THIÊN CHÚA NHÀ TRUYÊN THÔNG TUYỆT HẢO

Nói tới truyền thông ta thường hay nghĩ đến những thứ như, tivi, internet, báo chí, sách vở, film ảnh, in ấn,… nói chung là những phương tiện nhằm chuyển đạt ý tưởng hay có tính cách thông tin (inform) nào đó. Những thứ đó đúng ra là những dụng cụ truyền thông đại chúng (mass media), một phần tử của truyền thông. Từ truyền thông (communication) xem ra có vẻ hiện đại mới mẻ trên ngôn ngữ, nhưng ý niệm truyền thông thực ra không mới mẻ chút nào, mà còn là xưa như từ thủa con người xuất hiện trên mặt đất. Khi có sự tương tác (interaction) giữa hai người hoặc một nhóm người với nhau nhằm truyền đạt hay nhắn gởi một thông tin gì đó thì truyền thông xảy ra.

Truyền thông không nhất thiết giới hạn trong lãnh vực tương tác bằng ngôn ngữ, tức là khi người ta dùng ngôn ngữ để câu thông. Truyền thông có thể xảy ra dưới nhiều hình thức mà không cần dùng đến lời nói (non verbal communication), chẳng hạn như cử chỉ điệu bộ, cách ăn mặc, tín hiệu… một ánh mắt, một cách nhìn thôi nhiều khi có thể ‘truyền thông’ một sứ điệp mạnh mẽ hơn cả lời nói. Các nhà chuyên môn về truyền thông cho rằng hơn 70% truyền thông giữa con người xảy ra dưới dạng không dùng đến ngôn ngữ (non verbal).

Từ thủa xa xưa, khi chưa có chữ viết, cha ông chúng ta đã biết để lại trên những vách đá hoặc trên những bản mộc hoặc da thú những biểu tượng và ký hiệu nhằm chuyển đạt một thông tin gì đó cho thế hệ mai sau. Truyền thông rõ ràng là đa dạng và không mới mẻ chút nào.

Truyền thông nhiều khi đơn giản mà lắm lúc cũng phức tạp đưa đến sự thất bại trong quá trình chuyển tải thông tin. Nhiều khi có TRUYỀN mà không có THÔNG. Một thông tin được truyền đi, nhưng người nhận không nắm bắt được, vậy là truyền thông thất bại. Thất bại trong truyền thông có nhiều nguyên nhân, có thể là do bất đồng ngôn ngữ, nặng tai nghe không rõ, dụng cụ truyền thông bị hư, bất đồng ý thức hệ…. Nhưng nguyên nhân chính trong nhiều thất bại của truyền thông là sự thiếu hiểu biết và bén nhạy về giá trị văn hoá trong quá trình chuyển tải thông tin hay nhắn gởi một thông điệp nào đó. Sự thất bại của việc truyền bá tin mừng phúc âm vào lục địa Á châu trong lịch sử truyền giáo của Kitô giáo là một ví dụ điển hình đáng tiếc. Giáo hội rõ ràng có nhiều nỗ lực TRUYỀN bá tin mừng, nhưng tiếc rằng sứ điệp tin mừng đó đã không THÔNG. Có thể nói sự thiếu hiểu biết về giá trị văn hoá Á châu trong quá trình truyền giáo là nguyên nhân lớn đưa đến sự thất bại này.

Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết này, tôi xin trình bày vắn tắt khái niệm làm thế nào để việc truyền bá tin mừng phúc âm hiệu quả hơn trong bối cảnh văn hoá Á châu, trước hết là nhìn vào Thiên Chúa như là mẫu gương của truyền thông. Khi đã nhìn vào mẫu gương đó, để truyền thông có hiệu quả hơn, ta nhận ra rằng truyền thông phải có tính cách THAM DỰ (participatory) và NHẬP THỂ (Incarnate).

