NHÀ THỜ PHÁT DIỆM NƠI NIỀM TIN KITÔ GIÁO GẶP GỠ VĂN HOÁ VIỆT NAM

Từ Hà Nội, du khách muốn đến Nhà thờ Phát Diệm có thể đi theo quốc lộ số 1, tới tỉnh lị Ninh Bình rẽ vào quốc lộ số 10 đi tiếp 28 km về phía đông-nam sẽ tới quần thể Nhà thờ Phát Diệm. Quần thể này luôn là địa điểm thu hút khách hành hương, du lịch thập phương do đã kết hợp hài hoà được hai nền kiến trúc rất khác biệt nhau, đồng thời cũng là nơi nền văn hoá Việt Nam đã diễn tả rất thành công niềm tin Kitô giáo. Trong khuôn khổ bài viết này, xin hân hạnh giới thiệu với bạn đọc gần xa đôi nét về Cụ Sáu, về tâm thức Việt Nam toát lên nơi quần thể này, và về việc thích nghi phụng vụ Kitô giáo vào nền kiến trúc dân tộc.

Nhà thờ Phát Diệm và Cụ Sáu

Từ xa xưa, đã lâu lắm rồi, vùng Kim Sơn Phát Diệm là một phần của cửa biển Thần Phù, nơi một nhánh sông Hồng và sông Càn giao nhau ở Biển Đông mênh mông. Thiên nhiên đã biến nơi đây thành một cửa biển mà mức độ nguy hiểm từng đi vào ca dao:

Lênh đênh qua cửa Thần Phù,

Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.

Một trong những chứng tích của thời xa xưa còn sót lại là chữ Thần (神) được tạc vào vách đá mà nét chữ cùng với dấu rêu phong như còn đang lên tiếng nhắc nhở về quá khứ.

Rồi biển sóng nhường chỗ cho đất bồi cứ lấn mãi, lấn mãi để đến năm 1829, Doanh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ đến vùng ven biển Ninh Bình khai khẩn đất hoang lập nên huyện Kim Sơn gồm bảy tổng, 60 làng trại với 14 620 mẫu ruộng. Những ngôi làng của vùng đất nhuộm đẫm phù sa được cụ Nguyễn Công Trứ sắp đặt theo chiều Bắc - Nam với những con sông nhỏ chạy song song giống như những con rồng vươn mình ra phía biển khơi. Những tên làng cũng thật đẹp: Trì Chính, Thủ Trung, Lưu Quang, Hướng Đạo, Hoà Lạc..., rồi Phát Diệm, nghĩa là toả ra vẻ đẹp.

Công cuộc doanh điền của cụ Nguyễn Công Trứ đã đặt nền tảng cho sự phát triển của cả miền Kim Sơn sau này.

Gần 40 năm sau, một người khác đã nối chí Nguyễn Công Trứ trong việc khai khẩn đất hoang, đồng thời để lại cho vùng Kim Sơn - Phát Diệm những di sản quí giá, đó là Cha Phêrô Trần Lục.

Cũng nên biết Cha Phêrô Trần Lục vốn tên là Hữu, sinh năm 1825 ở họ Đạo Đức, xứ Kẻ Dừa, nay thuộc giáo phận Thanh Hoá. Năm 15 tuổi, cậu Hữu vào sống với cha Tiếu tại giáo xứ Bạch Bát, nay là xứ Bạch Liên thuộc giáo phận Phát Diệm. Năm 1845 cậu Hữu được cha Tiếu cho vào học Trường Latinh ở Vĩnh Trị, ở đây, cậu được cải tên thành Trần Triêm. Năm 1858, thày Triêm lãnh tác vụ Phó Tế. Cũng năm này thày bị bắt, bị đi đày vì đạo ở Lạng Sơn. Chính tại nơi lưu đày biệt xứ, thày được mọi người gọi bằng cái tên sau này sẽ trở nên quen thuộc: tên gọi Cụ Sáu. Những thăng trầm thế cuộc đã rèn đúc Cụ Sáu thành một con người có ý chí và nghị lực phi thường để sau này Cụ Sáu có dịp dụng công kiến tạo và lưu lại cho đời sau một công trình bất hủ, cũng là niềm tự hào của nền kiến trúc Việt Nam: quần thể Nhà thờ lớn Phát Diệm.

