Một góp ý về thuyết tiến hóa:

Không có Thiên Chúa, thì cũng chẳng có gì cả


Trên nguyên tắc, thì thuyết tiến hóa của vạn vật không hề đi ngược lại đức tin Kitô giáo cho rằng Thiên Chúa đã sáng tạo nên trời đất và vạn vật; hay nói cách khác và vắn tắt hơn, đức tin Kitô giáo không phủ nhận thuyết tiến hóa.

Nhưng nếu sự tương quan giữa thuyết tiến hóa và đức tin về sự sáng tạo vũ trụ không có được một sự nhận thức rõ ràng, thực tiễn và đúng đắn, thì các cuộc tranh cãi về sự sáng tạo vũ trụ và sự tiến hóa, về cứu cánh tính (téléologie) và sự ngẫu nhiên, ở trong thiên nhiên, ở trong xã hội và trong Giáo Hội sẽ không bao giờ hết sôi nổi.

Trong một cuộc phỏng vấn thăm dò dư luận của viện Gallup-Institut, thì có tới 50% người dân Hoa Kỳ không tin rằng sự sống con người được bắt đầu từ trạng thái những tế bào đơn thuần và rồi phát triển liên tục trong thời gian mà thành. Theo cuộc phỏng vấn thăm dò dư luận của Forsa thì chỉ có 1/3 dân chúng tin có như vậy.

Ngay ở Vatican, vấn đề này cũng rất được quan tâm theo dõi. Vào tháng 9.2006 tại Castel Gandolfo, sau cuộc họp mặt và hội thảo giữa Đức Bênêđíctô XVI và các học trò cũ của ngài, người ta đã cho xuất bản một tài liệu nghiên cứu tựa đề là «Công trình tạo dựng và sự tiến hóa». Thực ra những gợi ý cho đề tài của cuộc gặp gỡ họp mặt các học trò cũ như trên, là phát xuất từ Đức Hồng Y Christoph Schönborn, Tổng Giám Mục Wien/Áo quốc.

Chính ĐHY Schönborn, trong một bài báo với tựa đề là «Finding Design in Nature» đăng trên tờ Báo «New York Times» năm 2005, đã đưa ra một quan điểm về thuyết tiến hóa như sau: «Sự tiến hóa theo nghĩa một sự xuất phát chung (của tất cả mọi sinh vật) có thể là một điều đúng, nhưng đó không phải là sự tiến hóa theo nghĩa của phái Tân Đác-vin, tức một sự diễn tiến tự nhiên và đột biến của một sự thay đổi tình cờ và của một sự đào thải tự nhiên. Một hệ thống tư duy phủ nhận hay tìm cách tránh giải thích một sự hoàn toàn hiển nhiên trong sinh vật học, thì chỉ là một học thuyết, chứ không phải là khoa học.»

Sự phát biểu của ĐHY Schönborn đã gây nên một sự chú ý rộng lớn trong giới khoa học trên khắp thế giới: Cách diễn tả quá dè dặt cho rằng thuyết tiến hóa có thể đúng, cũng như sự sử dụng ý niệm tiếng Anh «design» - mà trong tiếng Việt có nghĩa là kế hoạch hay chủ đích – làm cho người ta có cảm tưởng rằng ĐHY Schönborn tìm kiếm sự tương quan đồng thuận giữa Giáo Hội Công Giáo và cái mà người ta gọi là «kế hoạch chuyển động thông minh», một hình thức của trào lưu ôn hòa của thuyết sáng tạo. Nếu sau phản ứng về bài báo, mà Đức Hồng Y rút lại quan điểm của mình về thuyết sáng tạo, về thuyết tiến hóa và về ý tưởng học của chủ thuyết tiến hóa, thì theo ông Albert Käuflein, giám đốc trung tâm đào tạo Roncalli ở Krarlsruhe: «Đức Hồng Y lại tạo ra sự bất đồng mới giữa Giáo Hội với những thành quả theo nhãn quan khoa học về thuyết tiến hóa». Trong bài thuyết trình về chủ đề «Sự tiến hóa, Design thông minh, và Tư tưởng về sáng tạo» tại trung tâm đào tạo này của Giáo phận Freiburg, Dr. Helmut Hoping, giáo sư về Tín Lý, đã đưa ra những suy tư dựa theo tài liệu cuộc họp mặt của các học trò cũ Josef Ratzinger «Công trình sáng tạo và sự tiến hóa». Dựa theo Thông điệp «Humani Generis» của Đức Giáo Hoàng Piô XII, giáo sư Hoping đã nhấn mạnh: «bao lâu người ta không phủ nhận linh hồn thiêng liêng đã được chính Thiên Chúa trực tiếp dựng nên, thì thuyết tiến hóa và công trình sáng tạo không hề có sự mâu thuẫn lẫn nhau.»

