Cửa gắn liền với cuộc sống thường nhật thế mà ít khi ta nhận ra giá trị thực tiễn hay để ít phút suy tư về nhiệm vụ của cửa. Cửa gắn liền với cuộc đời khi còn sống và sau khi chết. Mọi người từ già đến trẻ, hiền lương, dân bụi đời, người vô gia cư không nhà cửa thế mà hàng ngày cũng phải chui qua năm bảy lần cửa để xin ăn. Để hiện diện nơi đây quý vị đã để sau lưng năm bảy lần cửa khép. Trước hết là cửa phòng rồi đến cửa nhà, đi gần thì cửa xe, đi xa thì cửa máy bay và gần đây nhất là cửa thánh đường. Không phải chỉ con người mới cần cửa mà cầm thú cũng có như cửa hang, cửa chuồng. Thiên nhiên cũng tạo ra nhiều loại cửa thiên nhiên như cửa sông, cửa biển. Không biết thiên nhiên có gọi chúng là cửa không nhưng nhân loại chúng ta đặt cho chúng cái tên quen thuộc, gần gũi là cửa. Mỗi khi nhắc đến ai cũng có thể hình dung ra được hình dạng các cửa thiên nhiên này.

TÊN LOẠI CỬA

Có nhiều loại cửa khác nhau tùy theo mục đích dùng mà con người đặt tên cho chúng. Thí dụ cửa nhà, cửa bếp, cửa tủ, cửa xe, cửa phòng. Trong tất cả các loại cửa chỉ có cửa miệng là khó đặt tên nhất vì không định được nhiệm vụ rõ ràng của cửa miệng. Cửa miệng được xử dụng cho muôn vàn mục đích mà không ai dám gọi tên chúng vì nếu đặt tên cho chúng là tự mình chuốc lấy nguy khốn, ngay cả trường hợp nói lên sự thật.

KÍCH THƯỚC CỬA

Cửa nhân tạo có kích thước giống nhau, rập khuôn và tương tự nhau. Cửa thiên nhiên không giống nhau về kích thước lẫn vóc dáng. Cửa lớn nhất là cửa biển, nhỏ hơn là cửa sông, cửa rạch. Nơi cửa biển cửa sông mang lại nguồn lợi tôm cá lớn nuôi sống dân chài quanh vùng, đồng thời thoát nước tránh nạn lụt giết hại sinh linh, phá tan mùa màng. Cửa nhỏ nhất nhưng lại ồn ào, xì xèo, to nhỏ, khen chê, thánh thiện hay ma quỷ, điêu ngoa, ngọt ngào hay thối tha nhất lại là cửa miệng. Cửa miệng thường được dùng trong hai việc trái ngược nhau, tùy theo tâm của người nói hoặc là để rao giảng Tin Mừng, hay tin đồn. Miệng được dùng để khen, ca tụng và cũng được dùng để chê, nguyền rủa. Miệng gieo lời hay ý đẹp và miệng gieo những tư tưởng sai trái, tục tĩu như hũ mắm thối gặp nước mưa. Chính vì vậy cho nên nó có tên chung chung là cửa miệng. Người ta chỉ dám vịnh về cái miệng như miệng sang hèn, hẹp rộng, lẻo mép, tía lia hay môi dầy vân vân mà không ai đặt tên cho nó cả. Lấy hết sức bình sinh phê phán trong lúc cả giận mất khôn cũng chỉ dám đưa ra câu: ăn muối ăn mắm gì mà nói kiểu cha đời thiên hạ. Đố ai dám đặt tên cho cửa miệng cái tên thích hợp, nếu gọi là cửa thập cẩm thì không đúng. Vì những món thập cẩm thường là món ngon. Còn miệng thập cẩm có pha trộn ngon và tệ. Miệng để làm chứng về đức tin và miệng để thề gian, lừa lọc. Tất cả đều phản ảnh bởi nội tâm bên trong. Vì thế mà Chúa Giêsu nói không phải những gì từ ngoài vào qua cửa miệng làm cho ta ra dơ bẩn nhưng chính là những gì phát ra từ cửa miệng.

