Chân dung trung thực của các Thánh Nhân Thiên Chúa

Ngày nay, khi nghe nói đến hai chữ «Thánh Nhân», có lẽ đã gợi lên trong tư duy một số người những hình ảnh và những cảm giác tầm thường, chán nản và vô bổ, chứ không còn là một cái chi cao quý, mang đầy giá trị thân thương, chân chính và đáng ham chuộng. Vì thế, không còn là một chuyện lạ nữa khi người ta thường gọi những người có một cuộc sống đức tin đầy xác tín và đạo đức trổi vượt là những «loại Thánh lập dị». Nói cách khác, hình ảnh về các Thánh đã bị lu mờ, lệch lạc, không còn hấp dẫn và lôi cuốn nữa.

Ở đây, người ta tự hỏi: Tại sao lại có hiện tượng tiêu cực về hình ảnh các Thánh như thế?

Dĩ nhiên, không phải tất cả đều vô căn cứ và thiếu lý do; nhất là chúng ta không được phép luôn luôn tìm cách đổ tội cho tình trạng «đức tin xuống dốc» hay «lòng đạo sa sút» của con người ngày nay! Một trong những lý do đã làm cho hình ảnh các Thánh bị phai mờ hay méo mó, chính là việc chúng ta – thường do lòng mộ đạo quá nông nổi – đã thần thánh hóa, đã «phong thánh» quá sớm cho những người này người nọ mà chúng ta từng hết lòng «khẩu phục tâm phục» và kính nể trước đời sống đạo đức gương mẫu của họ, chứ không còn cần tới cả sự phát quyết khôn ngoan của thẩm quyền Giáo Hội nữa. Vâng, nhiều khi vì lòng nhiệt thành mù quáng và thiếu cân nhắc cẩn thận, chúng ta đã kính cẩn đặt lên đầu những tín hữu «đạo đức thánh thiện» trong một đoàn thể hay trong Giáo xứ quá sớm những hào quang «không vừa cỡ» với kích thước và khuôn khổ sự thánh thiện thực tiễn của họ. Dẫn chứng: Chúng ta đã thường đọc được trong các cuốn sách viết về «Tiểu sử thánh N.» hay «Hạnh các Thánh», ví dụ: «Từ khi đang nằm trong nôi, ngài đã tỏ ra cho thấy rõ một đứa trẻ khác thường…»; hay : «sự thánh thiện đã thực sự tỏa ra trên khuôn mặt, trên vừng trán và trong đôi mắt của em…, v.v...!

Qua đó, chúng ta thấy rằng, chính những người Kitô hữu chúng ta nhiều khi đã phóng đại quá xa với thực tế, đã làm sai lạc cuộc sống và con người đích thực của các Thánh. Bởi vậy, nhiều người khi khám phá ra được những điều phóng đại và tô màu tùy tiện đó, đã có những nghi ngờ, những hiểu lầm cũng như những mặc cảm lệch lạc và thiếu tích cực về hình ảnh các Thánh.

Vì thế, đã đến lúc chúng ta cần phải thực sự suy tư và nhận thức cách khách quan rõ ràng sự thánh thiện và các bản chất cơ bản đích thực của các Thánh. Vâng, chúng ta hãy đưa tầm mắt nhìn ngắm những con người cụ thể đã từng vất vả nỗ lực hiện thực được những phẩm chất nền tảng của sự thánh thiện trong cuộc sống của họ một cách đầy xác tín.

Nhưng một điều quan trọng chúng ta cũng cần phải xác nhận là: Nếu ở đây chúng ta đề cập tới sự thánh thiện hay tới các Thánh, thì chúng ta không hề làm chuyện đó theo nghĩa chặt của Giáo luật, tức theo cách thức phê phán của Giáo Hội trong việc tôn phong các Thánh..

