung Quốc có thể bị. Chúng ta sẽ còn nhiều dịp trở lại đề tài này trong tương lai.

(Nguồn: Việt Long, RFA © 2005 Radio Free Asia)