TÂM ĐỊA CỦA CỬA

Có câu chuyện vui, đứa bé cố với tay lên cao bấm chuông nhưng vẫn không bấm được. Thấy thương hại người đi đường bấm dùm. Đứa nhỏ không cám ơn còn toét miệng ra cười. Người đi đường thành thật hỏi sao vậy cháu? Đứa nhỏ nói. ‘Chạy đi ông ơi, còn chần chờ gì nữa, không thì khốn bây giờ. Thằng cha gác cổng nhà này hung lắm.’

Xin liệt kê một số loại cửa thông dụng trong cuộc sống hàng ngày, mỗi cửa mang ý nghĩa riêng của nó vì mục đích cánh cửa đó được dùng, hay vì nó che đậy, chứa đựng sự thật sau cánh cửa. Tất cả các loại cửa liệt kê sau không ít thì nhiều cũng liên quan đến cuộc sống thường ngày mỗi người trong chúng ta. Có những loại cửa chúng ta đi qua vì cần, lại có những loại cửa chúng ta bị cám dỗ dẫn vào và có những cánh cửa vào vì tò mò, hiếu kì muốn vào cho biết.

1) Loại cửa cần thiết ngày nào cũng cần đến bất kể ngày đêm, ra vào nhiều ít tùy người, đêm bảy ngày ba, thiếu nó thì chạy đôn, chạy đáo đi tìm cho ra không thì khốn đó là cửa nhà vệ sinh.

2) Có những cửa không ai muốn vào mà thiên hạ còng tay đẩy vào, vào là mất tự do, cái gì cũng bị giới hạn, ngay cả chỗ nằm, giờ giấc ăn ngủ cũng được phân chia rõ ràng, mạch lạc chi li. Ai sống sau cánh cửa loại này đều mong muốn mau được thoát ra đó là cửa nhà tù, trại giam.

3) Có loại cửa mới nghe nói đến đã giật mình, run sợ như sét đánh ngang tai. Người đến cửa này lòng đau như cắt, mặt mày xám ngắt, ủ dột trông không còn giọt máu, chân tay bủn rủn thế mà vẫn phải vào chầu chực hàng giờ đó là cửa bệnh viện.

4) Loại cửa vì tò mò tình nguyện bước vào mắt điên đảo, ngó trước nhìn sau sợ người quen bắt gặp. Loại cửa này dẫn vào con đường ăn chơi trác táng, thân gầy tiều tụy cuộc đời mong manh phiêu bạt nhẹ như làn thuốc khói, tan xác qua cơn gió thoảng. Đi vào loại cửa này thì dễ mà thoát ra thì khó vì những cám dỗ trập trùng, biến thiên vạn hóa. Đó là cửa dẫn vào con đàng ăn chơi tội lỗi.

5) Có loại cửa khi đi vào thì vui vẻ, hớn hở khi ra thì nhẵn túi mặt nhăn như đít bị. Có người còn bị tàn gia bại sản, tra chân vào tù. Loại cửa này dính vào bị mê hoặc như có tà ma ám ảnh, sống mơ màng trong mơ. Người vào cửa này thường khó thoát khỏi vòng đồi trụy, gian trá, lừa lọc. Cuộc đời luôn mơ gỡ gạc, thua đến chạy rụi cuộc đời. Đó là loại cửa đỏ đen, cửa các sòng bài, nhà chứa.

6) Có loại cửa phải qua trung gian, bắt mối khi vào phải khúm núm ra vẻ chân tình, kính cẩn, không dám ngó ngang ngó dọc sợ mất cảm tình thì nguy khốn. Trong người ôm ấp lễ ngãi, quà cáp long trọng mua chuộc lòng chủ đó là cửa quan quyền.