Trái lại, chúng ta chỉ muốn nói đến các Thánh như những người hoàn toàn bình thường như mọi người bình thường khác, nhưng lại là những người mà trong suốt cuộc đời mình đã nỗ lực không ngừng để tiến gần Đấng là Thánh của các Thánh, tiến gần Thiên Chúa, bằng việc hoán cải và thánh hóa không ngừng cuộc sống mình mỗi ngày.

Vậy, đâu là hình ảnh hay chân dung trung thực của một vị Thánh Nhân?

1. Trước hết, các Thánh cũng là những con người, là những con người bình thường như bao người bình thường khác. Đó là điều đã được chứng minh rất rõ ràng qua một cuộc phân tích khảo cứu của khoa chiết tự về các bản văn viết tay của một số các vị Thánh khác nhau. Qua cuộc khảo cứu khoa học này, người ta khám phá ra rằng trong bản chất tự nhiên của con người các vị Thánh trên không hề có dấu hiệu gì đặc biệt để có thể gọi là «thánh bẩm sinh» cả; trái lại, tập tài liệu đã chứng minh cho thấy rằng tính tình và bản chất của các ngài rất khác nhau như những người khác, nghĩa là có vị thì tính tình đằm thắm ôn hòa và cần mẫn, có vị lại có khuynh hướng hay nóng nảy và lười biếng. Nói tắt, các Thánh là những con người hoàn toàn bình thường. Đặc biệt khi còn trong tuổi trẻ, bản chất các ngài thường hoàn toàn khác, chứ không phải là «thánh». Đó chính là trường hợp của một Phaolô, của một Augustinô, của một Phan-xi-cô Át-xi-xi cũng như của một I-nha-xi-ô và của một Charles de Foucauld, v.v… Nữ thánh Edith Stein, một giáo sư triết học gốc người Do-thái, đã từng bao năm trời là một người vô thần mãi cho tới khi ngài trở lại Công Giáo và bị sát hại trong trại tập trung Đức Quốc Xã Auschwitz. Và thánh Maximilian Kolbe, một Linh mục Dòng Phan-xi-cô người Ba Lan, đã can đảm hy sinh chết thay cho một bạn tù tại Auschwitz cũng không phải khi sinh ra đã là thánh. Người ta đã tường trình trong hồ sơ phong thánh của ngài rằng :

• Thánh nhân đã bị áp lực, chứ không hoàn toàn tự ý muốn đi tu;

• Ngài là một người hay gây gổ và làm khó dễ cho người khác;

• Ngài là một người thường hay khẳng định chính mình, cho mình là đúng và nhiều khi hành động hầu như là vô trách nhiệm.

Và những con người đầy khiếm khuyết như thế lại là những vị Thánh? Với những điểm thiếu tích cực của họ, như ươn lười, nóng nảy? Và với cuộc sống ăn chơi tráng táng hay vô thần trước kia của họ?

Như vậy, cho đến đây chúng ta đã nhìn thấy được khía cạnh thứ nhất của cuộc sống những người mà chúng ta tôn xưng là Thánh Nhân, tức: Bản chất tự nhiên thiếu hoàn hảo, tuổi thanh xuân đầy ngang trái và cả những sa ngã yếu đuối của các ngài.

2. Tiếp đến, chúng ta cũng cần phải quan sát một khía cạnh thứ hai của cuộc sống các Thánh Nhân, tức khía cạnh đã làm cho các ngài từ những con người mỏng dòn, yếu đuối và bất toàn thành những vị Thánh: Đó chính là tình yêu sâu đậm và mãnh liệt vượt trên mức độ bình thường của các ngài đối với Thiên Chúa và tha nhân.

Nhưng ở đây một câu hỏi lại được đặt ra: Làm thế nào mà hai bản chất hoàn toàn khác biệt và đối kháng nhau như thế lại có thể thay thế kế tiếp nhau nơi những con người này?

Và câu giải đáp rõ ràng và dứt khoát, là: Nhờ ân sủng Thiên Chúa trợ giúp và qua các nỗ lực tìm cách cải thiện cuộc sống không ngừng của bản thân các ngài.

