Kinh Lạy Cha (6): Lương Thực Hàng Ngày
Khi cầu cho chính bản thân chúng ta, thì lương thực đến đầu tiên. Ai bảo Chúa đến thế gian chỉ để đưa ta về trời? Người chăm lo đến cả cái ăn cái mặc của ta, vì dù chưa đọc câu “có thực mới vực được đạo” của Đông Phương, chính Người đã tạo ra nội dung và tính chính đáng của câu nói đó.
Hôm Nay, Ngày Mai, hay Siêu Bản Thể
Bản Kinh Lạy Cha của ta hiện đọc câu này như sau: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày” và câu này đã ở trên môi miệng chúng ta lâu đủ để ta quên khuấy là cách nay hai hay ba chục năm nó không đọc như thế mà đọc là “Xin Cha cho chúng con hàng ngày dùng đủ”. Các bậc tiền bối trong đức tin Việt Nam của chúng ta chắc chắn có lý khi dịch lời cầu xin của tiếng La-tinh, vốn là lời cầu xin chính thức trong phụng vụ, Panem nostrum quotidianum da nobis hodie (Liber Usualis, Desclee & Co, 1959, tr.6) như vừa kể. Một lối dịch hết sức thóat nghĩa, không hẳn chỉ giới hạn vào lương thực mà vào mọi nhu cầu, không phải nhu cầu hiện tại của ngày hôm nay mà là nhu cầu hàng ngày của mọi ngày.
Nói như thế đủ hiểu ý nghĩa lời cầu xin này không hẳn đơn giản như người ta tưởng. Ngay trong tiếng Anh, cũng có nhiều lối dịch lời cầu xin này khác nhau. Phần lớn các bản tiếng Anh đều dịch là Give us this day our daily bread (Xin Cha cho chúng con hôm nay bánh ăn hàng ngày). Tuy nhiên, dù bản Revised Version cũng dịch như trên, nhưng lại ghi chú bên lề một lối dịch khác là our bread for the coming day (bánh ăn cho ngày sắp đến). Bản New English Bible cũng dịch tương tự là our bread for the morrow (bánh ăn cho ngày mai). Lại có bản như bản The Twentieth Century New Testament dịch là give us today the bread that we shall need (xin Cha cho chúng con hôm nay bánh chúng con cần) na ná như bản của các tiền bối trong đức tin Việt-Nam.
Có người cho rằng trong bản Latinh Cũ tức bản có trước Bản Phổ Thông, thuật ngữ panem nostrum quotidianum (bánh ăn hàng ngày) đã được sử dụng. Tuy nhiên, khi san định lại bản ấy để soạn ra bản Phổ Thông, Thánh Jerome đã không duy trì thuật ngữ ấy mà đổi thành Panem nostrum supersubstantialem (bánh ăn siêu bản thể). Lối dịch này hiện vẫn còn được duy trì trên cả hai bản Phổ Thông Cũ và Mới. Supersubstantialis nghĩa là gì? Chắc chắn không phải chỉ có nghĩa bánh ăn do tay người, bánh ăn thể lý, bánh vật chất, thuộc chất liệu thế gian. Bản thánh kinh Rheims của Công Giáo cũng theo cách dịch này và chính Wicliffe cũng theo lối này nữa. Đức Ông Ronald Knox của Giáo Hội Công Giáo Anh và Wales tuy dịch câu này như hầu hết các bản tiếng Anh khác nhưng cũng đã ghi chú lối dịch supersubstantialis của Thánh Jerome, mà theo ngài, có ý ám chỉ Phép Thánh Thể.
Có điều trước sau, phụng vụ Công Giáo vẫn duy trì lối dịch “panem nostrum quotidianum da nobis hodie” đã dẫn ở trên. Điều ấy cho thấy Kinh Lạy Cha trong Phụng Vụ Công Giáo đã có trước cả bản Phổ Thông của Thánh Jerome.Và có lẽ để phù hợp theo phụng vụ chung ấy, mà các vị giám mục Việt Nam thế hệ sau đã đổi từ “hàng ngày dùng đủ” qua “hôm nay bánh ăn hàng ngày”.
Dùng Đủ
Lý do gây ra nhiều lối dịch khác nhau ấy là bởi nguyên ngữ Hy Lạp sử dụng từ epiousios. Cái khó là trong toàn bộ văn chương Hy Lạp, không đâu thấy có chữ này. Cho nên có người cho là soạn giả Phúc Âm Mátthêu (6:11) đã sáng chế ra nó. Khiến cho kẻ hậu duệ chả biết đường nào mà mò ra nghĩa chính xác, vì không có tiền lệ. May mắn là trong các văn kiện thông thường ghi trên giấy papyri như thư tín và sổ sách, trong đó, người ta sử dụng ngữ vựng của người bình dân, ta thấy có chữ ta epiousia (số nhiều) hình như để liệt kê những món cần dùng hàng ngày, giống như bảng ta liệt kê những đồ muốn mua (shopping list). Dù đây chỉ là những bản papyri sao chép (Preisigke, Sammelbuch 5224.20), chứ không phải là bản papyri nguyên thủy, nhưng hạn từ số nhiều này cũng giúp ta hiểu hay đoán ra nghĩa phần nào của hạn từ epiousios.