THIÊN CHÚA NHÀ TRUYỀN THÔNG TUYỆT VỜI

Ngay từ những hàng đầu của kinh thánh, Thiên Chúa đã bộc lộ tính cách của một Thiên Chúa truyền thông. Chúa nói: “Hãy có….”, và lời xuất phát từ miệng Thiên Chúa đã đem lại một hiệu quả nhất định, đó là sự hoàn tất của việc mà Lời được sai đi, “Và đã xảy ra như vậy” (Gen 1:7). Từ khởi thuỷ ta thấy rõ rằng Thiên Chúa đã truyền đi một sứ điệp tạo dựng và sự điệp tạo dựng đó đã hoàn tất ý định của Ngài. Khi tạo dựng con người, thánh kinh viết: Chúa nói: “Chúng ta hãy tạo dựng nên người giống hình ảnh của chúng ta” (Gen1:26). Chúng ta hãy (let us) và hình ảnh của chúng ta (our image) nói lên bản chất ngôi vị của Thiên Chúa (personal). Thiên Chúa không đơn độc mà là ngôi vị tương quan. Truyền thông dưới cái nhìn này rõ ràng mang tính ngôi vị tương quan chứ không đơn độc, đối thoại chứ không độc thoại. Ngày từ ban đầu, thiên Chúa đã bộc lộ bản chất truyền thông của Ngài.

Đặc tính truyền thông của Thiên Chúa với con người không dừng ở giai đoạn sáng thế mà còn tiếp diễn trong suốt dòng lịch sử nhân loại. Kể từ khi con người sa ngã đánh mất ơn nghĩa với Thiên Chúa vị tội lỗi, sự truyền thông của Ngài với con người không vì thế mà bị bế tắc, “Adam, người đang ở đâu?”. Tín hiệu truyền thông được gởi đi. Adam không còn đối diện nói chuyện với Thiên Chúa mà lánh mặt trốn đi. Truyền thông bế tắc. Thế nhưng Thiên Chúa không ngừng chủ động truyền thông ý định cứu chuộc con người. Có thể nói lịch sử ơn cứu độ của Thiên Chúa cho loài người là lịch sử của quá trình truyền thông cứu độ. Thiên Chúa không ngừng truyền thông ơn cứu độ qua giao ước với loài người, qua đại diện là các ông Noah (Gen 8), ông Moses, các ngôn sứ và cao điểm của truyền thông ơn cứu độ cho con người là giao ước Giêsu. Như vậy, chương trình cứu độ của Chúa khởi đi ngay từ con người lần đầu tiên sa ngã, và biến cố nhập thể Ngôi Lời là cao điểm có tính chất quyết định trong chương trình cứu độ của Ngài. “Thủa xưa Thiên Chúa nói với cha ông chúng ta bằng nhiều lần và nhiều cách qua các ngôn sứ, nhưng ở thời sau hết, Ngài đã nói với chúng ta qua Thánh Tử của Ngài…” (Heb 1:1). Như vậy trong đức Giêsu và qua Người, truyền thông cứu độ đã đạt đến cao điểm và có tính chất quyết định. Đức Giêsu vì thế có thể nói là hiện thân của sự truyền thông tuyệt diệu của Thiên Chúa với con người.

ĐỨC GIÊSU NHÀ TRUYỀN THÔNG TUYỆT HẢO

Văn kiện “Communio Et Progressio” hướng dẫn mục vụ về phương tiện truyền thông xã hội đã mô tả đức Giêsu như là một nhà truyền thông tuyệt hảo (perfect communicator): “Khi còn tại thế, đức Kitô đã tỏ là một người nhà truyền thông tuyệt hảo. Qua sự ‘nhập thể’, Ngài đã hoàn toàn đồng hoá mình mới những kẻ lãnh nhận truyền thông của ngài, và Ngài đã truyền đạt sứ điệp không những bằng lời nói mà còn bằng toàn bộ cách sống của ngài” (N.11, my own translation). Rõ ràng, đức Kitô trở nên nhà truyền thông qua việc nhập thể, để nói chuyện của Thiên Chúa với con người như những con người, bằng ngôn ngữ và văn hoá của con người cụ thể, và ngài đã truyên thông bằng cả lời nói (verb) cũng như bằng hành động (non verbal).