Theo giáo sư Hoping, thì những lý thuyết tân thời ngày nay về nguồn gốc vũ trụ và về sự tiến hóa của sự sống, bác bỏ việc cho rằng công trình sáng tạo của Thiên Chúa được thu gọn lại chỉ còn là một sự kiện đã xảy ra độc nhất vô nhị lúc khởi đầu. Để có thể hiểu được lịch sử của vũ trụ và sự tiến hóa phức tạp của sự sống, thì cần phải suy tư về công trình sáng tạo của Thiên Chúa như là bản chất đích thực của một sự sáng tạo từ hư không và của một sự sáng tạo liên tục theo diễn tiến thời gian, nghĩa là «creatio ex nihilo»«creatio continua».

Những phân biệt rõ ràng xác thực của giáo sư Hoping đã nói lên nội dung các tư tưởng của ông, đó là các khoa học tự nhiên tân thời khảo sát nguồn gốc vũ trụ cũng như sự tiến hóa của sự sống luôn luôn đưa ra những cấu trúc phức tạp, hoàn toàn thuộc về phương diện vật thể. Tất cả mọi sự tiến triển đều đặt cơ sở trên một nguyên nhân tác động tự nhiên; Những nguyên nhân cuối cùng và những nguyên nhân mục đích theo như nền triết học tự nhiên thời thượng cổ và thời trung cổ nhận thức, thì hoàn toàn xa lạ đối với các khoa học tự nhiên tân thời. Sau cùng, trong thuyết tiến hóa khoa học không còn chỗ cho Thiên Chúa nữa và thu gọn toàn bộ thực tại vào vật chất, biến đổi thực tại thành một thuyết tiến hóa và được coi như ý tưởng học của chủ thuyết tiến hóa. Chính thuyết sáng tạo cũng là một học thuyết, bởi vì nó được dựa trên sự trình bày của Sách Sáng Thế về sự sáng tạo.

Còn Giáo Hội ngay từ ban đầu đã có lập trường ngược lại cả hai quan điểm quá khích trên. Năm 1996, trong sứ điệp của ngài với tựa đề «Hình ảnh con người theo Kitô giáo và những thuyết tiến hóa tân thời», gửi Hàn lâm viện khoa học phủ Giáo Hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh rằng sự giải thích của khoa học tự nhiên về sự tiến hóa mang nhiều giá trị, chứ không chỉ là một giả thiết mà thôi. Theo Đức Giáo Hoàng, thì sự giải thích đó là một «lý thuyết» khoa học tự nhiên, nghĩa là một sự giải thích thực nghiệm khả kiểm chứng, một sự giải thích mang nhiều giá trị chứ không chỉ là sự giả thiết hay chỉ là lý thuyết suông và luôn cần đến một sự kiểm chứng khoa học. Như thế Đức Gioan Phaolô II cùng đồng quan điểm với Đức Piô XII về thuyết tiến hóa như một giả thiết khoa học có thể công nhận và đồng thuận với những nhận thức của các khoa học tự nhiên tân thời. Vào giữa thế kỷ XX, chính các khoa học tự nhiên tân thời đã thành công trong việc đồng hóa được chất DNA (Desoxyribonucleinacid) của con người trong những yếu tố cấu trúc di truyền và phân tử của chúng. Tuy nhiên, Đức Gioan Phaolô II hoàn toàn phủ nhận những chủ trương của thuyết tiến hóa coi tinh thần «chỉ là một hiện tượng phụ» của vật chất, vì những chủ trương đó không đặt cơ sở trên việc tôn trọng phẩm giá con người.