Đây là một hạn từ ghép gồm giới từ epi có nghĩa là dành cho, hướng tới, bên trên và chữ ousios dưới dạng phân từ. Khổ một nỗi tiếng Hy Lạp có hai động từ rất được năng dùng là einai nghĩa như động từ to be của tiếng Anh (là, hiện hữu), và ienai nghĩa như động từ to come (đến, xẩy đến). Phân từ hiện tại giống cái của einai là ousa, còn phân từ hiện tại giống cái của ienai là iousa. Chỉ khác nhau một chữ i. Nên không biết giới từ epi được ghép với phân từ của động từ einai (là, hiện hữu) và do đó chỉ điều đang hiện hữu hay với phân từ của động từ ienai (đến, xẩy đến) và do đó chỉ điều sắp xẩy đến. Chính vì thế việc giải thích hạn từ epiousios đong đưa qua lại giữa hai ý niệm đang hiện hữu và sắp xẩy ra.
i. Nếu hiểu epiousios theo nghĩa đang hiện hữu, thì ta sẽ có ba ý tưởng chính sau đây:
-- Lời cầu xin trên xin bánh ăn cho cuộc hiện sinh thể lý của ta, lương thực giúp ta hiện tồn, sống sót, bánh ăn theo nhu cầu ngày này qua ngày nọ.
-- Lời cầu xin ấy cũng có thể có nghĩa xin lương thực cho cuộc hiện sinh yếu tính, cho cuộc hiện tồn thiêng liêng. Nghĩa là xin lương thực ‘siêu bản thể’, lương thực thực sự, chủ yếu, bánh ăn thiêng liêng để nuôi dưỡng và phát triển tâm linh ta.
-- Ta cũng có thể hiểu epi với nghĩa là gần, ngay trong tầm tay. Và lời cầu xin trên có nghĩa là cầu xin cho được các nhu cầu đơn giản của cuộc sống, cho những điều mà ai ai cũng có thể đạt được, ngược với những xa hoa phù phiếm, nghĩa là cho các nhu cầu đơn giản và căn bản trong đời sống.
ii. Còn nếu hiểu epiousios theo nghĩa sắp xẩy đến, thì quả tình lời cầu xin trên xin cho bánh ăn ngày mai.
Có người dựa vào văn phạm Hy Lạp mà cho rằng chắc phải hiểu nghĩa thứ hai. Vì epi mà ghép với ousa thì một nguyên âm phải mất đi và do đó chữ ghép sẽ là epousa. Còn nếu ghép với iousa thì chỉ mất đi một nguyên âm i mà thôi, nên thành epiousa. Và do đó, epiousios có nghĩa chỉ tương lai, sắp đến.
Nhưng không có gì ngăn cản ta hiểu theo nghĩa thứ nhất. Vì Kinh Lạy Cha vốn là lời kinh của người hoàn toàn tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng họ thân thương gọi là bố, daddy, abba. Đứa con ấy đâu cần lo lắng đến tương lai. Dù sao, ta vẫn phải cảm phục các bậc tiền bối trong đức tin Việt-Nam vì đã gói ghém tất cả những điều vừa trình bầy trong một câu dịch xem ra quá thoát là “Xin Cha cho chúng con hàng ngày dùng đủ”.
Bánh Xác Bánh Lời
Thánh Augustine hiểu đây là lời cầu xin cho được “Bí tích Mình Thánh Chúa Kitô mà ta chịu hàng ngày” (Aug. Bài Giảng Trên Núi 2.7.25). Ngài cho hay vào thời ngài (thế kỷ thứ năm), có nơi rước lễ hàng ngày, có nơi không (Các Bài Giảng về Gioan 26:15; Thư 54, gửi Ianuarius 2). Riêng ngài, ngài cho là nên rước lễ hàng ngày. Do đó, đây là lời xin cho được bánh Bí Tích trong hiệp thông mỗi ngày với Chúa Kitô và dân của Người. Nhưng nên nhớ: Thánh Augustine hiểu việc rước lễ hàng ngày không phổ quát, do đó, ngoài nghĩa này ra, chắc chắn ngài cũng còn hiểu nó theo nghĩa khác nữa.