7) Có loại cửa khi bước vào một cách long trọng, kính cẩn, với tất cả tâm tình thiết tha. Khi ra thần khí tỉnh táo, tâm hồn thanh thản, yên tâm hơn. Trong tất cả các loại cửa kể trên chỉ có loại cửa này đáng lưu ý nhất. Đó là cửa chùa hay cửa nhà thờ. Hình như những tâm hồn hay thăm viếng loại cửa này đều là những tâm hồn đơn sơ, chân thành. Ở tuổi trưởng thành vì công ăn việc làm, vì tài trí, vì sức mạnh, vì bạn bè người ta ngại đi đến cửa này. Bao nhiêu mời gọi, bao nhiêu lời khuyên bảo, năn nỉ người ta cũng ngại đến. Con người chạy đến trong than khóc khi bác sĩ lắc đầu bó tay hết thuốc chữa, không còn trông vào sức mạnh trần thế lúc đó con người mới trở về cánh cửa nhà thờ.

8) Sau cùng là loại cửa không to lắm, không sâu nhưng nghìn trùng xa cách, tự mình không đi ngang cửa này được mà do người thân trịnh trọng, lòng se thắt quặn đau khiêng vào. Từ quan chí dân ai cũng vào một lần và vào trong lúc trắng tay không mang theo được gì. Khi bước vào người đó chân tay bị trói chặt, mặt phủ vải không nhìn thấy sự đời. Đó là cửa mồ.

Chúng ta tạm đóng các cánh cửa trên lại để nhấn mạnh đến một loại cửa hy vọng. Loại cửa vô hình này rất quan trọng cho cuộc sống tại thế và cuộc sống trường cửu sau này. Có hai loại cửa vô hình hoàn toàn đối nghịch nhau như hai kẻ tử thù là trung tâm của bài này. Hai cánh cửa bề thế ấy người công giáo nào cũng được học đến, nói đến nhiều trong đời đó là cửa thiên đàng và cửa hỏa ngục.

CỬA THIÊN ĐÀNG, CỬA HỎA NGỤC

Kinh thánh nhiều lần nói về các loại cửa khác nhau. Cửa thiên đàng trần gian hay cửa vườn địa đàng nơi tổ tiên con người phạm tội bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng. Người dơ cao tay đón chào tin bị đuổi nhà của A dong Eva là ma quỷ, chúng đăng quảng cáo cho thuê phòng với giá rẻ khắp nơi đón chào hai ông bà tổ phụ. Để ngăn ngừa hai ông bà đừng thuê phòng của ma quỷ:

- Chúa Giêsu vội ra thông cáo mời gọi hãy đi vào cửa hẹp. Mat 7,13 Lk 13,24.

- Chúa dậy đóng cửa phòng để cầu nguyện, để ăn chay hãm mình. Mat 6,6

- Chúa dậy mở cửa bố thí bánh cho bạn vào đêm khuya. Lk 11,6-7

- Câu chuyện người hành khất Lazaro nằm trước cửa nhà giầu xin ăn. Lk 16,19

- Cửa tiệc cưới đóng lại không cho 5 trinh nữ mang đèn mà không mang dầu tùy thân nên đến trễ. Mat 25,11-12

Chúa Giêsu là cửa.

- Qua Ngài để đến cùng Chúa Cha để có sự sống đời đời. Jn10,9.

- Ta là cửa chuồng chiên Jn10,7.

- Ai qua cửa này sẽ có sự sống đời đời Jn10,9.

Chúng ta lượt qua một vài loại để làm sáng tỏ vấn đề các cửa trên.