Năm 1865, sau khi từ chốn lưu đày trở về được ba năm, cha Phêrô Trần Lục tới coi xứ Phát Diệm. Vậy là tâm huyết của cha Phêrô Trần Lục cùng với mồ hôi và lao nhọc của người xưa đã hoá thân thành cái đẹp nơi Nhà thờ lớn Phát Diệm, cái đẹp trầm tư mà lộng lẫy, nhẹ nhàng mà uy nghi, kín đáo mà trang nghiêm, uyển chuyển mà vững vàng, thanh cao mà gần gũi. Dường như nơi đây, cùng với công sức con người, Tạo Hoá đã dùng thời gian và chuyện “thương hải tang điền” mà làm nên một cuộc so sánh ngoạn mục bằng những thái cực đối lập nhất: lâu đài nguy nga trên bãi sa bồi lầy lội; xưa là biển sóng, nay là làng quê; xưa dữ dội, nay hiền hoà; xưa nguy hiểm, nay bình yên; xưa mênh mông hoang vắng, nay trù phú đông vui.

Kể từ khi nhận nhiệm vụ coi sóc xứ Phát Diệm vào năm 1865 cho tới khi qua đời, vào năm 1899, trong vòng 34 năm, với những phương tiện hết sức thô sơ, Cụ Sáu đã lần lượt xây cất các công trình đồ sộ trong quần thể Nhà thờ Phát Diệm:

Năm 1875, Cụ dựng Núi Táng Xác với qui mô rất đồ sộ nhằm mục đích thử độ lún của đất tân bồi. Núi này từ năm 1954 được đổi tên thành Núi Sinh Nhật.

Năm 1883, Cụ cho xây dựng nhà nguyện dâng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ. Nhà nguyện này hầu như hoàn toàn bằng đá và được coi là viên ngọc trong quần thể Nhà thờ Phát Diệm.

Năm 1889, Cụ cho xây dựng nhà nguyện dâng kính Trái Tim Chúa.

Năm 1891, Cụ tiến hành xây dựng Nhà thờ dâng kính Đức Mẹ Mân Côi, còn gọi là Nhà thờ lớn Phát Diệm. Đây là công trình quan trọng nhất, cũng là công trình đòi hỏi nhiều nhân tài vật lực nhất.

Năm 1895, Cụ cho xây dựng nhà nguyện kính thánh Gioan Tiền Hô. Năm 1923, nhà nguyện này được đổi tên thành nhà nguyện kính thánh Rôcô.

Năm 1896, Cụ tiến hành xây dựng ba công trình: Vườn Giệtsimani, từ năm 1925 đổi thành núi Lộ Đức, nhà nguyện kính thánh Phêrô, và nhà nguyện kính thánh Giuse.

Năm 1898, Cụ dựng Hang Bêlem, sau này đổi tên thành Núi Sọ.

Năm 1899, Cụ tiến hành xây dựng công trình sau cùng là Phương Đình. Theo ý kiến của nhiều người, đây là công trình tinh tế nhất và đẹp nhất trong quần thể này.

Cụ còn có dự định xây một toà tháp cao 60 m. Tiếc thay, Cụ chưa kịp thi hành ý định tốt đẹp này thì đã được Chúa gọi về ngày mùng 6 tháng 7 năm 1891[1].

Như vậy, hầu như trọn vẹn cuộc đời Cụ Sáu đã gắn liền với Phát Diệm. Chẳng vậy mà một người Pháp từng nói: “Phát Diệm tức là cha Sáu”­2[2].

Để ghi nhớ công đức Cụ Sáu cũng như công ơn cao dầy của tiền nhân, và cũng để phát huy truyền thống tốt đẹp của Phát Diệm, năm 2001, Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến đã cho xây dựng Nhà Truyền Thống giáo phận Phát Diệm theo phong cách Á Đông với các đường nét hoa văn mô phỏng phong cách của Nhà thờ lớn. Nơi đây những mốc lịch sử quan trọng của Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt là của giáo phận Phát Diệm được trân trọng lưu giữ, trong đó gương mặt nổi bật nhất là Cụ Sáu.

Nhà thờ Phát Diệm: đường nét kiến trúc mang tâm thức Việt Nam - Bài thơ trên gỗ đá

Thế nhưng công trình Cụ Sáu để lại không chỉ đồ sộ, không chỉ thêu gấm dệt hoa cho Phát Diệm, công trình ấy còn là phản ảnh trung thực của tâm hồn người Việt Nam và là một bài thơ trên gỗ đá.