Như nghĩa xin cho được lương thực thiêng liêng, nhất là lương thực Lời Chúa trong Thánh Kinh. Thánh Nhân nói rõ lời xin ấy xin cho được “lương thực thiêng liêng, tức các huấn lệnh bảo ban của Chúa mà ta phải suy niệm và đem ra thực hành hàng ngày” (Bài Giảng Trên Núi 2.7.17). Điều ấy cho thấy cuộc sống thiêng liêng của người ta sẽ bị bỏ đói và còi cụt nếu không được nuôi dưỡng hàng ngày bằng Lời Chúa trong Thánh Kinh. Việc đọc và suy niệm Lời Chúa sẽ phong phú hóa tâm và trí ta hàng ngày.
Điều ấy dĩ nhiên dẫn ta tới không ai khác ngoài Chúa Kitô. Vì Người từng phán; “Ta là Bánh hằng sống. Ai đến với Ta sẽ không bao giờ đói và ai tin Ta sẽ không bao giờ khát” (Gioan 6:35). Lương thực hàng ngày của ta không là gì khác mà là chính Chúa Kitô, Bánh hằng sống. Truyền thống Giáo Hội xưa nay rất phong phú về điểm này. Không ai không nhớ những bài ca bất hủ như bài Pange lingua của Thánh Thomas Aquinas trong đó có đoạn:
cibum turbae duodenae se dat suis manibus.
Verbum caro, panem verum verbo carnem efficit:
fitque sanguis Christi merum et si sensus deficit,
ad firmandum cor sincerum sola fides sufficit.
Rồi tự tay Người ban thân Người làm của ăn cho các Tông Đồ
Lời thành Nhục Thân, bánh ăn tự nhiên, Người dùng lời biến thành Xác Thánh
Rượu trái nho Người biến thành Máu Thánh
Điều giác quan không tài nhận thấy, đức tin đủ khiến hồn hiểu ra.
Nghĩa Đơn Giản
Cho nên tất cả mọi ý nghĩa trên đều có chỗ đứng trong lời cầu xin này. Tuy nhiên, không ai ngăn cản chúng ta chỉ hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là xin cho lương thực hàng ngày, xin Chúa ban cho ta những điều đơn giản mà hàng ngày chúng ta cần để duy trì cả xác lẫn hồn. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của những chuyện cao cả, cao siêu, của những biến cố kinh thiên động địa, mà là Thiên Chúa biết chăm lo, săn sóc những đứa con hèn mọn nhất trong những nhu cầu đơn giản, tầm thường nhất của chúng là cái ăn cái mặc, phần hồn, phần xác. Hiểu theo nghĩa đơn giản ấy, ta sẽ thấy mấy điều sau đây:
i. Ta không xin cho con bánh ăn hàng ngày mà xin cho chúng con bánh ăn hàng ngày. Người Do Thái luôn cho rằng “người ta luôn phải liên kết với cộng đoàn trong lời cầu xin”. Việc dùng ngôi thứ nhất số nhiều đã loại tính vị kỷ ra khỏi lời cầu nguyện. Một trong những nét thảm hại nhất của xã hội ngày nay là điều ta có thể gọi là việc chủ yếu hỗ tương coi nhau như không có. Một giai cấp trong cộng đoàn bất cần chuyện xẩy ra cho giai cấp khác, bao lâu các nhu cầu của mình được thỏa mãn. Một nghề nghiệp trong xã hội bất cần chuyện xẩy ra cho nghề nghiệp khác miễn là các nhu cầu của mình được xuông xẻ.Cuộc sống nhiễm đầy tính vị kỷ.
Nhưng người đọc lời cầu xin này phải cam kết sống một đời trong đó họ không được có quá nhiều trong khi người khác có quá ít, một cuộc đời trong đó chiến đấu chống lại nghèo đói và quyết tâm đem bánh ăn đến cho người nghèo phải là các nhiệm vụ không thể thoái thác được của họ. Ai đọc lời cầu xin này mà chỉ nghĩ đến bánh ăn cho riêng mình là không hiểu chút gì về nội dung của nó.
ii. Ta xin là xin cho bánh ăn hàng ngày. Lời cầu xin ấy không khiến ta lo âu nghĩ đến tương lai xa vời; nó bằng lòng với hiện tại và phó thác hiện tại này trong tay Chúa. Chúa Giêsu từng nói: “đừng lo ngày mai” (Mátthêu 6:34). Ngày nào đủ cho ngày ấy. Thánh Gregory thành Nyssa khi bình luận về đoạn này cho hay: “Thiên Chúa như muốn nói với bạn rằng: Đấng ban cho con ngày sống thì cũng ban cho những điều cần thiết cho ngày sống ấy”. Ngài tiếp: “Ai khiến cho mặt trời mọc? Ai làm cho bóng đêm tan biến? Ai cho con thấy tia sáng? Ai vần vũ bầu trời để nguồn sáng rọi chiếu thế gian? Đấng đã ban cho con bấy nhiêu điều cao cả lại cần con phải giúp để cung ứng các nhu cầu thân xác con sao?” (Kinh Lạy Cha, Bài Giảng 4). Không ai cầu lời xin này nếu không sẵn sàng sống từng ngày. Đức Hồng Y Newman vốn cầu xin: “Con không xin được thấy viễn ảnh xa, một bước đã đủ cho con rồi”.
