Niềm tin Việt Nam: Tam giáo đại đồng

Niềm tin Việt Nam minh họa trong dạng truyện ngắn về những đời sống niềm tin của người Việt Nam, không phải trong quá khứ, cũng không phải trong tương lai, nhưng ngay trong ngày hôm nay và ngay bây giờ. Đọc Niềm tin Việt Nam, có thể bạn sẽ nhận ra những nhân vật xuất hiện trong Niềm tin Việt Nam chính là bạn, hoặc những người thân trong gia đình, hoặc những người hàng xóm, hoặc những người tín hữu trong xứ đạo của chính bạn.
Phố cổ Giêrusalem, Ảnh Nguyễn Trung Tây


Bác và em đang đi hành hương bên đất thánh. Gặp em (đi tu), bác than thở,

— Cái phố Giêrusalem mới đến là lạ nhỉ. Đường xá bé tí ti như cái lỗ mũi. Đi tới đi lui mới được có dăm phút lại đã đụng tường thành cạn đường xá. Thế mà không hiểu người ở đâu ra mà cứ nườm nượp lên cả với nhau. Thì đấy, chiều hôm qua ngắm đàng thánh giá, được mấy ngắm đầu là còn cầm lòng cầm trí, mấy ngắm về sau là cái đầu nó cứ toang toác cả ra. Ai đời cụ thì vác thánh giá gỗ đi đằng trước, mình đi sát ngay theo sau, tay lần hạt, thế mà có mấy cái người tây đầu vấn khăn cứ sấn sổ lấn tới. Nhìn chẳng ra đâu vào với đâu. Giá mà ở bên làng ta, là tôi mắng cho mấy mắng.

— Hên cho bác đấy, bác mà sẩy miệng một cái thì lại sinh ra lắm giống tội rồi. Mấy cái người tây vấn khăn đó là người Hồi Giáo đấy.

— Chết chửa! Nào có biết chi đâu.

— Thì đã hẳn. Nhưng mà em cũng phải công nhận với bác, ngắm đàng thánh giá bữa hôm qua đến là chia trí. Mà cũng khó trách, bởi đường xá thì bé tí ti, nhưng thiên hạ cứ nườm nượp người như gặp phải bữa chợ phiên. Nào là người Hồi Giáo nè, người Chính Thống nhé, người Do Thái nè, rồi lại còn lính tráng đeo súng lủng lẳng bả vai đứng khắp các ngõ, em hãi quá. Chẳng còn lòng dạ đâu nữa mà đi cho giọn một chặng đàng thánh giá.

— Đấy… Ông thấy chưa, ông cũng thế chứ nào đâu phải tôi nói ngoa. Mà cái phố cổ Giêrusalem cũng lạ lùng lắm cơ. Mình mới đi được đâu khoảng non một đoạn đường thì đã lại thấy người ta mặc áo vấn khăn nom khác hẳn ra rồi. Cứ làm như mình đi lạc qua đường biên giới vào nước khác…

— Khổ quá! Bác dạo này đãng trí quá. Cụ đã nói hẳn hoi từ cái hôm mình mới tới phố cổ Giêrusalem được phân chia ra làm bốn khu vực hẳn hoi, khu người Hồi, khu người Do Thái, khu người Kitô, rồi là khu tín hữu Armenian. Mà bác nom thấy rồi đấy, cái phố thì bé tí ti như cái mắt muỗi. Hỏi sao mà không đi một bước là lại lạc sang một khu khác ngay.

— Ừ nhỉ, ông nhắc mới nhớ. À, mà này, có chuyện này tính hỏi ông mấy bận nhưng lại cứ quên bẵng đi. Chẳng hiểu tại sao sáng nào cũng vậy, cứ khoảng tầm gà gáy bên ta là cái tháp canh sát ngay bên nhà ồn ào inh ỏi cả lên.

— Cái tháp canh nào? Đền thờ Hồi Giáo đấy. Khoảng tầm 5 giờ sáng sớm tinh mơ là họ đọc kinh. Rồi kinh sáng, kinh trưa, kinh chiều, kinh tối. Ngày đủ năm kinh.

— Chết chửa! Nào có biết chi đâu. (Ngẫm nghĩ) Nếu vậy, cái người đạo Hồi cũng đến là siêng năng kinh sách nhỉ.

— Đã hẳn là như thế. Mà họ cũng giống như bên làng ta vậy thôi. Sáng 5 giờ sáng tinh mơ là bác giật chuông kính coong gọi người đi lễ sáng. Bác với cái ông đạo Hồi đọc kinh sáng sớm làm cùng một nghề đấy. Đến mà bắt tay chào đồng nghiệp. Mà không khéo bác lại còn thua người ta đấy. Bác chỉ giật ngày có hai lần chuông sáng chiều. Còn ông ấy ngày xướng kinh năm lần đủ cả năm.

— À, bây giờ mới vỡ nhẽ ra. Còn cách nhà mình mấy bước, tôi thấy có cái đền tráng xi-măng mái vòm cong cong, nhìn cũng hoàng tráng lắm. Có lần hỏi cụ, cụ nói cái tên chi đó, tự nhiên lại quên rồi.