Thế nhưng, nếu đức Giêsu là nhà truyền thông tuyệt hảo thì tại sao sứ điệp của Ngài lại bị người ta nhất là các biệt phái Pharisees, các kinh sư, thượng tế và ngày cả một số môn đệ của ngài đã khước từ. Họ thường không hiểu, hoặc hiểu mà không chấp nhận. Các môn đệ vẫn thường xin ngài giải thích về các dụ ngôn vì họ không hiểu. Làm sao có thể xem đức Giêsu như là một nhà truyền thông tuyệt hảo khi mà rốt cuộc người ta đã khước từ ngài một cách bạo động? Cái chết của ngài trên thập giá chẳng phải là một bằng chứng hùng hồn về sự thất bại truyền thông của đức Giêsu?

Giải thích về điểm này, Robert J. Schreiter nói: “Đức Kitô có thể được xem là một nhà truyền thông trọn vẹn và tuyệt hảo ở chỗ là truyền thông của ngài có thể lĩnh hội được: Nó bao trùm cả tâm điểm và ngoài biên, phổ quát và cá biệt, cả văn hoá xưa cũng như nay…. Sự tuyệt hảo vì vậy không phải là tìm kiếm ở tính hiệu quả của hành động lời nói của Ngài (his speech acts), chất lượng của sự đáp lại của thính giả, hoặc sự tương ứng với môi trường. Tuyệt hảo ở đây có nghĩa là tính trọn vẹn và lĩnh hội được.”[1]

Tuy vậy ta cũng không thể bỏ qua sự khôn ngoan trong việc sử dụng ngôn ngữ truyền thông của đức Giêsu. Ngài sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh bình dân mà người nghe thấy quen tai và quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày mà họ có thể hiểu được. Nước trời giống như…hạt cải, mẻ cá đánh được, bột trong men, người chăn chiên, kho tàng trong ruộng, vườn nho… Truyền thông của ngài cũng mang tính đối thoại và lôi kéo người nghe vào cuộc (engaging). Ngài làm cho thính giả phải động não suy tư, bày tỏ ý kiến, tham gia vào cuộc đối thoại, chứ không phải là những con người thụ động lãnh nhận sứ điệp: Người ta bảo con người là ai? Còn các người các người thì nói ta là ai?..., cuộc đối thoại với người phụ nữ Samaria bên giếng nước là một ví dụ tuyệt vời (Jn 4:7-42). Ngài khôn khéo sử dụng việc xin nước uống từ một phụ nữ và cũng là một người ngoại, mời bà ta nhập cuộc đối thoại. Đó là một cuộc đối thoại mang tính cách bao gồm và cởi mở mà không tính loại trừ khép kín (exclusiveness).

Đức Kitô là cao điểm của truyền thông Thiên Chúa với con người. Tuy nhiên biến cố nhập thể không vì thế mà múc cạn ý nghĩa truyền thông của Thiên Chúa với thọ tạo. Như đã nói, Thiên Chúa ngày từ khởi đầu đã truyên thông với con người, từ sáng thế cho đến cánh chúng, Thiên Chúa sẽ không ngừng truyền thông với con người. Thiên Chúa qua con người nhập thể Giêsu đã biểu lộ tính cách của một nhà truyền thông tuyệt hảo. Tuyệt hảo ở đây không phải là một trạng thái đã được hoàn tất (state of completion), mà tuyệt hảo được hiểu theo ý nghĩa của kinh thánh Teleios là sự trọn vẹn. Đức Giêsu là cao điểm của sự truyền thông trọn vẹn đó. Chính trong ý nghĩa đó mà ta có thể nói đức Kitô là hiện thân của một Thiên Chúa nhà truyền thông tuyệt hảo. Nếu tin mừng cứu độ của Thiên Chúa được truyền thông cho loài người mang tính phổ quát và tiếp diễn, sự tuyệt vời trong sự truyền thông này chính là “Tin Mừng chính là đức Kitô, một sự đồng nhất giữa tin mừng và người đưa tin mừng, giữa lời nói việc làm và chính con người của Ngài” đều có một sự nhất quán. [2]

TRUYỀN THÔNG TIN MỪNG KÉM HIỆU QUẢ TẠI Á CHÂU.