iii. Thánh Gregory thành Nyssa, trong bài giảng vừa trích dẫn, cũng cho rằng đây là lời cầu xin cho có bánh ăn. Người Kitô hữu chân chính không cầu xin những điều xa hoa phù phiếm. Ta không cầu xin của hiếm vật lạ, giầu có sung túc, lụa là gấm vóc, vàng bạc trân châu, bát vàng bát bạc, đất ruộng thẳng cánh cò bay, đại tướng quân vương oai vệ. Ta cũng không cầu trâu bò ngựa pháo, kẻ hầu người hạ, chức cao quyền trọng, cơm bưng nuớc rót, “tối sâm banh sáng sữa bò”, địch đàn ca hát bữa ăn. Nhưng ta chỉ xin bánh ăn. Ngài khuyên ta chỉ nên bám lấy những điều cần thiết. Ngay khi đi quá điều đó, lập tức lòng tham, lòng thèm muốn sẽ xâm nhập biến cuộc sống ta ra sao lãng và buồn khổ. Ngay khi ta muốn nhiều hơn người lân cận và đặt xa hoa phù phiếm lên hàng đầu, đời ta sẽ rơi vào sai lạc. “Một người nào đó sẽ phải khóc than, người lân cận hẳn phải sầu khổ, nhiều người bị tước đoạt sản nghiệp sẽ phải ra khốn khổ, để nước mắt họ có thể góp phần làm cho bàn ăn ta thêm phần hào nhoáng hơn”. Ta chỉ nên xin những điều tầm thường, những điều thiên nhiên có thể lên hương vị. Ta phải hài lòng với chúng.
iv. Có một số đoạn Thánh Kinh có thể giải thích rõ hơn chữ cho trong lời cầu xin này. Chúa Giêsu dạy ta cầu xin: Xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày. Nhưng nếu ta đọc câu này xong mà cứ ngồi đó khoanh tay chờ đợi, thì chết đói là cái chắc. Lương thực đâu có tự dưng xuất hiện trên bàn ăn. Thiên Chúa đâu có đút của ăn vào miệng ta. Lời cầu xin không khi nào là phương cách dễ dãi buộc Chúa phải làm cho ta điều ta có thể làm được và chắc chắn phải tự làm cho chính mình. Điều lời cầu xin này dạy ta là không có Chúa, sẽ không có điều ta gọi là lương thực. Chỉ một mình Chúa nắm được bí quyết sự sống, và chỉ có Chúa mới có ơn phúc làm cho một vật sinh động. Không con người nào có thể làm cho một vật sinh động và phát triển. Theo một nghĩa hẹp nhất, mọi lương thực đều bởi Chúa mà ra. Khoa học gia có thể làm ra hạt giống nhân tạo có cùng một cấu trúc hóa học như hạt giống tự nhiên; nhưng điểm khác biệt căn bản là hạt giống nhân tạo không mọc được. Lời cầu xin này do đó cho thấy sự lệ thuộc hoàn toàn của con người vào Thiên Chúa.
Nhưng điều ấy có mặt khác của nó. Muốn có lương thực, ta phải làm việc mà kiếm lấy nó. Nếu hạt giống của Chúa mọc được, thì con người phải cày sới đất lên, chuẩn bị đất đai ấy, săn sóc nó, bồi đắp nó. Ơn Chúa ban phải đi đối với lao nhọc con người. Con người càng lao nhọc, Thiên Chúa càng mở rộng bàn tay và đổ tràn ơn phúc của Người trên họ.
Kết Luận
Cầu xin Cha ban lương thực hàng ngày cùng một lúc nói lên sự tùy thuộc của ta vào Thiên Chúa, niềm tín thác của chúng ta vào Chúa, và thách thức đòi ta phải cố gắng và lao nhọc để đem ơn phúc của Chúa đến với chúng ta, và qua chúng ta, đến với anh em đồng loại của mình. Khi đọc lời cầu xin này, ta tín thác cầu xin Người cung ứng cho ta mọi nhu cầu thể lý và tâm linh ở trong đời, ta cam kết phục vụ anh em đồng loại, và sau cùng ta đoan hứa dùng hết tâm trí và thân xác làm mọi điều có thể làm được để Chúa mỗi ngày một ban nhiều ơn cho ta, giúp ta phong phú hóa đời mình và qua ta, ơn Chúa được chia sẻ với người khác.