— Hội đường Do Thái, bác nhớ chửa?

— Ừ, phải rồi, Hội đường Do Thái. Hèn chi nhìn ngôi đền nguy nga quá. Bữa mới tới, tôi đến là ngớ ngẩn. Nhìn Hội đường Do Thái mà lại cứ tưởng nhà thờ. Cứ sấn sổ bước vào, tính đọc vài câu kinh. Nhưng nhìn quanh lại chẳng thấy tượng chịu nạn đâu sất.

— Đến là khéo nhé. Bước vô Hội Đường Do Thái mà lại đi kiếm tượng chịu nạn…

— Vậy thì mới có chuyện để mà nói.

— Từ bữa đó tới nay, bác đã có dịp tới nhà thờ Chúa Sống Lại xem một ván lễ chửa?

— Sao mà lại không? Tới đất thánh là chỉ để đi xem lễ với cầu nguyện mà thôi. Nhà thờ Chúa Sống Lại thì làm sao mà lại thiếu mặt tôi được. Nhưng ở cái nhà thờ đó cũng có nhiều cái nom đến là lạ. Tôi nhớ đâu tầm chiều hôm đó, cụ vừa mới làm lễ ở nhà nguyện Ngôi Mộ Đá xong. Từ trong nhà nguyện bước ra, tôi đã nhìn thấy giáo dân tây với ông cha ngoại quốc đứng chờ sẵn ngay bên ngoài rồi. Mà lạ lắm. Cái ông cha tây này râu dài tới rốn, lại còn đội cái mũ to tướng trên đầu. Nói xin phép, nhìn chẳng ra đâu vào với đâu. Ai đời ở trong nhà Chúa, mà lại ngay chỗ Chúa sống dậy, thế mà cứ mũ nón đội xùm sụp trên đầu. Nom đến là lạ. Mà nếu phải là giáo dân thì mình không nói, đây lại là ông cha!

— Sao bác biết cái ông tây râu dài tới rốn đội mũ là ông cha?

— Làm sao mà lòe được mắt tôi! Ông ấy mặt áo chùng thâm hẳn hoi. Tay lại cầm cuốn Kinh Thánh với cuốn sách Lễ. Tôi nom thấy rõ ràng mà.

— Bác ơi, cái ông cha tây đó không phải ông cha Công Giáo đâu. Ông ấy là linh mục phái Chính Thống đấy. Bác có nhớ cái hôm mà em với bác dẫn nhau đi uống càfe, rồi mãi vui chuyện lạc qua khu Giáo hội Armenian lúc nào chẳng hay? Trên đường đi lạc, bác với em cũng lại đụng mặt với mấy ông cha tây Armenian lận. Đó, phái Chính Thống cũng giống như phái Armenian vậy. Họ cũng tin vào Chúa Giêsu y như Công Giáo mình vậy thôi.

— Càng nghĩ lại càng thấy lạ nhỉ. Có cái phố bé tí ti như vậy mà lại có tới bốn năm giáo phái hẳn hoi.

— Vậy mới hay chứ. Bốn năm tôn giáo cùng chung sống một khu phố cổ, cùng cử hành những nghi thức tôn giáo riêng biệt. Bác có nom thấy không? Hôm nay thứ Sáu, ngày Lễ của người Hồi Giáo, tự nhiên nguyên cả một khu phố Hồi Giáo chợ búa vắng tanh. Vừa xong ngày thứ Sáu, lại tới ngày thứ Bẩy là ngày Sabát của người Do Thái. Cả một dãy phố Do Thái đóng cửa. Sang tới sáng Chúa Nhật, nhà thờ khắp nơi trong khu phố đổ chuông kính coong. Nhìn đến là tam giáo đại đồng.

Suy Niệm
Từ tổ phụ Abraham, sinh ra ba tôn giáo, ba cuốn Kinh Thánh, và một Niềm Tin.

Tôn Giáo
— Do Thái giáo

— Ki Tô giáo, và

— Hồi giáo

Kinh Thánh
Do Thái giáo có Kinh Thánh: Do Thái Kinh (Cựu Ước).

Ki Tô giáo có Kinh Thánh: Cựu Ước (Do Thái Kinh) và Tân Ước.

Hồi giáo có Kinh Thánh: Kinh Koran.

Niềm Tin
Người Do Thái giáo tin vào một Giavê Thiên Chúa, và mặc khải của Ngài qua Ngôn Sứ Môisen và Torah (Ngũ Kinh).

Người Ki Tô giáo tin vào Giavê Thiên Chúa và mặc khải của Ngài qua Chúa Giêsu Kitô và Kinh Thánh (Cựu Ước và Tân Ước).

Người Hồi giáo tin vào Giavê Thiên Chúa (Allah) và mặc khải của Ngài qua Ngôn Sứ Mahomed và Kinh Koran.

Ba tôn giáo cùng có một Niềm Tin, tin vào một Giavê Thiên Chúa, Đấng dựng nên trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Ba tôn giáo cùng nhận Abraham là tổ phụ của niềm tin.

www.nguyentrungtay.com