Con đường lựa chọn
Dư luận trong và ngoài nước đang theo dõi cuộc đấu tranh đòi lại khu Tòa Khâm Sứ thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội ở số 42 Phố Nhà Chung, Hà Nội, bắt đầu tử chiều 18.12.2007 đến nay.
VÀI NÉT ĐẠI CƯƠNG
Hưởng ứng thư luân lưu ngày 15.12.2007 của Đức TGM Hà Nội Ngô Quang Kiệt kêu gọi các tín hữu cầu nguyện để khu Tòa Khân Sứ cạnh Tòa Giám Mục Hà Nội bị cưởng chiếm từ năm 1959 được sớm hoàn trả lại, vào tối 18.12.2007 khi “Đêm Thánh Ca” dọn mừng Chúa Giáng Sinh được tổ chức tại khu tòa TGM Hà Nội vừa chấm dứt, khoảng hơn 2000 người, gồm có linh mục, tu sĩ, chủng sinh, giáo dân... đã kéo sang Tòa Khâm Sứ ở gần đó để cầu nguyện. Họ cầm nến trên tay, xếp hàng đôi và đi trong trật tự. Họ vừa đi vừa hát Kinh Hòa Bình.
Sáng ngày 20.12.2007, sau thánh lễ truyền chức Linh Mục cho 18 Phó Tế, khoảng 5000 tín hữu đã rước Tượng Đức Mẹ Sầu Bi đến đặt dưới gốc cây đa cổ thụ trước Tòa Khâm Sứ và cầu nguyện. Buổi cầu nguyện và tôn vinh Đức Mẹ kéo dài từ 11 giờ 40’ đến 12 giờ 20’. Sau đó từng nhóm nhỏ đến cầu nguyện riêng và chụp ảnh với Đức Mẹ.
Tối 24.12.2004, sau thánh lễ Vọng Giáng Sinh, cộng đoàn với khoảng 6000 người đã tiến đến thắp nến cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ tại Tòa Khâm Sứ. Khi Thánh Lễ Giáng Sinh nữa đêm kết thúc vào lúc 1 giờ 15 sáng 25.12.2007, khoảng 4000 giáo dân đã rước một cây Thánh Giá qua cắm một bên tượng Đức Mẹ ở Tòa Khâm Sứ và cầu nguyện.
Cuộc đấu tranh đang diễn tiến. Chúng tôi sẽ trình bày chi tiết ở phần sau.
TUẦN TỰ NHI TIẾN
Từ năm 1954 đến nay, nhiều cơ sở sinh hoạt tôn giáo, giáo dục và bác ái của Giáo Hội Công Giáo đã bị nhà cầm quyền CSVN cưởng chiếm, trong đó có cả những nơi thờ phụng.
Một Linh mục ở Roma về Hà Nội đã kể lại khi Đức TGM Trịnh Như Khuê được Nhà Nước cho sang Rôma nhận mũ Hồng Y phút chót vào tháng 5 năm 1976, ngài đã tâm sự với các linh mục và tu sĩ Việt Nam tại Rôma: “Ngoài Bắc chúng tôi không hiến nhà cho Nhà Nước, họ dùng vũ lực để chiếm các cơ sở của chúng tôi, nhưng họ là quân ăn cướp!”
Trái lại, sau 30.4.1975, nhiều Giám Mục Giáo Phận ở trong Nam vì bị áp lực, đã phải “hiến” một số tài sản của Giáo Hội cho chính quyền, đặc biệt là tại Huế. Theo lời xúi biểu của tên quản gia Nguyễn Văn Bông, một điệp viên của Công An cài vào Tòa TGM Huế (tên này hiện đang giữ chiếc nhẫn Giám Mục của Đức TGM Điền, không chịu hoàn trả lại), và Linh mục Quốc Doanh Louis Nguyễn Văn Bính (Bính nhỏ, sinh năm 1937), Đức TGM Nguyễn Kim Điền đã hiến khá nhiều tài sản của giáo phận cho nhà cầm quyền.
Tuy nhiên, tất cả những sự “hiến” này vì được thực hiện trong tình trạng bị cưởng bức (signed under coercive conditions), nên trên phương diện pháp lý không có giá trị. Do đó, Giáo Hội vẫn có quyền đòi lại.
Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã có một kế hoạch thu hồi lại những tài sản đã bị mất theo phương thức “tuần tự nhi tiến” và theo những ưu tiên đã được lựa chọn.