Khi dựa theo tài liệu cuộc hội thảo ở Castel Gandolfo, giáo sư Hoping cũng đã đề cao điểm đó, ông viết: «Cám ơn Chúa là ngoài các hiện tượng vật chất ra còn có những hiện tượng khác nữa, như cảm giác, sự hiểu biết, sự ý thức, sự tự do và và các công trình có tính cách sáng tạo như văn chương, thơ nhạc, nghệ thuật và tiếp đến là tôn giáo.» Nếu các khoa học tự nhiên cũng định nghĩa những sự kiện đó như là những giả thiết của sự phát triển vật chất, thì các khoa học đó đã không đưa ra được sự giải thích. Về điểm này thì sự khảo cứu về não bộ con người trong cuộc thảo luận «Mind-Brain» cũng bị rơi vào ngõ bí, nếu như cuộc thảo luận muốn tìm cách giải thích sự diễn tiến sinh-hóa học trong não bộ mà lại loại bỏ hiện tượng tinh thần. Sau cùng, ở các đại học cũng có những loại khoa học khác nhau phù hợp với sự phân biệt đó, tức những khoa học quan tâm đến những tương quan khác nhau với thực tại, đó là: «khoa học», «nghệ thuật», nghĩa là những khoa học tự nhiên và những khoa học tinh thần, mà vì những khoa học đó, vấn đề ở đây là đòi hỏi một sự giải thích có tính cách khoa học về phương diện vật chất của con người, đồng thời liên quan đến ý nghĩa của con người trong toàn thể và trong phẩm giá của nó.

Qua đó chúng ta thấy rằng công trình sáng tạo «không phải là thành quả do chúng ta khám pha được khi nghiên cứu về lịch sử vũ trụ. Cụm từ ‘Công trình sáng tạo’ được dùng để đề cập tới sự tương quan của những diễn biến trong công việc hình thành vũ trụ với nguyên ủy ngoại tại bên ngoài vũ trụ của nó, với ý định của Thiên Chúa», đúng lời xác nhận của giáo sư Hoping

Vì thế, là một điều hữu lý khi suy tư và nhận định rằng công trình sáng tạo của Thiên Chúa là một tác động từ hư không, tức «creation ex nihilo», và vẫn tiếp tục trong thời gian, tức «creatio continua», và chính đây là điểm mà lý trí con người cần phải nại tới để lý giải vấn nạn lưỡng diện của thuyết tiến hóa đến, tức : Một đàng, tại sao và làm thế nào để lý luận và cho rằng sự hình thành một vũ trụ đầy phức tạp, nhưng lại hoàn toàn tuyệt diệu, hoà điệu như thế, lại là một sự kiện tự nhiên, đột biến, chứ không do một quyền lực ngoại tại nào khác như là tác nhân. Đàng khác, tại sao và làm thế nào để cắt nghĩa được hiện tượng luôn luôn có sự nẩy sinh tình cảm tính, sự dụng ý và sự ý thức hay sự tự tín từ diễn tiến thuần tuý vật chất mới, như là thành quả đột biến của sự biến dịch và sự đào thải tự nhiên.

Nói tóm lại, trong công trình sáng tạo vũ trụ của Thiên Chúa gồm có hai giai đoạn «creatio ex nihilo»«creatio continua»; nói cách khác, vũ trụ vật chất và vạn vật đã được hình thành bởi một quyền lực ngoại tại như là tác nhân chính, tức Thiên Chúa, và sự hình thành đó vẫn diễn tiến mãi trong thời gian. Do đó, nếu thuyết tiến hóa được hiểu như «creatio continua», thì chẳng nhưng không đi ngược lại, nhưng hoàn toàn phù hợp với đức tin Kitô giáo về sự sáng tạo vũ trụ. Ví dụ: Giáo Hội không hề phủ nhận giả thiết cho rằng con người phát xuất từ loài khỉ. Nhưng Giáo Hội chỉ khẳng định rằng một khi con khỉ đã trở thành người, thì nó không còn là con khỉ nữa, bởi vì con khỉ chỉ là một sinh vật thuần tuý vật chất, trong khi con người ngoài yếu tố vật chất, còn có linh hồn thiêng liêng và bất tử. Chính nhờ đặc điểm này con người được gọi là «hình ảnh của Thiên Chúa».

Như thế, điều hiển nhiên là công trình sáng tạo - dù là «creatio ex nihilo» hay «creation continua» - đều nằm trong lịch trình sáng tạo vũ trụ của Thiên Chúa; nói cách khác, không có Thiên Chúa, thì cũng chẳng có gì cả.