Khi cầu cho chính bản thân chúng ta, thì lương thực đến đầu tiên. Ai bảo Chúa đến thế gian chỉ để đưa ta về trời? Người chăm lo đến cả cái ăn cái mặc của ta, vì dù chưa đọc câu “có thực mới vực được đạo” của Đông Phương, chính Người đã tạo ra nội dung và tính chính đáng của câu nói đó.
Hôm Nay, Ngày Mai, hay Siêu Bản Thể
Bản Kinh Lạy Cha của ta hiện đọc câu này như sau: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày” và câu này đã ở trên môi miệng chúng ta lâu đủ để ta quên khuấy là cách nay hai hay ba chục năm nó không đọc như thế mà đọc là “Xin Cha cho chúng con hàng ngày dùng đủ”. Các bậc tiền bối trong đức tin Việt Nam của chúng ta chắc chắn có lý khi dịch lời cầu xin của tiếng La-tinh, vốn là lời cầu xin chính thức trong phụng vụ, Panem nostrum quotidianum da nobis hodie (Liber Usualis, Desclee & Co, 1959, tr.6) như vừa kể. Một lối dịch hết sức thóat nghĩa, không hẳn chỉ giới hạn vào lương thực mà vào mọi nhu cầu, không phải nhu cầu hiện tại của ngày hôm nay mà là nhu cầu hàng ngày của mọi ngày.
Nói như thế đủ hiểu ý nghĩa lời cầu xin này không hẳn đơn giản như người ta tưởng. Ngay trong tiếng Anh, cũng có nhiều lối dịch lời cầu xin này khác nhau. Phần lớn các bản tiếng Anh đều dịch là Give us this day our daily bread (Xin Cha cho chúng con hôm nay bánh ăn hàng ngày). Tuy nhiên, dù bản Revised Version cũng dịch như trên, nhưng lại ghi chú bên lề một lối dịch khác là our bread for the coming day (bánh ăn cho ngày sắp đến). Bản New English Bible cũng dịch tương tự là our bread for the morrow (bánh ăn cho ngày mai). Lại có bản như bản The Twentieth Century New Testament dịch là give us today the bread that we shall need (xin Cha cho chúng con hôm nay bánh chúng con cần) na ná như bản của các tiền bối trong đức tin Việt-Nam.
Có người cho rằng trong bản Latinh Cũ tức bản có trước Bản Phổ Thông, thuật ngữ panem nostrum quotidianum (bánh ăn hàng ngày) đã được sử dụng. Tuy nhiên, khi san định lại bản ấy để soạn ra bản Phổ Thông, Thánh Jerome đã không duy trì thuật ngữ ấy mà đổi thành Panem nostrum supersubstantialem (bánh ăn siêu bản thể). Lối dịch này hiện vẫn còn được duy trì trên cả hai bản Phổ Thông Cũ và Mới. Supersubstantialis nghĩa là gì? Chắc chắn không phải chỉ có nghĩa bánh ăn do tay người, bánh ăn thể lý, bánh vật chất, thuộc chất liệu thế gian. Bản thánh kinh Rheims của Công Giáo cũng theo cách dịch này và chính Wicliffe cũng theo lối này nữa. Đức Ông Ronald Knox của Giáo Hội Công Giáo Anh và Wales tuy dịch câu này như hầu hết các bản tiếng Anh khác nhưng cũng đã ghi chú lối dịch supersubstantialis của Thánh Jerome, mà theo ngài, có ý ám chỉ Phép Thánh Thể.
Có điều trước sau, phụng vụ Công Giáo vẫn duy trì lối dịch “panem nostrum quotidianum da nobis hodie” đã dẫn ở trên. Điều ấy cho thấy Kinh Lạy Cha trong Phụng Vụ Công Giáo đã có trước cả bản Phổ Thông của Thánh Jerome.Và có lẽ để phù hợp theo phụng vụ chung ấy, mà các vị giám mục Việt Nam thế hệ sau đã đổi từ “hàng ngày dùng đủ” qua “hôm nay bánh ăn hàng ngày”.
Dùng Đủ
Lý do gây ra nhiều lối dịch khác nhau ấy là bởi nguyên ngữ Hy Lạp sử dụng từ epiousios. Cái khó là trong toàn bộ văn chương Hy Lạp, không đâu thấy có chữ này. Cho nên có người cho là soạn giả Phúc Âm Mátthêu (6:11) đã sáng chế ra nó. Khiến cho kẻ hậu duệ chả biết đường nào mà mò ra nghĩa chính xác, vì không có tiền lệ. May mắn là trong các văn kiện thông thường ghi trên giấy papyri như thư tín và sổ sách, trong đó, người ta sử dụng ngữ vựng của người bình dân, ta thấy có chữ ta epiousia (số nhiều) hình như để liệt kê những món cần dùng hàng ngày, giống như bảng ta liệt kê những đồ muốn mua (shopping list). Dù đây chỉ là những bản papyri sao chép (Preisigke, Sammelbuch 5224.20), chứ không phải là bản papyri nguyên thủy, nhưng hạn từ số nhiều này cũng giúp ta hiểu hay đoán ra nghĩa phần nào của hạn từ epiousios.