Vì là một giáo hội có nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng chứ không phải là một đảng chính trị hay một tổ chức chính trị trá hình tôn giáo, nên ưu tiên số một của Giáo Hội là lấy lại hoặc xây dựng thêm các cơ sở bác ái, từ các trại cùi, các viện mồ côi, các nhà nuôi dưỡng và giáo dục những người khuyết tật, các trạm y tế, các nhà giữ trẻ... để làm giảm bớt sự đau khổ của những người không may mắn và tạo cho họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đặc biệt, Giáo Hội quan tâm đến các đồng bào sắc tộc thiểu số, làm thế nào để họ có thể hội nhập vào cuộc sống của xã hội ngày nay. Đây cũng là đường lối của Liên Hiệp Quốc mà chúng tôi sẽ nói trong một bài khác.
Sau ưu tiên này, Giáo Hội quan tâm đến việc thu hồi lại các chủng viện để đào tạo linh mục là những cán bộ lãnh đạo việc rao giảng Tin Mừng. Tiếp đến, Giáo Hội sẽ tranh đấu để thu hồi lại các cơ sở giáo dục và quyền được góp phần vào việc năng cao dân trí của dân tộc, v.v. Đây là một cuộc tranh đấu đường dài.
Trường hợp của Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang ở Quảng Trị, Giáo Hoàng Học Viện PIO X ở Đà Lạt và Tòa Khâm Sứ Vatican ở Hà Nội là những trường hợp đặc biệt.
1.- Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang: Theo sổ bộ điền thổ của chính quyền cũ để lại và được Sở Địa Chính hiện nay xác nhận, tổng số diện tích đất đai của Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang được ghi nhận là 23,5580 ha (tức là 46 mẫu 7 sào 54 thước 25 tấc). Với diện tích này, Trung Tâm mới có thế thu nhận được số khách hành hương có khi lên đến nữa triệu người và càng ngày càng gia tăng. Nhưng chính quyền địa phương chỉ cho Trung Tâm xử dụng một phần nhỏ của khu đất đó. Hội Đồng Giám Mục VN đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu chính phủ trả lại đất cho Trung Tâm để đáp ứng nhu cầu tôn giáo, nhưng chính quyền tỉnh Quảng Trị chẳng những không trả mà con dự tính khai thác về du lịch tại khu này, biến nơi linh thiêng thành một cơ sở kinh doanh! Ở Việt Nam, từ 1975 đến nay, các viên chức chính quyền thuộc ba tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam và Quảng Ngãi nổi tiếng là sắt máu và bảo thủ nhất, nên nói chuyện với họ rất khó.
2.- Đại Chủng Viện PIO X (còn được gọi là Giáo Hoàng Học Viện PIO X) tại Đà Lạt: Cơ sở này được xây dựng năm 1957 trên một sở đất rộng 8 mẫu, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế và nhà thầu Tô Công Văn thực hiện.
Đây là một cơ sở đào tạo hàng giáo sĩ quan trọng số 1 của Giáo Hội Việt Nam. Theo tài liệu, từ niên khóa 1963-1964 cho đến năm 1978, Đại Chủng Viện PIO X đã thu nhận 358 đại chủng sinh và đã đào được 178 linh mục và 10 giám mục. Sau đó, Đại Chủng Viện đã bị đóng cửa và cơ sở bị chính quyền tịch thu.
3.- Tòa Khâm Sứ Vatican tại Hà Nội: Cơ sở này bị nhà cầm quyền tịch thu năm 1959 sau khi trục xuất Đức Khâm Sứ John Dooley.
Tất cả những tài sản cần thiết cho việc sinh hoạt tôn giáo nói trên đang được Giáo Hội đòi lại, nhưng phương thức tranh đấu của giáo hội không giống phương thức của các tổ chức chính trị.
VÀI NÉT VỀ KHU TÒA KHÂM SỨ
Việt Nam đã có liên lạc với Vatican từ đời nhà Lê và Trịnh Tráng (1576 – 1652). Vua Lê Thế Tông (1572 – 1599) đã gởi một bức thư cho Đức Giáo Hoàng Urbanô VIII. Đó là bức quốc thư đầu tiên của Triều Đình Nhà Lê gởi cho Toà Thánh Vatican. Nhưng mãi đến năm 1925 Đức Giáo Hoàng Piô Piô XI mới thành lập Tòa Khâm Sứ tại Đông Dương.