Ý NGHĨA CỬA TRONG THÁNH KINH

Tất cả các cửa nhắc đến trong thánh kinh được chia làm hai loại hoặc cửa đó liên quan đến cửa thiên đàng hay ngược lại cửa đó liên quan đến địa ngục. Xin mời chúng ta lần lượt duyệt qua các cánh cửa trên để hiểu thêm về việc Chúa Kitô mời gọi chúng ta đi qua cửa hẹp. Cánh cửa hẹp đây không gì khác hơn là cánh cửa vô hình nằm sâu trong cõi lòng con người, cửa tâm hồn. Vì nó là cửa hẹp nên cần phải mở hết ra cho rộng để ân sủng Chúa đi ngang dễ dàng. Cũng nên nhớ cửa hẹp này có nhiều cánh cửa như từ bi, bác ái, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại….

Trước hết là cửa hẹp trong phúc âm Mat 7,13 Lk 13,24. Đức Kitô so sánh hai loại cửa: cửa dẫn tới tàn phá, chết chóc, con người ưa chọn vì nó rộng, thênh thang đầy cám dỗ. Ai rộng mở cửa này thì cửa hẹp bị che khuất. Loại cửa rộng bao la đi vào sẽ bị lạc không biết đường về. Nó dẫn ta đi trong âm thầm và từ từ gặm nhấm giết chết lòng người một cách êm dịu nên con người không cảm thấy cái hại diệt vong khi cảm nghiệm được thì không đủ can đảm thu hơi tàn, sức lực đứng dậy. Đành đầu hàng buông xuôi theo cơn lốc cuộc đời. Trái lại cửa hẹp khó đi nhưng dẫn đến sự sống vĩnh cửu. Vì là cửa hẹp nên phải khiêm nhường, đi trong yêu thương, đôi khi phải nhường nhịn nhau mới đi lọt. Thánh Luca dặn thêm để vào cửa hẹp con người phải phấn đấu, cố gắng hết khả năng để tiến vào, đừng nản chí dọc đường, đừng bỏ ngang vì khó khăn nhưng ai phấn đấu sẽ lọt vào cửa này vì cùng đồng hành với Đức Kitô. Đây là loại cửa chính Đức Kitô đã đi vào và cũng chính Đức Kitô đi ra mở đường cho những ai muốn theo Chúa. Câu đầu tiên trong thánh vịnh số 1 dậy hạnh phúc những ai không nghe đường lối gian tà của phường gian ác nhưng theo đường lối Chúa đi. Cửa rộng và cửa hẹp chính là lối sống con người tự chọn cho mình. Chúng ta hoàn toàn tự do trong việc chọn lựa cánh cửa cuộc đời. Chọn sống phóng túng, gian tà là chọn cửa rộng. Sống trung tín theo đường lối Chúa, ăn chay, đền tội mình và tội tha nhân là chọn cửa hẹp dẫn đến sự sống. Chọn cửa nào thì sống với những gì có sau cánh cửa đó. Chọn con đường sống là chọn được Chúa bảo vệ đi theo đường lối Chúa và làm điều Chúa chỉ dậy. Chúa dậy đóng cửa phòng để cầu nguyện, để ăn chay hãm mình Mat 6,6, để thổ lộ tâm tình hay tâm sự cùng Chúa và chỉ mình Chúa biết. Đây là tâm tình của những người đạo đức thật luôn trông cậy vào Chúa. Trong phòng kín họ nhìn lại biến cố trong ngày, xét mình, xem lại thành quả đạt được mong ngày mai làm được nhiều việc lành phúc đức hơn. Làm như thế họ không mong người ta khen là đạo đức, thánh thiện nhưng làm vì lòng yêu mến Chúa.