• Nhờ ân sủng Thiên Chúa trợ giúp: Về sự cảm nghiệm và xác tín này, chưa có ai đã xác định được một cách rõ ràng như thánh Phaolô, khi ngài viết: «Những gì tôi có được như ngày nay đều là nhờ ân sủng của Chúa.»

• Còn về những nỗ lực bản thân của con người? Ở đây tôi sực nhớ đến lời nói của một vĩ nhân người Mỹ, mà chúng ta có thể áp dụng cho các Thánh: «Tôi cũng chỉ là một con người trung bình, nhưng nơi con người trung bình này tôi đã làm việc một cách hăng say quả quyết hơn một người trung bình.»

Thực vậy, chính động lực chủ yếu lưỡng diện này - tức ân sủng Thiên Chúa và sự nỗ lực cố gắng của bản thân – đã thực sự biến cải:

• một Saolô thành thánh Phaolô,

• một Francesco ăn chơi khoái lạc thành thánh Phan-xi-cô Khó Khăn,

• một Inigo - một viên sĩ quan trẻ đầy háo danh trong quân đội hoàng gia Tây ban Nha - thành vị thánh I-nha-xi-ô,

• một Maximilian Kolbe – một thanh niên người Ba Lan khó tính - thành một Linh mục Dòng Phan-xi-cô thánh thiện và rồi thành một vị Thánh anh hùng tử đạo dám hy sinh mình cho một người bạn tù khác tại trại tập trung Auschwitz,

• một triết gia vô thần Edith Stein thành một nữ tu Dòng Kín Các-men Thérèse-Benedicte de la Croix đầy xác tín và một nữ thánh Tử đạo ở Auschwitz, v.v…!

Đây thực sự là những con người mà cả nhân loại ngày nay - trong một cuộc sống đầy bon chen và lập lờ trắng đen - đang cần tới như những hướng đạo viên thông thạo, đáng tin cậy và những tấm gương sáng chói cần thiết hơn bao giờ hết.

Thật vậy, các tầng lớp thanh thiếu niên ngày nay nói chung rất ít quan tâm đến các lý tưởng thiếu trung thực. Những điều họ không thích, chính là:

• những lý tưởng bị phóng đại, bị thổi phồng lên một cách vô lý,

• hành động một cách bôi bác giả hình,

• kiểu sống che đậy giả dối,

«ngôn hành bất nhất»: Nói một đàng quàng một nẻo,

• lòng háo danh, trọng hình thức, thiếu thực tế, v.v…!

Trong khi đó, các tầng lớp trẻ lại hướng nhìn lên các vĩ nhân đã và đang thực sự sống cho lý tưởng đã lựa chọn của đời mình qua việc dấn thân tìm kiếm hòa bình và phục vụ người khác, như : Bác sĩ Albert Schweitzer, Mục sư Luther King, các Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, Gioan Phaolô II, hay Chân phước Mẹ Tê-rê-xa Can-cút-ta, v.v… Nghĩa là những người đã can đảm dám hiện thực đức tin Kitô giáo của mình, những người mà qua cuộc sống và cái chết đầy thuyết phục của mình đã thực sự làm chứng cho chúng ta thấy được rằng ngay trong thời đại tân tiến hôm nay người ta vẫn có thể trở nên những Kitô hữu tốt; vâng, không có gì khác còn có sức lôi cuốn và thu hút mạnh mẽ hơn việc làm một Kitô hữu tốt trong thời đại hôm nay.

Nói tóm lại, qua các Thánh, Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta những con người như thế. Các ngài là một trợ lực đỡ nâng hữu hiệu nhất cho chúng ta, mang đến cho chúng ta sự động viên, lòng can đảm và sức mạnh cần thiết để vượt thắng những chán nản mỏi mệt và những tầm thường thấp kém trong cuộc sống hằng ngày, hầu có thể luôn luôn hướng nhìn về phía trước và khởi động lại từ đầu. Đó quả là chân dung trung thực của các Thánh Nhân Thiên Chúa!