Năm 1922, ĐGH PIO XI cử Đức Giám Mục Lécroart, Dòng Tên, Giám Mục Giáo Phận Thiên Tân (Tientsin), Trung Hoa, làm Khâm Sai Tòa Thánh đi quan sát tình hình các giáo phận ở Đông Dương, đặc biệt về cách tổ chức các chủng viện và chương trình học vấn. Năm 1925, ĐGH Piô XI lập Toà Khâm Sứ Đông Dương và Thái Lan, và ngày 25.5.1925 Tòa Thánh cử ĐGM Constantino Ayuti (1876-1928) làm Khâm Sứ tại Đông Dương, chính yếu là tại Việt Nam. Lúc đầu, ngài tạm đặt Văn Phòng tại Hà Nội. Nhưng Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài, một người Công Giáo, đã đề nghị ngài xây cất một Tòa Khâm Sứ tại Huế, vì nơi đây mới là kinh đô của Việt Nam. Ngài chấp thuận. Vì thế, trụ sở của Tòa Khâm Sứ Vatican ở Đông Dương đã được xây cất gần Nhà Thờ Chính Tòa Phủ Cam, Huế.
Năm 1950, ĐGH Piô XII đã bổ nhiệm ĐGM John Dooley, người Ireland, làm Khâm Sứ tại Đông Dương. Ngài quyết định dời trụ sở Toà Khâm Sứ ra Hà Nội và đặt cạnh Toà Giám Mục Hà Nội, vì lúc đó Huế không còn là thủ đô của Việt Nam nữa.
Năm 1954, khi Việt Nam bị chia đôi, Đức Khâm Sứ John Dooley vẫn ở lại Miền Bắc. Năm 1959, chính phủ Hồ Chí Minh bắt đầu áp dụng các biện pháp nghiêm nhặt đối với Công Giáo, ra lệnh cho các giáo sĩ ngoại quốc phải rời khỏi miền Bắc. Vào tháng 3 năm 1959, mặc dầu Đức Khâm Sứ John Dooley đang trải qua nhiều cơn bệnh nặng, ngài vẫn được nhà cầm quyền Hà Nội chuyển đến Nam Vang, Kampuchia. Linh mục O'Driscoll, một giáo sĩ Ai-Len, đã tạm thời đảm nhiệm chức vụ Quyền Khâm Sứ. Tuy nhiên, sau khi Đức Khâm Sứ John Dooley rời Việt Nam 2 tuần, Linh mục O'Driscoll cũng bị bắt buộc rời khỏi Hà Nội, Tòa Khâm Sứ Vatican tại Hà Nội bị tịch thu. Một bức tường ngăn cách giữa Tòa Giám Mục Hà Nội và Toà Khâm Sứ đã được chính quyền dựng lên.
Tính đến năm 1960, ở Miền Bắc có 300 linh mục chăm sóc 750.000 tín đồ. Trung bình tại thành phố Vinh mỗi giáo sĩ phụ trách 1.200 tín đồ, ở Hải Phòng 7.000, ở Bùi Chu 6.000, ở Thái Bình 10.000, v.v.
Hình chụp các linh mục, tu sĩ và giáo dân Hà nội trước Tòa Khâm Sứ năm 1957 |
Nhà Nước đã chiếm đoạt tất cả các cơ sở của Giáo Phận Hà Nội tại Phố Nhà Chung, Phố Tràng Thi, và Phố Nhà Thờ. Họ đặt Tòa Giám Mục ở giữa, chỉ có một lối ra vào để dễ kiểm soát. Trong những thập niên 50, 60, 70 và 80, họ canh gác gắt gao tại cửa Tòa Giám Mục, ngăn cản giáo dân đi vào và tiếp tế cho các giáo sĩ đang cư ngụ trong đó. Trong những năm 60 và 70, họ quản chế Đức TGM Trịnh Như Khuê, ngài không được phép đi ra khỏi Tòa Tổng Giám Mục nếu không có phép. Ngài thường đi dạo trên sân thượng Tòa Tổng Giám Mục qua nhiều tháng năm đến nỗi thành một đưòng mòn quả trám trên sân gạch.
Những năm 1980 Nhà Nưóc đã xây Cung Văn Hóa trên đất Tòa Khâm Sứ, chủ yếu dùng làm sàn nhảy. Đêm nào họ cũng mở nhạc ầm ầm đến 2 giờ sáng, với chủ đích phá hoại bầu khí tĩnh mịch của nơi tu hành. ĐHY Trịnh Văn Căn đã nhiều lần than phiền với chính quyền rằng ngài không thể ngủ được, nhưng chính quyền vẫn làm ngơ.