Đây là một hạn từ ghép gồm giới từ epi có nghĩa là dành cho, hướng tới, bên trên và chữ ousios dưới dạng phân từ. Khổ một nỗi tiếng Hy Lạp có hai động từ rất được năng dùng là einai nghĩa như động từ to be của tiếng Anh (là, hiện hữu), và ienai nghĩa như động từ to come (đến, xẩy đến). Phân từ hiện tại giống cái của einai là ousa, còn phân từ hiện tại giống cái của ienai là iousa. Chỉ khác nhau một chữ i. Nên không biết giới từ epi được ghép với phân từ của động từ einai (là, hiện hữu) và do đó chỉ điều đang hiện hữu hay với phân từ của động từ ienai (đến, xẩy đến) và do đó chỉ điều sắp xẩy đến. Chính vì thế việc giải thích hạn từ epiousios đong đưa qua lại giữa hai ý niệm đang hiện hữu và sắp xẩy ra.
i. Nếu hiểu epiousios theo nghĩa đang hiện hữu, thì ta sẽ có ba ý tưởng chính sau đây:
-- Lời cầu xin trên xin bánh ăn cho cuộc hiện sinh thể lý của ta, lương thực giúp ta hiện tồn, sống sót, bánh ăn theo nhu cầu ngày này qua ngày nọ.
-- Lời cầu xin ấy cũng có thể có nghĩa xin lương thực cho cuộc hiện sinh yếu tính, cho cuộc hiện tồn thiêng liêng. Nghĩa là xin lương thực ‘siêu bản thể’, lương thực thực sự, chủ yếu, bánh ăn thiêng liêng để nuôi dưỡng và phát triển tâm linh ta.
-- Ta cũng có thể hiểu epi với nghĩa là gần, ngay trong tầm tay. Và lời cầu xin trên có nghĩa là cầu xin cho được các nhu cầu đơn giản của cuộc sống, cho những điều mà ai ai cũng có thể đạt được, ngược với những xa hoa phù phiếm, nghĩa là cho các nhu cầu đơn giản và căn bản trong đời sống.
ii. Còn nếu hiểu epiousios theo nghĩa sắp xẩy đến, thì quả tình lời cầu xin trên xin cho bánh ăn ngày mai.
Có người dựa vào văn phạm Hy Lạp mà cho rằng chắc phải hiểu nghĩa thứ hai. Vì epi mà ghép với ousa thì một nguyên âm phải mất đi và do đó chữ ghép sẽ là epousa. Còn nếu ghép với iousa thì chỉ mất đi một nguyên âm i mà thôi, nên thành epiousa. Và do đó, epiousios có nghĩa chỉ tương lai, sắp đến.
Nhưng không có gì ngăn cản ta hiểu theo nghĩa thứ nhất. Vì Kinh Lạy Cha vốn là lời kinh của người hoàn toàn tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng họ thân thương gọi là bố, daddy, abba. Đứa con ấy đâu cần lo lắng đến tương lai. Dù sao, ta vẫn phải cảm phục các bậc tiền bối trong đức tin Việt-Nam vì đã gói ghém tất cả những điều vừa trình bầy trong một câu dịch xem ra quá thoát là “Xin Cha cho chúng con hàng ngày dùng đủ”.
Bánh Xác Bánh Lời
Thánh Augustine hiểu đây là lời cầu xin cho được “Bí tích Mình Thánh Chúa Kitô mà ta chịu hàng ngày” (Aug. Bài Giảng Trên Núi 2.7.25). Ngài cho hay vào thời ngài (thế kỷ thứ năm), có nơi rước lễ hàng ngày, có nơi không (Các Bài Giảng về Gioan 26:15; Thư 54, gửi Ianuarius 2). Riêng ngài, ngài cho là nên rước lễ hàng ngày. Do đó, đây là lời xin cho được bánh Bí Tích trong hiệp thông mỗi ngày với Chúa Kitô và dân của Người. Nhưng nên nhớ: Thánh Augustine hiểu việc rước lễ hàng ngày không phổ quát, do đó, ngoài nghĩa này ra, chắc chắn ngài cũng còn hiểu nó theo nghĩa khác nữa.