Nếu Thiên Chúa qua đức Giêsu là một nhà truyền thông tuyệt hảo, tại sao tin mừng cứu độ phổ quát của Ngài hầu như không thành công ở Á châu, mà có thể nói gần như bi khước từ? Kitô giáo vốn xuất thân từ Tây Á, là người con sanh ra ở lục địa vốn cho ra đời nhiều tôn giáo lớn của nhân loại như Ấn giáo, Phật giáo, Nho giáo, Hồi Giáo… Người con này sau gần hai ngàn năm lưu lạc lớn lên ở phương trời Tây, giờ đây trở về như một người con xa lạ. Người về ở giữa dân người, mà dân người không còn nhìn ra người! Điều này làm tôi liên tưởng đến thế hệ trẻ việt kiều như một ví dụ điển hình. Nhiều em rời quê hương từ thủa nhỏ, lớn lên và trưởng thành ở phương trời tây, nói tiếng tây sành hơn tiếng mẹ đẻ, ăn hamburger uống coca cola. Có dịp về Vietnam, các em thấy xa lạ với chính quê hương mình. Nhưng coca cola và hamburger cũng không làm biến mất cái bề ngoài da vàng mũi tẹt tóc đen. Người ta dùng hình ảnh trái chuối để so sánh thế hệ này: Ngoài thì vàng, trong thì trắng.

Nguyên nhân của việc thiếu hiệu quả trong việc truyền bá tin mừng phúc âm vào Á châu chắc chắn có nhiều. Nhưng có một nguyên nhân quan trọng đưa đến sự kém hiệu quả trong việc Truyền mà không Thông tin mừng phúc âm đó là sự thiếu hiểu biết và bén nhạy về giá trị văn hoá người Á châu. Tôi không nghĩ lịch sử truyền bá tin mừng phúc âm vào lục địa Á châu là một sự thất bại, mà chỉ là kém hiệu quả. Con số người Kitô hữu ở Á châu khoảng 132 triệu người trong dân số 3,3 tỷ người ở lục địa Á châu, tức là khoảng 3,95. [3] Tuy là một con số khiêm nhường nhưng cũng không thể gọi là thất bại.

Nếu nhìn vào Thiên Chúa như là mẫu gương của truyền thông, ta có thể rút ra được bài học gì để ứng dụng vào công cuộc truyền bá tin mừng phúc âm cho dân tộc Á châu được hiệu quả hơn? Chắc chắn là sẽ có nhiều bài học và kinh nghiệm có thể rút ra từ lịch sử và lý thuyết về truyền thông, ở đây ta có thể nhìn vào hai khía cạnh của truyền thông rút ra từ những đặc tính truyền thông của Thiên Chúa, đấng được coi là nhà truyền thông tuyệt hảo. Từ những đặc tính đó, ta có thể đem ứng dụng vào công cuộc truyền bá tin mừng sao cho phù hợp và hiệu quả hơn trong bối cảnh văn hoá của Á châu. Đó là một nền truyền thông mang tính tham dự (participatory) và nhập thế (Incarnate).

TRUYỀN THÔNG THAM DỰ (Participatory Communication)

Thánh Augustine nói Thiên Chúa không cần đến con người khi tạo dựng con người, nhưng Ngài cần có sự hợp tác của con người để cứu độ con người. Tức là con người phải được tham gia, phải có tiếng nói trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa giành cho con người. Con người có sự lựa chọn. “Ta đặt trước mặt người sự sống và sự chết, phúc lành và nguyền rủa. Hãy chọn sự sống để người và con cháu ngươi được sống.” (Deut 30:19)