Năm 2000, ĐHY Phạm Đình Tụng đã gởi đến các cấp chính quyền một đơn đòi trả lại khu đất Tòa Khâm Sứ, trong đơn có chữ ký của ngài và tất cả các linh mục trong Giáo Phận, nhưng Nhà Nước không trả lời, trong khi đó công an lại đi cãi chày cãi cối với các linh mục và giáo dân. Lúc dầu họ bảo Toà Khâm Sứ không thuộc đất Nhà Chung (Tòa Tổng Giám Mục) nên để khi nào có quan hệ ngoại giao với Vatican, chính quyền sẽ trả. Tòa Tổng Giám Mục đã đưa ra hai bằng chứng để loại bỏ quan điểm này:
1) Giấy Điền Thổ xác nhận bất động sản dùng làm Tòa Khâm Sứ thuộc chủ quyền của Giao Phận Hà Nội.
2) Trưóc khi ra đi, Đức Khâm Sứ Doley có viết thư của cám ơn ĐGM Trịnh Như Khuê đã cho ngài mượn đất làm Tòa Khâm Sứ.
Đuối lý, Công An cho rằng khu Toà Khâm Sứ, Toà Giám Mục, và Nhà Thờ Chính Tòa trước kia là thuộc khu Tháp Báo Thiên rồi Nhà Chung đã xin chính quyền bảo hộ cấp đất. Họ còn nói rằng ngay cả Thủ Tướng ký giấy trả mà Thành Phố Hà Nội không trả, thì Nhà Chung cũng không lấy lại được!
Mới nhất, vào ngày 3.12.2007 vừa qua, Đức TGM Ngô Quang Kiệt lại gởi một văn thư yêu cầu các cấp chính quyền giải quyết vụ này. Chính quyền chẵng những không đáp ứng và còn làm tới. Tối 12.12.2007 họ đã cho chuyển tới các phương tiện để sửa đổi ngôi nhà Tòa Khâm Sứ và ngày 13.12.2007 họ bắt đầu dỡ mái Tòa Khâm Sứ. Khoảng sân rộng phía trước Toà Khâm Sứ, họ đã cho siêu thị điện máy Nguyễn Kim nằm ở phố Tràng Thi gần đó thuê làm bãi giữ xe.
Trong những năm gần đây, ngoài Giáo xứ Cửa Bắc và Thượng Thuỵ có đòi được một chút nhà đất, còn các chỗ khác như Toà Tổng Giám Mục, Nhà Thờ Đa Minh, Nhà Thờ Sainte Marie, Giáo xứ Hàm Long, Giáo xứ Thái Hà thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, Giáo xứ Hàng Bột... vẫn chưa đòi được tý nào. Có chỗ còn tiếp tục bị mất thêm vì các cán bộ công quyền lạm dụng chức vụ chiếm dụng và hợp thức hoá trái phép.
Bản tin về các cuộc tranh đấu đòi lại Tòa Khâm Sứ đã được phổ biến hàng ngày trên Vietcatholic.net. Chúng tôi xin tóm lược và hệ thống hóa để giúp độc giả dễ theo dõi.
NHỮNG BIẾN CỐ KHỞI ĐẦU
1.- Văn thư đòi đất của Đức TGM Ngô Quang Kiệt.
Hôm 15.12.2007, Đức TGM Ngô Quang Kiệt đã gởi đến các Linh mục, Tu sĩ, Chủng sinh và anh chị em giáo dân Tổng Giáo Phận Hà Nội một thư luân lưu cho biềt Giáo Hội đang đòi lại Tòa Khâm Sứ để xử dụng vào nhu cầu mục vụ và xin tất cả cầu nguyện. Văn thư viết như sau:
“Từ nhiều năm qua, sinh họat của Tổng Giáo Phận bị giới hạn vì thiếu thốn cơ sở vật chất. Nay trong tình hình xã hội đổi mới, số linh mục ngày càng tăng, các tổ chức sinh họat ngày càng nhiều, cơ sở Tòa Tổng Giám Mục càng trở nên chật hẹp. Đã có những buổi lễ người tham dự phải tràn ra đường phố. Đã có những tổ chức sinh họat như sinh họat giới trẻ phải khổ sở chen chúc nhau trong sân Nhà Chung.