ĐÓNG CỬA LÒNG

Một trong những dụ ngôn rõ ràng nhất khi nói về cửa rộng chính là câu chuyện Lazaro nằm ngoài cổng nhà phú hộ giầu có, mong được ăn những mảnh bánh vụn trên bàn chủ rơi xuống đất mà cũng không được. Lazaro chết trong đói khát, bệnh tật (Lk 16,19). Ông không nhận được một chút xót thương nào từ cửa nhà người phú hộ. Ông không nhận được lời an ủi nào nơi cửa miệng nhà giầu. Bạn ông là con chó đến liếm mủ chảy ra từ mụn ghẻ đầy mình. Cánh cửa lòng xót thương người nghèo khổ, đói khát trong tâm hồn nhà phú hộ nọ đóng chặt. Ông chỉ sống cho mình và những người giầu có, cùng giai cấp như ông. Giai cấp cùng đinh nghèo khổ trong xã hội không được đếm xỉa đến. Môn đăng hộ đối là điều nên tránh trong xã hội vì con đường này dẫn đến khinh người và câm lặng, không chạnh lòng thương xót những anh chị em khác nghèo không cùng giai cấp với mình.

Có sự liên hệ mật thiết giữa hai cánh cửa vô hình: cửa lòng trong tâm hồn mỗi người và cánh cửa vĩnh cửu đời sau. Tâm hồn nào có lòng độ lượng, khoan dung, yêu người thì cánh cửa lòng họ gắn liền với cửa thiên quốc. Người có lòng độ lượng khoan dung, kính sợ Thiên Chúa. Người có lòng từ bi nhân hậu, bác ái, ôn hòa là người nắm giữ chìa khóa nước trời. Ngược lại, tâm hồn nào có lòng khinh người, kiêu kăng, ngược đãi anh chị em đồng loại, coi thường con người sẽ tạo nên những mắt xích trói chặt, xiềng xích, đóng kín cánh cửa lòng họ ngăn cản người đó tiến vào cánh cửa thiên quốc.

Cánh cửa khác nhắc đến trong phúc âm đó là trường hợp chần chừ, thờ ơ, biếng nhác trong việc đáp lại tiếng kêu cứu của anh em đồng loại trong dụ ngôn mở cửa bố thí bánh cho người bạn mượn thực phẩm vào đêm khuya Lk 11,6-7. Người nhà ra mở cửa vì tiếng kêu nài nỉ của đồng loại nên đáp lại chứ không cho vì lòng thương người. Đúng hơn anh ta thương mình. Nếu không cho họ gõ cửa hoài mình cũng không yên. Bố thí đi cho xong việc. Dẫu thế anh ta vẫn được trả ơn. Thiên Chúa giầu lòng xót thương sẽ đáp lại những ai kêu đến Ngài. Ngoài ý nghĩa xót thương chúng ta còn thấy ý nghĩa khác. Đó là xả thân. Để mở được cửa nhà và cửa tâm hồn anh ta phải chấp nhận hy sinh, từ bỏ chăn êm nệm ấm, bỏ giấc ngủ tiến ra mở cửa nhà chào khách. Mời khách vào nhà là thêm việc ngoài việc tiếp đãi còn phải chu toàn phép giao tế giữa chủ khách. Mở cửa nhà mời đón khách, ngay cả khách lỡ độ đường, đi liền với việc mở cửa tâm hồn, cửa con tim chan chứa tình yêu thương.