Vùng đất màu mỡ Kim Sơn vốn được phù sa sông Hồng nâng niu bồi đắp, lại nằm ở thế đất có thể coi là tuyệt đẹp theo cái nhìn phong thuỷ: “Bối sơn, diện thuỷ hướng dương”[3], tức là lưng dựa vào núi, mặt nhìn ra biển đón ánh mặt trời. Thế đẹp của dải đất gấm vóc này dường như được thu nhỏ, kết tụ lại nơi quần thể Nhà thờ Phát Diệm: vẫn núi ở sau lưng, vẫn mặt nước long lanh soi bóng mái cong cổ kính và ánh mặt trời làm cho tất cả thêm rực rỡ lung linh.

Cả quần thể này như một tiếng nói sống động phản ánh tâm thức người Việt Nam.

Ta gặp nơi đây bố cục kiến trúc theo phong cách truyền thống.

Nhìn từ xa, toàn bộ công trình là những mái đao cong cong duyên dáng thấp thoáng giữa tán cổ thụ, những nét mái cong đan xen vào nhau dầy đặc nhưng không rối, trùng trùng điệp điệp nhưng vẫn thanh thoát nhẹ nhàng. Đường cong và đường thẳng ở đây dường như là phản ảnh của quan niệm vuông tròn, của triết lý Âm - Dương, hay là vũ trụ quan người Việt.

Toàn bộ công trình không vươn cao, nhưng trải rộng ra, đối xứng với nhau qua trục trung tâm. Từng hạng mục và tổng thể hài hoà với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, với con người chất phác mộc mạc. Vẫn là bố cục quen thuộc ta từng gặp ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, ở cố đô Huế, đó là bố cục theo triết lý về sự hài hoà của Thiên - Địa - Nhân, sự hài hoà các yếu tố Âm - Dương, theo các nguyên tắc phong thuỷ. Con số được ưa dùng ở đây vẫn là những con số lẻ, tức là số dương, phản ánh khát vọng phát triển, thịnh vượng[4].

Rồi những chi tiết nhỏ hơn trong quần thể cũng tuân thủ tuyệt đối theo những nguyên tắc kiến trúc Việt Nam.

Từng công trình trong quần thể đều được thực hiện theo cấu trúc “thượng thu hạ thách”[5], tức là càng lên cao càng nhỏ lại để tạo độ vững chãi. Mỗi cây cột đều theo kiểu “đầu cán cân, chân quân cờ”[6]. Và mái ngói ở đây là ngói vảy rồng, mang nét đặt trưng của phong cách kiến trúc thuộc dòng dõi con Lạc cháu Hồng.

Về đường nét kiến trúc, dẫu có xen lẫn đôi chút đặc tính gô-tích, nét chính yếu, nét rõ nhất, nét đậm nhất vẫn là phong cách Việt Nam.

Đi vào chi tiết, ta thấy tính cách của tâm hồn người Việt Nam hiển hiện nơi mái cong mềm mại mà cao vút, uyển chuyển mà hiên ngang giống thế rồng bay, lại như phượng múa. Tâm hồn ấy bàng bạc trong tiếng chuông trầm ấm, không lảnh lót nhưng sâu lắng ngân vang giữa miền quê thanh bình. Tâm hồn ấy phảng phất trong dáng ngồi ung dung tự tại của các vị Thánh Sử, trong nét mặt các nhân vật nơi các bức phù điêu mang đậm phong cách hội hoạ dân gian. Và tâm hồn ấy hiển hiện trong cách bố trí của vòm tròn úp trên sập vuông, hình ảnh cho thấy vũ trụ quan đặc trưng của người Việt Nam: trời tròn và đất vuông.

Nét tinh tế nơi con người đất Việt được thể hiện qua từng chi tiết chạm trổ công phu và tài hoa, những đường lượn, những lá lật nhẹ nhàng thanh thoát. Dường như những gì tinh tuý nhất nơi người Việt đã hội tụ nơi đây. Những tính cách đối lập nhất khác biệt nhất lại đứng bên nhau, bổ túc cho nhau: hùng tráng và giản dị, vĩ đại và gần gũi, thanh cao và mộc mạc, mềm mại và vững vàng, rực rỡ và đơn sơ.

Thật đúng như lời nhận xét của nhà nghiên cứu Phạm Đình Khiêm về Cụ Sáu: “Cụ giữ vững tinh thần dân tộc và tìm được ở đó những hướng dẫn công trình xây dựng của Cụ”, và về quần thể kiến trúc: “Du khách đến Phát Diệm, chiêm ngưỡng kỳ công kiến trúc của Cụ Sáu, nếu lòng biết hỏi lòng, tất sẽ rạo rực lên trước cái tinh tuý hiển hiện của tinh thần Việt Nam, cái hào khí của dân tộc Việt Nam như quyện lấy cái linh thiêng của tôn giáo nơi đây”[7].