“Hơn nữa, Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội còn là nơi đặt trụ sở chính của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Thế mà hiện nay, vẫn chưa có đủ phương tiện cần thiết cho những họat động tối thiểu của cơ quan quan trọng, là tổ chức đứng đầu Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam. Thậm chí chưa có được một căn phòng nào dành riêng cho Hội Đồng Giám Mục. Hoàn cảnh thật đau lòng.
“Vì thế từ nhiều năm nay, Tòa Tổng Giám Mục và Hội Đồng Giám Mục đã nhiều lần đệ đơn lên Chính quyền các cấp xin giao lại Tòa Khâm Sứ để Giáo Hội có đủ phương tiện cần thiết cho những họat động tôn giáo tối thiểu. Đề nghị chính đáng của tôn giáo chưa được đáp ứng, trong khi đó Quận Hòan Kiếm lại dùng Tòa Khâm Sứ để kinh doanh buôn bán. Trước đây đã bán phở, nay lại mở ngân hàng. Và ngày 13.12.2007 vừa qua thêm kinh doanh giữ xe với quang cảnh thật hỗn độn.
“Vì thế, xin anh chị em hãy tích cực cầu nguyện để những nơi tôn nghiêm của tôn giáo được tôn trọng, nhu cầu chính đáng của Giáo Phận và của Hội Đồng Giám Mục được đáp ứng và những sinh họat tôn giáo được thuận lợi, góp phần xây dựng xã hội, đặc biệt khuôn mặt của thủ đô được tốt đẹp.”
2.- Biến cố đêm 18.12.2007
Tối 18.12.2007 khi “Đêm Thánh Ca” dọn mừng Chúa Giáng Sinh được tổ chức tại tòa TGM Hà Nội vừa chấm dứt với những tràng pháo tay vang dội của khoảng 4.000 người, tiếng một linh mục nào đó vang lên trên hệ thống phát thanh, tuy có vẻ ngọt ngào và hiền hoà, nhưng mang một “sứ điệp” nghiêm trọng và quyết liệt. Ngài nhắc lại thư chung của Đức Tổng Giám Mục gửi cộng đồng Dân Chúa ngày 15.12.2007 vừa qua xin cầu nguyện cho việc đòi lại khu Toà Khâm Sứ được thành công để đáp ứng các nhu cầu của Giáo Hội. Ngài kết thúc câu chuyện bằng lời kêu gọi: “Để các cấp chính quyền sớm giải quyết đúng với mục tiêu công bằng, văn minh, trên đường ra về, chúng ta hãy hướng về Toà Khâm Sứ. Xin tất cả hãy đi hàng đôi hướng về Toà Khâm sứ và đọc kinh cầu nguyện.”-
Ngay sau lời kêu gọi đó, những người cầm Thánh Giá và nến cao mặc lễ phục đã tiến lên đi đầu, theo sau là một đoàn người đông đảo, khoảng hơn 2000 người, có linh mục, tu sĩ, chủng sinh, giáo dân. Họ kéo sang Tòa Khâm Sứù ở gần đó để cầu nguyện. Họ cầm nến trên tay, xếp hàng đôi và đi trong trật tự. Họ vừa đi vừa hát Kinh Hòa Bình: “Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp...”
Tại Tòa Khâm Sứ, những người phụ trách Thánh Giá và cầm nến cao đã tiến lên bậc thềm của cửa chính đang bị khóa và đứng hướng mặt ra phía sân, nơi mọi người đang tề tựu để cầu nguyện. Đoàn người tiếp tục tiến vào. Họ đứng chật cái sân rộng mênh mông. Nhiều người đứng tràn ra hai bên hè Phố Nhà Chung. Tiếng cầu kinh và ca hát vang dội cả khu phố. Có giây phút im lặng. Rồi lại có tiếng hát “Cầu xin Chúa Thánh Thần” được cất lên. Rồi lại im lặng. Rồi bài “Lạy Mẹ xin thương đến Giáo phận con đây” lại được hát vang, v.v.
Sau buổi cầu nguyện, đoàn người đã ra khỏi khu vực và để lại những ngọn nến sáng trên các bậc thềm, chung quanh gốc cây, trên hàng rào, trên cổng... trong khuôn viên Tòa Khâm Sứ.