Phúc âm nhắc đến người khách lỡ độ đường vào đêm khuya và người bạn không mấy thân quen gõ cửa giữa đêm vay thực phẩm. Anh chủ này không giầu có như nhà phú hộ. Cửa tâm hồn anh ta chưa đóng chặt vì anh vẫn còn cảm thấy bị người khác quấy rầy không ngủ được nên đáp lại lời xin cho êm chuyện. Lúc đầu anh chối khéo nhà đóng cửa rồi, các con đang ngủ không thể dậy lấy bánh cho anh được. Vì kì kèo lâu nên anh dậy cho bạn mượn bánh đêm khuya. Người đi mượn bánh giữa đêm là người có tâm tình cao thượng đáng được đề cao. Bạn anh đến nhà vào lúc đêm khuya. Nhà nghèo không có gì tiếp bạn anh chạy đi vay mượn ít bánh tiếp khách. Mặc dù khách đến bất chợt, không báo trước, lại còn đến vào đêm khuya nhưng anh không ngần ngại. Trái lại ân cần đón tiếp. Con đường hẹp này coi trọng con người hơn vật chất, kể cả giấc ngủ và sự an toàn của chủ nhà. Ngày nay có thể hiểu người vay mượn bánh đêm khuya chính là người giúp ta, nâng đỡ khi ta xa Chúa. Họ cho vay những kinh nghiệm sống, giúp ta đứng dậy trở về cùng Chúa. Tiếp sức giúp ta làm lại cuộc đời. Chúa không trực tiếp với ta bằng xương thịt như xưa nhưng mượn con cái Chúa làm công việc khuyên bảo, an ủi, giúp đỡ nhau. Ma quỷ cũng học theo phương cách trên nhưng dùng với mục đích xấu. Xúi con người đi vào con đường rộng, sai trái, chống lại tha nhân, gây chia rẽ hận thù để chúng thủ lợi. Chúng ta hãy cầu xin cho có nhiều bạn tốt biết cho ta vay mượn kinh nghiệm đứng dậy trở về mỗi khi vấp ngã.

MỐI TÌNH RƠI RỚT

Một cánh cửa khác tôi muốn chia sẻ đó là cánh cửa lòng, vòng tay chào đón đầy tha thứ yêu thương nơi cửa nhà trong dụ ngôn người cha nhân từ. Hình ảnh người con hoang đàng trong Luke 15: 11 lại đến trong trường hợp này. Hai người con đại diện cho những loại cửa khác nhau. Trước hết cả hai con đều sống trong tình thương nơi nhà cha. Người em bỏ đi, theo sở thích riêng. Anh đi qua những cánh cứa ăn chơi, nghiện ngập, phung phí tài sản, sức lực, tuổi xuân. Khi hoạn nạn đến không còn nơi nương tựa. Anh đi tìm việc làm nhưng bị xua đuổi tàn tệ. Cuối cùng anh đứng dậy trở về nhà cha. Điều gì làm cho anh trở về căn nhà mà trước đây anh tự nguyện ra đi? Thưa nguyên nhân dẫn anh mạnh dạn trở về ngưỡng cửa xưa vì nơi tim anh còn sót lại tâm tình yêu mến của cha anh. Không phải anh yêu cha anh nhưng tình yêu của cha anh còn vương vấn trong tim anh. Chính mối tình dang dở này dẫn anh trở về với người cha. Anh đã nói chi trước khi trở về: nhiều người làm công cho cha tôi được đối xử tử tế. Anh tự nhủ không lẽ mình là con mà bị ngược đãi sao? Chính vì nghĩ đến lòng tốt của cha mà anh đã mạnh dạn đứng dậy trở về. Anh không trở về vì đói. Yếu tố này chưa đủ mạnh kéo anh đứng lên đi về nhà cha. Đói chỉ là nguyên nhân, chất xúc tác, thức tỉnh con người anh. Động lực chính thúc đẩy anh đứng dậy trở về vì tình cha vương vấn trong tim. Tình thương đó thể hiện qua việc cha anh đối xử tốt với con ăn đầy tớ. Cha ta đối xử tốt với bao nhiêu người. Nghĩ tới đây anh mạnh dạn đứng dậy lên đường. Anh không nghĩ đến món tiền lớn cha anh đưa cho trước khi ra đi. Anh không nghĩ đến nhà cao cửa rộng của cha. Anh không nghĩ đến những món quà đắt giá cha trao cho trong dịp sinh nhật, giáng sinh hay quà tết. Có một điều khắc sâu trong tim anh đó là lòng thương người của cha anh trải rộng với tha nhân. Khi trở về anh mong được đối xử như người xa lạ. Họ được cho ăn uống đầy đủ, nhân phẩm được đề cao, được đối xử bình đẳng và sống cho ra người.