Tham dự ở đây là bao hàm ý niệm đối thoại (dialogue), lôi cuốn người vào cuộc (engaging) và đóng vai trò tích cực của một người tham dự. Đối tác đối thoại của ta không phải là mục tiêu để ta chinh phục mà là người đồng đẳng (equal) có thể ngồi xuống nói chuyện trong tinh thần cởi mở, tôn trọng và lắng nghe. Đức Giêsu đối thoại với người phụ nữ Samarita bên giếng nước là một hình ảnh tuyệt vời của đối thoại. Một truyền thông tham dự vào đời sống văn hoá của người địa phương, nhìn nhận ở văn hoá đó những khía cạnh tích cực và cũng mang chiều kích thiêng liêng trong văn hoá đó. Thần Khí Chúa hoạt động từ thủa ban sơ ở khắp mọi nơi, ngay cả trước khi tin mừng phúc âm được loan báo, trước cả biến cố nhập thể của Ngôi Lời. Ở đâu có sự hiện diện và hoạt động của Ngài thì ở đó là THÁNH, bởi vì những gì thuộc về Thiên Chúa đều là Thánh. Khi Moses gặp gỡ Chúa lần đầu tiên trong bụi gai, Chúa nói: “Hãy cởi giầy ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất Thánh.” (Exodus 3:5). Trong quá trình tham dự đối thoại, văn hoá của đối tác là ‘đất Thánh’ cần được tôn trọng và ta phải cởi giầy ra. Có người quan sát rằng chỉ có nhà thờ kitô giáo người ta mang cả giầy dép vào trong nhà thờ, trong khi đó tín đồ các tôn giáo khác như Ấn độ giáo, Phật giáo, Hồi giáo, thì cởi giầy dép ra trước khi vào nơi tôn nghiêm để tỏ lòng tôn kính đất thánh. Chẳng may trong quá trình truyền bá tin mừng, sau khi Kitô giáo đã tự đồng hoá mình với thế quyền thống trị, tinh thần đối thoại tham dự này đã bị đánh mất. Người đối tác chỉ là mục tiêu cần phải chinh phục. Tinh thần tôn trọng, cởi mở và lắng nghe không còn.

Có một lần tình cờ trong nhà thờ, tôi được nghe giáo dân đọc kinh, một thói quen nhiều nơi trước giờ thánh lễ. Tôi nghe mang máng kinh gì đó: “…ai mà chẳng thông công cùng hội thánh ấy thì chẳng được rỗi linh hồn, mà linh hồn là giống thiêng liêng chẳng hề mất được….” Những ý tưởng như vậy vừa sai lạc trên phương diện thần học vừa thiếu tôn trọng trên phương diện văn hoá đối với những người không thuộc về ‘hội thánh ấy’. Có lẽ đó là tư duy phát sinh từ não trạng “Ngoài giáo hội không có ơn cứu rỗi” (Extra Ecclesiam Nulla Salus). Cách đây hơn bốn chục năm giáo hội đã cởi mở thay đổi bằng một cái nhìn tích cực hơn với anh chị em không đồng tôn giáo với mình. Trong tuyên ngôn Thời Đại Chúng Ta, Công đồng Vatican II đã khuyến khích các tín hữu của mình không những hãy khám phá, nhìn nhận mà còn cổ võ thăng tiến cho những giá trị thiêng liêng ở các tôn giáo khác. [4] Tuy nhiên giáo hội cũng thận trọng khuyên các tín hữu của mình thận trong trong việc làm này qua con đường đối thoại.

Người Việt mình xưa nay hình như có não trạng vọng ngoại. Cái gì của ‘ngoại’ là tốt, cái gì ‘nội’ là không tốt. Đồ ngoại thì được chuộng hơn và coi là ‘xịn’, đồ nội là ‘lô’ không tốt. Cái gì đến từ bên ngoài thì cũng tốt hơn đồ nội địa. Duy có một thứ ngoại mà người công giáo mình không thích lắm là ‘dân ngoại’. Từ ‘dân ngoại’ này được hiểu là tất cả mọi người ngoài đạo công giáo. Từ dân ngoại này được dùng với hàm ý không được tích cực cho lắm. Gia đình công giáo mà có con cái lấy vợ/chồng ngoại là xấu hổ mang tiếng. Hồi xưa nghe đâu các tín hữu không được tham gia những tiệc cưới có người công giáo lấy người ngoại. Trong nhà thờ, đám cưới giữa một người công giáo và người ‘ngoại’ mà người công giáo Vietnam hay gọi là phép giao thì được làm một cách sơ sài trong góc phòng nào đó. Đây được xem như là một hình phạt và cũng là để khuyến cáo những ai dám nghĩ đến lấy ‘dân ngoại’.