Còn về chất liệu xây dựng, nơi đây ta gặp lại những chất liệu quen thuộc trong các kiến trúc đình chùa đền miếu Việt Nam: gỗ và đá. Là gỗ đấy, là đá đấy, trơ như gỗ như đá đấy, nhưng tất cả đã được Cụ Sáu thổi vào cái hồn để chúng cất lên tiếng nói của riêng mình.

Gỗ tham gia vào hầu hết các công trình ở đây. Gỗ uốn lượn, gỗ hoá thân thành thiên hình vạn trạng. Những đường riềm, những đường tầu lá mái, những chiếc bẩy chạm trổ hết sức tinh xảo. Nét chạm có chỗ nhẹ nhàng tinh tế, có chỗ mạnh mẽ uy nghiêm. Tất cả dường như đều đã được tính toán kỹ lưỡng để chúng hài hoà, nương tựa và bổ túc cho nhau tạo thành một tổng thể hài hoà. Dường như tất cả nghệ thuật kiến trúc và chạm khắc gỗ với lịch sử hàng nghìn năm trên đất Việt đã về đây dự hội. Có nét huy hoàng, uy nghi đường bệ của chốn đế đô; có nét duyên dáng của những Tây Đằng, Thổ Hà, Chu Quyến, Chùa Keo; có phong cách chạm trổ tinh xảo của những Đền Vua Đinh, Vua Lê, những Đình Bảng, Phù Lão, Hương Canh, Ngọc Canh. Ngắm nhìn cửa vào nhà nguyện Trái Tim Chúa ta có cảm tưởng rằng đây là hội tụ của những gì đẹp nhất, tuyệt vời nhất của nghệ thuật chạm khắc Việt Nam. Từng đường nét, từng chi tiết đều tinh tế khiến ngay cả những người khó tính nhất cũng phải trầm trồ thán phục.

Phải chăng cả công trình là một bản hoà tấu du dương hùng tráng mà mỗi nét chạm trổ chính là những âm ba trầm bổng khác nhau. Thi hào Nguyễn Du có đến đây chắc cũng phải thốt lên:

“Trong như tiếng hạc bay qua,

Đục như nước suối mới sa nửa vời.

Tiếng thưa như gió thoảng ngoài,

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa”[8].

Không còn nghi ngờ gì nữa, quần thể này chính là một nhạc khúc thiên cung, nơi Thiên Chúa đến với con người và con người có thể “chạm” vào Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa vốn chẳng phải là vẻ đẹp hoàn mỹ đấy sao.

Còn đá, đá ở đây không còn “trơ gan cùng tuế nguyệt”[9], nhưng cất lên tiếng nói. Đá làm cổng, đá xây vòm, đá làm tường, đá làm cột, làm kèo, làm chấn song, đá hiện thân thành “trúc xinh trúc mọc đầu đình”, đá nở thành những chùm hoa, thành cánh bướm, chú chim sẻ tung bay bên tùng cúc trúc mai... Đá cũng mềm mại như tấm màn đang vén lên nhẹ nhàng mà thanh tao.

Những bàn thờ và những bức phù điêu đồ sộ được chạm trổ hết sức công phu. Không còn là những cánh hoa, những nhành lá, mà là cả một rừng hoa, cả từng bụi lá. Tất cả đan xen vào nhau, từng chùm, từng chùm mà vẫn không thô tục tầm thường. Ta như lạc vào giữa chốn thần tiên, thực đấy mà hư, hư đấy mà thực.

Đá cũng cất lên tiếng nói rất riêng: nơi thì là cảnh Chúa Giêsu vác thánh giá, Chúa Giêsu chịu đóng đinh; nơi lại là cuộc thăm viếng của Đức Mẹ tại nhà bà Êlisabét hay Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu tại Bêlem; nơi khác lại là gương mặt tròn đầy của một vị thánh, là ông Philatô đội mũ cánh chuồn. Dường như đá cũng biết vui biết buồn theo từng chặng đường đời của Chúa Giêsu, của Đức Mẹ; đá cũng có khi nghiêm nghị, trầm tĩnh, lúc lại tha thiết tình cảm theo gương mặt của từng vị thánh.

Hoa cỏ ở đây, chim muông ở đây, con người ở đây sinh động cứ như vừa từ đời thực hoá thân vào đá, và rồi biết đâu lúc nào đó tất cả sẽ động đậy bước vào đời thực.