CỬA CHUỒNG CHIÊN

Từ những cánh cửa trên Chúa Giêsu dẫn ta đến cánh cửa công chính là chính Đức Kitô tuyên bố được thánh sử Gioan ghi lại trong chương 10. Ta là cửa chuồng chiên. Ai không vào cửa này đường đường chính chính mà vào bằng lối khác thì đó là kẻ trộm. Người công chính an tâm bước qua cánh cửa nhà mình. Đức Kitô ví mình như cánh cửa bảo vệ đàn chiên. Chiên Ta thì nghe tiếng Ta Ta biết chúng và chúng nghe tiếng Ta. Ai đi qua cửa Giêsu mà vào sẽ được an toàn, được bảo vệ, được che chở, được thêm sức mạnh và nếu đi lạc thì chủ chiên sẽ đi tìm vác trên vai mang về.

LỢI ÍCH CỦA CỬA

Cửa vừa bảo vệ người trong nhà vừa ngăn cản kẻ gian bước vào. Cánh cửa ngăn cản ruồi, muỗi, luồng gió lạnh đêm khuya tràn vào, giữ hơi ấm trong nhà. Cánh cửa linh hồn ngăn cản vi trùng tội lỗi xâm nhập hồn ta. Cánh cửa là dấu chỉ đâu là con đường tiến vào. Cánh cửa là nơi con người phát ra tiếng gọi, báo hiệu người trong nhà có người tới. Cánh cửa còn được dùng để trang trí vào những dịp lễ long trọng như cưới hỏi, mừng sinh nhật, giáng sinh, đón quý khách vào nhà biểu hiệu lòng yêu mến. Một vài nơi có phong tục trưng bày bàn thờ ông bà ngay trước cửa, nhang đèn hương khói tỏa cao. Cửa là nơi chào đón người thân và cũng là địa điểm tiễn biệt. Đến thăm ai mà chưa có lời mời vào thì chưa được bước ngang qua cửa nhà. Cửa có những dấu hiệu báo cho biết lành dữ trước khi ta bước qua. Như trường hợp ngoài cửa ghi đặm chữ xanh đỏ: coi chừng chó dữ. Cửa còn có năm bảy lần khóa, khóa sống, khóa chết, then cài trên dưới. Ai có chìa khóa mới qua lọt được những cửa trên. Người làm chủ chùm chìa khóa các cửa trên là người có quyền bước qua ngưỡng cửa danh chính ngôn thuận bất kể ngày cũng như đêm. Tuy nhiên có trường hợp vào cửa nhà mình mà lén lút như kẻ trộm. Những lần như thế nói lên việc làm sai trái, không chính đáng, thường gắn liền với mặc cảm tội lỗi. Cách vào cửa cho biết người quen hay lạ, thân hay không, công chính hay phường tội lỗi. Rõ ràng nhất là những lần chui cửa sổ rón rén vào phòng ngủ (anh đi chơi đến sáng mới về, vợ giật mình thức giấc hỏi anh đi làm sớm vậy. Để khỏi cãi nhau, người chồng đáp gọn. ‘Hôm nay anh làm thêm giờ’, đến sở làm suốt ngày ngồi ngáp.)

Nhìn qua khe cửa để nhận diện người thân hay xa lạ. Điều này giúp ta đi đến quyết định có nên mở cửa đón tiếp hay không, như trường hợp khi có ai gõ cửa thì trong nhà nhìn ra nhận diện quen hay lạ. Cửa làm nhiệm vụ thông tin, bảo vệ, mang lại an toàn cho người cư ngụ.

Cửa nhà được bôi dầu mỡ để khỏi bị kẹt, khó mở. Cửa tâm hồn không thoa dầu mỡ thường nhưng được chăm sóc bằng chính Mình và Máu Thánh Đức Kitô, bằng các phép bí tích, bằng cầu nguyện, bằng đọc Lời Chúa.