Một đặc tính căn bản của truyền thông là giáo dục và nâng cao ý thức. Qua việc sử dụng phương tiện truyền thông, mời gọi giáo dân tích cực học hỏi và tham gia tìm hiểu những giá trị văn hoá và tôn giáo của người khác, ta nâng cao được tinh thần đối thoại với sự tôn trọng, cởi mở và lắng nghe nơi họ. Trong thế giới ngày nay biết bao là xung đột bạo động chỉ vì bất đồng quan điểm tôn giáo, phải chăng con người được giáo dục với tinh thần biết ngồi xuống đối thoại biết chấp nhận những dị biệt ở người khác thì thế giới giải quyết được bao nhiêu là vấn nạn. Một khi ta biết đối thoại và chấp nhận những dị biệt ở văn hoá và tôn giáo khác và xem đó như là một cơ hội thay vì là một mối đe doạ, ta không hề bị nghèo nàn đi, mà trái lại còn được phong phú thêm (enriching).

Truyền thông tham dự đối thoại là là hai chiều. Lắng nghe và phản hồi. Truyền thông giữa giáo dân và giáo hội hầu như chỉ có một chiều. Đa số là qua các bài giảng mà họ thụ động ngồi lắng nghe mỗi khi đi dự lễ. Mọi tin tức và thông tin đến với giáo dân chủ yếu qua bài giảng trong thánh Lễ. Một truyền thông như vậy xem ra còn quá hạn chế và chưa mang được tính cách tham dự tích cực. Việc đức Giêsu truyền thông tin mừng bằng cách lôi kéo người nghe (engaging) qua những câu hỏi, ngôn từ và hình ảnh quen thuộc để rồi họ có thể tham gia vào cuộc đối thoại một cách có ý nghĩa đáng làm cho ta suy nghĩ về cách thức truyền thông tin mừng của chúng ta trong thế giới hiện đại hôm nay sao cho hữu hiệu.

TRUYỀN THÔNG NHẬP THỂ (Incarnate Communication)

Đức Kitô là truyền thông nhập thể của Thiên Chúa cho nhân loại (Heb 1:1), Ngài là cao điểm của sự mặc khải của Thiên Chúa đấng không ngừng truyền thông với con người từ sáng thế. Truyền bá tin mừng cứu độ trong thế giới hôm này phải là một sự tham dự vào quá trình trình truyền thông tiếp diễn (ongoing communicating) này của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa không nhập thể trong một khoảng vô không (vacuum) nhưng trong lòng văn hoá của một dân tộc nhất định ở một thời điểm lịch sử nhất định. Môi trường văn hoá đóng vai trò thiết yếu trong sự nhập thể này. Thiên Chúa truyền thông tin mừng qua việc đối thoại, Ngài không áp đặt, trái lại Ngài mời gọi con người tham dự vào cuộc
thoại này.

Tuy nhiên, đối thoại trong sự tham dự cũng bao hàm một sự thách đố cho cả hai: văn hoá cũng như phúc âm. Văn hoá là sản phẩm do con người làm ra nên cũng có những hạn chế và bất toàn nhất định. Phúc âm tuy được linh ứng bởi Thần Khí, nhưng được viết trong một hoàn cảnh lịch sử cho một cộng đoàn tín hữu nhất định. Quá trình đối thoại tham dự giữa văn hoá và phúc âm không làm cho hai đối tác này nhỏ đi hoặc bị đe doạ, trái lại cả hai được trở nên phong phú hơn (enriching).

Khi nói về quá trình hội nhập của phúc âm vào lòng văn hoá, John Fullenbach cho rằng “phúc âm lãnh nhận từ văn hoá những gì đã được được phúc âm hoá và nhờ đó mà được trở nên phong phú. Thêm vào đó, phúc âm thách thức văn hoá ở những khía cạnh chưa được phúc âm hoá và văn hoá thách thức phúc âm ở những khía cạnh thuần tuý Tây phương, như vậy cả hai được thanh lọc và trở nên phổ quát. Như vậy, sự sinh động giữa văn hoá và phúc âm chính là mỗi đối tác điều được thách thức cũng như được làm cho phong phú thêm bởi đối tác kia.”[5]

Lâu lắm rồi, tôi tình cờ đọc được một ý tưởng của một thần học gia tin lành người Đại Hàn khi nói về làm sao tin mừng của Phúc âm có thể đi vào lòng văn hoá Á châu và mang lấy bản sắc của văn hoá Á châu chứ không phải một thứ tin mừng du nhập thuần tuý Tây phương. Mô hình xem ra khá đơn giản

• Đem Kitô giáo như đã được du nhập từ phương Tây, gạn lọc ra những giá trị Tây phương không phù hợp với văn hoá địa phương. Ta có được một đức Kitô nguyên thuỷ. (Western Christianity – Western values = Original Christ).