Nơi những bức chạm giới thiệu chim phượng đang múa, chim phượng đang xoè cánh tung bay, đường nét mới đẹp làm sao, mới tinh tế uyển chuyển làm sao.

Những chú sư tử đá cũng biết nhoẻn miệng cười, bờm dài rủ xuống, tấm thân mềm mại tuyệt vời; những chú khác lại tung bờm uy nghi hùng dũng, “lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng”[10] trong một tư thế rất hùng tráng uy nghi.

Nếu để ý hơn ta sẽ thấy bên cánh phượng hoàng là trăm ngàn đám mây rực rỡ muôn màu, dưới chân sư tử là hoa cỏ xanh tươi. Những cảnh này chẳng phải là cảnh thực ư? Là thực đấy, nhưng lại là đá đấy.

Nơi đây, dường như những gì thô mộc nhất lại trở nên tinh tế nhất, thâm sâu nhất. Và có lẽ cũng chẳng có mấy nơi giống như nơi này, nơi mà đá đồng nghĩa với mềm mại uyển chuyển, với rực rỡ thanh cao.

Nhà điêu khắc Michelangelo nếu có đến đây hẳn cũng phải thốt lên: Hoa ơi, hãy thơm hương khoe sắc đi! Phượng hoàng ơi, hãy tung cánh vẫy vùng đi! Sư tử ơi, hãy sải những bước chân hùng dũng!

Vậy phải chăng nơi đây là chỗ vạn vật gặp nhau, là vũ trụ thu nhỏ lại? Không, nơi đây chính là một bài thơ, bài thơ tuyệt bút được ghi trên đá.

Thì chính Cụ Sáu đã nói đấy thôi:

“Lòng xấu xa nói ra thẹn miệng

Biết lấy gì làm tiếng ngợi khen

Một nhờ tiếng đá tự nhiên

Hát mừng cảm tạ vô biên lòng Người.”[11]

Tiếng “Người” ở đây chính là Thiên Chúa. Thì ra Cụ Sáu tự cảm thấy mình không xứng đáng dâng lời ngợi khen Thiên Chúa. Cụ đã mượn “tiếng đá tự nhiên” chúc tụng thay cho Cụ. Nếu thế thì quả thực Cụ đã rất thành công khi làm thành bài thơ bằng tiếng đá với muôn vạn sắc màu, với trăm ngàn cung bậc, với đủ cả cảnh sắc thiên cung - hạ giới. Những gì Cụ để lại thật đúng là bài thơ trên đá vậy.

Nhà thờ Phát Diệm: một công trình thích nghi phụng vụ về mặt nghệ thuật, một nét hội nhập văn hoá

Nhưng nếu chỉ có những gì kể trên thì quần thể Nhà thờ lớn Phát Diệm bất quá cũng chỉ là một công trình làm vui mắt du khách thập phương. Thực ra, rộng hơn, cao hơn và thâm sâu hơn vẻ đẹp rực rỡ trước mắt du khách và tín hữu hành hương từ khắp miền chính là quan điểm thích nghi phụng vụ về mặt nghệ thuật hội nhập văn hoá.

Nét thích nghi phụng vụ rõ nét nhất ta có thể nhận ra nơi đây là cách bố trí của toàn bộ công trình và của từng hạng mục.

Vẫn không gian thông thoáng, trải rộng của kiến trúc truyền thống Việt Nam, nhưng cách sắp đặt lại có những thay đổi để phù hợp các lễ nghi và phụng vụ Công giáo. Nét trải rộng của kiến trúc Việt Nam đã được lợi dụng triệt để khi Cụ Sáu cho xây dựng đường kiệu bao bọc công trình. Như thế, công trình này vừa đáp ứng được nhu cầu lễ hội đã thấm sâu vào từng đường gân thớ thịt người Việt, vừa phù hợp với phụng vụ của Hội Thánh. Xa hơn nữa Cụ đã khéo léo thích nghi các cuộc rước từ trang phục tới các cỗ kiệu, thứ tự, để vẫn giữ được các nguyên tắc phụng vụ, đồng thời làm cho chúng mang một sắc thái mới đậm đà bản sắc Việt Nam.