3.- Tình hình ngày 19.12.2007
Ngày 19.12.2007 chính quyền quận Hoàn Kiếm đã gửi một văn thư trả lời văn thư ngày 13.12.2007 của Toà Giám Mục. Nội dung vẫn khẳng định nhà đất số 42 phố Nhà Chung (Toà Khâm Sứ) là thuộc sở hữu nhà nước và chính quyền chỉ trả lại khi nào ở trên có chủ trương. Không có biến cố nào xẩy ra.
CÁC BIẾN CỐ TIẾP THEO
1.- Biến cố ngày 20.12.2007
Sáng ngày 20.12.2007, giáo phận Hà Nội long trọng cử hành thánh lễ truyền chức Linh Mục cho 18 phó tế. Cả giáo phận vui mừng vì có thêm nhiều linh mục. Nghi thức thánh lễ truyền chức đã được diễn biến giống như bao thánh lễ truyền chức khác, nhưng sau thánh lễ, khi Đức Tổng Giám Mục vừa ban phép lành xong, bầu không khí bổng im lặng. Đột nhiên, Linh mục Đinh Khắc Quế tiến ra, đứng bên cánh trái bàn thờ, quay xuống cộng đoàn. Trước hết ngài tự giới thiệu ngài đang phục vụ người Mường ở vùng Hoà Bình, một vùng nghèo khổ nhất của giáo phận. Ngài cho biết, nhờ đổi mới nay Hoà Bình đã khá hơn. Nhưng ngài nói tiếp: “Tôi hy vọng nhà nước tạo điều kiện cho Hoà Bình được hưởng những quyền lợi tối thiểu để sống đạo”. Rồi ngài chuyển hướng:
“Chúng ta cũng biết giáo phận có thêm linh mục, nay xã hội thay đổi rồi, linh mục nhiều lên, các sinh họat tôn giáo tăng, cơ sở để sinh hoạt ngày càng chật hẹp. Giới trẻ không có chỗ để sinh hoạt.
“Hội Đồng Giám Mục Việt Nam là một tổ chức đứng đầu Giáo Hội Công Giáo VN, có trụ sở tại Hà Nội mà cho đến bây giờ cũng chưa có một phòng nào ở đây. hoàn cảnh thật đau lòng!
“Toà Giám Mục đã nhiều lần đệ đơn để yêu cầu trả lại Toà Khâm Sứ để giáo hội có cơ sở cho những hoạt động tôn giáo tối thiểu. Trong khi đó nhiều vị đã dùng Toà Khâm Sứ để kinh doanh buôn bán với quang cảnh thật hỗn độn. Những ngày vừa rồi lại thêm dịch vụ giữ xe.
“Vì thế, xin các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, giáo dân... chúng ta tiếp tục cầu nguyện để nơi tôn nghiêm đươc tôn trọng và chính quyền sớm giải quyết trả lại cho chúng ta.
“Xin các ông bà anh chị em không tặng hoa các tân chức bây giờ. Xin các tân chức không chụp ảnh. Tất cả xếp hàng đi sang Toà Khâm Sứ để cầu nguyện tiếp. Các cha đi hàng đôi. Xin hội kèn đi trước...”
Ngài nói như tướng truyền lệnh. Thế là các linh mục xếp hàng đôi tiến trước, toàn thể cộng đoàn khoảng 5.000 người bước theo, vừa đi hát lời Kinh Hòa Bình trong tiếng cồng chiêng và tiếng kèn tây thúc giục tiến ra khu đất Tòa Khâm Sứ cạnh Tòa Tổng Giám Mục. Đặc biệt, đoàn còn chở theo một Tượng Đức Mẹ Sầu Bi và đem đền đặt dưới gốc cây đa cổ thụ trước Tòa Khâm Sứ.
Sân Toà Khâm Sứ đầy người và hoa. Cha ôm hoa, Sơ ôm hoa, thanh niên ôm hoa, thiếu nữ ôm hoa... Cảm động hơn khi hàng trăm bó hoa mà các thân nhân, ân nhân và quí khách dự định sẽ tặng để chúc mừng các tân linh mục, nay đã được dâng lên cho Đức Mẹ. Nhiều tràng hoa thắm được quàng quanh cổ Đức Mẹ. Gốc cây xung quanh chỗ tượng Đức Mẹ mau chóng đầy ngập hoa. Thấy mấy Sơ còn ôm hoa đứng cuối sân, có người hỏi: Tại sao còn ôm hoa đứng đây? Các Sơ trả lời; Vì chưa tìm được lối vào để dâng lên Mẹ!