Như nghĩa xin cho được lương thực thiêng liêng, nhất là lương thực Lời Chúa trong Thánh Kinh. Thánh Nhân nói rõ lời xin ấy xin cho được “lương thực thiêng liêng, tức các huấn lệnh bảo ban của Chúa mà ta phải suy niệm và đem ra thực hành hàng ngày” (Bài Giảng Trên Núi 2.7.17). Điều ấy cho thấy cuộc sống thiêng liêng của người ta sẽ bị bỏ đói và còi cụt nếu không được nuôi dưỡng hàng ngày bằng Lời Chúa trong Thánh Kinh. Việc đọc và suy niệm Lời Chúa sẽ phong phú hóa tâm và trí ta hàng ngày.
Điều ấy dĩ nhiên dẫn ta tới không ai khác ngoài Chúa Kitô. Vì Người từng phán; “Ta là Bánh hằng sống. Ai đến với Ta sẽ không bao giờ đói và ai tin Ta sẽ không bao giờ khát” (Gioan 6:35). Lương thực hàng ngày của ta không là gì khác mà là chính Chúa Kitô, Bánh hằng sống. Truyền thống Giáo Hội xưa nay rất phong phú về điểm này. Không ai không nhớ những bài ca bất hủ như bài Pange lingua của Thánh Thomas Aquinas trong đó có đoạn:
cibum turbae duodenae se dat suis manibus.
Verbum caro, panem verum verbo carnem efficit:
fitque sanguis Christi merum et si sensus deficit,
ad firmandum cor sincerum sola fides sufficit.
Rồi tự tay Người ban thân Người làm của ăn cho các Tông Đồ
Lời thành Nhục Thân, bánh ăn tự nhiên, Người dùng lời biến thành Xác Thánh
Rượu trái nho Người biến thành Máu Thánh
Điều giác quan không tài nhận thấy, đức tin đủ khiến hồn hiểu ra.
Nghĩa Đơn Giản
Cho nên tất cả mọi ý nghĩa trên đều có chỗ đứng trong lời cầu xin này. Tuy nhiên, không ai ngăn cản chúng ta chỉ hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là xin cho lương thực hàng ngày, xin Chúa ban cho ta những điều đơn giản mà hàng ngày chúng ta cần để duy trì cả xác lẫn hồn. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của những chuyện cao cả, cao siêu, của những biến cố kinh thiên động địa, mà là Thiên Chúa biết chăm lo, săn sóc những đứa con hèn mọn nhất trong những nhu cầu đơn giản, tầm thường nhất của chúng là cái ăn cái mặc, phần hồn, phần xác. Hiểu theo nghĩa đơn giản ấy, ta sẽ thấy mấy điều sau đây:
i. Ta không xin cho con bánh ăn hàng ngày mà xin cho chúng con bánh ăn hàng ngày. Người Do Thái luôn cho rằng “người ta luôn phải liên kết với cộng đoàn trong lời cầu xin”. Việc dùng ngôi thứ nhất số nhiều đã loại tính vị kỷ ra khỏi lời cầu nguyện. Một trong những nét thảm hại nhất của xã hội ngày nay là điều ta có thể gọi là việc chủ yếu hỗ tương coi nhau như không có. Một giai cấp trong cộng đoàn bất cần chuyện xẩy ra cho giai cấp khác, bao lâu các nhu cầu của mình được thỏa mãn. Một nghề nghiệp trong xã hội bất cần chuyện xẩy ra cho nghề nghiệp khác miễn là các nhu cầu của mình được xuông xẻ.Cuộc sống nhiễm đầy tính vị kỷ.
Nhưng người đọc lời cầu xin này phải cam kết sống một đời trong đó họ không được có quá nhiều trong khi người khác có quá ít, một cuộc đời trong đó chiến đấu chống lại nghèo đói và quyết tâm đem bánh ăn đến cho người nghèo phải là các nhiệm vụ không thể thoái thác được của họ. Ai đọc lời cầu xin này mà chỉ nghĩ đến bánh ăn cho riêng mình là không hiểu chút gì về nội dung của nó.
ii. Ta xin là xin cho bánh ăn hàng ngày. Lời cầu xin ấy không khiến ta lo âu nghĩ đến tương lai xa vời; nó bằng lòng với hiện tại và phó thác hiện tại này trong tay Chúa. Chúa Giêsu từng nói: “đừng lo ngày mai” (Mátthêu 6:34). Ngày nào đủ cho ngày ấy. Thánh Gregory thành Nyssa khi bình luận về đoạn này cho hay: “Thiên Chúa như muốn nói với bạn rằng: Đấng ban cho con ngày sống thì cũng ban cho những điều cần thiết cho ngày sống ấy”. Ngài tiếp: “Ai khiến cho mặt trời mọc? Ai làm cho bóng đêm tan biến? Ai cho con thấy tia sáng? Ai vần vũ bầu trời để nguồn sáng rọi chiếu thế gian? Đấng đã ban cho con bấy nhiêu điều cao cả lại cần con phải giúp để cung ứng các nhu cầu thân xác con sao?” (Kinh Lạy Cha, Bài Giảng 4). Không ai cầu lời xin này nếu không sẵn sàng sống từng ngày. Đức Hồng Y Newman vốn cầu xin: “Con không xin được thấy viễn ảnh xa, một bước đã đủ cho con rồi”.