Về mặt kiến trúc, đến với Phát Diệm, ta gặp lại cách bố trí quen thuộc của các ngôi thánh đường Công giáo. Vẫn tháp chuông, rồi nhà thờ với lối vào chính theo chiều dọc, giếng rửa tội, toà giảng, gian cung thánh, thế nhưng tất cả đều đã được biến đổi. Kiến trúc truyền thống Việt Nam đã được sắp đặt lại cho phù hợp với các lễ nghi Công giáo, và kiến trúc các ngôi nhà thờ Châu Âu đã được khoác cho một tấm áo Việt Nam.

Vẫn tháp chuông đó, nhưng không cao vút lên như ta thường gặp. Tháp chuông ở đây bề thế uy nghi với mái cong cổ kính. Ngay cả cái tên cũng đã được thích nghi: Phương Đình, chứ không phải tháp chuông. Còn tên chính thức ghi trên toà nhà này là “Thánh Cung Bảo Toà”, là “Capella in Coena Domini”, tức là “Nhà Nguyện Bữa Tiệc Ly của Chúa”. Thì ra hình như Cụ Sáu muốn nói với mọi người rằng: Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài đã ngồi ăn bữa tiệc sau hết trong ngôi nhà này, trên chiếc sập đá trong toà nhà này theo phong cách rất Việt Nam. Và cả tiếng chuông nữa, tiếng chuông không lảnh lót, nhưng chầm chậm, trầm hùng giữa cõi thinh không.

Ở ngôi Nhà thờ Chính Toà, lối vào không theo chiều ngang như ta quen gặp trong các đền chùa đình miếu, nhưng theo chiều dọc. Lòng nhà thờ vút cao nên. Đây có phải chăng là đôi nét gôtích? Nhưng rõ ràng mọi chi tiết cột, kèo, bẩy, mộng, và cả hoa văn nữa là đường nét Việt Nam, nét Việt Nam hiển hiện qua từng chi tiết nhỏ. Gian cung thánh nơi đây thật rực rỡ uy nghi. Nhìn không kỹ, người ta sẽ dễ lầm nơi đây với điện Thái Hoà ở cố đô Huế. Chẳng vậy mà mà một ký giả người Pháp đã từng phải thốt lên: “... có lẽ khắp hoàn cầu không có những nhà thờ nào rực rỡ như trong nhà thờ Phát Diệm, trùng trùng điệp những bức cuốn, càng vào trong càng lộng lẫy”[12].

Bên cạnh việc thích nghi qua cách bố trí tổng thể, nơi quần thể Nhà thờ Phát Diệm, còn có việc thích nghi qua phong cách tạo hình.

Từ ngoài đi vào, ta gặp thấy ở Phương Đình các pho tượng trên bốn đỉnh tháp mà từ đường nét, tư thế đến đường mây nếp áo khiến ta dễ lầm với các pho tượng trong các đền chùa Việt Nam. Thực ra đây là tượng bốn vị Thánh Sử. Theo truyền thống hội hoạ phương Tây, các thánh thường ở tư thế đứng, bởi đây là tư thế diễn tả niềm hy vọng phục sinh[13]. Khi đến đây, các ngài đã “nhập gia tuỳ tục”, vì theo người Việt Nam, ngồi là tư thế của người danh giá uy quyền.

Đến đây ta còn gặp muôn vàn bức phù điêu giới thiệu những tích trong Thánh Kinh và lịch sử Giáo Hội với trăm hình ngàn vẻ. Tuy nhiên, điều rõ ràng nhất, đậm nét nhất là khuôn mẫu tạo hình ở đây không phải là phong cách Âu châu mà là phong cách theo truyền thống dân gian Việt Nam. Khuôn mặt Chúa và các vị thánh có những nét tròn và đầy thể hiện sự viên mãn. Ai đó có thể xem vài bức phù điêu rồi nhận xét là các tác phẩm này không được cân đối lắm. Song đó lại chính là đặc tính của tranh tượng dân gian Việt Nam: không tả thực mà thiên về cách điệu.

Nét thích nghi và hội nhập có tính quyết định nhất và táo bạo nhất có lẽ là thích nghi về mặt tư tưởng. Người xưa từng nói: “Văn dĩ tải đạo”. Mọi tác phẩm nghệ thuật ở quần thể này dường như đều hàm chứa những tư tưởng hết sức sâu xa.

Nơi đây ta thấy có những bức chạm đá tuyệt vời giới thiệu mai, trúc, cúc, tùng, bốn thứ cây tượng trưng cho bốn mùa. Truyền thống Việt Nam vẫn coi bốn thứ cây này là hình ảnh người quân tử với tính cách thanh cao, ngay thẳng, can đảm và kiên trì. Dường như Cụ Sáu muốn thông qua thứ biểu tượng thân quen này để trình bày về người công chính theo cái nhìn Thánh Kinh.