Đặc biệt, nét mặt mọi người đều tươi như hoa. Gần như cả một rừng hoa trên mặt mọi người và rất nhiều hoa trên tay.
Hàng nghìn người đã vào được trong sân Toà Khâm Sứ, nhưng nhiều người không vào được vì không còn chỗ, phải đứng hai bên vỉa hè Phố Nhà Chung hay từ bên kia hè phố và cầu vọng vào. Nhiều chỗ giáo dân đứng lẫn với công an và cán bộ.
Buổi cầu nguyện và tôn vinh Đức Mẹ diễn ra khá dài từ 11 giờ 40’ cho đến 12 giờ 20’. Sau đó từng nhóm nhỏ đến cầu nguyện riêng và chụp ảnh với Đức Mẹ.
Chiều ngày 20.12.2007, Công An đã cho gọi người dùng xe xích lô chở tượng Đức Mẹ và những người đi theo xe để giúp đặt tượng lên gốc cây đa trước Toà Khâm Sứ, đến cơ quan công an đểø tra khảo và giữ họ cho đến xế chiều mới cho về.
Được biết, sáng ngày 20.12.2007, chính quyền có gửi văn thư xin không cầu nguyện bên Toà Khâm Sứ nữa và hứa sẽ giữ nguyên trạng. Nhưng đoàn người về từ khắp nơi trong Giáo Phận đã tiến về Tòa Khâm Sứ để cầu nguyện rồi.
2.- Diễn biến ngày 21.12.2007
Sáng 21.12.2007, Hà Nội thoáng mưa nhỏ, nhưng ngay từ sáng sớm, nhiều người đã đến trước cổng Toà Khâm Sứ với hy vọng có thể vào viếng Đức Mẹ, nhưng cổng vào đã bị khoá với ba lần khoá. Họ đành phải đặt hoa từ ngoài hàng rào.
Tuy nhiên, vào buổi tối, có mấy người đã lén vào bên tượng Đức Mẹ, lấy những bó hoa héo cho vào bao tải và đặt lên những bó hoa mới.
3.- Diễn biến ngày 22.12.2007
Suốt buổi sáng ngày 22.12.2007 tình hình tương đối yên lặng. Tượng Đức Mẹ Sầu Bi vẫn ngự tại gốc cây đa trước cửa Toà Khâm Sứ. Hoa vẫn còn vây đầy xung quanh. Không có ai vứt hoa xuống đất như hôm trước.
Lễ sáng xong, giáo dân lại kéo ra đọc kinh dưới tượng Đức Mẹ Sầu Bi. Xe cảnh sát không còn đứng ở đầu Phố Nhà Chung.
Buổi tối, sau thánh lễ, giáo dân cũng lại kéo sang Toà Khâm Sứ cầu nguyện. Số người tham dự khoảng 200 ngươì. Vì các cổng đều khoá nên mọi ngươì phải cầu vọng từ bên ngoài Mọi người chủ trương không vượt rào. Nhiều công an có lúc to tiếng lên mặt quát nạt họ, nhưng lời cầu nguyện vẫn vang lên, bất chấp thái độ sỗ sàng và những cặp mắt tức tối của đám công an quanh họ.
Đặc biệt, vào khoảng 20 giờ, cộng đoàn Toà Giám Mục Hà Nội cũng sang và muốn vào cầu nguyện. Tuy nhiên, lúc này có khá nhiều nhân viên công an mặc thương phục đến và lên tiếng dọa nạt, uy hiếp mọi người. Họ không ngần ngại nói những lời xúc phạm. Đã có mấy người tính trèo cổng để vào bên trong, nhưng một nhân viên an ninh nào đó quát lớn: “Ai vào đây thì bắt hết!” Họ còn nói: “Muốn đọc kinh, muốn cầu nguyện gì thì vào nhà thờ, còn đất và nhà này thuộc quyền quản lý của nhà nước, ai đụng đến là vi phạm pháp luật, phải bị bắt hết”.
Mặc dầu vậy, cũng có một ông vượt rào, vào chỗ tượng Đức Mẹ và đặt hoa nến. Hình như là một ông sống gần khu Nhà Chung. Nhiều giáo dân có ý kiến nên mở một cửa thông từ Toà Giám Mục qua Toà Khâm Sứ. Các giáo dân khác vẫn đứng ngoài hàng rào ca hát và cầu nguyện.