CỬA MỒ

Đức tin công giáo bắt đầu nơi cửa mồ, tại mồ trống. Các tông đồ thắc mắc hỏi nhau ai lăn hòn đá cửa mồ. Tảng sánh tinh sương các ông chạy ra thăm mộ Chúa. Đến nơi họ kinh ngạc vì cửa mộ đã mở sẵn. Nhìn vào trong các ông không thấy xác Chúa. Mồ trống không đem đến đức tin nhưng làm các ông la hoảng mất Thầy. Từ cửa mồ trống các ông tìm ra sự thật và các ông đã tin: Chúa đã sống lại thật như lời đã phán hứa. Các ông đã gặp Chúa và đã tin. Cửa mồ không còn là điều sợ hãi cho những ai có lòng tin vào Đức Kitô vì Ngài đã sống lại từ cõi chết, phá tan cửa mồ đi ra, để lại mộ trống. Ai tin vào Ngài cũng sẽ bước ra khỏi cửa mộ như chính Đức Kitô là Đấng đầu tiên bước ra khỏi mộ. Cửa mộ không còn phải là nghìn trùng xa cách nữa mà chỉ là giấc ngủ ngàn thu chờ ngày sống lại bước ra từ giã cử mồ vào chốn trường sinh, vĩnh cửu vui vẻ chan hòa. Khi Chúa Kitô còn tại thế Chúa đã gọi Lazaro ra khỏi mồ mặc dù hai người chị là Martha và Maria ngăn cản rằng. Thưa Thầy có mùi rồi vì an táng đã ba ngày. Đức Kitô khẳng định Ta là sự sống và là sự sống lại ai tin vào Ta sẽ không chết đời đời. Sau câu nói đó Ngài gọi Lazaro và ông đã bước ra khỏi mồ theo tiếng gọi, tay chân còn cuốn khăn liệm. Lazaro bước ra khỏi mồ, Chúa Kitô cũng bước ra khỏi mồ. Chúng ta còn cần chứng cớ gì nữa. Chúng ta còn nhớ trước khi về trời Chúa Kitô đã tâm sự cùng các tông đồ: trong nhà Cha Thầy còn nhiều chỗ ở. Thầy đi trước để dọn chỗ cho các con để Thầy ở đâu thì các con cũng sẽ ở đó với Thầy. Thomas thưa xin chỉ cho chúng con biết đường đi. Chúa đáp Ta là đường là sự thật và là sự sống. Đi theo con đường Chúa đi để đến căn phòng mà Chúa đi trước để dọn chỗ cho chúng ta. Để vào qua cửa phòng đó chúng ta cần bước ra khỏi mộ tối tăm, hôi thối, đầy chết chóc than van, bước vào ánh sáng huy hoàng, vinh quang, rực rỡ. Cửa phòng đó có một lối đi duy nhất là đi qua cửa chuồng chiên mà Chúa Kitô là chủ nhắc đến trong phúc âm Gioan 10,7. Ai sống theo đường lối Chúa cũng sẽ bỏ mồ trống, sẽ hiên ngang bước ra, từ giã cửa mồ như Lazaro để bước vào phòng trống mà Đức Kitô đi trước dọn chỗ cho chúng ta.

KẾT LUẬN

Giáo Hội kêu gọi chúng ta hãy bước trên con đường tha thứ, hòa giải. Đừng trói buộc, xiềng xích nhau. Chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi của mẹ Giáo Hội, cởi trói cho nhau, rộng mở cửa tâm hồn, giang rộng vòng tay chào đón các anh chị em khác. Mời gọi nhau cùng bước qua cửa thánh đường để hiệp thông với cộng đoàn dân Chúa. Hãy mở cửa xót thương đón nhận mọi người vì Danh Đức Kitô. Hãy sống thương yêu để được Chúa xót thương.