Nơi quần thể này còn có vô số những tác phẩm trình bày quan điểm thần học về Đức Mẹ.

Nơi bàn thờ của nhà nguyện Trái Tim Đức Mẹ, có bức phù điêu ở chính giữa giới thiệu trái tim bị đâm thâu qua, tức là biểu tượng Trái Tim vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ. Hai bức phù điêu hai bên, một bức giới thiệu một chiếc giếng phủ kín, trên nắp giếng có đề chữ: “Puteus Signatus”; bức bên kia giới thiệu một khu vườn rào đầy ắp những hoa được khoá kín. Đây chính là hai hình ảnh được lấy từ sách Diễm Ca 4,12 nhằm diễn tả đức đồng trinh vô nhiễm nguyên tội của Đức Mẹ. Ở hai cạnh bên của bàn thờ còn có hai bức phù điêu sinh động về cụm sen nhằm giới thiệu sự trong trắng của Đức Mẹ theo cái nhìn Việt Nam. Nhìn kỹ hơn ta thấy trung tâm bức phù điêu là lá sen được chạm theo hình thánh giá, xung quanh là vòng đời cây sen được chạm theo vòng tròn. Đây phải chăng là tuyên ngôn về lòng bao dung và hoà đồng tôn giáo, về việc đặt ơn cứu độ của Chúa Kitô ở trung tâm của mọi thăng trầm lịch sử?

Ta cũng không thể bỏ qua bức chạm hết sức công phu giới thiệu hình ảnh một chú chim phượng hoàng đang sải cánh bay. Có lẽ chẳng ở nơi nào khác có được hình ảnh chim phượng hoàng trên đá rực rỡ và tinh tế như ở đây. Chim phượng hoàng vốn là biểu tượng của sự trong trắng, trổi vượt, của hạnh phúc và của vị nữ hoàng. Mỏ chim lại mang sợi dây buộc bút và nghiên. Dường như Cha Sáu muốn thông qua hình ảnh này để giới thiệu cho ta vẻ đẹp độc nhất vô nhị của Đức Mẹ cùng với một thông điệp thần học quan trọng: Đức Mẹ đã cưu mang Ngôi Lời Thiên Chúa trên thân xác Ngài.

Nơi nhà nguyện Trái Tim Đức Mẹ, ta còn thấy hai tuyệt tác chạm cả hai mặt. Mặt trong là biểu tượng Lưỡng Nghi với những cuồng mây u tối đặt giữa một hình trái tim. Người Phương Đông vẫn coi Âm - Dương là cội nguồn của tất cả, là nguyên lý chi phối tất cả. Nhìn vào bức chạm này, ta chợt nhớ đến lời đầu tiên trong sách Sáng Thế: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm”[14], và lời đầu tiên trong Tin Mừng theo thánh Gioan: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời”[15].

Mặt ngoài của bức chạm này là chú sư tử đang cười. Phải chăng qua tác phẩm này, Cụ Sáu muốn nói rằng: Chúa Giêsu đã mang niềm vui đến cho thế giới tăm tối, Ngài là trung tâm, là cội nguồn và nguyên lý chi phối vũ trụ.

Quần thể này cũng còn chứa đựng bao tác phẩm nghệ thuật trình bày cái nhìn thần học về Chúa Giêsu. Ở bàn thờ nơi nhà nguyện Trái Tim Chúa những bức phù điêu giới thiệu nơi thì con chiên, nơi thì chim bồ nông lấy máu thịt mình nuôi con, nơi khác lại là con sư tử. Bởi vì truyền thống Kitô giáo vẫn gọi Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, là Đấng đã hy sinh mạng sống để cứu muôn người, là sư tử chiến thắng của nhà Giuđa.

Ta không khỏi trầm trồ thán phục vì một trăm năm sau Cụ Sáu, Công Đồng Vaticanô mới khẳng định hướng đi đúng đắn của Cụ: “Bất cứ những gì trong tập tục, không liên quan mật thiết với dị đoan và lầm lạc, đều được Giáo Hội mến phục với thiện cảm, và nếu có thể, còn được bảo tồn trọn vẹn. Hơn nữa, đôi khi những tập tục đó còn được Giáo Hội nhận vào trong phụng vụ, miễn sao hoà hợp với những nguyên tắc của tinh thần phụng vụ đích thực và chân chính”[16].