iii. Thánh Gregory thành Nyssa, trong bài giảng vừa trích dẫn, cũng cho rằng đây là lời cầu xin cho có bánh ăn. Người Kitô hữu chân chính không cầu xin những điều xa hoa phù phiếm. Ta không cầu xin của hiếm vật lạ, giầu có sung túc, lụa là gấm vóc, vàng bạc trân châu, bát vàng bát bạc, đất ruộng thẳng cánh cò bay, đại tướng quân vương oai vệ. Ta cũng không cầu trâu bò ngựa pháo, kẻ hầu người hạ, chức cao quyền trọng, cơm bưng nuớc rót, “tối sâm banh sáng sữa bò”, địch đàn ca hát bữa ăn. Nhưng ta chỉ xin bánh ăn. Ngài khuyên ta chỉ nên bám lấy những điều cần thiết. Ngay khi đi quá điều đó, lập tức lòng tham, lòng thèm muốn sẽ xâm nhập biến cuộc sống ta ra sao lãng và buồn khổ. Ngay khi ta muốn nhiều hơn người lân cận và đặt xa hoa phù phiếm lên hàng đầu, đời ta sẽ rơi vào sai lạc. “Một người nào đó sẽ phải khóc than, người lân cận hẳn phải sầu khổ, nhiều người bị tước đoạt sản nghiệp sẽ phải ra khốn khổ, để nước mắt họ có thể góp phần làm cho bàn ăn ta thêm phần hào nhoáng hơn”. Ta chỉ nên xin những điều tầm thường, những điều thiên nhiên có thể lên hương vị. Ta phải hài lòng với chúng.
iv. Có một số đoạn Thánh Kinh có thể giải thích rõ hơn chữ cho trong lời cầu xin này. Chúa Giêsu dạy ta cầu xin: Xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày. Nhưng nếu ta đọc câu này xong mà cứ ngồi đó khoanh tay chờ đợi, thì chết đói là cái chắc. Lương thực đâu có tự dưng xuất hiện trên bàn ăn. Thiên Chúa đâu có đút của ăn vào miệng ta. Lời cầu xin không khi nào là phương cách dễ dãi buộc Chúa phải làm cho ta điều ta có thể làm được và chắc chắn phải tự làm cho chính mình. Điều lời cầu xin này dạy ta là không có Chúa, sẽ không có điều ta gọi là lương thực. Chỉ một mình Chúa nắm được bí quyết sự sống, và chỉ có Chúa mới có ơn phúc làm cho một vật sinh động. Không con người nào có thể làm cho một vật sinh động và phát triển. Theo một nghĩa hẹp nhất, mọi lương thực đều bởi Chúa mà ra. Khoa học gia có thể làm ra hạt giống nhân tạo có cùng một cấu trúc hóa học như hạt giống tự nhiên; nhưng điểm khác biệt căn bản là hạt giống nhân tạo không mọc được. Lời cầu xin này do đó cho thấy sự lệ thuộc hoàn toàn của con người vào Thiên Chúa.
Nhưng điều ấy có mặt khác của nó. Muốn có lương thực, ta phải làm việc mà kiếm lấy nó. Nếu hạt giống của Chúa mọc được, thì con người phải cày sới đất lên, chuẩn bị đất đai ấy, săn sóc nó, bồi đắp nó. Ơn Chúa ban phải đi đối với lao nhọc con người. Con người càng lao nhọc, Thiên Chúa càng mở rộng bàn tay và đổ tràn ơn phúc của Người trên họ.
Kết Luận
Cầu xin Cha ban lương thực hàng ngày cùng một lúc nói lên sự tùy thuộc của ta vào Thiên Chúa, niềm tín thác của chúng ta vào Chúa, và thách thức đòi ta phải cố gắng và lao nhọc để đem ơn phúc của Chúa đến với chúng ta, và qua chúng ta, đến với anh em đồng loại của mình. Khi đọc lời cầu xin này, ta tín thác cầu xin Người cung ứng cho ta mọi nhu cầu thể lý và tâm linh ở trong đời, ta cam kết phục vụ anh em đồng loại, và sau cùng ta đoan hứa dùng hết tâm trí và thân xác làm mọi điều có thể làm được để Chúa mỗi ngày một ban nhiều ơn cho ta, giúp ta phong phú hóa đời mình và qua ta, ơn Chúa được chia sẻ với người khác.