• Đem đức Kitô nguyên thuỷ này hội nhập vào mạch sống văn hoá người Á châu (contextualisation), với những giá trị văn hoá Á châu, ta có một Kitô giáo nhập thể trong lòng dân tộc Á châu. (Original Christ + Asian Values = Asian Christianity)

Nhập thể khi nào cũng mang tính siêu việt (transcendent), là vượt lên trên chính mình. Thiên Chúa nhập vào “vũng lầy của chúng ta” không phải để rồi chỉ biết ngụp lặn trong vũng lầy con người, mà là để nâng con người lên. Con người có thể vượt lên chính mình bằng sức mạnh của tin mừng cứu độ.

KẾT LUẬN:

Thay vì nhìn truyền thông với sự sợ hải và những hệ luỵ xã hội, ta cần khôn khéo nhìn ra tầm quan trọng và khía cạnh không thể thiếu được của truyền thông trong xã hội con người ngày nay, nhất là trong lãnh vực truyền bá tin mừng. Đức Phaolô VI nói: “Giáo hội phải bước vào đối thoại với thế giới mà Giáo hội đang sống trong đó. Giáo hội phải trở nên LỜI; Giáo hội phải trở nên SỨ ĐIỆP; Giáo hội phải trở nên truyền thông.” [6] Cũng chính vị Giáo Hoàng này mạnh mẽ tuyên bố “Giáo hội sẽ cảm thấy mặc cảm tội lỗi trước mặt Thiên Chúa nếu Giáo hội không biết sử dụng phương tiện truyền thông để truyền giáo.” [7]

Thiên Chúa là mẫu gương tuyệt với về một truyền thông hiệu quả. Ngài không ngừng bước vào cuộc đối thoại với loài người, Ngài mời gọi họ tham dự vào cuộc đối thoại, nhưng chính Ngài cũng nhập thể trở thành Lời và cũng là Sứ điệp của cuộc đối thoại này. Đó là sự nhập thể của Thiên Chúa truyền thông.

Một trong những trở ngại ngăn cản truyền thông được hiệu quả là sự thiếu bén nhạy với môi trường và giá trị văn hoá. Văn hoá thường là một trở ngại chính của truyền thông hiệu quả. Trong cuộc đối thoại giữa văn hoá và tin mừng, ta có thể ví văn hoá như một tấm gương (mirror) mà ta cần soi vào và để nhìn ra căn tính mình là ai. Mình phải mọc rễ và nhận biết mình là ai trong cuộc đối thoại này, như vậy ta mới có thể đóng góp làm phong phú hơn nữa cho tin mừng. Tin mừng có thể ví như là một cửa sổ (window) qua đó ta có thể phóng tầm nhìn về một thế giới lớn hơn nữa. Thế giới đó của tin mừng có khả năng thách thức và hoán đổi văn hoá môi trường, mời gọi ta đáp lại, vượt lên chính mình, để ta có thể trở nên trọn vẹn như Cha trên trời là đấng trọn vẹn.

Chú thích:
[1] Emmuanuel, Dominic, Challenges of Christian Communication and Broadcasting, London: Macmillan Press, 1999 (p.66).
[2] Xem Redemptoris Missio, n.13.
[3] Xem Nguyễn Thái Hợp, Đường Vào Thần Học Tôn Giáo, Dấn Thân, Houston, 2004 (p.97-8)
[4] Xem Nostra Aetate, N.2
[5] Fullenbach, J. Church: Community for Kingdom, New York: Orbis Book, 2002.
[6] Xem Paul VI, Ecclesiam Suam.
[7] Paul VI, Apostolic Exhortation Evangelii Nuntiandi, n. 45.