Cũng trong ngày 22.12.2007, chính quyền đã gửi công văn tới Toà Giám Mục cho biết đã ngưng lại việc sửa chữa tháo dỡ mái Toà Khâm Sứ và các công việc sử dụng toà nhà và khu đất này. Tuy nhiên, người ta thấy những quán phở trong khu đất vẫn khá đông khách, những tấm bảng hiệu của một ngân hàng nào đó vẫn chưa bị tháo xuống, sân tennis, khu nhà thể thao vẫn hoạt động, v.v.
4.- Trong đêm Lễ Giáng Sinh
Chiều 24.12.2007, khoảng 6000 tín hữu công giáo đã đến tham dự thánh lễ Vọng Giáng Sinh tại Nhà Thờ Lớn Hà Nội. Sau khi thánh lễ chấm dứt vào lúc 8 giờ 30, họ đã cùng nhau đi qua thắp nến và cầu nguyện trước Tượng Đức Mẹ Sầu Bi. Chính quyền không có phản ứng nào.
Thánh Lễ Giáng Sinh kết thúc vào lúc 1 giờ 15 sáng 25.12.2007, khoảng 4000 giáo dân đã rước tượng Thánh Giá qua cắm phía sau lưng tượng Đức Mẹ và cầu nguyện, hát thánh ca.
RÚT MỘT VÀI KINH NGHIỆM
Cuộc tranh đấu giành lại khu Tòa Khâm Sứ được khởi đầu chỉ bằng những lời cầu kinh và tiếng hát, đặc biệt là lời Kinh Hòa Bình: <> “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn sai lầm....”
Chính những lời kinh đó đã thúc đẩy các tín hữu đứng lên và kết hợp lại với nhau một cách chặt chẽ, chính quyền khó bẻ gãy được. Có thể nói, phương thức đấu tranh mà giáo phận Hà Nội đã xử dụng trong vụ này là phương thức mang màu sắc hoàn toàn tôn giáo.
Kinh nghiệm cho thấy:
(1) Khi một giáo hội tự biến thành một tổ chức chính trị trá hình tôn giáo, dùng thủ đoạn và hận thù tôn giáo để kích động quần chúng, và tạo bạo loạn để cướp chính quyền, giáo hội đó sẽ bị các guồng máy thống trị nghiền nát.
(2) Trướng hợp một giáo hội để cho các thế lực chính trị (dù CIA hay Việt Cộng) dùng làm công cụ múa rối, trước sau gì rồi cũng sẽ bị nhận chìm trong những cơn lốc của thời cuộc.
(3) Phương thức đấu tranh của Giáo hội Công giáo khác với phương thức đấu tranh của các tổ chức chính trị, vì sứ mạng giáo hội hoàn toàn khác với sứ mạng của các tổ chức chính trị.
Tổ chức tôn giáo nào xử dụng các phương thức đấu tranh không phù hợp với một tôn giáo, nhất là các thủ đoạn chính trị, sớm muộn gì rồi cũng sẽ bị “chính trị hóa” và đi vào những cuộc hổn loạn nối tiếp nhau. Đó là một thảm họa cho cả giáo hội lẫn đất nước.
(4) Giáo hội là một tổ chức trường cửu, nên phải “tuần tự nhi tiến” : Có những cuộc đấu tranh phải kéo dài 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm hay 50 năm... Năm này tranh đấu chưa có kết quả, sang năm tranh đấu tiếp. Năm nay chưa lấy lại được Tòa Khâm Sứ, sang năm phát động chiến dịch khác, cho đến một ngày nào đó rồi chính quyền cũng phải trả.
Giáo hội là những thế hệ nối tiếp nhau. Thế hệ này chưa thực hiện được, thế hệ sau sẽ tiếp tục..., Giáo hội không thể tính chuyện “ăn xổi”.
Điều quan trọng là Giáo Hội đừng bao giờ quên sứ mạng của mình. Trong bài giảng tại Santiago de Cuba hôm 24.1.1998, Đức Giáo Hoàng John Paul II đã nhắc nhở: “Giáo Hội, hiện diện giữa lòng xã hội, không nhằm đi tìm bất cứ hình thức quyền hành chính trị nào khi thực hiện sứ mạng của mình; Giáo Hội chỉ muốn là hạt giống phát sinh những thiện ích của mọi người bằng sự hiện diện của mình trong các cơ cấu xã hội...”
Đừng ai nghĩ rằng có thể dùng những lời khích bác để thúc buộc Giáo Hội đi theo con đường mà họ muốn. Chuyện đó chẳng bao giờ xẩy ra.