Ta đã lướt qua một vòng để chiêm ngưỡng kỳ công Cụ Sáu để lại. Ấn tượng sâu đậm nhất trong ta là ngỡ ngàng khâm phục tài tổ chức, óc thẩm mỹ, khả năng diễn đạt và chiều sâu tư tưởng Cụ Sáu gửi gắm trong quần thể này. Đứng trước công trình này, mọi ngôn ngữ đành bất lực nhường chỗ cho sự im lặng, im lặng chiêm ngưỡng, im lặng thành kính. Cụ Sáu quả là người có khả năng tổng hợp tất cả để chúc tụng Thiên Chúa. Điều này đã được một người Pháp sống cách chúng ta hơn một thế kỷ cho biết ý kiến: “Cụ Sáu có óc tưởng tượng thần thánh. Cụ vay mượn tất cả những gì Cụ đã học biết hoặc đã nhìn thấy trong các tranh ảnh. Cụ dung hoà châm chước thành một lối mới, kiểu mới của Cụ, cho nên ta thấy nghệ thuật Trung Hoa phối hợp với Việt Nam trong cách chạm trổ, kiểu gô-tích huy hoàng trên các đầu cột, kiểu thời Phục Hưng ở nước Ý trên những bộ cửa ra vào. Chúng tôi cảm thấy sửng sốt ngạc nhiên. Nhưng nó không có cái gì xấu, cũng không có cái gì chướng mắt. Cụ Sáu đã làm cho tất cả đều hài hoà tốt đẹp. Quả thực Cụ đã sáng tạo một thứ kiểu của riêng Cụ”[17]. Một thế kỉ sau, nhà báo Pháp René le Clère khẳng định: “Nếu như ở Pháp, thế kỉ XIII là thế kỉ vĩ đại của các ngôi nhà thờ chính toà, thì dường như vào thời điểm xây cất Nhà Thờ Phát Diệm, con người đã đạt tới tuyệt đỉnh kiến trúc và thẩm mĩ”[18].

Đúng là Cụ Sáu “đã sáng tạo một thứ kiểu của riêng Cụ”. Đó cũng chính là đường hướng hội nhập văn hoá mà Giáo Hội cổ võ.

Để thay cho lời kết, thiết tưởng cũng cần nêu ra đây lời nhận xét của Đức Cha Phaolô Nguyễn Minh Nhật về quần thể này: “Hiền hoà trong nét trầm mặc của các tôn giáo Phương Đông mà diễn tả được Đức Tin nhập thế của Kitô giáo”[19].

Toà Giám Mục Phát Diệm, 31-07-2002

KIM ÂN

--------------------------------------------------------------------------------

[1] X. Lịch Sử Cụ Sáu, Imprimerie de Qui Nhon, 1930, tr. 78.

[2] Trích theo Mgr Olichon, Le Père Six, tr. 131.

[3] Hàn Phong, Những kiến giải mới về phong thuỷ, tập san Khoa học và đời sống, số 174, tr. 91- 96.

[4] X. Trần Ngọc Thêm, Cơ Sở Văn Hoá Việt Nam, in lần thứ hai, trường đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh 1996, tr. 265 - 267.

[5] X. Sđd.

[6] X. Sđd

[7] X. Phạm Đình Khiêm, Trần Lục: Hai sứ điệp trên đá, in trong Trần Lục, Canada 1996, tr. 117-126.

[8] Nguyễn Du, Truyện Kiều.

[9] Thơ Bà Huyện Thanh Quan.

[10] Thơ Thế Lữ.

[11] Tự tình Cụ Sáu.

[12] Yvonne Schultz, Illustration, 9 novembre 1929.

[13] X. Mục từ Sống lại, Điển ngữ thần học Thánh Kinh, bản dịch của phân khoa thần học Giáo Hoàng học viện Piô X, Đà lạt, Việt Nam, 1973, tập III, tr. 402 - 414.

[14] St 1, 1-2.

[15] Ga 1,1.

[16] Công đồng Vaticanô II, hiến chế Phụng Vụ, số 37.

[17] Trích theo Mgr Olichon, Le Père Six, tr. 123-124.

[18] René le Clère, L’insolide cathédrale de Phát Diệm de bois de fer, de pierre, de larmes et de prières, le Courrier du Vietnam, 4 juillet 1999, số 1642, tr. 8.

[19] Đức Cha Phaolô Nguyễn Minh Nhật, Lời giới thiệu cuốn Một kỳ quan quốc tế tại Phát Diệm của Hoàng Xuân Việt, bản in Rônêô, 1991.